Menu Close

Paul McCartney và Fans On The Run

Có lẽ ai cũng biết Paul McCartney là thành viên của ban nhạc The Beatles. Là người đánh bass tay trái, là tác giả nhiều bản nhạc bất hủ như “Yesterday”, “Hey Jude”, “Let It Be”. Sau khi ban Beatles tan hàng vào năm 1970 thì John, Paul, George và Ringo mỗi người đi một ngả, mạnh ai nấy làm nhạc riêng. 

paul-mccartney5
Hình bìa dĩa “Band On The Run” nguồn: Paul McCartney

George Harrison cho tung ra ngay lập tức album “All Things Must Pass” (ba dĩa cả thảy) gồm nhiều sáng tác của anh đã có từ trước mà vì lý do nào đó đã không được đưa vào trong các album của Beatles. Dĩa này giờ được coi như album hay nhất của George Harrison, với bài “My Sweet Lord” đứng đầu bảng Billboard vào cuối năm 1970 và là bản nhạc top hit đầu tiên của một cựu thành viên Beatles.

John Lennon và Yoko Ono thì lập ban nhạc Plastic Ono Band và cho ra một số dĩa solo nhưng không bán chạy lắm. Về sau có dĩa “Imagine” nghe nói cũng không đến nỗi tệ.

Ringo Starr cũng cho ra một số dĩa solo, đa số là nhạc do người khác sáng tác, và cũng thành công với một số bài như “You’re Sixteen”, “Photograph”, “It Don’t Come Easy”.

paul-mccartney4
Paul & Linda McCartney thời 70 – AP photo

Nhưng thành công nhất, có nhiều bài top hit nhất (24) là Paul McCartney với ban nhạc Wings, trong đó có vợ anh là nhiếp ảnh gia Linda McCartney đánh keyboard và Denny Laine của ban nhạc Moody Blues chơi guitar. Bộ ba này cho ra dĩa “Band On The Run” năm 1973, cho tới nay vẫn là album số một của Wings với những bài như “Jet”, “Let Me Roll It”. Paul cũng đã từng viết nhạc cho phim James Bond 007, “Live and Let Die”, rất nổi tiếng. Còn bài “Mull of Kintyre”, tả cảnh một vùng biển thơ mộng bên bờ Tây Anh Quốc đã trở thành dĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử nước Anh.

Năm 1976 Paul McCartney và Wings đi tour bên Mỹ lần đầu kể từ khi Beatles rã đám. Chương trình hầu hết là nhạc của Wings, trừ dăm ba bài của Beatles. Vào năm đó, một anh sinh viên đang đi học ở Atlanta đã mua vé để đi xem 2 show ở Nashville, cách Atlanta chừng năm tiếng lái xe.

Theo dự tính, anh ta sẽ đi xem show thứ nhất xong lái xe trở lại Atlanta ngay vì sáng hôm sau anh có buổi thi cho một lớp Biology. Thi xong anh ta sẽ lái xe ngược trở lại Nashville để xem show thứ nhì. Nhưng người tính không bằng Trời tính, buổi thi của anh bị dời đến 4 giờ chiều, bắt buộc anh phải quyết định chọn một trong hai – ở lại thi hoặc bỏ học để đi xem Paul McCartney.

paul-mccartney3
Ricky Glover tại Georgia – ảnh: FOTR

Tên anh sinh viên này là Ricky Glover, người “sáng lập” ra nhóm “Fans On The Run”. Gọi là sáng lập cho oai, nhưng thật ra đây là một nhóm fan tự phát, theo thời gian họ từ từ gom thành một cái hội không có thủ lĩnh, không có tổ chức rõ rệt, nhưng ngày nay có đến hơn hai ngàn “hội viên” trên Facebook. “Hội” này nổi tiếng đến độ trong những tour sau này nhiều người trong nhóm đã được Paul mời lên sân khấu, kể cả Ricky, để giương tấm bảng “Fans On The Run” trước mấy chục ngàn khán giả.

Tôi quen với Ricky trên Facebook đã từ lâu vì cả hai cùng là fan của Todd Rundgren. Nhân dịp Paul sắp sửa đi tour ở Mỹ vào tháng 7, tôi liên lạc ngay với Ricky để phỏng vấn anh về “Fans On The Run”. Anh vui vẻ nhận lời.

Theo lời anh kể thì tới nay anh đã xem cả thảy là 146 show của Paul. Trong tour “One On One” sắp tới đây anh nói chắc chắn sẽ coi đến show 150, mặc dù anh chưa biết sẽ là show ở thành phố nào. Khi bài báo này lên khuôn thì rất có thể anh đã đạt được kỷ lục đó.

Anh nói lý do anh biến thành một người “fan on the run”, đi bất cứ nơi nào anh có thể đi được để coi Paul trình diễn, là vì vào năm 1976 chàng sinh viên Ricky đã có một quyết định sai lầm, chữ anh dùng là “vô trách nhiệm” (irresponsible). Ricky đã chọn… ở lại Atlanta để thi Biology thay vì bỏ học để đi coi nhạc!

paul-mccartney2
Ricky Glover với Paul McCartney – ảnh: FOTR

Anh cười khi kể lại chuyện này, và bảo rằng từ đó tới nay anh không hề dùng được mớ kiến thức Biology vô dụng đó vào chuyện gì cả. Ngược lại, anh đã thề từ rày về sau anh sẽ không bao giờ để chuyện sai lầm đó xảy ra một lần nữa. Vì vậy nên cứ hễ nghe Paul sắp đi tour là anh thu xếp công việc và tài chánh để đi xem thật nhiều show cho bõ ghét.

Nhưng ông Trời cũng thích chơi khăm. Mãi đến năm 1989 Paul mới sang Mỹ tour trở lại. Có nhiều lý do. Tháng Giêng năm 1980, Paul McCartney bị bắt tại cửa khẩu Nhật vì tội mang theo cannabis (cần sa), và phải nằm tù chín ngày. Cuối năm 1980 John Lennon bị ám sát; McCartney cảm thấy không an toàn để đi tour bên Mỹ nữa. Thêm vào đó, thành phần ban nhạc Wings cũng thay đổi liên tục trong thập niên 80. Ngoài bộ ba Denny Laine và vợ chồng McCartney ra, những thành viên kia không ai trụ lâu đủ để có thể đi tour. Ðến năm 1981 thì Wings chính thức chấm dứt.

Thành thử phải mất mười mấy năm sau Ricky mới có dịp đi xem McCartney lần thứ nhì. Lúc bấy giờ Ricky đã ra trường, lập gia đình, có con cái, việc làm v.v… Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng đi xem được một số show ở Florida và các tiểu bang lân cận. Và anh chợt phát giác ra một điều: có nhiều người khác cũng giống mình vì show nào anh cũng thấy mặt họ!

Những người này luôn luôn đến thật sớm, họ hay tụ tập ở gần khách sạn nơi Paul và ban nhạc ở để chờ đón chiếc limousine chở Paul ra vào. Họ thường mua vé ở những hàng ghế gần sân khấu, và hay làm những tấm bảng để giương lên trong lúc Paul đang trình diễn. Bản thân Ricky cũng làm một tấm bảng với hàng chữ “Fans On The Run”, đó là lần đầu tiên nhóm chữ này xuất hiện trước công chúng.

paul-mccartney1
Một gia đình trang phục kiểu Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band được mời lên sân khấu – ảnh: FOTR

Ricky bắt đầu làm quen với những kẻ “đồng thanh tương ứng” này. Họ trao đổi địa chỉ, số điện thoại với nhau để tiện việc liên lạc (thời đó chưa có internet). Hội “cái bang fan cuồng” Paul McCartney nhen nhúm từ đó.

Sau chuyến lưu diễn năm 1989, McCartney lại ngưng sang Mỹ một thời gian dài. Cho đến giữa thập niên 1990 Paul mới đi tour trở lại. Lần này tình hình đã thay đổi vì internet đã đến với công chúng. Nhiều người bắt đầu có email. Họ thành lập một danh sách email list để phát tán thông tin, trao đổi kinh nghiệm, mua bán vé, v.v… Nhiều người thích cụm từ “Fans On The Run”, nên Ricky cho in ra một số bảng hiệu để ai muốn thì có thể mua một cái đeo lên ngực áo. Như vậy khi đi coi show họ càng dễ nhận diện nhau hơn. Thế là hội “Fans On The Run” chính thức ra đời, tuy rằng chẳng có hội trưởng, hội phó hay luật lệ, kỷ cương gì ráo.

Bẵng đi một thời gian, Paul lại ngừng đi tour vì bận bịu chuyện gia đình. Vợ anh, Linda McCartney, nhận ra mình bị ung thư vú vào năm 1995 và qua đời năm 1998. Biến cố này đã khiến cho Paul xuống tinh thần dữ dội. Sau khi cưới Linda năm 1969, Paul đã quyết định cho Linda vào chơi trong ban nhạc Wings vì anh luôn luôn muốn có Linda bên cạnh khi đi tour, mặc dù Linda không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Ðiều này cũng là lý do khiến nhiều người trong ban Wings bất bình và rời bỏ ban nhạc, mặc dù đối với họ được Paul McCartney mời vào chơi chung là một vinh dự to lớn, và tất nhiên được trả lương rất hậu.

Phải đợi sang thế kỷ 21, năm 2002 Paul McCartney mới tái xuất giang hồ, sau khi George Harrison mất vào cuối năm 2001. Lần này anh như người được tái sinh, cứ mỗi một hai năm lại ra dĩa mới và đi tour liên tục. Từ đó đến nay đã được ít nhất năm, sáu tour. Không những vậy, trong chương trình nhạc của mình Paul bắt đầu chơi nhạc của Beatles nhiều hơn. Thậm chí có những show mà nhạc Beatles chiếm hơn nửa. Ðiều này càng làm cho thiên hạ đi xem đông hơn, và tất nhiên mang đến cho Paul nhiều phấn khích cũng như lợi tức.

paul-mccartney
“Giúp tôi nói với gia đình rằng tôi đồng tính!” ảnh: FOTR

Với sự ra đời của mạng xã hội và các công cụ thông tin di động, sinh hoạt của nhóm “Fans On The Run” ngày càng rộn rã, số lượng người vào trang Facebook ngày càng đông. Bất cứ ai cũng có thể ghi danh làm “hội viên”. Theo lời của Ricky, “Fans On The Run” không phải là một tổ chức  mà là một trạng thái tinh thần (“a state of mind”) Ai yêu nhạc của Paul đều có thể gọi mình là “fan on the run”, mặc dù chưa được xem Paul chơi bao giờ.

Về phần mình, Ricky cho biết càng về sau Paul McCartney càng để ý đến nhóm “Fans On The Run” hơn. Tại mỗi show, bao giờ Paul cũng bỏ ra một chút thì giờ để nói chuyện với khán giả, tìm trong số những tấm bảng được giương lên có tấm nào hay ho. Nếu anh thấy có gì thú vị anh sẽ đọc lớn lên cho mọi người cùng nghe. Chẳng hạn như: “Mẹ tôi đi xem anh hồi năm 1964!”; “Con tôi mới 10 tuổi nhưng đã xem anh chơi hai lần”; “Nói với người yêu của tôi là tôi muốn cầu hôn!” v.v. và v.v. Thậm chí đôi khi anh còn mời họ lên sân khấu nữa.

Tất nhiên Paul cũng biết khá rõ về Ricky và con số một trăm mấy chục show anh đã đi xem. Hai năm trước đây, trong một chương trình tại Georgia, Paul bắt gặp Ricky và tấm bảng “Fans On The Run” trong số khán giả, và điều tuyệt vời nhất đã xảy ra: Paul McCartney đã mời Ricky bước lên sân khấu và giới thiệu anh với mấy chục ngàn người hâm mộ. Thật là một niềm vinh dự hiếm có cho một người fan “không bình thường tí nào” (chữ của Ricky).

Nhìn lại, Ricky nói nếu như ngày đó mà buổi thi Biology của anh không bị dời lại và anh không phải bỏ lỡ một show của Paul thì chắc gì đã có cái đêm huyền diệu kia. Anh nói cảm giác của anh khi đứng trên sân khấu lúc đó, được Paul McCartney (PAUL MCCARTNEY!!!) choàng vai một cách thân mật, vô cùng là khó tả.

Kết thúc buổi phỏng vấn, Ricky cho biết anh làm thiện nguyện cho một tổ chức bất vụ lợi chuyên đi cứu chó mèo bị bỏ rơi. Bất cứ ai muốn có một tấm bảng hiệu “Fans On The Run” để làm kỷ niệm có thể tặng $10 cho tổ chức bằng cách vào trang Facebook FOTR để lấy thông tin và phương cách đóng góp.

IB

Tuần tới

Ðón đọc bài tường thuật về show nhạc của Paul McCartney tại Oklahoma City.