Menu Close

Vàng dã quỳ, ở đâu xa…

Bữa nay trời nắng và gió. Những đám mây xa bay về đầy trời và đầy hồn. Ngồi lật lại những trang viết cũ tình cờ bắt gặp bài này. Vậy xin in lại ở đây như những kỷ niệm của một thời.

Tặng những người bạn

tóc vương bụi đường

của một thời chiến tranh. đã xa…

Tháng 6, hoa dã quỳ nở ở nhiều nơi. Còn nhớ, một buổi sáng của tháng 6, Nguyễn đi dạo chơi nhìn trời và trò chuyện cùng cây cỏ trong khu cư xá, chợt nhìn thấy những bông dã quỳ vàng rực bên cạnh thùng thư của ngôi nhà gạch đỏ trên đường Bent Bow. Bèn bâng khuâng tự hỏi, có phải những bông dã quỳ của mùa trước tàn đi và bây giờ nở lại? Và nếu như hoa có thể tiếp nối đời sống trong không gian và thời gian thì sao tình yêu lại không thể như thế?

Vâng, Nguyễn yêu dã quỳ và cũng có đôi kỷ niệm về tình yêu dã quỳ.

Quỳ chỉ là loài dã hoa. Nó không quý như thủy tiên hay uất kim hương. Và cũng không cao sang như lan hay quỳnh. Nó là hoa của đồng nội, bạn cùng nắng gió và những người thơ -hồn thì trong mà thân vướng bụi đường dài lưu lãng. Nó là hoa, vào khoảng cuối xuân đầu hạ, đã từng mọc trên các sườn đồi của thành phố Ðà Lạt năm xưa. Nhà văn Ngữ Yên gần đây kể: Có một chuyện tình như mây đã nở ra cùng với dã quỳ khi Sơn Ca đến chơi Ðà Lạt năm ấy. Và cô cùng người sĩ quan trẻ mỗi sáng mỗi chiều, từ cà phê Tùng, đi ngược lên đường Hàm Nghi, về phía trường Bùi Thị Xuân, mắt và hồn vàng rực một màu quỳ dại. Cái màu vàng ấy còn theo cô mãi tới ngày nay. Một nơi nữa, cũng ở miền cao, có những vùng dã quỳ vàng dội rất nổi tiếng và đã đi vào văn, thơ. Ðó là dưới chân ngọn Chu Prong, trên đường từ Pleiku đi Kontum. Nơi đây, thời chiến tranh, đã có những trận đánh đá chạy cát bay, và những bông quỳ vàng nhuộm máu anh em. Với Nguyễn, một buổi chiều chiến tranh đã xa, chia tay với dăm người bạn trong màu hoa quỳ rồi lên trực thăng từ thị xã Kontum bay về phía Eo Gió: Hút với nhau điếu thuốc / Giữa buổi chiều hoa quỳ / Nói dăm câu từ tạ / Mây với người cùng đi…

Cái thời làm phóng viên chiến trường ấy, mới đó mà đã quá xa. Sang tới Mỹ, kẻ này được gặp lại dã quỳ. Ở những vùng đồi quanh Oklahoma, trên đường đi Wichita, Kansas. Ở những cánh đồng của xứ Texas này. Và trong một truyện ngắn viết cách đây mấy năm, về một mối tình đã sống dậy với những bông dã quỳ nối liền hai bờ Kontum-Oklahoma. Xin cùng đọc với nhau một đoạn:

“Rồi trong những giấc mơ chợt đến vào những đêm chuyển trời, mình thường thấy chìm sâu trong biển hoa quỳ nồng nàn quyến rũ. Và có lúc, mình thấy Ngọc bay lượn trên triền sóng vàng dậy. Mình đuổi theo, càng đuổi theo thì Ngọc càng bay xa, rồi mất hút. Trời, mình có nghe tin tức về Ngọc, khá mơ hồ và bất định. Dường như Ngọc đang có mặt đâu đây, ở thành phố phía Bắc Oklahoma. Nhưng chắc chuyện đã khác ngày xưa rồi. Sông không ngừng trôi và con người cũng phải đổi thay… Tìm lại đóa hoa ngày cũ  e chỉ là ảo tưởng, nhưng ảo tưởng đó sao đẹp não nùng đến thế? Có thể nào người ta chết vì một ảo tưởng không?..”

Gặp lại dã quỳ như gặp lại người ngày xưa. Như thế đó. Và xin tô thêm một nét cho dã quỳ: Ở nơi xa kia, sâu thẳm trong không gian và thời gian, ở thị trấn Arles của vùng Provence nắng gió miền Nam nước Pháp, vào khoảng năm 1888-1889, họa sĩ điên Vincent Van Gogh đã vẽ một loạt tranh Sunflowers với màu vàng chói chang đến buốt óc: Vase with Fifteen Sunflowers (1888), Vase with Three Sunflowers (1888), Vase with Twelve Sunflowers (1888), Vase with Twelve Sunflowers (1889), Vase with Fourteen Sunflowers (1889)… Trong số những bức “Sunflowers” trên, một bức được bán cho một nhà sưu tập tranh Nhật Bản với giá 40 triệu đô la. Ðó là vào năm 1987, nghĩa là sau khi họa sĩ qua đời đã 100 năm. Than ôi! Ðọc những ghi chú truyện kể về Van Gogh của D.M.Field thấy họa sĩ đã vẽ những bức Sunflowers với cảm xúc nồng cháy và tác động của những ly cà phê uống thâu đêm. Ðây là thời kỳ Van Gogh gặp Paul Gaugin rồi xảy ra đụng độ và Van Gogh nổi cơn điên, cắt đứt phần dưới lỗ tai bên trái, gói trong giấy báo đem trao cho một gái giang hồ. Tiếp theo đó là những tháng cuối cùng ở bệnh viện và dưỡng trí viện, từ vùng Saint-Remy-De-Provence tới Auvers-Sur-Oise, để rồi kết thúc bằng một phát súng ven một đồng lúa vàng rực màu dã quỳ, với những bóng quạ đen bay lượn.

da-quy
Dã quỳ Đà Lạt – nguồn pystravel.vn

Trở lại với Vàng Dã Quỳ… Từ nắng gió của vùng Provence miền Nam nước Pháp, do một cảm thụ ngoài văn bản, trí óc kẻ này bay ngược trở về lại với những ruộng dã quỳ của miền Nam Texas. Ðây quả là đường bay ủy mị, bởi nó không theo một trật tự luận lý nào ráo trọi, khiến nhiều độc giả thân yêu của trang này có thể nổi điên. Ðành vậy, rằng quen mất nết đi rồi… Vâng, ừ thì vàng dã quỳ của xứ cao bồi Texas. Theo bản tin năm nào của báo “Dallas Morning News”, thì nông gia của thị trấn Harlingen nằm heo hút tít tận biên giới phía Nam Texas đã từng trúng một vụ mùa hướng dương sunflowers tới 500 triệu dollars. Ðiều này không có gì lạ vì Nam Texas là vùng đất hợp với hoa quỳ bởi vì nơi đây là vùng đồi khô với ánh nắng tràn đầy, độ lượng (và gió và bụi đường trail dust). Và Nguyễn cũng không ngạc nhiên về khoản thu 500 triệu của các nông gia vùng này, bởi hạt hoa hướng dương (sunflower kernels) vốn được người Mỹ rất ưa chuộng. Và bơ hướng dương (sunflower butter) -rất bổ dưỡng- cũng đang chiếm lãnh thị trường, có khả năng thay thế peanut butter trên bàn ăn buổi sáng và trong các cafeteria của học sinh. Mặt khác, dầu hướng dương dần dần trở thành thông dụng trên thị trường nước Mỹ. Viết vớ vẩn, đầu Ngô (Ðà Lạt, Kontum) mình Sở (Oklahoma,Texas), nhưng kẻ này thành thực chia sẻ niềm vui được mùa của các trại chủ thị trấn Harlingen. Và các bạn ơi, nước Mỹ này cũng nổi tiếng vì hoa dã quỳ nữa đấy, mà các bạn có biết vòng đai của dã quỳ trên  xứ này nằm ở đâu không? Nó kéo dài từ Texas, sang Oklahoma, tới Kansas, Missouri, lên tận Colorado, Dakota, Illinois và Minnesota kia đấy. Và cả California nữa lận. Ít ngày nữa đây, kẻ này về Duncan, OK, vào tận trong ranch của gia đình ông bạn Mỹ để ngắm dã quỳ dưới bầu trời của nắng và mây và bụi đỏ. Nào các bạn, có ai cùng đi với Nguyễn  không? Ði thăm quỳ vàng và đồng dưa hấu nổi tiếng của Oklahoma cùng những chú bò Angus…

Bây giờ thì…. Ðể gói trọn tình yêu dã quỳ, Nguyễn xin gởi đến bạn đọc bài thơ Cùng Hoa Quỳ của Ý Nhi để nhớ về một đóa quỳ trong vườn xưa như ngọn đèn ai thắp trong chiều đón chân người trở về:

Còn lưu lại trong vòm cây mùa cũ

một bông hoa vàng

tựa như ánh nhìn

còn chờ đợi một ánh nhìn

tựa như lời nhắn gửi

còn chờ đợi

một lòng đón nhận

 

Dẫu trễ muộn

cuối cùng ta đã đến

ôi hoa quỳ

hoa quỳ thân yêu

TN – tháng 6. 2010