Quách Tấn là nhà thơ nổi tiếng, Nguyễn Hiến Lê là học giả lừng lẫy. Hai người tuy không gặp nhau đã từng có một tình bạn văn chương gắn bó và đầy hiểu biết. Thiết tưởng nên thuật lại như một thứ hương thơm một thời. Bài viết trích lại sau đây là của Xuân Thành, tìm thấy trên Khánh Hòa Online.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Sinh thời, nhà thơ Quách Tấn là một người quảng giao, bạn bè của ông trải khắp 2 miền Nam – Bắc. Căn nhà nhỏ bên cạnh Ðầm Én của nhà thơ (nay là nhà 12 đường Bến Chợ, Nha Trang) từng là điểm hội ngộ của những người yêu thích văn chương. Những người bạn thơ trong nhóm Bàn thành tứ hữu (Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan) từng quây quần ngâm xướng thơ ca ở đây. Tiên sinh Tản Ðà cũng từng ghé lại chốn này… Cuối năm 2010, tôi gặp ông Quách Giao (con trai nhà thơ Quách Tấn) để lấy tư liệu viết báo xuân mới được biết Nhà xuất bản Tổng hợp đang in cuốn Quách Tấn – Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm. Từ đó, tôi mới biết giữa tác giả Xứ Trầm Hương và học giả Nguyễn Hiến Lê có một tình bạn văn chương rất cao đẹp.
Theo ông Quách Giao, tình bạn giữa Quách Tấn – Nguyễn Hiến Lê bắt đầu từ những năm giữa thập niên 60 thế kỷ trước, từ sự mến tài của nhau. Chuyện là nhà thơ Quách Tấn rất thích bộ sách Ðại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, nhất là những kiến giải về thơ Ðường luật – thể thơ đã đem lại danh tiếng cho thi sĩ họ Quách. Năm 1966, khi xuất bản tập thơ Ðọng bóng chiều, nhà thơ Quách Tấn đã gửi tặng học giả Nguyễn Hiến Lê một bản đặc biệt. Bất ngờ nhận được sách biếu từ một người không quen, học giả họ Nguyễn đã có thư phúc đáp cảm tạ chân tình của nhà thơ, trong đó bày tỏ: “Từ trước tôi vẫn thích cái vẻ cổ kính, trang nhã, điêu luyện và cái nhạc trong thơ ông. Trong tập Ðọng bóng chiều này, vẻ cổ kính còn hơn cả trong tập Mùa cổ điển (tập thơ nổi tiếng của Quách Tấn từng được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam)… Tôi xin trân trọng cảm ơn ông. Tủ sách của tôi thêm được một tác phẩm quý nữa”. Từ đó, hai người giữ mối liên lạc. Trong gần 20 năm, hai người đã viết cho nhau hơn 200 lá thư chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, những câu chuyện văn chương…
Tình bạn giữa Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê dày lên theo năm tháng. Một người ở Nha Trang, một người ở Sài Gòn, biết nhau qua những trang sách, những lá thư, gặp nhau chỉ vài lần nhưng xem nhau như tri kỷ. Hai người luôn khích lệ nhau đi tiếp “con đường đau khổ” của nghiệp cầm bút, mỗi khi có sách mới ra bao giờ cũng dành tặng cho nhau. Năm 1968, nhà thơ Quách Tấn in Nước non Bình Ðịnh, vì chiến tranh loạn lạc nên việc gửi tặng sách có phần chậm trễ. Nghe tin sách ra, nóng lòng xem sách nên Nguyễn Hiến Lê đã “vội đi tìm ba lần mới kiếm được, đem về đọc trong thời gian giới nghiêm”. Ngay sau đó, ông có bài giới thiệu Nước non Bình Ðịnh trên tạp chí Tin văn… Cũng chính nhờ học giả họ Nguyễn gợi ý, nhà thơ Quách Tấn đã “nâng cấp” tập sách thành Xứ Trầm Hương. Năm 1970, Nhà xuất bản Lá Bối in Xứ Trầm Hương, học giả Nguyễn Hiến Lê đã có bài giới thiệu đăng trên tạp chí Văn… với những lời ngợi khen rất chân tình.

Trong hồi ký nhà thơ Quách Tấn bày tỏ: “Thời tiền chiến tôi có bốn người bạn chí thiết là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê và Yến Lan. Rồi Tử và Khê nối nhau qua đời. Viên, Lan đi tập kết ra Bắc. Suốt một thời gian dài đằng đẵng, tôi không có tri âm… Nguyễn Hiến Lê đối với tôi là một ngọn lửa hồng trong đêm đông mưa gió. Từ ngày được làm thân cùng Nguyễn quân, tôi làm việc thêm hào hứng. Có những ý nghĩ hay, gặp những câu chuyện thú, được những vần thơ đẹp… tôi đều gửi đến Nguyễn quân và Nguyễn quân luôn đáp ứng”.
Mối tình tri âm, tri kỷ càng bền chặt hơn qua những biến cố trong cuộc sống. Năm 1973, khi nhà thơ Quách Tấn bị bệnh thanh quang nhãn (tăng nhãn áp, dãn đồng tử), học giả Nguyễn Hiến Lê đã đăng báo nhờ bạn đọc bày phương thuốc trị bệnh cho bạn. Khi nghe sừng tê giác có thể chữa được bệnh mắt của Quách Tấn, ông đã xin sừng tê giác (món đồ gia bảo) của người anh họ gửi tặng thi sĩ xứ Trầm Hương chữa bệnh. Nhà thơ Quách Tấn đã đem sừng tê giác đi chữa bệnh nhưng thầy thuốc bảo đây là sừng của sơn ngưu giác chứ không phải tê giác. Dẫu vậy, thi sĩ Quách Tấn vẫn coi đây là bảo vật. “Không dùng trị mắt được, khúc sừng này đối với tôi vẫn là một bảo vật. Giá trị tinh thần không biết gì cân, không biết lấy gì lường. Tôi xin Nguyễn quân cho tôi làm kỷ niệm”, nhà thơ viết trong hồi ký.
Năm 1980, học giả Nguyễn Hiến Lê chuyển từ Sài Gòn về Long Xuyên. Việc thư từ giữa 2 người thêm phần khó khăn, có lá thư hơn 2 tháng mới đến, thế nhưng tình bạn giữa họ vẫn bền chặt. Năm 1984, học giả Nguyễn Hiến Lê mất, nhà thơ Quách Tấn làm thơ khóc bạn rất chân tình: Còn đâu những bức thư đầm ấm/Che bớt phong sương lúc trở trời mà như ông Quách Giao nhận xét: “Lời thơ đôn hậu, ý thơ chân tình, gói trọn tấm lòng của kẻ tri âm khóc người tri kỷ, hiểu nhau qua văn chương, thương nhau qua cuộc đời”.

Xuân Thành – Khánh Hòa Online