Menu Close

Chỗ trọ trong rừng chuối (Kỳ 1)

runchuoi-tranvu-01

Phải khó khăn lắm tôi mới tìm thuê được một chỗ trọ trong tỉnh lỵ này. Ngôi nhà tường gạch, lợp ngói của Má Năm nằm ở bìa thị xã, giữa những cánh đồng, những rừng dừa và rừng chuối, không xa một thôn xóm nhỏ. Từ nhà, chúng tôi không nhìn thấy thị xã, nhưng một dòng sông chảy qua trước mặt ngôi nhà, nước lặng lờ, nhắc nhở chúng tôi đến sự hiện diện rất gần của nó. Chỉ cần đạp theo con đường đất nhỏ ven bờ sông, tôi sẽ tới được nơi mình muốn tới; ở đó, dòng sông đâm thẳng vào thị xã, chẻ nó ra làm hai.

Thật ra, khi biết được lý do tại sao Má Năm vui vẻ chấp thuận cho tôi vào thuê nhà của Má, tôi đã mất đi sự xúc động ban đầu. Ngoài chuyện kiếm thêm được món thu nhập nho nhỏ hàng tháng phụ cho số lời buôn bán của con gái Má, cái lý do chính, là Má Năm muốn Cần, con trai Má, có người bầu bạn. Má kê thêm một chiếc giường trong căn buồng của Cần, bắt anh dọn hết bàn ghế, vật dụng qua một bên, nhường luôn phân nửa kia cho tôi. Cần ngoan ngoãn làm theo, không nói gì. Hình như cái diện tích đột nhiên bị thu hẹp lại, càng chồng chất bừa bộn thêm bởi những món đồ lỉnh kỉnh, đã lấp đầy một khoảng trống của đầu óc anh. Sự xuất hiện của những đồ vật mới lạ – trong đó có tôi – cũng khiến cho anh thích thú. Tôi đã muốn dựng lên tấm phên ngăn hẳn gian buồng ra, nhưng rồi cứ ngần ngại mãi, không dám ngỏ lời với Má. Sau đó, với thời gian tôi không còn đủ can đảm mở miệng đề cập trở lại vấn đề này.

 

Nhưng như thế, tôi cũng có một chỗ trọ. Tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn. Gia đình Má Năm thật tử tế với tôi, tiền trọ rẻ mạt, tôi có một nơi để ăn ngủ, đi về, trò chuyện. Tôi đang ở vào một giai đoạn khó khăn của đời người. Bị vu khống. Bị xua đuổi. Phải thú tội. Phải nhận tội, mặc dù tôi không thấy có tội… Tôi về tỉnh lỵ với ám ảnh của những khúc biển thắt hẹp, trương sình xác cá hôi thối… Tôi muốn quên đi nhưng chúng cứ lởn vởn. Những tròng mắt cá trắng dã theo tôi về vùng đất ngầu đỏ phù sa nơi này. Chúng trắng đục như vầng trăng thị xã. Tôi đã gõ cửa hầu hết những căn nhà cho thuê và những sở làm khả dĩ, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, tôi xin được một chân nhân công trong lò gạch Phát Lợi và ở đó, người ta giới thiệu tôi đến nhà của Má Năm.

*

Ngay từ đầu Má Năm đã bảo đảm với tôi rằng Cần không phải là một người nguy hiểm. Quả thực tính tình anh ta tuy ngây ngô kỳ cục, nhưng có thể nói là anh ta hiền lành và trầm lặng. Suốt ngày Cần quanh quẩn trong buồng, trong nhà, khi thì giúp Má Năm nấu nướng, giặt giũ, lúc ra săn sóc bầy heo nuôi ở vườn sau; có khi anh chịu khó cầm cuốc gầy luống rau xanh bên hàng rào. Những ngày trái trời, anh rúc vào một góc âm u, không chịu làm gì cả. Anh chưa thể tự túc nổi đời sống, nên đã ba mươi lăm tuổi mà vẫn còn nấn ná ở lại với Má Năm. Anh cao lớn và trắng trẻo, hai hàng lông mày rậm châu lại với nhau trên cặp mắt sáng.

Tuy nhiên một buổi chiều, trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, khi bước vào phòng thấy Cần nằm bất động trên giường trong bóng tối chập choạng, hai tay khư khư ôm máy quay băng trống, tôi đoán biết bịnh tình Cần lại bắt đầu trở nặng. Hồi sáng khi tôi ra đi, anh cũng nằm như vậy. Trong máy, một cuộn băng quay chậm chạp, không có tiếng động. Tôi lấy bộ quần áo sạch, mỉm cười thân thiện với anh trước khi bước ra ngoài:

– Anh Cần, nếu không xuống bếp phụ Thảo thổi cơm thì ra ngoài làm một vòng với tôi cho thoáng khí. Nằm hoài, ăn khó tiêu mà chỉ tổ bịnh.

Thông qua Khu phố Pháp - tranh Erin Armstrong
Thông qua Khu phố Pháp – tranh Erin Armstrong

Tôi nói vui, bông đùa, cốt ý bắt chuyện và phá tan cái bầu không khí u trầm vây quanh Cần. Một tiếng “cách” vang lên, Cần lặng lẽ lật mặt băng, bấm nút cho máy chạy tiếp, xong trở về tư thế cũ. Vẫn không có tiếng động nào phát ra. Vẫn tiếng nhựa sền sệt của cuộn băng trống quay đến mòn nhão.

Ở nhà ngoài, Má Năm rì rầm tụng kinh trước trang thờ, hai ngọn nến lung linh soi sáng những khuôn mặt người đã khuất. Những tấm huân chương sao đồng mờ tỏ dưới ánh bạch lạp. Khuôn mặt Má cũng lung linh trong ánh sáng đó, mắt nhắm nghiền với hai vệt lõm đen in dưới gò má. Không khí ngập ngụa hăng hắc, tôi rón rén bỏ xuống bếp. Một chảo lửa đang phừng phừng và trước bếp lò, Thảo ngước nhìn tôi với cặp má bầu bĩnh đỏ hồng. Ngực nàng cũng bầu bĩnh như cặp má đầy đặn, rung rinh khi nói: “Hôm nay có cá trê vàng kho, món tủ của anh với anh Cần!” Tôi đáp: “Tuyệt”. Mùi cá kho xông thơm phức, đặc sệt trong căn bếp. Tôi bỗng thấy khó chịu. Ngoài vườn sau đêm đã xuống hẳn. Buồng tắm vách tôn dựng sau chái hiên, che bởi những tấm phên đan lớn. Tôi bước ra, đứng tần ngần trước khi mở liếp, trút bỏ áo quần bẩn, xối mạnh một gáo nước. Tôi không phải là Cần. Tôi muốn hét: “Tôi không phải là Cần!” Việc tôi chia chung một gian phòng, làm người bạn thường trực của anh chỉ là việc bất đắc dĩ. Nhưng hình như Má Năm với Thảo vẫn thích nhập chung tôi với anh thành một cặp bài trùng. Hễ nhắc tới Cần là có tôi, nhắc tới tôi là có Cần. Ngay cả con cá trê kho cũng phải chia ra cho tôi với Cần.

Tôi xối nước tới tấp. Nước trong veo. Long lanh trên tóc tôi, rơi xuống mặt, xuống cổ, đọng từng hạt khắp châu thân. Nước chảy nhễ nhại. Tôi xối thêm một gáo nữa, phồng ngực tận hưởng cái chất ngọt của nước mát tuôn tràn từ đầu xuống ngón chân. Óc tôi dịu lại. Nghĩ cho cùng, sự có mặt của tôi ở căn nhà này sở dĩ có được là nhờ ở Cần. Hơn nữa, Má Năm thiếu thốn một người con trai bình thường để mà yêu thương, nhờ cậy. Tôi không giúp đỡ gì được cho Má, cho Thảo, sao còn hằn học vô lối? Tôi quơ tay tắt ngọn đèn mờ.

Khi ra khỏi buồng tắm, còn đang lúi húi cuộn lại mớ quần áo dơ, một linh cảm lạ lùng khiến tôi quay đầu lại. Hai con mắt sáng biến vụt đi sau bụi rậm. Tôi bỗng nổi gai lên. Ðêm đen quá, tôi không thấy rõ gì hết. Nhưng rõ ràng là hai con mắt sáng vừa biến đi rất nhanh sau bụi cây. Và cái cảm giác bị nhìn chằm, nhìn lâu từ phía sau lưng, bị nhìn trộm, lúc mình đương trần truồng, tôi không thể lầm… Tại sao hắn theo dõi tôi? Tôi dợm bước, định tiến về phía bụi râm bụt, xong lại thôi. Tôi biết chủ nhân của cặp mắt không còn ở đó nữa. Mọi sự yên tĩnh, chỉ có tiếng gió rì rào thổi lên những chiếc lá ổi đang đong đưa trong vườn. Gió lay lắt. Những đọt lá khuya nhẹ, vài cành ổi rung rinh… Tôi lắc đầu, cất bước vào nhà.

Bữa cơm chiều diễn ra trong sự buồn thảm. Hai ngọn nến trên trang thờ đã tắt, ánh đèn vàng rơi ảm đạm xuống gian nhà, soi sáng một cách trơ trẽn mâm cơm trên sập. Cần không ra ăn cơm, cũng không còn ở trong buồng. Khuôn mặt Má Năm nặng nề. Tôi tuy đói bụng cũng không dám ăn nhiều. Thảo phải gắp luôn tay cho tôi, nhưng chính nàng cũng chỉ ăn có một chén. Thỉnh thoảng Thảo vươn bắp tay trắng nõn, để hở phần thịt mềm mềm dưới nách. Tôi ngắm trộm nàng từng lúc, mỗi khi vờ và cơm. Bắp tay Thảo đưa lên đưa xuống khiến tôi phải cố gắng nhìn vào tô nước kho để tự trấn tĩnh.

Một lúc, Má Năm nói: “Chắc nó lại ra lang thang ngoài bờ sông.” Tôi với Thảo nhìn nhau, không biết nói gì. Không phải lần đầu tiên Cần biến mất khỏi nhà. Có những đêm tôi đã thức giấc, nhìn qua thấy giường Cần bỏ trống; tôi ráng tỉnh ngủ, nghe ngóng động tịnh, rình rập tiếng chân anh trở về, rồi cuối cùng thiếp đi trong một nỗi sợ hãi vu vơ… Cần là ai? Câu hỏi quấn trong tâm trí nhưng tôi không sao giải thích. Ðây là lần đầu Cần bỏ cơm. Nhất là bữa cơm có món cá trê vàng kho, do chính tay Thảo đảm trách. Má Năm nói cuối bữa: “Con để má dọn dẹp”.

Thảo nấu ấm trà, bỏ vài đọt huệ vào trong ấm, rồi ra ngồi hóng gió với tôi ngoài bực cửa. Má Năm rút vào sau bếp. Trăng thượng tuần yếu ớt trên mặt nước lặng lờ. Tiếng dế gáy ran ran từ những lùm cây ven bờ sông. Vài khóm lục bình trôi ở một phía xa. Những chấm đom đóm lập lòe sáng như trêu ngươi. Chúng chớp tắt như phát tín hiệu. Trong sân nổi lên lờ mờ chiếc bóng bất động của hòn non bộ và vài chậu cây cảnh. Không có ai nói chuyện đi tìm Cần. Tôi biết những hành vi của anh đã trở nên quá quen thuộc đối với gia đình này. Tuy vậy khi trao tách trà cho tôi, Thảo cũng nói: “Em lo ngại cho anh Cần”.

– Không biết ảnh đi đâu? Tôi hỏi, mặc dù biết Thảo có ý nói về sự trở bịnh của Cần hơn là lo ngại về nơi chốn mà anh đang có mặt.

– Nếu anh Cần lang thang ngoài bờ sông, ảnh chỉ có thể đi ngược dòng lên phía rừng chuối.

Thảo cầm lược chải lại tóc, khuôn mặt hơi hất lên về phía ánh sáng. Chiếc bóng của Thảo thắt ở eo rồi nở phồng ra tròn trịa rõ mồn một trên vách. Tôi nhìn chăm chiếc bóng cho đến khi Thảo quay sang, tôi vội nhấp một ngụm nước nóng thơm hương huệ, hỏi lại:

– Sao Thảo biết?

– Hồi trước khi bịnh còn nặng, ảnh thường bỏ nhà đi luôn nhiều ngày, lần nào người ta cũng tìm thấy ảnh ở khu đó. Nàng tiếp: Ra khỏi rừng chuối vài cây số có cái nghĩa địa cổ, không biết từ đời nào, dân vùng này không bao giờ dám héo lánh tới.

Julia - Quỳ trên đầu gối - Tranh Fanny Nushka Moreaux
Julia – Quỳ trên đầu gối – Tranh Fanny Nushka Moreaux

Chúng tôi im lìm. Ngột ngạt trong tiếng muỗi. Những con muỗi vo ve như tâm hồn tôi muốn đập cánh. Tôi muốn cất cánh bay cao, xa, hoặc làm một gì đó thay vì uống ngụm trà trong yên lặng. Thảo cũng nhận ra khoảng trống giữa chúng tôi, nàng nhìn lơ đãng rồi cất lược, rót thêm trà, bất chợt hỏi như để thay đổi câu chuyện:

– Công việc đằng hãng gạch bình thường chứ, anh Quang?

– Mệt, nhưng ngược lại làm việc tay chân nhiều cũng giúp đầu óc bớt căng thẳng…

Tôi đáp mà cứ nghĩ tới khóe nách Thảo hồng hồng ban nãy, lúc này che khuất bởi bắp tay nàng kẹp xuống. Nàng nhìn tôi:

– Anh thường bị căng thẳng lắm sao?

– Ồ, không…

Tôi vụt luống cuống, cảm thấy mình đê tiện vì đã có những ý nghĩ đen tối không tốt. Tôi muốn nói: “Tôi không có ẩn ý!” Tôi muốn hét to: “Tôi không tồi!”, nhưng không thể… Tiếng vo ve giúp tôi vờ quạt tay đuổi muỗi. Thảo trầm ngâm:

– Em hy vọng không phải những chuyện xảy ra trong căn nhà này làm anh căng thẳng. Giọng Thảo buồn bã.

– Không, Thảo đừng nói vậy. Không phải vậy đâu… nhưng Thảo biết, tôi cũng có nhiều vấn đề của đời sống…

– Em biết… Nàng thở dài. Trước kia anh ở thành phố, đi dạy học, có lý tưởng… Còn bây giờ… đời sống bây giờ không phải đời sống dành cho anh. Anh muốn tranh đấu, còn ở đây…

– Cũng không phải như vậy. Tôi rất hài lòng tìm được chỗ làm trong lò gạch. Nó giúp cho đời sống của tôi đổi mới, tôi không muốn đi dạy học nữa. Cũng không muốn tranh đấu nữa… Tranh đấu không ích gì cho xứ sở này khi mọi người chưa muốn… Biển chết… Ðời sống với tôi bây giờ là một sự khởi đầu lại tất cả!

Tôi nói nhanh, vừa ngập ngừng, hai chữ “biển chết” như đá ngầm khó phát âm. Thảo sống ở đây, giữa rừng chuối, cách xa đại dương… Nàng không thể hiểu. Thảo chưa nhìn thấy mắt cá trắng đục. Chúng lục lọi khoét sâu vào trong ý nghĩ… Tôi cảm giác kỳ cục là chữ lộn ngược vào trong cuống họng mình, may Thảo không chú ý. Tôi nuốt nước miếng:

– Tôi không tranh đấu nữa. Là phần vụ của người khác… Tôi… cần yên bình.

– Anh nói đúng. Em với Má chỉ muốn giúp đỡ anh trong tất cả những gì làm được. Anh biết đó, Má coi anh như con… Còn em…

Thảo bỏ lửng. Tôi suýt nhăn mặt. Câu chuyện lại chuyển sang hướng mà tôi không thích. Vì trong câu nói của nàng tỏ vẻ thương hại. Tuy mặt nàng vẫn bụ bẫm xinh đẹp. Tôi bỗng thấy một tình cảm êm ả. Có phải nàng vừa mới tỏ tình với tôi đó không? Tại sao nàng nhấc tay lên cài lại kẹp tóc cho tôi tiếp tục ngắm phần nách trắng? Vì sao nàng ngập ngừng? “Còn em…” Nàng định nói gì? Nàng đối với tôi ra sao? Cần có phải là anh ruột của Thảo hay không? Những câu hỏi như mớ kim may châm chích lấy làm nhức lên một nỗi buốt nhỏ. Tôi thích ngửi hương tóc thơm bồ kết của Thảo. Trong đêm, chỗ da mềm của nàng vẫn mịn màng. Tôi nhìn chăm bẳm. Mắt Thảo hạ xuống, có vẻ ngượng nghịu. Tôi muốn nắm lấy bàn tay nàng, cắn nhẹ và nuốt lấy ngón tay con gái… Ý chí nổi gai trong đầu. Làm tôi rùng mình vì phải cưỡng lại. Tôi biết tôi hay có những ý nghĩ kỳ lạ, chẳng hạn phát tờ rơi giữa phố hoặc nghĩ đến đầu ngực thanh xuân mũm mĩm mà không dám nói là mình đang mơ ước… Có những trái khuáy trong đầu một con người vì chúng sinh ra từ đồng loại. Chúng thành một ngăn cấm khi xã hội cơ cấu hóa. Rồi thành cưỡng chế vào một khuôn, khiến con người phải trốn tránh…

Tôi hất đầu xua đuổi những ý nghĩ vẩn vơ, chúng như bầy sâu bám vào óc mà tôi cứ phải lấy tay gạt đi từng bụm. Tôi hất đầu trong lúc Thảo im lặng, chúng tôi ngồi với nhau như thế rất lâu. Trước mắt chúng tôi vừng trăng thượng tuần vàng võ vẫn lặng lờ trôi xuôi về phía thị xã.

Tranh minh họa của họa sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Hani Alquam
Tranh minh họa của họa sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Hani Alquam

(còn tiếp)

Trần Vũ

Viết chung với Lưu Uyên Khôi