Cần mò về nhà ngay buổi sáng hôm sau, bỗng nhiên lại ngoan ngoãn, dễ bảo như cũ. Má Năm tươi tỉnh lên một chút, tới mấy ngày sau thì Má an tâm hẳn. Không khí trong nhà lại vui vẻ, những buổi cơm chiều lại là những phút họp mặt đầm ấm. Tôi với Cần càng được chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Suốt ngày, ngoài việc bếp núc, nhà cửa, hay khi có công chuyện cần phải chạy qua hàng xóm, Má Năm lăng xăng thổi xôi, làm bánh bông lan, bánh ú, bánh đậu, bánh chuối chiên nước dừa, nấu nước mía lau, làm sữa chua cho chúng tôi ăn. Má luôn miệng hỏi: “Cần, Quang hai con ưa món gì để má làm?” Má còn bắt Thảo mua ở chợ về hai bộ đồ ngủ mới tinh cho chúng tôi. Cần vẫn thản nhiên, hiền lành nhưng thờ ơ. Tôi thấy thương Má. Một hôm tôi đề nghị xây rộng ra cái chuồng heo cho Má, vì tôi nghe Má có lần nói tính nuôi thêm mấy con heo để tăng gia sản xuất. Nghe vậy Má ngạc nhiên xúc động không thốt nên lời. Rồi Má tươi cười rạng rỡ. Những buổi tôi lúi húi ngoài chuồng heo, Má không ngớt chạy ra chạy vào, xem tôi đo đạc, đóng ráp, nóng ruột chờ đợi kết quả của công việc. Chắc chắn là Cần không bao giờ chịu cầm cây búa lên làm một việc gì cho Má. Tôi định bụng sau chuồng heo sẽ sửa chữa lại vài chỗ ngói bể trên mái.
Tôi không nói dối Thảo, tôi thích công việc chân tay. Tôi chứng nghiệm rằng công việc chân tay giúp đầu óc người ta thảnh thơi, và thích hợp cho những cơ năng của con người. Dĩ nhiên đầu óc cũng cần thiết, rất cần thiết là khác, nhưng không nên lạm dụng. Việc làm ở hãng gạch vì vậy dù cực khổ và nặng nhọc, nhưng tôi vẫn mang ơn nó. Những buổi trưa trần mình dưới nắng đổ lửa, khuân, phơi, nung gạch, hòa mình giữa những công nhân bạn, đem mồ hôi đổi lấy đồng lương nhỏ nhoi mỗi tháng, với tôi lại là một sự giải thoát. Thoát khỏi sự thụ động và thói đạo đức giả của con người ở thành thị. Nó giúp tôi không còn suy nghĩ. Tôi đã suy nghĩ nhiều rồi, tôi không muốn suy nghĩ nữa. Tôi lao vào công việc một cách nhiệt thành. Ông chủ Phát Lợi có lần khen ngợi tôi. Lương tôi tăng lên chút ít. Ông không biết rằng tôi chỉ mang ơn công việc nặng nhọc của ông trong hiện tại; nó không giúp giải quyết gì được cho những khúc mắc bên trong tâm hồn tôi. Kinh doanh phát đạt của lò gạch Phát Lợi không giải quyết các vấn nạn của xã hội, cần một mô thức cải cách sâu xa hơn… Nhưng tôi không muốn nghĩ xa xôi vì tôi cần định tâm. Nhưng tôi biết, một con người ưa suy nghĩ rốt cuộc vẫn là một con người hay suy nghĩ. Nhất là khi tôi phải sống kế cận Cần, một con người ưa suy nghĩ khác.
Cần ít nói, nhưng khi nói, anh lại nói rất nhiều. Một lần anh mò ra chuồng heo, đứng sau lưng xem xét tôi làm việc. Rồi bỗng anh kêu: “Nhìn kìa!” Tôi ngơ ngác ngước lên. Tay anh chỉ thẳng về phía những con heo đang nằm trong chuồng. “Heo không điên, con người thì điên.” – anh nói.
Tôi bỗng bị kích thích, ném trả:
– Anh tựa vào điều gì mà nói như vậy?
– Ừ, cũng có thể có những con heo điên. Nhưng nếu điên, heo điên một cách tự nhiên, còn con người điên không tự nhiên. Con người điên cố ý!
– Chắc đó không phải là trường hợp của anh? – Tôi nói, độc ác.
– Không… Không, tôi cũng không biết. Nhưng đa số chúng ta đã sống một cách điên khùng. Có khi chúng ta cố ý điên, để biện minh cho những hành động của mình. Dù sao điều đó trái với bản chất con người.
– Chẳng hạn ai? – Tôi hỏi, khiêu khích.
– Ông chủ hãng Phát Lợi, Cần đáp. Ông ta ăn nên làm ra, ngày càng béo mập trên sức lực và sự nghèo đói của công nhân, nhưng vẫn dựa vào rất nhiều các lý thuyết, chủ nghĩa và cả những định hướng để biện minh, để có thể tiếp tục vui sống thản nhiên trước một việc làm như vậy. Xã hội không đổi mới, chỉ tạo thêm những phần tử ăn bám hệ thống. Ông chủ Phát Lợi là một trong những cá nhân đó. Anh tưởng không phải là điên, một cách cố ý sao? Còn những công nhân và những kẻ cùng mạt sống ở các thôn làng quanh đây nữa, anh không nghĩ họ cố ý điên để có thể chấp nhận đời sống bần cùng, bằng cách tin tưởng ở cái định mạng, cái số phần đã dành riêng cho họ sao? Có điên cố ý mới chấp nhận những mỹ từ treo lủng lẳng trước lò gạch Phát Lợi. Cớ sao đón Tết mà còn phải đón một thứ khác không liên quan và chính thứ đó dìm sâu vào chua chát? Cớ sao huyện ủy cũng cố tình điên để không nhìn thấy…
Cần thao thao, tôi chặn lời anh:
– Anh lấy ở đâu ra những tin tức về ông chủ Phát Lợi? Tôi tưởng anh không bao giờ đặt chân tới đó?
– Tôi về đây đã lâu, bây giờ, tôi không còn muốn đi đâu hết, nhưng hồi trước tôi cũng như anh, tôi đi khắp nơi trong thị xã này và tôi quen biết nhiều người. — Cần nhìn tôi soi mói, như anh muốn đo lường một vực sâu nào đó bên trong mình tôi, trước khi tiếp: Tôi không có ý chia rẽ kẻ giàu người nghèo, tôi không muốn làm cách mạng. Ðiều đó, tôi bất cần! Ðó chỉ là một trong những thí dụ. À, mà còn những kẻ gây chiến vì nhân dân này nữa! Họ xua hàng triệu triệu người vào chỗ chết, làm tan nát nhiều triệu gia đình rồi tự nhận vì dân, cho dân… rồi những người lính, những công dân cúi đầu vâng phục như một bầy cừu, không phải là họ điên, cố ý điên hay sao? Lý do này hay lý do khác, cách này hay cách khác…
– Như thế… anh cho rằng con người không điên tự nhiên, vì bản chất vốn thiện?
– Hẳn vậy.
– Nhưng anh không nghĩ rằng nếu chúng ta – con người – để cho tất cả bản năng bộc phát, thì có lẽ thế giới này sẽ điên đảo, diễn ra những cảnh cướp phá, tàn hại ghê gớm lẫn nhau, sẽ tan hoang hết cả, bởi vì cái lòng tham, lòng dục được dịp phát triển mà không có sự chi phối của một hệ thống hay một chủ nghĩa nào? Cơ chế và giáo điều đôi khi cần thiết để kềm hãm… Như thế, thì con người điên cũng là điên một cách tự nhiên bình thường, và từ thượng cổ đến giờ, con người đã tìm mọi cách, đã cố ý để khỏi điên, để đạt đến một sự quân bình chừng mực nào đó như cái thế giới hiện nay của chúng ta…
Cần lắng nghe tôi chăm chú. Mắt anh sáng quắc nhấc lên lá cờ sao Má Năm treo đón Tết ban sáng.
– Ừ, anh nói cũng có lý. Như thế bản chất của con người vốn không thiện.
Tôi lắc đầu:
– Không, anh hiểu lầm ý tôi. Nếu bản chất vốn đã không thiện thì làm gì có chuyện tìm cách đạt đến một sự quân bình, một giá trị đạo đức nào đó?
Cần nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên:
– Anh nói phải. Ðây là một vấn đề trọng đại, mình phải bàn lại mới được. Thiệt rắc rối hơn tôi tưởng.
Anh dợm bước tính bỏ vào nhà. Tôi nói với:
– Thật ra, tôi nghĩ đó chỉ là cái nhị trùng bản ngã.
Cần quay lại, tiến đến gần, gằn từng chữ:
– Bỏ việc đi, vô rừng chuối chơi với tôi.
Tôi lùi lại một bước, dù không cố ý. Tôi vừa thấy cặp mắt lóe đêm hôm nọ từ bụi rậm râm bụt ngó chằm vào gáy mình. Cặp mắt soi mói làm lộ ra một ước muốn mà tôi chưa đoán được. Nhưng Cần vẫn thản nhiên:
– Thường thường tôi chỉ đi tới rừng chuối. Ở đó có cây chuối xanh tốt, những buồng chuối mập tròn, đẹp mắt, lũ ve tha hồ ca hát và những con khướu, con chào mào nữa. Tôi thấy dễ chịu lắm. Ðôi khi tôi gặp những nông dân vô chặt chuối, họ nói chuyện với tôi, chỉ dạy tôi nhiều thứ, có khi họ bày thức ăn, xị rượu đế, chúng tôi dùng bữa chung với nhau. Tất cả mọi điều đều đẹp đẽ. Tôi mơ ước một hệ thống tạo ra những điều đẹp đẽ và những giáo điều tạo ra hạnh phúc, thay vì…
“Thay vì…” Bỗng dưng Cần lật đật lùi lại, bước chân anh loạng choạng và đôi mắt sáng trở nên ngây dại.
“… Tôi chỉ đi tới rừng chuối, tôi không đi xa hơn. Tôi sợ…” Tròng mắt Cần tối u.
“Tôi sợ.”…
Cần lặp lại rồi dáo dác nhìn quanh, trước khi lủi nhanh vào nhà. Tôi biết từ đây cho tới ít nhất ba ngày nữa, anh sẽ không mở miệng một tiếng.
*
Mặt sông lấp loáng sáng dưới nắng. Hình như khi trời đẹp, có mất đi cái vẻ lặng lờ cố hữu. Hàng dừa ven bờ rì rào thả hơi mát xuống con đường đất nhỏ. Chúng tôi đi bộ. Tóc Thảo bay lất phất, có lúc chạm vào má tôi đem theo mùi chanh cùng với hương da thịt nàng rất nồng nàn. Chiều thứ bảy, chúng tôi rủ nhau ra chơi thị xã. Thảo vận áo dài màu ngà, quần lụa trắng, guốc cao màu tím, ngoài đôi bông nhỏ với sợi dây chuyền thường khi, nàng đeo thêm nơi cổ tay chiếc vòng xuyến đánh bằng vàng lá, tròn trĩnh. Tôi thấy cảm động vì Thảo chịu khó diện với tôi. Tôi cũng mặc sơ mi trắng, quần ga-bạc-đin đen ủi thẳng nếp, mang giày Tây. Nếu tôi đưa tay ôm ngang hông Thảo, chúng tôi sẽ là một cặp tình nhân. Nhưng ở giữa chúng tôi vẫn có một khoảng cách. Thảo lúc nào cũng vô tư, vui vẻ. Nàng không biết những gì đang diễn ra trong đầu óc của tôi. Chẳng hạn như… như… tôi đang muốn sờ ngực nàng, chạm vào cặp nhũ hoa lúng liếng, viền ngón tay tôi quanh bìa môi nàng. Chẳng hạn tôi đang đoán chiếc quần lót của nàng làm bằng hàng soa hay ren… và tôi muốn một ngày được tự tay tháo… Tôi sẽ không giống những thằng điên trong chuyện khùng tháo rồi dùng làm thun bắn thạch sùng, mà hôn nàng đắm đuối… Tôi sẽ…
Mặt sông giựt lên cợn nước. Ánh nắng lung lay như tự tách khỏi, tự nhấc lên, rồi lại chặp vào nước. Màu nắng nghệ quyện với sắc lục của nước, làm nên một ráng hường chập chờn. Thảo hơi hích mũi:
– Em chợt nghĩ thấy buồn cười, là tại sao mỗi lần đi chơi, chúng ta đều muốn đi về phía thị xã, hả anh Quang? Ở phía kia chắc cũng có nhiều cái để coi lắm chứ?
Tôi nhìn ra mặt sông, thấy một chiếc đò chở khẳm chuối đang chậm chạp xuôi giòng. Mặt đó sát mặt nước, giống như các tảng chuối mọc lên từ sông. Tôi ngắm chiếc đò trôi lặng lẽ, rồi đáp lời nàng:
– Tại vì chúng ta sợ.
– Sợ gì kia chứ? Thảo hỏi ngược.
Tôi nhìn nàng chăm chú:
– Sợ những điều không rõ, những điều mà nếu đi về hướng ngược lại, không chừng chúng ta sẽ rõ, và sẽ thất vọng.
– Vì vậy chúng ta cứ thích đi về phía thị xã?
Thảo cũng nhìn thẳng vào mắt tôi, môi nàng khẽ cong lên ương ngạnh. Tôi gật:
– Phải, ở đó mọi điều đều bình thường, hay được chấp nhận là bình thường. Chúng ta có khuynh hướng trôi xuôi, chấp nhận những thứ đã có sẵn, và làm theo những điều mà tất cả đám đông đang làm… – Tôi nhớ tới Cần. – Thảo có nghĩ những người điên thật ra chỉ là những người dám đi ngược lại đám đông để tìm ra sự thật? Ngay cả khi chỉ có những ý tưởng?
– Em không sợ rừng chuối, và xa hơn rừng chuối nữa – Thảo quay nhìn xuống sông.
– Nhưng Thảo không bao giờ đi xa hơn rừng chuối! Tôi bất bình. Làm sao Thảo biết tôi với Cần ai là ai? Chúng tôi khác ra sao nếu Thảo không tìm hiểu? Không người đàn ông nào giống nhau trên mặt đất.
– Sao anh biết? Thảo tròn xoe mắt. Tròng mắt nàng thủy tinh, trong suốt, trên hai má bụ bẫm. Tôi vụt bối rối…
– … …
– Em không làm theo đám đông. Em không đi theo đám đông. Em cũng dám đi xa, tìm ra sự thật. Sự thật của riêng em, và em không điên!
Thảo quả quyết, hơi chau mày. Nàng đẹp dữ dội lúc ấy. Nàng làm tôi đắn đo.
– Ờ nhỉ… Và chính tôi nữa, sao tôi biết có một ngày kia mình sẽ không vượt xa hơn rừng chuối? Như vậy trong cái đám đông mà chúng ta vẫn thấy ở thị xã, có chúng ta nữa, nhiều kẻ thỉnh thoảng vẫn đi xa khỏi rừng chuối mà không ai biết.
– …nhưng người điên thì dám làm, và dám nói công khai cho tất cả! Họ không sợ bị trừng phạt. Còn anh?
Thảo quay phắt.
– Nhiều kẻ điên vì trục trặc một cơ quan trong đầu, do tai nạn hay do bẩm sinh. Nhiều kẻ khác vì tâm trí bệnh hoạn, khật khùng, kỳ quái. Có những người muốn phản kháng và có những bịnh nhân chỉ thích giết người, cướp của… Không phải người điên nào cũng lý tưởng.
Tôi nói nhanh, Thảo nhìn tôi lạ lùng.
– Thôi tụi mình ngồi đây chơi đi anh Quang, đừng ra thị xã nữa.
Thảo vén áo dài ngồi xuống dưới một gốc đa. Phần da hông vô tình lộ ra trắng mát. Nàng chớp mắt: “Ðừng nói chuyện những người điên nữa, Quang à. Biết sao mà nói! Dù sao thế giới này vẫn thuộc về những người tỉnh táo, mình cũng phải tỉnh với họ. Họ thiết lập ra hệ thống, mình phải tuân phục. Có những sự thật rất bình thường và hiển nhiên của người tỉnh, mà người điên không hiểu được, hay không chịu hiểu nên họ mới điên. Em chấp nhận, vì em không muốn điên.” Môi Thảo chu khi nói, một chút dỗi hờn xa vắng, như thể Thảo đang trách cứ những người không tuân thủ. Tôi muốn cãi nhưng vạt áo xẻ cao Thảo gấp ngang làm lộ cặp giò nàng dính sát quần lụa, khiến tôi im bặt. Tôi chưa thấy gì đẹp như vậy. Ðùi nàng mướt mát và phần thịt bụng khẽ phập phồng theo nhịp thở… Tôi thấy các ý nghĩ trong đầu mình đang bị chập điện nháng lửa. Tôi cố giữ bình tĩnh, đợi Thảo nhìn mình, mỉm cười thân thiện, rồi ghé sát gương mặt nàng đang ngước… Tôi cúi xuống nhanh, tôi định hôn lên má nàng nhưng Thảo xô tôi ra, ngồi lùi lại một khoảng: “Ðừng anh!” Tôi luống cuống. Hai tay thừa thãi. “Ðừng Quang…” Thảo nhắc. Rồi nàng chợt dịu lại, tươi vui, phá tan bầu không khí: “Nóng quá, em xuống ngâm chân cho mát”. Không biết vô tình hay cố ý, nhưng ngâm chân nàng phải kéo ống quần thêm cao. Nàng dọ dẫm một lúc dưới nước rồi trở lên, hai bắp đùi ướt át. Tôi nhìn trừng đường nước chảy trên đùi nàng như bị thôi miên. Những dòng nước long lanh… Thảo nhận ra ngay, nhưng nàng thản nhiên:
– Thôi về Quang ơi.
Hai chiếc bóng chúng tôi song đôi, chậm rãi. Hai chiếc bóng như có lúc ngã vào nhau rồi lại tách ra. Lúc dính, lúc tách. Lúc trước, lúc sau, lúc lao chao trên nền đất màu nghệ. Tôi không hiểu vì sao tôi nghĩ đến củ nghệ trong lúc tâm tư tôi muốn đi lui phía sau lưng nàng một chút, để ngắm hông Thảo dán sát vào vải. Lớp vải phin nhuyễn chuyển dịch theo mông nàng. Tôi lại nghĩ đến củ nghệ, có tính chất làm lành giúp kéo da non, xóa sẹo… nếu tôi có thể chà lên da nàng rồi dùng bột nghệ vẽ những đôi mắt… Thảo đột ngột kể chuyện anh Huynh, trưởng Công An xã, ghé nhà xét hộ khẩu và truy hỏi lý lịch của tôi. Nàng đổi đề tài đột ngột, bằng giọng quan trọng làm tôi rùng mình. Một nỗi sợ hãi sâu kín vụt dâng lên… Tôi đã nhiều lần bị truy xét phải vào tạm trú… Tôi tránh nghĩ đến những tai nạn đã xảy ra mà nhớ đến những chuyện hiền nhơn… Thảo trấn an là Má đã thu xếp, tôi không phải lo. Tôi thầm cám ơn Má Năm. Tri ơn đất trời cho tôi tìm được chỗ trọ này.
Ánh nắng chiều vàng rẩy xuống sông, loang loáng một lớp ráng hoàng hôn nhấp nhô từng lúc. Mặt nước tắp sát bờ kè như muốn đưa hai chiếc bóng của chúng tôi đi xa nhưng hai chiếc bóng vẫn dính vào đất. Tâm trí tôi cảnh báo phải rời khỏi thị xã, vì không còn an toàn nữa. Số mạng tôi vẫn hãy còn bấp bênh, tùy thuộc vào một điều gì đó mà tôi chưa biết.
(còn tiếp)
Trần Vũ viết chung với Lưu Uyên Khôi
(*) tranh minh họa của họa sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Hani Alquam và Seerwan Baran.