Menu Close

Tuyên bố phản đối bản án dành cho bà Trần Thị Nga của các tổ chức xã hội dân sự

(ảnh Báo ND)
(ảnh Báo ND)

Vào ngày 25-7-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã xét xử vội vã trong một ngày và tuyên bản án nặng nề 9 năm tù giam 5 năm quản chế đối với bà Trần Thị Nga.

CHÚNG TÔI NHẬN ĐỊNH như sau:

  1. Phiên tòa tuy mang danh nghĩa công khai nhưng lại cấm đoán cả những người thân của bà Trần Thị Nga được vào tham dự; bên ngoài trụ sở tòa án nhiều người dân đến ủng hộ bà Trần Thị Nga đã bị lực lượng an ninh ngăn cản, trấn áp và đánh đập;
  2. Bản án đã được cơ quan an ninh quyết định từ trước ngày xét xử và không phải là kết quả của một tiến trình tố tụng hợp lệ và hợp pháp theo luật định; hội đồng xét xử chỉ đóng vai con rối trong vở kịch đã được dàn dựng trước một cách khôi hài và lố bịch;
  3. Các chứng cứ dùng để buộc tội bà Trần Thị Nga rất mơ hồ và được xác lập chủ yếu dựa vào sự suy diễn và quy chụp chủ quan của cơ quan an ninh, và có thể dùng để buộc tội bất kỳ công dân nào, không riêng bà Trần Thị Nga; và
  4. Bản án 9 năm tù giam 5 năm quản chế dành cho bà Trần Thị Nga là sự nhạo báng công lý, khiến cho toàn dân phẫn nộ và xem thường hệ thống tư pháp vận hành theo sự lãnh đạo thô bạo của đảng cầm quyền.

VÌ NHỮNG LẼ NÊU TRÊN, CHÚNG TÔI, CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỒNG LÒNG, TUYÊN BỐ như sau:

Thứ nhất, bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam đối với bà Trần Thị Nga.

Thứ hai, bà Trần Thị Nga được hưởng quyền tự do ngôn luận và quyền bình đẳng trước pháp luật. Việc phát biểu ôn hòa về các vấn nạn của đất nước và xã hội Việt Nam, dù trái với quan điểm và chính sách của nhà cầm quyền, dứt khoát không thể bị xem là hành vi phạm tội theo luật pháp hiện hành.

Thứ ba, lên tiếng về các vấn nạn của đất nước và xã hội Việt Nam là trách nhiệm của toàn dân, phù hợp Hiến pháp và pháp luật; chỉ những ai ngăn cản công dân thực hiện quyền và trách nhiệm đó mới là kẻ phạm pháp và cần phải bị trừng trị theo pháp luật.

Thứ tư, bản án 9 năm tù giam 5 năm quản chế dành cho bà Trần Thị Nga được tuyên hoàn toàn trái pháp luật và, do đó, vô giá trị.

Thứ năm, nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trần Thị Nga.

Lập tại Việt Nam, ngày 27 tháng 7 năm 2017

Các Tổ chức Xã hội Dân sự

  1. Hội Cựu Tù nhân Lương tâm VN: Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi
  2. Hội Người Dân đòi Quyền Sống: Hồ Thị Bích Khương
  3. Người Bảo vệ Nhân quyền: Vũ Quốc Ngữ
  4. Qũy Tù Nhân Lương Tâm: Phùng Mai
  5. Mạng lưới Nhân quyền VN: Nguyễn Bá Tùng
  6. Tăng Đoàn Giáo Hội PGVNTN: HT. Thích Không Tánh
  7. Hội thánh Tin lành Mennonite Cộng Đồng: MS. Nguyễn Mạnh Hùng
  8. Thanh Niên Canada Tranh Đấu Cho Nhân Quyền Viet Nam: Nguyễn Khuê Tú
  9. Phòng công lý & Hòa bình DCCT Sài Gòn: Lm. Lê Ngọc Thanh.
  10. Hội Anh em Dân chủ: Nguyễn Trung Tôn
  11. Hội Phụ nữ Nhân quyền: Huỳnh Thục Vy
  12. Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập: Vũ Quốc Ngữ
  13. Báo điện tử Tiếng Dân Việt Media: nhà báo Trần Quang Thành
  14. Hội Bầu bí Tương thân: Nguyễn Lê Hùng
  15. Mạng Lưới Blogger Việt Nam: Phạm Thanh Nghiên
  16. Giáo Hội Liên Hữu LuTheran VN-HK: MS Nguyễn Hoàng Hoa
  17. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập: Nhà văn Nguyên Ngọc
  18. Hội Sinh Viên Nhân Quyền Việt Nam: Bs. Nguyễn Đan Quế
  19. Bạch Đằng Giang Foundation: Ths. Phạm Bá Hải.
  20. Tập hợp Quốc dân Việt: Hiệp nhất nối kết, Lm. Nguyễn Văn Lý
  21. Hội Nhà báo Độc lập: Ts. Phạm Chí Dũng

Cá nhân

  1. Ls. Lê Quốc Quân, Hà Nội
  2. Hoàng Dũng, PGSTS, TPHCM
  3. Bùi Quang Vơm, Kỹ sư, Pháp.
  4. Nguyễn Cường, Tiệp Khắc
  5. Trần Tiến Đức, nhà báo độc lập, đạo diễn phim tài liệu và truyền hình, Hà nội
  6. Nguyễn Tường Thụy, nhà báo độc lập, Hà Nội
  7. Phạm Thị Lân, Thanh Trì, Hà Nội
  8. Phạm Toàn, nhà giáo dục, Hà Nội
  9. Đặng Hữu Nam, Linh mục giáo phận Vinh
  10. Bùi Minh Quốc, nhà báo, Đà Lạt
  11. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
  12. Hoàng Hưng, nhà thơ-dịch giả, Sài Gòn
  13. Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, tạm trú Hoa Kỳ
  14. Phạm Đình Trọng, nhà văn, Sài Gòn.

Tuyên bố của Đặc ủy Nhân quyền Bärbel Kofler về việc kết án 9 năm tù đối với nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga

Về bản án dành cho nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam Trần Thị Nga, hôm qua ngày 27.7, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Bärbel Kofler, đã tuyên bố như sau:

‘‘Tôi thấy bàng hoàng trước việc bà Trần Thị Nga bị một tòa án tại Việt Nam tuyên phạt mức án rất nặng là 9 năm tù giam. Bà Nga đã sử dụng các biện pháp ôn hòa để đấu tranh chống tham nhũng và sự tùy tiện cũng như tranh đấu cho dân oan, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường. Sự cống hiến của bà đã được tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên dương nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

Cũng như trong trường hợp của blogger nổi tiếng người Việt Nam ‘‘Mẹ Nấm“, người bị kết án mười năm tù giam vì sự dấn thân cho nhân quyền cách đây chưa đầy một tháng, bản án này cũng đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền mà Việt Nam đã công nhận cũng như vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia. Ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng bảo vệ sự tự do biểu đạt và tự do báo chí.

Bản án không hợp lý cũng đi ngược lại các cải cách trong lĩnh vực nhà nước pháp quyền của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, qua việc này Việt Nam còn mạo hiểm với danh tiếng của mình là một quốc gia định hướng cải cách và hiện đại hóa.

Tôi xin chia sẻ với gia đình bà Nga, vì bản án này đối với họ là một điều bất hạnh lớn.“

Thông tin chi tiết:

Nhà hoạt động Trần Thị Nga, sinh ngày 28/04/1977 tại tỉnh Hà Nam, là một bà mẹ có bốn con (trong đó hai con mới bốn và bảy tuổi).

Vì sự dấn thân của mình mà bà Nga đã nhiều lần là nạn nhân của các cuộc hành hung của lực lượng an ninh. Bà bị bắt giam từ tháng 1 năm 2017 (khoảng 3 tháng sau khi blogger và nhà hoạt động nổi tiếng ‘‘Mẹ Nấm“ bị bắt). Trong phiên xét xử ngày 25/7 – với thời gian dự kiến ban đầu là 2 ngày – bà Nga đã bị tuyên phạt 9 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội ‘‘Tuyên truyền chống nhà nước“. Chồng và người thân của bà đã không được phép tham dự phiên tòa.

Nguồn: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội


Tuyên bố của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius về việc kết án Trần Thị Nga

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2017 – Tôi quan ngại sâu sắc về việc một tòa án của Việt Nam đã kết án nhà hoạt động ôn hòa Trần Thị Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với sự buộc tội mơ hồ về “tuyên truyền chống nhà nước”.

Tất cả mọi người có quyền tự do cơ bản về biểu đạt, lập hội và tụ họp ôn hòa. Chúng tôi đã chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và những bản án hà khắc đối với những nhà hoạt động ôn hòa kể từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Trần Thị Nga và tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.

Chúng tôi cũng thúc giục chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các hành động và đạo luật của họ, trong đó có Bộ luật Hình sự, nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp của Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội


Bản lên tiếng của Phát Ngôn Nhân cho Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Chúng tôi quan ngại về việc gia tăng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, những người chất vấn hay phê bình chính quyền và chính sách.

Hôm thứ ba, bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động được biết đến nhiều, đã bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế vì cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” do đã đăng các lời bình trên mạng. Chúng tôi rất quan ngại về mức độ nặng nề của bản án và tiến trình tại buổi xử, trông không có vẻ gì đúng với tiêu chuẩn xét xử đúng đáng. Theo Điều khoản 88 của bộ Luật Hình Sự, bà Trần Thị Nga đã bị giữ không cho liên lạc với ai suốt 6 tháng, từ khi bị bắt vào tháng 1 đến vài ngày trước buổi xử án. Bà Trần Thị Nga không được cho phép đủ thời giờ để chuẩn bị cho việc bào chữa. Buổi xử diễn ra chỉ 1 ngày. Gia đình và bạn hữu của bà bị từ khước không cho vào tham dự phiên tòa.

Bản án đối với bà Trần Thị Nga chỉ chưa đầy một tháng theo sau một blogger nhiều uy tín khác là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm. Bà bị 10 năm tù cũng vì Điều 88, sau một buổi xử cũng đầy thiếu sót tương tự.

Trong hơn 6 tháng qua, ít là 7 nhà bảo vệ nhân quyền khác đã bị bắt và bị truy tố. Vài chục người khác đang bị giam giữ, và hai người bị trục xuất hay buộc phải lưu vong. Nhiều người khác bị hăm dọa, xách nhiễu, và bạo hành. Các nhà bảo vệ nhân quyền không thể bị đối xử như những kẻ tội phạm đe dọa an ninh quốc gia.

Văn phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và cơ chế nhân quyền quốc tế đã nhiều lần chê trách Điều 88 bộ Luật Hình Sự, cùng với một số điều khác trong bộ luật này, vì chúng vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Sự thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc đáp ứng các quan ngại của cộng đồng quốc tế liên quan đến các trói buộc những quyền căn bản đã tạo nhiều nghi ngờ về thiện chí của họ trong việc bảo vệ và đề cao nhân quyền.

Chúng tôi thôi thúc nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả ngay những người bị giam giữ chỉ vì họ hành xử các quyền tự do diễn đạt của họ, và hãy sửa đổi các luật lệ quá mơ hồ và quá bao trùm để nhân danh an ninh quốc gia đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Phát ngôn nhân cho Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Họp báo, Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Geneva