Menu Close

An Sinh Xã Hội (08/02/2017)

HỎI

Xin hỏi chị 3 câu hỏi:

  1. Hai vợ chồng đều đang làm việc, khi cả hai đến tuổi 62 thì người chồng có thể apply tiền hưu từ người vợ và ngược lại hay không? và nếu có thì tỉ lệ tiền hưu sẽ được phân chia ra sao?
  2. Nếu apply như vậy và 2 người vẫn đi làm thì có ảnh hưởng thế nào đối với tiền hưu của chính 2 người khi đến tuổi full retired.
  3. Trong trường hợp 1 người phối ngẫu qua đời thì người còn lại có thể apply tiền hưu của người quá vãng hay không? và tỉ lệ là bao nhiêu phần trăm?

Ðáp

Người có đi làm và đóng đủ số tối thiểu 40 tín chỉ An Sinh Xã Hội,  khi bước vào độ tuổi 62, đã hội đủ điều kiện xin tiền hưu non. Lưu ý : tuổi hưu non từ 62 và tuổi hưu toàn phần. Tuổi hưu toàn phần tuỳ thuộc vào năm sanh của mỗi người.

Sanh từ năm 1943 đến 1954: 66 tuổi

sanh năm 1955: 66 tuổi và 2 tháng

sanh năm 1956: 66 tuổi và 4 tháng

sanh năm 1957: 66 tuổi và 6 tháng

sanh năm 1958: 66 tuổi và 8 tháng

sanh năm 1959: 66 tuổi và 10 tháng

sanh năm sau năm 1960: 67 tuổi

Bắt đầu lãnh tiền ở độ tuổi toàn phần sẽ được lãnh 100% quyền lợi, về hưu tuổi 62, số tiền sẽ bị giảm và giảm vĩnh viễn.

Trong trường hợp là đôi vợ chồng, người không đi làm hay người đi làm ít lương hơn, có thể xin ăn theo trên hồ sơ làm việc của người kia.

Số 50% xin ăn theo dưới hồ sơ của người làm nhiều lương áp dụng khi người ăn theo nạp đơn ở tuổi hưu toàn phần. Nếu bắt đầu xin ăn theo ở tuổi 62 thì chỉ được hưởng 35% mà thôi. Ðiểm quan trọng cần để ý khi nạp đơn là người phối ngẫu thì nếu bản thân có đi làm có đủ điều kiện hưởng hưu bổng thì ưu tiên là hưởng quyền lợi của mình trước, sau cùng nếu số tiền này ít hơn số 50% hay 35% của người kia thì mới được hưởng phần sai biệt.

Về hưu ở tuổi 62, người có lương nhiều hơn sẽ được lãnh 75% quyền lợi hưu bổng của mình.

Về hưu ở tuổi 62 vẫn có thể tiếp tục đi làm nhưng thu nhập được cho phép là $1,410.00/tháng. Cứ mỗi $2.00 làm quá mức cho phép sẽ bị trừ $1.00 trên chi phiếu hưu bổng.

Nếu người hôn phối cũng đi làm và cũng về hưu ở tuổi 62, điều kiện áp dụng như vừa nêu trên.

Trường hợp người thứ hai lãnh số hưu rất khiêm nhường ở tuổi 62 và số tiền này ít hơn 35% của người kia thì sẽ xin thêm phần bổ sung cho đủ mức 35% của người kia.

Trên quyền lợi ăn theo chỉ có một trong hai người được hưởng tiêu chuẩn này.

Và một khi về hưu ở tuổi 62 thì sẽ không có quyền chọn lựa quyền lợi nào để lãnh trước.

Với tình huống đã được tuổi hưu toàn phần thì người đứng đơn có quyền chọn lựa loại hưu bổng nào để xin trước. Thí dụ cả hai vợ chồng đều được tuổi hưu toàn phần.

Ông chồng được hưởng $2,000.00/tháng. Bà vợ sẽ được lãnh $1,200.00/ tháng trên chính hồ sơ làm việc của mình. Người vợ có quyền chọn lựa xin ăn theo 50% của người chồng là $1,000.00/tháng và tạm thời để dành số hưu bổng của mình cho đến tuổi 70. Như vậy, ở thời điểm này tổng số hưu bổng của hai ông bà là $3,000.00/tháng. Ðến khi bà được 70 tuổi, số hưu $1,200.00 sẽ trở thành 1200 x 132%= $1,584.00/tháng .

Khi ấy bà xin chuyển sang hồ sơ làm việc của chính mình.

Ông tiếp tục lãnh số $2,000.00, bà lãnh số hưu mới là $1,584.00/tháng. Tổng số thu nhập lên đến $3,584.00/tháng. Luật lệ về điều khoản này có thay đổi từ năm 2015. Chỉ những người sinh trước 1 tháng 1 năm 1955 mới có quyền chọn lựa này mà thôi. Cụ  thể nếu sanh sau 1 tháng 1 năm 1955 thì cho dù đến tuổi về hưu toàn phần người làm lương ít, có số hưu khiêm nhượng hơn người kia cũng chỉ được lãnh căn bản mức hưu của mình, may ra có thể lãnh thêm phần bổ sung.

Khi một trong hai người qua đời, người ở lại nếu được tuổi hưu toàn phần sẽ được lãnh 100% số hưu của người quá vãng nếu số hưu này cao hơn.

Nếu người lãnh lương hưu ít hơn và ra đi trước thì sẽ không có gì xảy ra cho người ở lại ngoại trừ khoản tiền Lump Sum Death Benefit là $250.00.

AH