Menu Close

Chuyện võ và mẹ tôi

chuyen-vo-07

Chuyện Flores thách đấu với các võ sĩ Việt Nam (tự gọi mình là võ sư) rồi chuyện Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt tránh trớ Flores trở thành tiêu điểm của một nhóm không nhỏ giới trẻ trong mấy ngày gần đây. Với một số người, đó là chuyện nhảm nhí, với một số người khác, đó là nỗi buồn cho họ khi nghĩ về tinh thần thượng võ hay những gì đáng trân quý của con nhà võ đã bị mất đi. Với tôi, câu chuyện (hơi tào lao) này lại làm tôi nhớ võ sư Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Đài và Bùi Hý, bốn vị võ sư khá đặc biệt mà tôi chưa từng gặp mặt nhưng ấn tượng về họ thông qua chuyện kể của mẹ tôi – một đệ tử thân tín của võ sư Hồ Cưu.

Tinh thần võ hiệp trượng nghĩa

Mẹ tôi kể rằng Thầy Hồ Cưu cho đến lúc qua đời không chịu nhận mình là võ sư, ông luôn xem mình là một võ sĩ, và là một võ sĩ bất bại trước cái ác, cái xấu. Thời Pháp thuộc, nhà nước “mẫu quốc” khuyến khích nấu rượu, có hẳn những cái làng gắn tên với rượu tại miền Trung như Tiệm Rượu, làng Xóm Rượu, làng Rượu… Và thời đó, nhà nước cấm người Việt dạy võ, học võ. Các võ đường chỉ hoạt động lén lút trong gia đình với nhau, cha mẹ truyền thụ võ nghệ cho con cháu bằng cả mật khẩu.

Thầy Hồ Cưu, vô địch miền Nam, vô địch Ðông Dương, nổi danh giang hồ sau một trận đấu với một tay võ sĩ người Pháp mệnh danh là con hổ bất bại với chiều cao 1.85m, nặng 85 ký. Hầu như tay võ sĩ này đi qua quốc gia nào trong khối Ðông Dương đều hạ đo ván các võ sĩ ở quốc gia đó và các võ sĩ Ðông Dương luôn ngại đụng chạm tới tay võ sĩ này (rất tiếc mẹ tôi không nhớ tay võ sĩ này tên gì vì lúc đó bà mới mười lăm tuổi, mới tập tọ học võ thầy Hồ Cưu).

Những võ sinh nhí đang tập thở
Những võ sinh nhí đang tập thở

Sang đến Việt Nam, tay võ sĩ này cũng dựng đài và thách đấu khắp Sài Gòn, Hà Nội và liên tục chiến thắng. Một phần do các võ sĩ đã nổi danh Việt Nam ngại đụng chạm nên các võ sĩ nhận lời thách đấu thuộc hạng B là nhiều, luôn nếm thất bại. Về đến Quảng Nam, võ sĩ này lại dựng đài thách đấu. Có một chuyện vô lý là cấm người ta dạy và học võ nhưng lại cho võ sĩ mẫu quốc sang dựng đài thách đấu với võ sĩ thuộc địa. Thầy Hồ Cưu thấy tay võ sĩ này quá hống hách, hơn nữa ông cũng giận vì chuyện cấm dạy võ, tập võ mà lại dựng đài thách đấu. Ông ngầm kêu gọi các võ sĩ trong làng võ Quảng Nam tham trận.

Lúc đó, võ sĩ Bùi Hý nổi tiếng to con và có đòn chỏ lật ‘vô tiền khoáng hậu’, đối thủ dính đòn thì chỉ có nằm liệt. Ðêm đầu tiên, võ sĩ Bùi Hý lên đấu với tay võ sĩ mẫu quốc. Ðánh đến hiệp thứ hai thì Bùi Hý dính đòn của tay võ sĩ kia, bị knock out. Cả làng võ Quảng Nam xôn xao bởi chỉ có Bùi Hý mới đủ chiều cao và cân nặng cũng như sức mạnh để thi đấu với võ sĩ mẫu quốc. Võ sĩ Hồ Cưu lúc bấy giờ chỉ nặng có 60 ký và cao 1.6 mét, không thể là đối thủ của võ sĩ kia. Vậy mà sau khi Bùi Hý dính đòn, Hồ Cưu bước lên đài thách đấu và hẹn hôm sau thượng đài.

Hôm sau, đúng hẹn, một võ sĩ Tây to cao đấu với một võ sĩ Việt chỉ đứng ngang ngực võ sĩ Tây. Trận đài bắt đầu, dưới khán đài không có ai dám vỗ tay mà chỉ có rất nhiều người nín thở theo dõi. Các võ sĩ Quảng Nam thì luôn chuẩn bị tư thế để cấp cứu Hồ Cưu. Nhưng ba hiệp, rồi năm hiệp đi qua mà đôi bên vẫn chưa phân thắng bại, đến hiệp thứ sáu thì người xem thấy tự dưng Hồ Cưu múa loang một đường quyền rồi biến đâu mất, sau đó thì thấy võ sĩ người Pháp bị ném băng qua dây đài, rớt xuống khu đất bên dưới nghe huỵch và nằm ngay đơ, không thể đấu tiếp. Tiếng vỗ tay rầm trời.

Võ sư Huỳnh Tiến Lập - Chưởng môn Ngũ Phụng Sơn, người được mệnh danh Bức Tượng Đồng miền Trung những năm thập niên 1980
Võ sư Huỳnh Tiến Lập – Chưởng môn Ngũ Phụng Sơn, người được mệnh danh Bức Tượng Đồng miền Trung những năm thập niên 1980

Sau này, nhiều võ sĩ hỏi Hồ Cưu tại sao với khả năng hốt ngựa nhanh như chớp vậy Hồ Cưu không hốt ngay hiệp đầu cho nhanh kết thúc trận đấu mà cũng khỏi nguy hiểm cho bản thân, Hồ Cưu mới nói rằng nếu như hốt ngay thì thua ngay. Vì lúc đó đối thủ chưa thấm mệt, ném xuống đài lại leo lên đài đánh tiếp, vì “Tây nó sung sướng, nó dai sức chứ có đâu ăn khoai độn như mình”.

Chính vì vậy mà Hồ Cưu chọn chiến thuật tránh đòn, né đòn, quần thảo cho đối phương thấm mệt vì ra đòn không trúng đích (một cú ra đòn không trúng đích mệt gấp ba lần ra đòn trúng đích). Cuối cùng, thấy thời cơ tới thì hạ đối phương. Hồ Cưu còn cho biết thêm là khi ném, anh đã quan sát trước chỗ ném đối phương xuống có nhiều cỏ, chứ nếu chơi ác là anh lừa cho đúng tầm, hốt ngựa và ném vào chỗ đá dăm cũng ê ẩm lắm…

Và chén cơm manh áo

“Thời đó tập võ hay lắm con ạ, không như bây giờ, mẹ thấy chẳng còn thiêng như trước! Mà võ là để cứu người chứ không phải để giết người, đánh người, rồi thách đấu để phô trương sức mạnh!” – Mẹ tôi nói.

“Vì sao mẹ có nhận định như vậy?”.

Không biết trong những võ sinh này, sau này có ai theo nghiệp võ
Không biết trong những võ sinh này, sau này có ai theo nghiệp võ

“Con biết, hồi xưa, hầu hết các võ sĩ giỏi đều phải đi đánh thuê cho địa chủ để có cơm ăn mà duy trì nghề võ. Ðánh thuê để giành đất đó, ví dụ như đất bãi biền, địa chủ này tới khai hoang gieo trồng, đất màu mỡ, thu hoạch tốt là nhất định có địa chủ khác lăm le, dắt gia nô tới chiếm cứ. Các địa chủ đều phải nuôi một đám võ sĩ trong nhà để giữ đất. Riêng thầy Hồ Cưu, ông bảo vệ cho ông cố con (tức Cụ Nghè Trần Huỳnh Sách, học trò ruột cụ Trần Quí Cáp, người viết cuốn Cuộc Ðời Và Hoạt Ðộng Của Chí Sĩ Trần Quí Cáp, và cũng là người thân chinh bốc mộ cụ Trần từ Khánh Hòa về quê, qua mỗi tỉnh đều dựng hương án cho các chí sĩ trong tỉnh đến viếng nhang thầy). Lúc đó, các địa chủ giành đất dữ lắm. Riêng ông cố con nhờ thầy Hồ Cưu cảm hóa các đám võ sĩ khác mà cả khu vực trở nên yên bình, dần dần, các võ sĩ cũng không còn theo địa chủ đánh thuê giành đất nữa mà bỏ vào Nam làm ăn”.

“Chuyện cảm hóa như thế nào vậy mẹ?”.

“À, thường thì khi địa chủ khác mang gia nô (gồm đám võ sĩ được nuôi bấy lâu nay) đến chỗ đất chũ cũ đang khai thác và đóng cọc vây một vùng, ngang nhiên tuyên bố đất này thuộc sở hữu của họ và cho thời hạn chót thu hoạch hoa màu. Những lúc như vậy sẽ có trận ẩu đả giữa võ sĩ đôi bên, có khi nảy lửa! Nhưng thường thì các địa chủ khác tới giành đất của ông cố, chỉ mỗi thầy Hồ Cưu ra nói chuyện, các võ sĩ khác đứng lui sau lưng cách cả trăm mét. Thầy không nói không rằng, cứ   chờ cắm cây cọc nào, và đợi người ta hì hục đóng lút cán thì thầy nắm một tay nhổ cái vèo, bảo bên kia đóng lại chứ đóng như vậy lỏng quá. Và bên kia lại đóng lại, đóng kỹ hơn, ông lại rút cái vèo. Cũng là dân nhà võ với nhau, các võ sĩ bên kia cũng từng nghe tên thầy Hồ Cưu, cộng với trực tiếp nhìn thấy ổng thi triển nội lực thì chỉ còn nước im lặng chứ không dám gây hấn. Lúc này ổng mới nói nhỏ to, phải trái cho họ nghe và khuyên họ nên đi xa làm ăn để còn tương lai, ổng cũng nói luôn là ổng ở đây chủ yếu để giữ mối giao hòa, truyền đạt võ thuật chứ không phải đi đánh thuê… Vậy là họ nghe theo lời khuyên của thầy Hồ Cưu, vào Nam làm ăn, sau này ai cũng thành đạt”.

“Mẹ thấy các võ sư bây giờ như thế nào? Ðạo đức nhà võ ra sao?”.

chuyen-vo-04

Ngày nay, có nhiều môn võ được dạy ở Việt Nam và trẻ em đến lớp chủ yếu theo sự PR về thầy và võ đường
Ngày nay, có nhiều môn võ được dạy ở Việt Nam và trẻ em đến lớp chủ yếu theo sự PR về thầy và võ đường

“Con hỏi chung chung như vậy thì e là vơ đũa cả nắm, cũng có người hay, người dở, thời nào cũng vậy thôi. Vấn đề là thời xưa cái hay nó chiếm số đông. Bây giờ cái dở nó chiếm đại đa số, cái hay thì quá hiếm hoi, hầu hết các võ sư, huấn luyện viên đều bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền nên hình ảnh thầy võ cũng không còn linh thiêng, thần thánh trước học trò như xưa. Ðó là chưa nói đến những chuyện như một chưởng môn lừa người ta bằng kiểu tạo ra ảo giác về sức mạnh siêu nhiên, điện giật, rồi phô trương môn phái để câu môn sinh… Tất cả những thứ đó là biểu hiện của thiếu đạo đức. Ðó là chưa muốn nói đến thời bây giờ, nếu nói về võ sư, cả nước này mẹ nghĩ đủ trình độ và tri đức của một võ sư chắc cũng chỉ 20, 30 người. Nhưng Liên Ðoàn võ thuật lại cấp bằng võ sư vô tội vạ cho những ai múa được mấy bài quyền và phân thế, biểu diễn được một số kỹ năng do liên đoàn đặt ra. Thành thử số lượng võ sư cả vài ngàn người mà thực lực thì chẳng có. Còn chuẩn võ sư thì cả mấy chục ngàn người. Một đất nước toàn là võ sư, chuẩn võ sư, huấn luyện viên võ thuật mà tối đến thì trộm lộng hành, ban ngày thì cướp giật đầy đường, giang hồ thích làm gì thì làm, nếu xét theo đạo đức nhà võ thì phải xem đây là mối nhục của nhà võ. Nhưng các nhà võ có làm gì thay đổi được xã hội đâu ngoài việc cầm cái bằng để đi dạy kiếm tiền. Chuyện bằng võ sư và chuẩn võ sư bây giờ cũng giống như bằng cử nhân vậy, không thiếu cử nhân không làm được việc gì cả, nói ra mệt lắm!”.

Mái ngói nhà cụ Nghè Sách, nơi một thuở thầy Hồ Cưu tá túc dạy võ
Mái ngói nhà cụ Nghè Sách, nơi một thuở thầy Hồ Cưu tá túc dạy võ

Nói đến đây tôi cũng không muốn hỏi thêm nữa. Bởi mẹ tôi đã thấy mệt, bệnh tai biến kéo dài sáu năm trời của bà không cho phép bà nói chuyện dài. Mà có lẽ cũng nhờ vào ý chí nhà võ mà một người bị tai biến nằm liệt giường, phần thân bên trái hoàn toàn mất cảm giác, tính tình nóng như Trương Phi khiến bà luôn bực bội khi có việc gì đó trái khoáy, vậy mà bà tự tập luyện để ngồi dậy, rồi đứng dậy và giờ là chống gậy đi chùa mỗi Rằm, Mồng Một. Mà tôi cũng xin nói thêm, nếu không có biến cố 1975, không chừng mẹ tôi không phải mang bệnh tai biến này, vì bà mất quá nhiều thứ, có Thánh cũng phải đau chứ đừng nói tới người!

Mẹ tôi sau cơn tai biến
Mẹ tôi sau cơn tai biến

HL