Chờ việc ở Home Depot
Ở Mỹ, chúng ta thường thấy trong parking lot của Home Depot, rất nhiều thanh niên Nam Mỹ tụ tập từ sáng đến xế trưa, để mong có được việc làm qua buổi, đủ sống cho một ngày. Những người thuê họ là khách hàng của Home Depot đến đây để mua vật liệu, cần một hay vài người để sơn lại hay dọn dẹp cái garage, cưa mấy khúc gỗ, phụ làm cái patio, hay đào hố trồng mấy cây ăn trái…
Khi thấy một người vừa đẩy cái xe đầy vật liệu từ cửa Home Depot ra, vẫy tay thì cả đám bu lại, nhưng cuối cùng thì chỉ một hai người được tuyển chọn. Những người khác tản ra tìm bóng mát để đứng nghỉ, chờ một người khách khác hay là nhẫn nhục ra về, thêm một ngày không việc, và không biết gia đình họ hôm nay sẽ sống ra sao.

Người thuê thường chọn người biết tiếng Anh để dễ dàng giao tiếp, chỉ dẫn công việc. Tiền thuê mỗi giờ, tuỳ theo công việc nặng nhẹ, đứng giữa trời hay làm việc trong nhà, nhưng giá cả trung bình là $10.00/ giờ, lẽ cố nhiên là trả bằng tiền mặt.
Ðứng chờ việc ở Home Depot chỉ mới là bước đầu, vì không biết người thuê cần người để làm gì? Nhẹ, có thể nhờ họ quét rác trong vườn, dọn dẹp nhà xe, nặng có thể đào hốc trồng cây, cưa gỗ hay khiêng vác vật nặng. Như vậy người đứng chờ ở Home Depot phải là loại “bá nghệ,” “handyman” không từ chối một công việc nào, và nhất là phải có sức lực!
Cách đây mươi năm, tình trạng kiếm việc ở Home Depot rất thịnh hành, có khi cả chục người đứng chờ việc, nhưng đến nay hình như sở cảnh sát các địa phương không mấy hài lòng về cảnh tượng này. Ở tiểu bang Cali, nơi ít xảy ra thiên tai, không có cảnh nhà sập, vét bùn hay sửa sang lại cái hàng rào nên chủ nhà ít cần đến loại nhân công “tài tử” (không có chuyên môn này.)
Theo NBC News, các nghị sỹ lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, sau cuộc họp với Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) vào tháng trước, đã đưa ra lời cảnh báo đối với 11 triệu di dân bất hợp pháp về nguy cơ họ sẽ bị khám xét, bắt giữ, và trục xuất ngay ra khỏi nước Mỹ, không phân biệt là có phạm tội hình sự hay không.
Trước hoàn cảnh này, nhiều di dân đã lánh mặt, bỏ không dám xin phiếu thực phẩm hay trợ cấp, thì việc đứng chờ xin việc ở trước cửa Home Depot, chẳng khác chi “lạy ông tôi ở bụi này!”
Đứng làm “human sign” ngoài đường
Một bảng quảng cáo gắn bất động trước mặt tiền cao ốc hay dựng ở góc đường sẽ ít làm người qua đường chú ý hơn là một bảng quảng cáo có đèn chớp tắt hay là được mang trên một người đứng ở góc đường múa may, quay cuồng.

Trong một tiểu bang nhiều di dân như California, chủ nhân thường thuê người mang những bảng quảng cáo đứng ngoài đường để làm người qua đường lưu ý để quảng cáo cho một khu nhà mới xây xong đang cho thuê, một văn phòng khai thuế, một tiệm bán furniture, thậm chí là một cửa hàng bán pizza hay hamburger.
Vào mùa Phục Sinh, nhiều người làm human sign còn phải mang một bộ áo quần dày cộm để hoá trang thành một con thỏ đứng giữa trời nóng gắt. Mùa thuế người làm human sign phải đóng vai Nữ Thần Tự Do (Lady of Liberty) với áo thụng, nón vành hào quang nặng nề chịu đứng hàng giờ ngoài đường. Ðây là một nghề không cần chuyên môn, không nói, không làm, chỉ cần chịu khó đứng yên hay ôm cái bảng quảng cáo đi lại hay vung vẩy nó trên tay. Nghề này, tuy vậy không phải dễ, cần kiên nhẫn chịu khó, “đếm giờ ăn tiền” nhưng không phải ai cũng làm được!
Ðối với những tiểu bang lạnh cắt da như miền Ðông nước Mỹ hay nóng cao độ như vùng Arizona, nghề mang human sign khó thực hiện được.
Chúng ta may mắn được ngồi làm việc những căn phòng có máy điều hoà không khí, ít khi tưởng tượng ra có người “đứng” làm việc ngoài đường trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà lương mỗi giờ không quá $6.00.
Rửa xe
Ði chơi xa về cái xe dơ bẩn, bụi bặm, bạn thử ra tay chùi rửa nó coi sao. Hút bụi bên trong xe xong, xịt nước ngoài xe, lau xà phòng, dội nước lại, lau khô và đánh bóng nếu cần. Công việc này nếu có sức khoẻ, lanh lẹ cũng phải mất một giờ. Làm xong là mệt đừ muốn đi nằm.
Thử tưởng tượng bạn phải lặp lại công việc này năm, bảy lần trong một ngày như người di dân Mễ Tây Cơ, trong tiệm rửa xe kia, thì chắc chết. Chỉ cần huấn luyện một ngày, ai cũng có thể làm nghề rửa xe, nhưng trông bộ dạng của bạn, dân ngồi văn phòng thì xin miễn. Người rửa xe gần như suốt ngày đứng ngoài trời, dù lạnh hay nóng, tôi không nói dù mưa hay nắng, vì mưa thì tiệm rửa xe đóng cửa, bạn có thể ở nhà, nếu có tiền thì bia, nếu không thì nằm ngủ.

Vừa lau chùi xong một cái xe, giao chìa khoá cho chủ xe, nhận mấy đồng tip của khách là phải chạy vào khu dây chuyền nhận và lái một cái xe khác ra bãi. Chủ nhân đã tính toán kỹ không để cho công nhân ngồi không. Ðã quan sát nhiều lần tại chỗ rửa xe, chưa lúc nào tôi thấy một người thợ rửa xe ngồi không hay hút một điếu thuốc.
Rửa nhanh, rửa dối bị khách than phiền thì mất việc. Rửa chậm không kịp cho số xe từ dây chuyền ra cũng mất việc.
Cũng khó cạy miệng công nhân để biết số tiền lương giờ của họ, nhưng có lẽ khó lòng họ được hưởng lương giờ tối thiểu căn bản.
– Colorado: $9.30 ($6.28 cho nhân viên có nhận tiền típ).
– Connecticut: $10.10 ($6.38 cho nhân viên nhà hàng/khách sạn có nhận tiền típ).
– California: $10.50 (áp dụng cho doanh nghiệp có trên 26 nhân viên). Không biết một tiệm rửa xe có 8 nhân công và nhân viên nhận tiền tip thì được lãnh bao nhiêu tiền?
Giá căn bản cho một cái xe hút bụi, rửa xe trung bình là $12.00, còn tuỳ chỗ rửa xe sang hay tồi. Chủ xe thường tip cho người rửa xe $1.00, hào phóng lắm thì 2 hay $3.00.
Ðây cũng là một nghề phải có sức khoẻ, dẻo dai, chịu đựng. Không đủ những yếu tố này thì khó đứng suốt ngày ngoài trời và lúc nào cũng luôn tay.
Nghề đứng đường
Chúng ta không chỉ thấy những ông già hom hem đứng ở đầu đường, chỗ đèn xanh đèn đỏ, mang một tấm bảng “Homeless” hay “Hungry, will work for food!” mà cả những thanh niên rất trẻ, mạnh khoẻ. Ðiều này tỏ ra việc làm để có tiền mua bánh mì cũng rất khó kiếm.
Nhiều người lên án, đây là những người nghiện ngập, xì-ke, ma tuý, chây lười nên chủ trương không bao giờ bỏ tiền giúp đỡ họ, dù chỉ một đồng. Nhưng nếu chúng ta biết trong những người đứng đường này cũng có những thành phần cựu quân nhân, thì hẳn chúng ta đã thay đổi thái độ.

Theo tôi, ra đứng đường mang cái bảng homeless trước ngực là bước đường cùng, không ai muốn. Trời nắng như thiêu đốt, những người này chỉ đứng vài giờ rồi sẽ đi kiếm chỗ nghỉ ngơi. Trong tình trạng lòng bác ái mỗi ngày mỗi mai một, và bởi quan điểm của người lái xe qua đường thường khắt khe với những người này, nên đồng tiền họ kiếm không được bao nhiêu, chẳng qua là chỉ tạm bợ một vài ngày.
Thay vì đứng không, chờ người lái xe dừng lại chỗ đèn đỏ để cho 1, 2 đồng, có những người Mễ mang những bó hoa ra đứng bán ở đầu đường, nhưng ai cũng vội vã, mấy ai đã dừng lại để mua một bó hoa, dù mục đích chỉ là giúp đỡ cho người khó khăn.
o O o
Người Việt chúng ta bước chân đến Hoa Kỳ sau tháng 4-1975, ai cũng trải qua một thời gian chiến tranh, tù đày, hay sống những năm dài trong các trại tỵ nạn, phải nói là sức khoẻ không được như xưa, năng lực suy tàn, không có khả năng để làm lao động như những người Nam Mỹ đến đây. Do vậy những nghề phải dùng sức như những người đứng chờ ở Home Depot, mang bảng quảng cáo đứng bên lề đường hay rửa xe trong tiệm car wash, không hề thấy bóng dáng người Việt.
Nhiều người cho là người Việt không chịu khó, siêng năng cần cù như người Mễ, sức chịu đựng không dẻo dai, hay nản chí. Mặt khác, những người Việt lớn tuổi, sang đây, vẫn hay có tính sĩ diện, cực khổ, nghèo đói cũng không muốn cho ai biết, nên thà làm việc nhặt rau, rửa chén bát trong bếp hơn là ra ngoài để phải tiếp xúc với mọi người.
Vậy thì ai mà chịu khó đứng ở Home Depot, mang bảng quảng cáo ngoài đường hay làm nghề rửa xe để cầm đồng tiền tip của đồng hương. Tôi cũng đã gặp gỡ người Việt Nam không nhà, ẩn náu xin ăn trong những góc khuất của con phố, nhưng không muốn ra đứng xin tiền ở đầu đường.
Ðiều chúng ta biết thêm là người Việt còn có bà con, còn cộng đồng, biết nương nhau, đùm bọc nhau mà sống.
Nhiều gia đình sống ở Việt Nam có thân nhân đi Mỹ, năm mười năm không có tin về, làm ăn thất bại, ốm đau trở thành những kẻ lưu lạc không nhà, nhưng không ai muốn cho người khác hay chuyện mình, có nghèo đói, cùng đường thì cũng không muốn phơi bày ra cho người khác biết.
Nhưng lý do đúng nhất khiến người Việt không ra làm những việc khó nhọc, vất vả dưới trời mưa nắng, vì hầu hết chúng ta sang đây đều là những di dân hợp pháp. Dù có thất nghiệp thì cũng có phiếu thực phẩm, trợ cấp y tế, trợ cấp nhà ở và cả cái check welfare, nên chưa đến đỗi vất vả dầm mưa dãi nắng như những di dân từ Nam Mỹ, từ Mễ Tây Cơ, đói thì đầu gối phải bò ra đường, làm những việc mà người Việt… chê!
HP