Menu Close

Da-ua kỷ niệm

Mưa bền vững. Được cái thời tiết Sài Gòn bắt đầu trở lạnh. Se se thôi nhưng đủ… ấm lòng những thị dân “nhiều chuyện” tối ngày đi chê bai thời tiết Sài Gòn nóng nảy; phân bì chỗ này mát chỗ nọ có tuyết rơi. Nhưng mà, bên cạnh niềm vui lại ngân ngấn xót xa. Khúc ruột Miền Trung lại bắt đầu vào mùa thiên tai sau bao trận nhân tai dồn dập. Qua màn mưa, cứ mười thị dân thì sẽ có chừng 7 người chép miệng: “Khổ, ngoài kia bão nữa rồi!”.

da-ua-ky-niem4
Da-ua kỷ niệm

Tôi ngồi bên ban công thân thuộc sau chuyến đi dài. Nhìn những giọt mưa mập mạp cứ rớt xuống tay mang theo những nhịp âm thanh quen thuộc. Từ “tạch tạch” ban đầu, nghe có vẻ như những giọt nước đã rất ê mông khi rớt từ trên trời xuống thẳng bàn tay “sắt đá” của tôi. Rồi thì vài phút sau sẽ thành “lũm bũm” khi chúng rớt vào nhau, đọng thành vũng trên tay tôi tràn xuống dưới đất. Cũng chả hiểu chúng có đỡ đau hơn không còn tay tôi dần bị đông lạnh. Từng ngón buốt cứng lại, cái cảm giác này thân quen quá, nó lôi xềnh xệch tôi về ký ức. Cũng vào những buổi trưa nhưng đầy… nắng!

Ðó là cảm giác từ tê tê lạnh lạnh đến lạnh buốt nắm trong tay bịch da-ua (sữa chua, yogurt) 300 đồng, cắn đít bịch nút lấy nút để mà sữa lẫn đá không kịp tan. Môi đỏ sưng lên vì cố chấp ngậm bịch da-ua không chịu nhả. Món quà trưa đã “lao động cật lực” cả tuần mới được phát “lương” để mua. Vừa ăn vừa sợ bị… giựt lại vì lý do:

– Ăn mấy cái lạnh lạnh này nhiều coi chừng rụng hết răng!

Mặc dầu trong miệng tôi lúc đó toàn… nướu.

da-ua-ky-niem3
Mưa chảy nhà mòn

Cái thời đồ ăn mua về mà muốn để lâu phải mua nước đá về ướp, 20 nhà chỉ có hai nhà rưỡi có tủ lạnh (vì một nhà có mà hông dám xài vì sợ… tốn điện). Thì da-ua, cà rem, kẹo kéo, sương sa, rau câu bán dạo là những món đặc sản đẳng cấp nhất đối với bọn con nít chúng tôi. Cũng may, ngoài mấy xe kẹo kéo, cà rem lạc đường lâu lâu mới quẹo vô xóm thì trong khu có cô Cúc bán sương sa buổi sáng và bà Hai Giỏi bán da-ua buổi xế, tuy không được mỗi ngày. Tính dân Sài Gòn hầu như ai cũng có xíu ham chơi, bán thấy buồn buồn là nghỉ mấy bữa đi chơi, hay đơn giản nghỉ vì làm biếng. Công cụ “hành nghề” của hai người cũng y chang nhau: Một cái thùng nhựa lõi xốp để giữ độ lạnh, bên trong thùng có đựng đồ bán và đá lạnh, một chiếc xe đạp, một cái nón lá. Họ chạy vô từ đầu hẻm là bọn con nít đã “đánh hơi” được nhờ tiếng rao khàn khàn vang xa của bà Hai Giỏi, tiếng lạch bạch xèn xẹt của cái bánh xe đạp lết xuống đường đất nghe mà nóng ruột của cô Cúc.

Theo thông lệ của gia đình, mỗi tuần tôi sẽ được ngoại nuôi phát cho 2000 đồng ăn vặt. Cứ ăn trưa xong sẽ phải đi ngủ trưa theo lời bà. Ngủ trưa của tôi được định nghĩa là leo lên đi văng (giường gỗ) nằm quay lưng ra phía ngoài, ôm gối ôm chờ đánh thức bằng tiếng rao thanh thanh, the the của bà Hai Giỏi:

– Ai da-ua ế hông…

Thế là bò dậy, chạy ào ra nhà trước gào “da-ua, da-ua”, lúc nào gào cũng to như nhau mà không hiểu sao có khi bả nghe có khi không nghe, đi tuốt luốt. Chạy theo muốn hụt hơi. Sau này mới biết bà Hai giỏi bị lảng tai như bà Tâm Ðiếc cuối hẻm. Có nghĩa là mấy lần tôi gào không có lần nào bả nghe hết, chỉ “vô tình” làm siêng quanh lại mà thôi! Tính ra tánh tôi chung thủy, trước sau một lòng, ham ăn từ hồi nhỏ! Một phần da-ua bà Hai Giỏi làm rất ngon. Hồi đó dám ai hỏi cái gì tốt nhất VN tôi chắc chắn sẽ trả lời da-ua bà Hai Giỏi.

da-ua-ky-niem2
Biệt phủ giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái, một tỉnh nghèo nhất nước – ảnh: dân trí

Bà Hai Giỏi cũng khá lớn tuổi rồi, năm mấy sáu chục gì đó. Ðừng tưởng bán dạo mà nghèo, nhà bà giàu nhất nhì quận. Cái “biệt phủ” đầu tiên tôi được thấy đó chính là nhà bà (tuy hồi xưa tôi không biết tên nó là biệt phủ). Tuy không bằng 1/1000 về sự nguy nga lộng lẫy đồ sộ so với biệt phủ của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Càng không có khuôn viên rộng hơn 13,000 m2 chẳng có hồ nước trong xanh, lối đi uốn lượn, cây cầu nên thơ, hay thảm cỏ, sân chơi thể thao bạt ngàn như nhà ông Giám Ðốc kia. “Biệt phủ” của bà là một căn nhà kiến trúc Pháp cổ, nghe nói là mấy đời để lại, xung quanh nhà có mấy cây khế, vú sữa rất cổ thụ tỏa bóng mát rợp sân, minh chứng cho sự lâu đời của căn nhà. Bà nói với hàng xóm là chỉ cố giữ gìn cho tổ tiên bên chồng và cho các con chứ có cả đời làm lụng hay đi bán da-ua cũng không thể mua được căn nhà này dẫu có của ăn của để, đã vậy còn xém bị cướp vì lý do là đất tranh chấp. May mà má chồng ba chồng bà hồi sanh thời rất cứng rắn, có chức sắc lớn mới không bị mất nhà. Chắc bà không sanh đúng thời, cũng không đúng… tỉnh. Chứ ông Giám đốc sở Tài Nguyên Môi Trường chỉ 46 tuổi, cùng vợ nuôi gà, làm chổi đót mà giờ đã có một cái biệt phủ nguy nga như vậy. Còn tôi, tính ra sanh quá… trễ, lại còn sai chỗ. Giờ có làm Ðảng viên thì chắc cũng không còn gà để nuôi vì dịch cúm H5N1, chổi đót cũng không có mà làm vì người ta đổ xô đi buôn theo “gương” ông giám đốc sở! Hồi nhỏ tôi được dạy các chuyện cổ tích cứ giàu là độc ác, nghèo là học giỏi, cứ ai té vào bế tắc, khóc ré lên sẽ gặp bụt, được tặng vàng bạc, điều ước, lâu đài hoặc được tặng cả hoàng tử nữa, công chúa nữa… Có khi nào ông giám đốc sở gặp bụt mà… giấu không?

Nghĩ lại, khái niệm giàu nghèo khi đó đối với tôi cũng khá mơ hồ. Chỉ biết là lâu lâu tôi hết tiền ăn vặt hoặc làm biếng, làm sai gì đó bị phạt (bằng cách trừ tiền tiêu vặt), lén chạy ra mua thiếu ký sổ cho… ngoại nuôi thì bà Hai Giỏi lại nói “Cho mày luôn đó, mày mở hàng đắt!”. Thế là nghe ai nói bà giàu, tôi cũng thấy bà giàu thiệt. Nhiều người cũng nhà to nhưng không có… bán da-ua, cũng không bao giờ tặng tôi cái gì cả, thế là họ nghèo hơn bà Hai Giỏi (trong mắt tôi). Vì vậy, nếu hồi đó mà biệt phủ của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái có ở trong… xóm tôi thì tôi vẫn thấy ổng không giàu bằng bà Hai Giỏi.

Bà Hai Giỏi chết lúc da-ua của bà từ 300 đồng đã lên tới giá 500 đồng, sương sa của cô Cúc cũng lên bằng giá đó. Ai cũng bàn tán đến cái chết của bà, một người khỏe ngời ngời, vẫn đi bán hôm trước vậy mà hôm sau nghe tin chết. Ðám ma bà lớn lắm, có kèn Tây, có mướn đoàn cải lương về hát rất xôm tụ. Hồi đó mấy đám ma chưa có nhảy bikini, bê đê múa hát như bây chừ, nếu có chắc con cháu bà cũng thuê về! Bọn con nít tụi tôi nghe anh Bé đầu xóm xúi xách xoài, me vô đám ma ngồi chơi, vừa ăn vừa coi hát, coi người ta thổi kèn Tây, bị kéo tai đuổi ra. Ðứa nào đứa nấy khóc um sùm, chỉ có tôi là bình tĩnh… khóc. Ngoại nuôi vừa lôi tôi về vừa nói: “Khổ, cả một đời nuôi con khôn lớn, chết đi chỉ có đám con nít ham ăn khóc cho mà mấy đứa con ruột thì nín khe, mặt không đổi sắc.” Tôi lúc đó chỉ lo ăn không hiểu, nhưng bây chừ nghĩ lại hồi đó không biết có các chỗ dịch vụ khóc mướn chưa, chứ bây chừ nhà nào có người chết là phải chi ra vài triệu lo phần khóc. Con bà nhiều tiền chắc cũng sẽ mướn để tiễn đưa mẹ mình.

da-ua-ky-niem1
Chương trình “Em phải đến Yên Bái học kinh tế” trên VTV1 Ảnh từ Facebook

Suốt mấy bữa sau, trưa trưa tôi cứ ngóng tiếng rao bà Hai Giỏi rồi sực nhớ bà không bán nữa. Thấy trống trải và… thèm da-ua lắm. Nghe nói ở kế trường có chỗ bán, lại mua ăn cũng không có vị ngon bằng. Ngoại nuôi tôi làm cũng không giống. Nhớ lại bà Hai Giỏi nói:

– Da-ua tao làm từ sữa vắt luôn từ đám bò sữa sau nhà, xong nấu lên rồi làm luôn, chất lượng lắm. Còn mấy chỗ khác làm sữa ông Thọ không à!

Bây chừ da-ua đã lên tới từ 7000 đồng đến cả mấy chục ngàn đồng một hũ từ ngoại đến nội, từ người làm đến máy làm. Một món ăn phổ biến ai cũng có thể ăn mà không cần để dành tiền. Nhưng có lẽ rất ít hoặc không còn ai nuôi bò chỉ để lấy sữa làm da-ua đi bán dạo. Có bữa, tôi cũng muốn thử… vắt sữa bò về đưa ngoại nuôi làm thử xem giống không. Mà chui vô nhà bà thấy mấy con bò sữa trong chuồng nhà bà bự quá nên… thôi! Ði ra thấy nhà bà bỗng đông người quá, chạy về “nhiều chuyện” thì ngoại nuôi nói con bà Hai Giỏi bán nhà, chia tài sản. Vậy là cái mà bà muốn giữ gìn sắp đổi chủ. Ngôi nhà đó đến tận bây giờ vẫn còn, nghe nói giá đã lên gấp mấy chục lần so với thời đó. Tính ra con bà cũng còn… ngoan lắm. Bán nhà chia mà không thấy ai “đồn” họ cãi nhau. Chứ tôi thấy nhiều nhà anh chị em chia “của” là đánh nhau, cãi nhau ì xèo ỏm tỏi, thậm chí giết nhau nữa. Năm ngoái, cả nước từng xúm nhau phẫn nộ nhìn một thanh niên bị tật 85% phải ra ngồi bệt dưới đất hầu tòa bởi hai người anh ruột lành lặn của mình kiện ra tòa. Vì trước khi chết người mẹ đã viết di chúc “không chia đều”!

Ngày các con bà dọn đi tôi với đám nhóc trong xóm cũng qua “hóng hớt”. Ðứa con lớn của bà là cô Tâm thấy tôi, ngoắc tôi dzô cho tôi một rổ nhựa to có rất nhiều bịch da-ua, trái tim bé nhỏ của tôi lúc đó muốn nổ tung vì thích thú. Cô Tâm nói:

– Con mang ra chia cho mấy bạn, còn nhiêu con lấy. Chỗ người ta dọn dẹp, xích ra không nguy hiểm nghen con!

da-ua-ky-niem
Phạm Thanh Tùng ngồi bệt hầu tòa do hai người anh kiện vì gia sản mẹ “chia không đều” Ảnh: Báo tuổi trẻ

Tự nhiên thấy thích cô Tâm hơn bà Hai Giỏi luôn. Tuy xưa giờ tôi không có nói chuyện nhiều với cô. Tôi gật đầu cám ơn lia lịa rồi vác rổ da-ua đi ra ngoài thực hiện “sứ mệnh” vĩ đại vừa nhận. Sau khi chia xong cho mỗi đứa ba bịch thì tôi còn 5 bịch, nhưng đã bắt đầu tan. Tôi tặng ngoại nuôi một bịch, rồi ăn một bịch thì 3 bịch còn lại tan thêm một ít. Chạy ù qua cô Bê mua 500 đồng đá về “ướp” mấy bịch da-ua, nhưng đến chiều chỉ còn một thùng nước và 3 bịch da-ua lỏng bỏng nước. Cố ăn thêm bịch nữa, mà không ăn nổi. Sao thấy dở quá. Không ngờ lần ăn bịch da-ua cuối cùng của bà lạt lẽo, lạnh tanh chứ không lạnh buốt như mỗi buổi trưa háo hức. Tôi chợt buồn, nhớ bà Hai Giỏi tiếp. Nếu bà không chết thì mấy bịch da-ua của bà cũng không “chết” như vầy. Ngoại nuôi thấy tôi ngồi khuấy da-ua vô thùng nước một cách phá hoại thì biết tôi buồn, vì đó là món khoái khẩu của tôi, nên lại an ủi:

– Ai rồi cũng sẽ “đi”, đâu có ai sống đời được!

Tôi giương mắt long lanh, mỏ chu lên “trả treo”:

– Ba bịch này một ngàn rưỡi lận!

Ngoại nuôi hỏi tiếp:

– Hai Giỏi nó chết mày nhớ da-ua của nó, vậy tao chết mày nhớ gì?

Tôi ngồi suy nghĩ miết không biết trả lời thế nào, nhưng tự nhiên có cái gì đó buồn lắm mà không biết vì sao, thế là tiếp tục nghiêm chỉnh suy nghĩ.

–  Con sẽ nhớ Ngoại lắm, con không muốn Ngoại chết đâu.

Nếu là người ta chắc sẽ òa lên khóc rồi nói câu đó. Còn tôi, tôi lúc đó chỉ biết nghĩ miết rồi ngủ thiếp đi hồi nào không hay!

DU