Menu Close

Nhạc sĩ Ngọc Chánh (Kỳ 1)

Những ai đã từng sống ở miền Nam trước năm 75, chắc hẳn nghe và biết đến ban nhạc The Shotguns lẫy lừng, hoạt động từ sau Tết Mậu Thân cho tới tháng Tư năm 1975. Nhạc sĩ Ngọc Chánh, con chim đầu đàn của ban nhạc này đang định cư tại Hoa Kỳ. Người nhạc sĩ đa tài này mới làm tiệc mừng sinh nhật 80, ông vừa bước vào con số tuổi vàng… son, tròn trặn của đời mình.

ngoc-chanh7


Nhạc sĩ Ngọc Chánh, tên họ thật Nguyễn Ngọc Chánh, sanh ngày 13 tháng 3 năm 1937 tại Sài Gòn. Ông mê nhạc và có năng khiếu từ nhỏ. Năm 6 tuổi, Ông học guitar với nhạc sĩ Cổ Tấn Tịnh Châu, một nhạc sĩ người Phi và Frère Aimé Nguyễn Văn Ðức, tại LaSan Ðức Minh. Ông đã soạn cuốn sách chỉ dẫn Tự Học Ðàn Guitar từ lúc ông mới 15 tuổi. Năm 1962 làm nhạc trưởng nhà hàng Mỹ Phụng, 1964 nhạc trưởng vũ trường Eden Rock (đường Tự Do). Năm 1966, Ngọc Chánh tham gia Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương và Ban Hoa Tình Thương. Năm 1968, cùng thành lập Ban nhạc The Shotguns với Duy Khiêm, Ðức Hiếu (sau này là Lưu Bình), Pat Lâm, Elvis Phương, Hoàng Liêm và Ngọc Mỹ. Ban nhạc thường chơi ở các club Mỹ, phòng trà Maxim của Hoàng Thi Thơ và Queen Bee của Khánh Ly. Năm 1971, ông làm chủ phòng trà Queen Bee. Sau đó, Thanh Thúy và ông cùng hợp tác mở phòng trà Quốc Tế năm 1972. Ngoài ra ông còn thực hiện những cuốn “Băng Vàng Shotguns” bán rất chạy, trong cả hai lãnh vực tân và cổ nhạc. Ông định cư ở Hoa Kỳ năm 1979, tiếp tục kinh doanh và làm chủ vũ trường Maxim’s ở San Jose năm 1980, Ritz ở Anaheim 1984 – 1998. Sau năm 1998, ông về hưu và bắt đầu đam mê vào cuộc chơi nhiếp ảnh nghệ thuật cho tới nay.

ngoc-chanh6


Tôi tình cờ gặp ông trong một buổi triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Quận Cam. Lẫn lộn giữa các tác phẩm đen trắng là những ảnh chụp phong cảnh rõ nét với bố cục màu sắc hài hoà tuyệt đẹp. Ðó là những tấm ảnh trưng bày của nhiếp ảnh gia Ngọc Chánh. Hỏi ra, tôi mới biết đó là nhạc sĩ Ngọc Chánh của Sài Gòn hơn 40 năm xưa. Người đã từng thành công rực rỡ trong cả 2 lãnh vực song song, âm nhạc và thương mại.

TTT: Xin nói về ấu thời và kiến thức âm nhạc của chú, những nhạc cụ nào chú chơi được và thường chơi loại nào?

Ðáp: Tôi sử dụng được guitar và piano. Ngày còn nhỏ, tôi học guitar, đến năm 13 tuổi, tôi bắt đầu học piano. Vì nhà nghèo không có tiền mua đàn, tôi phải đạp xe từ Chí Hòa qua Chợ Lớn, tới nhà bà chị dâu mượn piano để thực tập. Ngày 15 tuổi, tôi có viết một cuốn sách dạy đàn guitar và mang xuống tiệm đàn Mỹ Tín ngỏ ý bán.Ông chủ Mỹ Tín vốn là một giáo sư dạy nhạc kiêm kịch sĩ và có tên trong cuốn từ điển của Pháp là người sản xuất violon. Ông xem thấy thích và đồng ý mua lại với giá 24 nghìn đồng. Năm 1952, số tiền đó rất lớn, phải mất một tuần ông Mỹ Tín mới chạy được số tiền trả cho tôi. Nhưng khi có tiền, tôi đề nghị mua lại một chiếc piano của ông với giá 22 ngàn. Thế là tôi có đàn để thực tập. Khi 20 tuổi tôi bị gọi tổng động viên. Tuy nhiên, vì số phận đưa đẩy, 1 ngày trước khi nhập ngũ, tôi được ông Kiều Công Cung, Tổng Ủy Trưởng  Công Dân Vụ nhận vào ban văn nghệ nên tôi được hoãn dịch. Nhờ hai cái duyên trên, có được cây đàn và vào làm ban văn nghệ nên tôi được thoả nguyện hoạt động trong thế giới âm nhạc.

ngoc-chanh5
Ban The Shotguns chụp ở cầu thang vũ trường Maxim. Từ trên xuống: Hoàng Liêm, Ngọc Chánh, Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm, Lưu Bình, Duy Khiêm.

TTT:  Thật thú vị quá chú, một người mê âm nhạc bán tác phẩm lấy tiền mua đàn, một người thầy yêu âm nhạc hết lòng nâng đỡ một mầm non văn nghệ. Là một nhạc sĩ chú có những sáng tác và viết trong trường hợp nào?

Ðáp: Tôi có viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy ba bản nhạc, Bao giờ biết tương tư, Vết thù trên lưng ngựa hoangTuổi biết buồn. Cả ba bài, tôi đều viết nhạc và nhờ Phạm Duy viết lời.

Nói thêm về bản nhạc Bao giờ biết tương tư, tôi được đạo diễn Lê Hoàng Hoa và Tổng giám đốc Liên Ảnh Công ty (đơn vị đầu tư sản xuất phim) là ông Quốc Phong (chủ nhiệm tạp chí Kịch Ảnh), mời tôi viết nhạc nền cho cuốn phim Ðiệu ru nước mắt, cũng là tác phẩm cùng tên của nhà văn Duyên Anh. Tôi dựa theo bố cục và tình tiết của cuốn phim mà viết thành bài Bao giờ biết tương tư làm nhạc nền cho toàn cuốn phim. Câu chuyện tình thơ mộng của một chàng trùm du đãng khét tiếng Sài Gòn Trần Ðại, cùng cô nữ sinh Trưng Vương Tường Vi, đã là nguồn cảm hứng cho tôi. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, tôi đưa nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim tôi viết và bản nhạc Bao giờ biết tương tư đã ra đời từ đó. Tôi chợt nghĩ tới ca sĩ Anh Khoa và để anh hát bài này. Anh Khoa hát bài Bao giờ biết tương tư rất đạt, sau này hễ nhắc tới Anh Khoa người ta nhớ tới Bao giờ biết tương tư và theo tôi chưa có ai hát bài này qua ca sĩ Anh Khoa. Cách đó không lâu, ông Quốc Phong và đạo diễn Lê Hoàng Hoa lại có ý muốn tôi viết nhạc nền cho cuốn phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, tôi cũng đưa Phạm Duy viết lời. Giọng ca sĩ Elvis Phương rất hợp và lừng danh với bài này.

ngoc-chanh
Ngọc Chánh cùng Ban Hoa Tình Thương ra Pleiku năm 1968 hát ủy lạo tinh thần chiến sĩ. Cả nhóm chụp cạnh xe tăng T54 của CS bị bắn hạ. Trong ảnh: NS Duy Khiêm (số 1), Elvis Phương (số 2), Đức Hiếu (số 3), ca sĩ Thu Anh – em gái NS Phượng Liên (số 4), nhạc sĩ Bảo Thu (số 5), NS Hoàng Liêm (số 6), NS Ngọc Chánh (số 7), Pat Lâm (số 8), saxo Nguyễn Hữu Thành (số 9), trống Phùng Trọng (số 10)

Hàng năm tại Nhật Bản, hãng Yamaha có tổ chức một cuộc thi âm nhạc thế giới. Năm 1973, người đại diện Yamaha có mời Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy tham dự. Anh Phạm Duy gặp tôi và ngỏ ý muốn viết chung với tôi một bài để gởi dự thi. Tôi chọn Thanh Lan để hát, vì cô có dáng dấp của một sinh viên, lại đang là một sinh viên Văn Khoa của ban sinh ngữ. Chúng tôi ba người qua Nhật và Tuổi biết buồn được vào chung kết tại Ðại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo.

TTT: Năm 1966, chú tham gia Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương và hoạt động với ban Hoa Tình Thương. Xin chú cho biết chú làm gì và chủ trương cũng như hoạt động của ban Hoa Tình Thương thời đó .

ngoc-chanh4
USO Sai Gon, số 119 Nguyễn Huệ

Ðáp: Năm ấy chính phủ lại gọi động viên, tôi sửa soạn đi trình diện thì có cơ duyên khác xảy đến. Khi ấy tôi đang chơi nhạc ở Mỹ Phụng, tình cờ gặp ông trưởng đoàn của Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Cục Tâm Lý Chiến và ông đã mời tôi gia nhập đoàn. Năm 68 vì vụ Mậu Thân, các binh sĩ chết và bị thương trong các bệnh viện rất đông. Hai phu nhân của tướng Cao Văn Viên và Nguyễn Văn Là đã có ý định thành lập một ban văn nghệ ủy lạo các thương bệnh binh và được ở trên chấp thuận. Ban Hoa Tình Thương ra đời. Ban nhạc quy tụ nhiều ca nhạc sĩ có tiếng, chúng tôi đi thăm các bệnh viện trong nước, giúp vui và ủy lạo các anh em binh sĩ. 

TTT: Trước 1975, tên tuổi chú gắn liền với ban nhạc The Shotguns, xin chú cho biết lý do tại sao ban nhạc lại được đặt tên là Shotguns. Xin cho biết những thành phần, hoạt động và chủ trương. Nếu có thể chú cho xin một vài kỷ niệm vui buồn của chú với các thành viên của The Shotguns.

ngoc-chanh3
Bìa nhạc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” Phạm Duy-Ngọc Chánh

Ðáp: Năm 1968 vì chiến tranh, tất cả các phòng trà và vũ trường đều đóng cửa, nên chúng tôi thành lập một ban nhạc đi trình diễn ở các club Mỹ như các USO là hội binh sĩ của Mỹ. Ðây là nơi các quân nhân Hoa Kỳ tụ hội vào ngày cuối tuần được ăn, uống, giải trí đều free.

Ban nhạc The Shotguns, lúc mới thành lập gồm 4 nhạc sĩ là Hoàng Liêm (ghi ta), Ðức Hiếu (trống), Duy Khiêm (Bass), Ngọc Chánh (Keyboard), 3 ca sĩ có Pat Lâm, Elvis Phương và Ngọc Mỹ. Theo tôi, thì Pat Lâm và Ngọc Mỹ là cặp song ca hát nhạc Mỹ đạt nhất. Chính người Mỹ cũng không tưởng được là người Việt Nam lại có thể hát nhạc Mỹ hay đến vậy. Elvis Phương cũng hát nhạc Mỹ, nhưng anh hát nhạc Pháp khá hơn. Ban đầu tên ban nhạc của chúng tôi mang tên anh Pat Lâm, nhưng sau khi chúng tôi bàn bạc, tôi và Hoàng Liêm chọn Shotguns để đặt tên cho ban nhạc. Thực ra Shotguns chỉ là một cái tên một bài hát của Mỹ, nói về một cây súng Shotguns. Bài hát này hay, cái tên cũng hay, lại vào thời điểm chiến tranh nên với người quân nhân nó có ý nghĩa, do đó chúng tôi chọn. Tuy nhiên, sau 75 chúng tôi rất khổ vì cái tên Shotguns này. Chính quyền mới lại nghĩ nó là biểu tượng hiếu chiến hay có một ẩn ý hay ý nghĩa gì khác !!!

ngoc-chanh2
Phạm Duy đang tập cho Thanh Lan hát bài “Tuổi biết buồn” để đi dự thi.

Kỷ niệm vui buồn với các anh em ban nhạc thì nhiều, nhưng đáng nhớ là lúc ban nhạc mới thành lập còn nghèo, chỉ có chiếc xe Van cũ đi thuê để chở người và nhạc cụ mang theo. Khổ nhất là có những nơi trình diễn rất xa như căn cứ Long Bình, trong khi chiếc xe cũ ấy, nó muốn hư lúc nào thì hư, nằm đường lúc nào thì nằm. Tất cả anh em đều phải xuống xe, hè nhau vào đẩy, đẩy một lát nó lại nằm đường tiếp. Nhất là mùa hè mồ hôi mồ kê, cứ tha hồ mà đổ.

ngoc-chanh1
Chủ nhân tiệm đàn Mỹ Tín còn là một kịch sĩ tài hoa (phải) đang cùng với Lê Tuấn diễn vở All My Sons tại sân khấu Hội Việt Mỹ năm 1972. nguồn: website kịch sĩ Lê Tuấn

TTT

Kỳ sau

Ngọc Chánh và băng nhạc Shotguns