Cứ mỗi năm sau Tết một tháng là đến ngày giỗ má chồng và tháng tiếp theo là giỗ má kế của chồng. Năm đầu tiên làm giỗ ở xứ người, vợ chồng con gái tôi đi làm từ sáng đến tối mịt, hai vợ chồng già phải lui cui, sắp xếp, bày biện. Bao giờ cũng vậy, đến ngày cúng giỗ, nhìn ảnh ông bà nội chồng, cha chồng, tôi lại ngậm ngùi. Cả hai bà mẹ chồng, mỗi người một lý do, đều không có lấy một tấm ảnh để thờ, tuy cha chồng một thời là thợ chụp ảnh. Chồng tôi giải thích: Thời của cha má anh, không ai xem chụp ảnh làm kỷ niệm là điều quan trọng.
Trong nhà cũng không nghĩ má chồng tôi lại từ giã cõi đời sớm như vậy.Khi sinh chồng tôi, sáu năm sau bà mất vì bệnh viêm phổi vì hồi đó chưa có thuốc kháng sinh. Người sững sờ nhất là cha chồng tôi, ông ngẩn ngơ như mất hồn. “Xuống đất hóa bùn sẽ gặp nhau” – Ông khóc vợ bằng câu hẹn hò trước bàn thờ không có ảnh của bà. Vậy anh giống má hay giống cha. Tôi thắc mắc. Chồng tôi nói mơ hồ, họ hàng có người bảo anh giống má y hệt. Ký ức về mẹ của đứa con trai lên sáu cũng quá ít ỏi.
Một lần tất bật làm mâm cơm cúng ngày mùng một Tết, bà sực nhớ đứa con trai cưng còn nằm trong buồng, chạy vội vào phòng vén mùng lên, ôm thằng con mắt nhắm mắt mở đóng đầy ghèn, cưng nựng.

– Chèn ơi, sáng giờ chưa rửa mặt được cho con trai của tôi.
Câu nói yêu thương đã vỗ về bao lần những vấp váp, tổn thương của đứa con sớm lìa mẹ. Kỷ niệm hiếm hoi nữa, lần đầu theo má đi ăn giỗ nhà bà con, chồng tôi ở cái tuổi ăn tuổi lớn, cứ khen tấm tắc món này món kia ngon quá má ơi, cứ nhai, cứ gắp liền tay liền miệng. Bà ngượng vì tính háu ăn, quên hết phép tắc đã dạy “ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Trên đường về nhà, bà cằn nhằn:
– Mắc cỡ quá, mày như đứa chết đói, lần sau không dắt mày theo!
Mãi mãi không có lần sau, vì sau đó ít ngày bà qua đời, để lại sự ray rứt lớn theo tuổi thành niên của thằng con trai vì trót làm má buồn mà không có cơ hội sửa lỗi. Ðêm đêm, thằng con nằm ôm cái gối kê đầu của má, cho giấc ngủ mồ côi sụt sịt đi qua. Áo gối lâu ngày phải đem giặt, thằng nhỏ khóc thét cả đêm vì không còn mùi của má.
Xót đứa cháu nội, thương thằng con suốt ngày thơ thẩn buồn bã đi ra đi vào, ông nội đánh tiếng tìm người mối mai.Người con gái đầu tiên gặp mặt, ông ưng liền mà không cần tìm hiểu tính nết ra sao chỉ vì con cái nhà ai sao mà giống hệt người vợ vắn số của ông! Nhưng chỉ một tháng sau, ông nằng nặc đòi cha mẹ trả lễ, ông nội tím mặt với sui gia, lại nghĩ, chuyện trăm năm là của nó, ông đành phải thuận theo thằng con cứng đầu, lý do cụt ngủn nó đưa ra, không hợp! Sau này, ông mới tâm sự với chồng tôi, khi hai cha con, người gần đất xa trời, người tóc đã hoa râm, bên tách trà nguội: Má mầy hồi đó nói trăm câu nghe lọt tai hết trăm. Bà đó tuy mặt giống y má mày, nhưng nói trăm câu không trúng chín chục câu!
Khi chồng tôi ở tuổi 23, như bao trai tráng trong làng, kéo nhau tập kết ra Bắc theo tiếng gọi cứu nước, dựa vào sự hứa hẹn mơ hồ của Việt Minh, hai năm đất nước thống nhất sẽ trở về. Hai năm trôi đi và nhiều năm sau nữa, thằng con trai vẫn biền biệt mù khơi. Cha chồng tôi lại đi “xem mắt” vì thương ông bà nội cứ ra vô thở dài: Tụi tao sắp đi theo ông bà, mày phải có người phụ trông coi hương hỏa gia đình, giúp mày làm ăn, chớ cha thấy tính mày lông bông quá, làm tới đâu thất bát tới đó. Nữa sau con trai mày về không có cái nhà để ở!
Người má kế này, theo cha chồng, nói trăm câu nghe được chỉ năm chục câu, nhưng đã neo giữ được người đàn ông suốt ngày đọc sách, đánh cờ, nhờ vào tính hiền lành, chịu khó, cần cù làm lụng trên mảnh ruộng thừa kế của cha ông. Ông bà nội cũng ưng ý đứa con dâu thuận thảo, vén khéo trong nhà, siêng năng ngoài đồng.
Sau bốn mươi năm chồng tôi trở về, trong nhà đã có năm đứa em trai gái cùng cha khác mẹ. Khi chúng tôi là vợ chồng, anh kể, buổi sáng đầu tiên về quê nhà ở Ba Tri, những đứa em của anh ở tuổi mười tám, đôi mươi ngỡ ngàng thấy ông bộ đội lạ hoắc bước vào, nhìn hình ông bà nội trên bàn thờ, khóc òa, rồi chạy vào buồng. Anh nói với tôi, sau từng ấy năm, hầu như mọi thứ trong nhà đều không thay đổi, kể cả gian buồng sau tấm màn nhỏ, chật hẹp và tối nhờ nhờ, chỉ khác là không tìm thấy đâu nữa mùi trầu ấm sực của bà nội anh, mùi dầu cù là Con Hổ của ông nội thường xoa ngực, xoa chân trước khi ngủ. Bây giờ là chỗ nằm của hai thằng em trai. Cha chồng đang ở nhà hàng xóm hay tin tất tả chạy về. Thằng em út hí hửng chạy ra sau vườn hái trái mãng cầu chín bói vô làm quen với ông anh cả, nhưng cha chồng bảo – mày để dành trái này để chào hỏi má mày. Má kế ở ruộng về cảm động nhận trái mãng cầu từ tay đứa con riêng của chồng, “Thằng Hai, má mừng con trở về”. Trái mãng cầu thơm thảo nhờ sự tế nhị của cha chồng khiến không khí ngượng ngùng ban đầu tan loãng nhích dần đến ấm cúng, thân thiết.
Và tôi nhớ, sau khi kết hôn với anh, năm đó lần đầu tiên, cô dâu mới về ăn Tết ở nhà chồng. Bữa cơm chiều hôm ấy có món canh chua cá rô nấu với bông so đũa. Cô dâu từ nhỏ sống ở thành thị chưa nếm qua món canh chua nấu bằng bông so đũa, cũng chưa bao giờ hình dung góc bếp miệt vườn như thế nào. Thời đó, thành phố chưa có bếp ga, nhưng cũng đun bằng bếp dầu sáu tim, nhanh chóng, gọn nhẹ. Trước mắt cô dâu là đống lá dừa còn hơi ẩm sau những trận mưa. Bếp lò gồm ba viên gạch chụm lại, bên dưới đầy tro. Má chồng nói vọng vào bếp: Con Hai chụm lửa, bắc nồi nước heng, má làm mấy con cá rộng hôm qua tới giờ, chờ tụi bây dìa. Dạ, con nghe rồi má. Tôi không có một chút tự tin nào, mặc dù tiếng dạ nghe chắc nịch. Quơ một nhúm lá, tôi bật hộp quẹt, lửa yếu ớt cháy hết lá rồi tắt ngúm, cứ như vậy mà gần cạn đống lá dừa bếp vẫn chưa nhóm được. Ở ngoài gió chướng se lạnh nhưng mặt mày tôi đẫm mồ hôi. Chung quanh tàn tro bay khắp bếp, lá dừa ngún tắt vung vãi như bãi chiến trường. Nhìn quanh quất, mắt sáng lên khi thấy cứu tinh lúc này là một ống trúc khô nằm ở góc bếp, tôi liền vớ lấy đưa vào lò, may quá lửa bén cháy, bắc nồi nước lên, bụng thở phào. Mẹ chồng bưng rổ cá đi vào, bà nhìn bếp lò, rồi nhìn chung quanh như kiếm cái gì đó
– Con Hai có thấy cái ống thổi lửa má để ở đây không?
Chợt hiểu, miệng kêu thầm, chết rồi, đành cười trừ, dạ, gãi đầu chỉ vào bếp, cái ống thổi lửa đang reo vui tí tách với ông lò!
Má chồng bật cười, cha bây, rồi kê miệng thổi bùng ngọn lửa. Nhờ vậy mà nước trong nồi thoáng chốc đã ríu rít sôi. Những con cá tươi chong được bỏ vào nồi. Má chồng thao tác như người họa sĩ pha màu cho bức tranh, đỏ của cà chua tao với ớt bằm, nâu sánh của me giằm, và sau cùng khi bắc nồi cá xuống mới rải một lớp so đũa trắng tinh, điểm xanh hành lá, ngò om xắt nhỏ. Má đưa cái vá khoắng nhẹ cho những cánh hoa chìm nhẹ vào trong nồi canh nóng rãy. Mùi thơm sực nức, ấm áp tỏa lan trong hơi gió lạnh.
Mâm cơm chỉ có bốn người, năm đứa em ở dưới Ba Tri đi học, tôi đem chuyện lỡ lấy ống thổi lửa chụm bếp, mọi người cười ngất. Dưới ánh đèn dầu lay động trong cơn gió, tôi nhìn cha má chồng, gương mặt của họ hiền lành chân chất, cho tôi một cảm giác thân thuộc về nơi chốn lạ lẫm này.
Sáng dậy, trên bàn nước có hai ly sữa hột gà khuấy sẵn, trong khi má đang nhóm đụn rơm nướng bánh phồng chuẩn bị bữa sáng với dĩa khoai lang luộc. Chồng tôi cười khà – chắc má nghĩ mình là vợ chồng mới cưới “lao động hăng say”nên bồi dưỡng đặc biệt đó. Tôi đỏ mặt! Tối qua lạ nhà, nhưng hai đứa tôi ngủ say như chết, có lẽ nhờ bản hợp xướng miên man của đủ loại côn trùng chung quanh vườn. Tôi định đem ly sữa ra mời lại ông bà, chồng tôi ngăn, đừng để cha má buồn.
Chiều ba mươi Tết, tôi phụ má làm mâm cơm cúng giao thừa. Lại một lần nữa tài vén khéo của má làm tôi ngỡ ngàng. Chỉ một con gà, má làm ra nhiều món: cháo đậu xanh nấu nhừ với nước luộc gà, gỏi gà ghém bắp chuối, lòng gà xào mướp, canh khổ qua dồi với cổ gà bằm nhỏ. Gay go nhất là đoạn bằm xương gà, tôi xung phong làm, nhưng chỉ được một chút là tay mỏi nhừ. Thấy vậy, má đỡ con dao từ tay tôi
– Bây để má.
Tay má gầy guộc, lên xuống nhẫn nại bằm từng đốt xương gà. Nếu không nghe chồng tôi kể chuyện về cuộc sống cha má, chắc tôi không khỏi có chút chạnh lòng khi nhìn ra sân đàn gà mấy chục con đang tranh nhau mổ thóc.
Ruộng vườn bề bề ông bà nội để lại đã phải đi vào hợp tác xã, và sau thời gian ngắn, hợp tác xã cũng đến hồi tan rã vì cách làm việc cha chung không ai khóc, nông dân đói kém, thất bát trên những mảnh ruộng dần bạc màu xơ xác. Tan cuộc mỗi người chỉ được chia một phần nhỏ đất so với những gì họ phải góp vào, vì theo chế độ hiện thời, đất đai là của sở hữu toàn dân! Thấy cảnh cha má và bầy em năm đứa nheo nhóc, chồng tôi gom hết tiền dành dụm, góp vào cho cha má tậu được mảnh vườn nhỏ. Và một mình má, cha chỉ đóng vai trò tư vấn, sớm hôm cắm mặt vào đất, sinh được hoa lợi từ mảnh vườn, để năm đứa con của bà không ai dốt chữ. Vài năm sau, mỗi cái Tết vợ chồng tôi về sum họp gia đình ở nhà thờ tự của ông bà nội. Có lần bà tâm sự với vợ chồng tôi, năm đứa con như năm bông hoa, má nhìn hoài không chán. Tình cảm của bà đối với thằng con riêng của chồng là sự quý trọng, ân cần. Bà luôn răn những đứa con mình, có chuyện gì cũng phải hỏi ý kiến anh Hai bây. Có lẽ, năm mươi phần trăm khiếm khuyết còn lại của má kế đối với cha chồng đã không còn đáng kể, vì mỗi ngày ông thong dong bên những ván cờ, nói chuyện đời với những ông bạn già, thỉnh thoảng cầm vòi nước dạo quanh sân tưới mát mấy đám bông thược dược, lan, hồng…
Nén nhang trên bàn thờ gần tàn. Hương trầm thoảng nhẹ trong gió lạnh. Chồng tôi thành kính chắp tay xá trước bàn thờ không có ảnh hai bà má. Giỗ má ruột, bùi ngùi đến giỗ má kế. Ngày má kế hấp hối ở bệnh viện, vợ chồng tôi cùng các em túc trực bên bà cho đến lúc đưa má về Ba Tri chôn cất. Các em của anh, chúng nghĩ đối với anh đó là má kế do đó, khi thấy anh phủ phục trước bàn thờ, chúng mới vội xé thêm chiếc khăn tang, và lời yêu cầu cho ông anh tấm ảnh của má cũng bị lãng quên vì ý nghĩ ảnh đã có một bà má để thờ
-Má ruột là ký ức về mẫu tử tình thâm, còn má kế là sự biết ơn sâu nặng vì bà đã chăm sóc ông bà nội và cha trong khi anh mãi giong ruổi trên con đường lầm lạc suốt bốn mươi năm cho một lý tưởng mơ hồ.
Anh nói với tôi như thế, trong những kỳ giỗ cha má, ông bà. Còn tôi, nhớ má chồng thứ nhất qua cách anh ăn ở bên cạnh cuộc đời tôi, vì anh giống má. Còn má kế, như lúc này đây, tôi lại nghĩ về chái bếp miệt vườn năm nào, có ống thổi lửa cháy trong bếp lò và nụ cười thật thà, bao dung của má như hiện ra đâu đó trong thinh không.
MH