
Xuất phát từ Vĩnh Điện, xe chúng tôi chạy theo con đường quốc lộ 1A chừng 50km để đến thành phố Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam; qua khỏi đường Phan Chu Trinh rẽ theo hướng trái và đi thêm 10km theo con đường nhựa mới được đắp cao khỏi mặt ruộng trước đây, băng qua hai cây cầu nữa, chúng tôi dừng lại ở bãi biển Tam Thanh.
Một bãi cát dài thoai thoải, lội bộ ra khoảng hơn 100 m, nước vẫn ở dưới đầu gối, những con thuyền chài lênh đênh, những chiếc thúng chài của ngư dân ngủ trưa trên bờ cát… Giữa trưa nắng chang mà con trai mình cứ nằng nặc đòi cởi áo ra tắm biển, thôi thì dỗ ngon dỗ ngọt mua cho nó cây kem để có chút tuổi thơ về những lần được ba mẹ dẫn đi chơi.

– Có kem loại gì vậy chú ơi?
– Kem ốc quế, đủ hương, socola, khoai môn, vani, dừa, sữa… Con lấy kem đủ loại nghe!
– Dạ, chú cho con hai cây dâu và hai cây đủ loại.
– Cô chú đi du lịch à, vậy xuống dưới làng bích họa chưa?
– Dạ chưa chú, chút chú chỉ đường giùm. Hình như làng đẹp lắm phải không chú?
– Ừ đẹp lắm nhưng cũng chỉ là phục vụ cho khách du lịch thôi, chứ dân địa phương như tôi đây thì cũng chẳng ích chi.
– Ủa, sao chú nói vậy.
– Thì lát con xuống dưới coi rồi rõ chứ giờ chú nói ra cũng phỏng được chi.

Ðang mường tượng cảnh tuổi thơ dội về với giấc mơ đi biển, được xây lâu đài cát, được người lớn mua cho cây kem, được ai cho quả bóng bay hay là trò chơi ú òa núp mặt vào cát, hay chia phe ra để kéo co tập thể, tự dưng tôi lại có cái cảm giác xa lạ với biển khi con trai nhỏ của mình không chịu đi dạo, hỏi ra nó bảo biển độc, biển cá chết, có vẻ như vì tụi nó hay lang thang theo vợ chồng tôi đi đến nhiều vùng đất mà vốn dĩ chẳng có nơi nào yên bình nên có lẽ (lại có lẽ!) nó sợ, một nỗi sợ mà giờ đây, tôi có linh cảm ngay nơi lời nói của chú bán kem.
Linh cảm dẫn tôi men trở lại đường chính và rẽ phải thêm khoảng một cây số nữa để tìm đến làng bích họa.

Ðiểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là ‘con mắt Tam Thanh’. Một công trình được xây dựng trên doi cát hướng ra biển. Nơi đây được ghi chú là con mắt Tam Thanh vì leo lên đó có thể nhìn thấy cảnh biển yên ả sóng, phía sau là cảnh những vuông nuôi tôm của người dân.
Tiếc là tôi chỉ dám trèo lên tầng thứ nhất của “công trình”, bởi lẽ không có cảnh báo về sức chịu lực tối đa của bó tre này. Thôi thì xuống lại, ghé quán nước dã chiến ngay chân ‘con mắt’ để nghe người địa phương nói chuyện cây xương rồng.
– Thì hôm trước bà Bảy với ông Sành giành nhau cây xương rồng đó. Thoạt đầu tôi cũng thấy lạ, tưởng là cây xương rồng đó có bông hay là dòng 3 khến (múi) có thể chữa bệnh hay là cây ra trái hay sao mà giành.
– Vậy kết quả sao anh, có bông, trái gì không?

– Thì có bông trái gì đâu, ra là ngày xưa cha mẹ để lại miếng đất rồi hai người tách đất ra làm nhà riêng để ở. Sau này mấy đứa nhỏ nó trồng cây xương rồng, cái loại để trừ phong long đó. Nhà này đi tránh một chút, nhà khác tránh một chút, vì sợ phong long và sợ nó cào xước thì làm mủ, nói chung họ vui vẻ với nhau thôi. Ai dè đợt này đất lên giá, giờ bà Bảy bả nói là cháu bả trồng trên đất bả, ông Sành thì nói là cháu ổng trồng trên đất ổng, giành qua giành lại giờ cây xương rồng ra rìa luôn rồi, hai ông bà mua luôn sắt B40 về chia rào ra luôn, không qua về gì nữa.
– Ờ, ra là đất ở đây cao giá rồi à, kiểu này phát triển tốt hỉ. Tiếc quá, hồi xưa biết vậy tôi cũng mua vài lô. – Một ông cán bộ văn hóa huyện khác dẫn đoàn về thăm Tam Thanh nói chen vào.
– Tốt là tốt kiểu gì chứ bác, trước đây người ta có sống với nhau thế đâu, tự dưng lại thế này, từ ngày du lịch phát triển mới vậy thôi chứ trước đây đâu có thế. – Một phụ nữ địa phương đang uống nước tham gia vào câu chuyện.
– Thế ý chị là thế nào, là du lịch phát triển không mang lại kết quả à, hay là du lịch không nên phát triển để mang lại giá đất cao cho nơi này? – Vẫn ông cán bộ lúc nãy.

– Thì như tôi đây nghĩ là thà đừng có phát triển du lịch hoặc phát triển theo cách nào chứ du lịch kiểu này thì chúng tôi đâu có lợi lộc gì đâu. Như chị này ngồi bán nước ở đây này, cũng gọi là bán chui thôi, mặc dù nhà chị ấy ở ngay bên kia đường. Bởi lẽ đây là khu vực chưa được phân lô, sắp tới sẽ phân lô kinh doanh bên bờ biển, đấu được giá mới được bán, mà thử hỏi dân nghèo như chúng tôi lấy đâu ra tiền mà đấu, rồi thì lại người nhà quan chức các ông hoặc là dân giàu xứ khác tới kinh doanh, xây dựng, rồi người địa phương chúng tôi cũng chỉ làm công làm mướn cả đời thôi.
– Ừ, chị nói đúng, tôi cũng thấy vậy. Có chăng là giờ đất cao giá chút, mà bán rồi thì đi đâu sống, giờ sống đây bám biển mà sống, nếu bán mà đi, đâu biết làm gì, chưa kể chưa bán là anh em, con cái tranh giành, có mỗi thấy loạn.
– Tôi thấy trước nhất phải tạo cơ hội cho người dân địa phương đầu tiên, bởi họ là người lâu nay giữ và tạo ra cái Tam Thanh này. Giờ đưa du lịch đến, đẩy họ đi, mà cái quy hoạch phân lô rồi sẽ phá nát Tam Thanh cho mà xem. Thử nghĩ bãi biển người ta đẹp vậy, mai mốt sẽ biến thành những cái lô cốt kinh doanh đủ thứ, chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn nhậu, rồi rác rưới… Mà sao mấy bác bên chính quyền không thử nghĩ đến việc để người dân ở đây tự kinh doanh, nhưng ra những quy định về giờ giấc, số lượng bàn ghế, loại hàng được bán, rồi cung cách phục vụ cho người dân, như thế họ sẽ tranh thủ được để kiếm thêm đồng thu nhập.
– Thì đó, được thế thì đỡ lắm, chứ giờ như nhà tôi đi lưới cũng không được bao nhiêu đồng, cá gần bờ hầu như chẳng còn, không thể đi sáng sớm hoặc chiều hôm trước rồi sáng mai về đi chợ sớm được, nhiều lúc đi cả đêm được chưa tới 10 kg cá, sống làm sao nổi. Giờ thấy du khách họ về nhiều, mình cũng mừng lắm chứ, mong có cơ hội việc làm mới. Rõ ràng người ta bỏ ra hơn cả tỷ đồng để đầu tư con đường thúng với lu vẽ này chứ ít gì đâu. Nhưng cái đà này tôi sợ trước sau gì nếu được cũng chỉ là đi làm thuê cho người ta thôi.
Giữa trưa nắng, bên những chiếc lu cũ trước đây người ta dùng để làm nước mắm, giờ được mang ra để vẽ lên những hình ảnh pha đầy màu sắc cùng với những chiếc thuyền thúng, một nhóm bạn trẻ được một thanh niên nhắc lấy túi vải ra khỏi miệng lu, vì lỡ bị dính mùi. Tôi rủ ông xã lang thang tiếp vào làng bích họa, nơi có những bức tường nhà của người địa phương với những bức tranh trước đây được một đoàn bạn trẻ Hàn Quốc đến vẽ. Thêm một cụm thúng vẽ nữa được bài trí bên đường đi, dường như đây chính là toàn bộ công trình mà người ta gọi là con đường thuyền thúng dài nhất Việt Nam.

Chúng tôi quyết định quay xe về lại nhà khi được một người chủ quán nước khuyên rằng nên ra lại đường lộ, ghé đến nhà hàng để dùng cơm trưa, chứ ở Tam Thanh này, khó có gì ăn được lắm (vì giá đắt làm không ngon, thiếu vệ sinh…).
Cũng may, rời khỏi Tam Thanh khoảng 2km, chúng tôi thấy một con đường mới, nối liền Tam Thanh và cầu Cửa Ðại (cây cầu được khởi công từ năm 2009 và khánh thành năm 2016, bắc qua sông Thu Bồn, nối thành phố Hội An với huyện Duy Xuyên, trên đường ven biển tỉnh Quảng Nam) với khoảng cách 35 km. Rõ đúng là làm chúng tôi lấy lại tinh thần, bởi vừa khám phá thêm được một con đường mới, lại vừa tránh xa được đường quốc lộ ồn ào, khoảng cách lại gần hơn khi từ Cầu Cửa Ðại về nhà tôi chỉ khoảng hơn 15km.
Một con đường với những hồ nước tự nhiên, những rừng keo lá tràm chưa đầy năm tuổi vừa được trồng lên, thỉnh thoảng, xuất hiện một vài căn nhà nhỏ đã bị đập nát… Và, một công trình xây dựng rộng vài hecta xuất hiện, thấy bảng người ta ghi là khu nghỉ mát cao cấp gì đó với phần đất đối diện đã được làm sạch, san bằng, mơ hồ hình thành nên một sân golf. Không biết khi đứng ở tầng cao nhất của ‘con mắt Tam Thanh’ người Tam Thanh có nhìn thấy nó không và họ vui hay lo vì điều này!?
UC