Menu Close

Chuyến xe định mệnh ở San Antonio

Tuần qua, cả nước Mỹ bàng hoàng với bản tin 10 di dân lậu bị thiệt mạng ở thành phố San Antonio trong chuyến hành trình vượt biên giới vào Mỹ do bị nhốt trong một thùng xe tải không có máy điều hoà không khí, thậm chí không có ống thông hơi, trong khi nhiệt độ bên ngoài nóng như thiêu như đốt.

chuyen-xe-dinh-menh3
nguồn CNN.com

Tuy nhiên, con số người thiệt mạng trong vụ này chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng số di dân lậu bị chết mỗi năm trong khi trên đường tìm cách vượt biên giới vào Mỹ. Theo dữ liệu của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, mỗi năm có hàng mấy trăm di dân lậu bị thiệt mạng trong những chuyến hành trình đầy gian nan và nguy hiểm này, và hầu như tất cả những cái chết đó xảy ra trong khi đang được những tổ chức đưa lậu người bí mật đưa họ vào Mỹ.

Trong mấy năm gần đây, hầu như tất cả những di dân lậu vượt biên giới từ phía nam của nước Mỹ đều phải chấp nhận trả tiền để được những tổ chức đưa lậu người đưa họ vào Mỹ là vì càng ngày những tổ chức buôn bán bạch phiến (drug cartels) càng siết chặt việc kiểm soát phần đất ở phía bên kia biên giới thuộc Mexico. Do đó, ít có ai dám tự mình vượt biên giới như trước nữa vì lo sợ nguy hiểm đến tính mạng nếu cả gan qua mặt những tổ chức tội phạm đó.

chuyen-xe-dinh-menh2
Một nhân viên an ninh biên phòng tại biên giới – nguồn CNN.com

Trong hồ sơ điều tra vụ chết người này, theo lời kể của những người sống sót, họ đã phải trả cho tổ chức tội phạm Zetas một số tiền là 11,000 pesos (khoảng 620 Mỹ kim) để được bảo vệ. Ðây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số chi phí nhiều ngàn Mỹ kim họ phải trả cho chuyến vượt biên.

Trong chuyến xe tải định mệnh ở San Antonio được biết bao gồm nhiều nhóm vượt biên khởi hành từ nhiều địa điểm khác nhau. Một trong những người sống sót thuộc nhóm 28 người kể lại rằng họ phải vượt qua sông Rio Grande bằng bè, sau đó đi bộ băng qua khu vực khô cằn thuộc phía nam tiểu bang Texas, nơi đây chỉ có rừng thưa và đồi trọc, cho tới ngày hôm sau thì được xe đón và đưa tới địa điểm của chiếc xe tải. Một nhân chứng thuộc nhóm 24 người khác cho biết sau khi vượt biên giới, họ được đưa tới giấu ở một căn nhà bí mật tại thị trấn Laredo 11 ngày trước khi được đưa tới xe tải.

Theo lời kể của các nhân chứng, chiếc xe tải đậu ở đâu đó gần thị trấn biên giới Laredo vào buổi sáng Thứ Bảy 22/7 để rước người, rồi hết nhóm này đến nhóm khác được đưa tới và dồn vào trong thùng xe trong khi nhiệt độ bên trong thùng càng lúc càng hừng hực lên mà lại không được cung cấp một chút nước hay thực phẩm nào. Tổng số người vượt biên lậu cho chuyến xe này lên đến khoảng 200 người, và trước khi xe lăn bánh, một trong những tay đưa lậu người đã trấn an mọi người rằng thùng xe tải có gắn máy điều hoà không khí. Hắn ta đã không nói rõ là chiếc máy này đã bị hư và không còn hoạt động.

Khi chiếc xe tải đã ngon trớn trên xa lộ, những người vượt biên lúc đầu còn tỏ vẻ bình thường. Nhưng rồi không lâu sau đó, một số người cảm thấy khó thở và có người bắt đầu bất tỉnh.

Những người vượt biên tỏ ra lo ngại và đã ra sức dùng tay chân đập mạnh vào thành của thùng xe để gọi người tài xế cho dừng xe, nhưng chiếc xe tải vẫn không ngừng lại. Lúc này thì họ biết rằng máy điều hoà không khí không hoạt động và luôn cả bốn ống thông hơi đều bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, những người này tìm được một lỗ thông hơi nhỏ còn mở và đã thay phiên nhau thở qua lỗ thông hơi đó để lấy chút dưỡng khí.

chuyen-xe-dinh-menh1
Những tuyến đường từ Trung Mỹ xuyên qua Mexico để tới biên giới Mỹ- nguồn The Heritage Foundation

Cuối cùng, mấy giờ đồng hồ sau, người tài xế đã cho xe dừng lại, nhưng những người vượt biên khi đó đã quá yếu và ngã đổ vào nhau. Chiếc xe tải được đậu trên khoảng sân đậu xe của ngôi chợ Walmart tại San Antonio vào sáng Chủ Nhật 23/7, và khi cánh cửa thùng xe được mở ra thì một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt với nhiều lớp thân thể người nằm chồng lên nhau. Một người trong thùng xe đã thoát được ra ngoài và chạy đi xin nước uống của một nhân viên làm việc cho Walmart. Người nhân viên này sau đó đã gọi cho cảnh sát.

Tám người được biết là chết ngay tại hiện trường và hai người khác chết sau đó tại bệnh viện. Gần 30 người khác được đưa đi cấp cứu. Số người khác hoặc được người đưa xe đến đón hoặc còn sức thì bỏ chạy trốn vào khu rừng cây gần đó.

Người tài xế chiếc xe tải có tên James M. Bradley Jr., 60 tuổi, cư dân của thành phố Clearwater, Florida, đã bị bắt và bị cáo buộc đưa lậu người trái phép. Theo luật liên bang, tội đưa lậu người vào Mỹ có thể bị án tù chung thân, hoặc tử hình nếu như tội này còn gây ra chết người.

Thậm chí kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền vẫn thường cho biết là luật pháp sẽ không dung thứ di dân lậu, nhưng bi kịch di dân thêm một lần nữa cho thấy cho dù việc kiểm soát có siết chặt tới đâu thì vẫn có nhiều người tìm đủ mọi cách để vượt biên vào Mỹ và do đó mở ra cánh cửa làm ăn cho những tổ chức đưa lậu người ở vùng biên giới.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao người ta phải dùng xe tải để đưa người vượt biên lậu, nhất là sau khi những người này đã băng qua biên giới và vào được Mỹ?

chuyen-xe-dinh-menh
Tài xế xe tải James Bradley Jr. bị bắt – nguồn Fox News

Theo các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề di dân lậu và an ninh biên giới, một trong những lý do là để nhập lậu vào nước Mỹ qua ngả biên giới Mexico, người ta phải “vượt biên hai lần”. Trước hết là phải vượt qua biên giới giữa Mỹ và Mexico, rồi sau đó là vượt qua một trong nhiều trạm kiểm soát biên giới được đặt sâu trong nội địa nước Mỹ.

Vì phải vượt biên hai lần như vậy nên người ta phải cần đến những tổ chức đưa lậu người, và những tổ chức này hoạt động theo nhiều cách khác nhau và qua sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bờ biên giới. Có người còn cho rằng chặng vượt biên đầu có lẽ còn dễ dàng trót lọt hơn là chặng thứ nhì.

Kể từ khi lực lượng biên phòng ở phía Mỹ gia tăng trong mấy năm qua thì ngày càng có nhiều tổ chức đưa người lậu cũng như người vượt biên nghiêng về giải pháp di chuyển người bằng xe tải. Và một khi chiếc xe tải chở người lậu nhập vào dòng xe cộ đông đúc nhộn nhịp trên các tuyến đường xa lộ ở Mỹ thì nó rất khó bị nhận dạng, và số đông người được dồn nén vào trong một thùng xe tải như vậy có nghĩa là nguy cơ bị bắt lại được dồn vào một điểm, đồng thời những tổ chức nhập lậu người còn kiếm được nhiều tiền hơn trước nữa.

Tuy nhiên, cách di chuyển người bằng xe tải, nhất là vào những tháng mùa hè với nhiệt độ lên cao dễ gây chết người, thì một khi bi kịch xảy ra, như trường hợp chiếc xe tải ở San Antonio, dễ biến thành những bản tin gây xúc động và phẫn nộ như đã từng xảy ra trước đây.

Năm 2003, có 70 người vượt biên lậu được phát hiện bị khoá trong một thùng xe tải với nhiệt độ nóng chết người ở khu vực quận Victoria tiểu bang Texas. Mười tám người trong số này đã bị thiệt mạng.

Theo các nhân viên an ninh cho biết cuộc điều tra vụ việc này sẽ còn kéo dài nhiều tháng vì người ta tin rằng tài xế xe tải Bradley chỉ là một phần tử rất nhỏ trong một hệ thống nhập lậu người vào Mỹ có quy mô và phức tạp.

Theo Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng nửa triệu người vượt biên lậu bị bắt ở khu vực biên giới trong khi hàng trăm ngàn người khác trót lọt. Trong số những người vượt biên lậu ở vùng biên giới phía nam nước Mỹ, không chỉ có người dân của Mexico mà còn hàng chục ngàn người vượt biên từ những quốc gia ở phía nam như Guatemala, El Salvador và Honduras, là những quốc gia nghèo thuộc khu vực Trung Mỹ. Những người này đã phải làm một cuộc hành trình dài xuyên qua Mexico trước khi đến được biên giới Mỹ. Trong số này, không ít người đã trở thành nạn nhân của những tổ chức buôn lậu người: đàn ông thì bị bắt làm nô lệ lao động, đàn bà thì bị đưa vào những ổ mãi dâm.

Vấn đề vượt biên, cho dù ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều có chung những nỗi nguy hiểm giống nhau. Người Việt Nam chúng ta không xa lạ gì với những câu chuyện vượt biên như trên.

VH