Menu Close

Chỗ trọ trong rừng chuối (Kỳ 3)

*

Chúng tôi đều lầm. Bịnh tình Cần chưa thuyên giảm. Sự vâng phục và dễ bảo của anh chỉ là sự lắng dịu tạm thời của cơn địa chấn đầu tiên. Chuẩn bị cho đợt rung chuyển kế tiếp.

Một ngày Chủ Nhật Má Năm và Thảo phải ra thị xã để bàn tính công chuyện làm ăn, bỏ Cần với ngôi nhà lại cho tôi coi sóc. Buổi sáng trôi qua yên tĩnh, đến xế trưa thì mưa đổ xuống.

Tôi vừa đánh một giấc, trong giấc mơ tôi cảm giác lạ lùng là có một bàn tay thon thả rờ nắn ngực mình. Các ngón tay nhịp nhàng như thêu múa rồi lần xuống bụng. Kỳ lạ là tôi đã ưỡn người tận hưởng và buông thả cho đến khi bàn tay làm xong công việc. Tôi choàng tỉnh, chỉ là giấc mơ nhưng bụng tôi ướt đẫm, mình mẩy nhớp nháp. Khi tôi mở mắt trời đất tối sầm, quanh nhà mưa rào rạt, sấm rền rền bao trùm cả một vùng. Tôi như vừa lách mình giữa kẽ hở của vô thức và ý thức. Mặc cảm phạm tội chen chúc với hoan lạc sung sướng. Phải mất hồi lâu tôi mới thoát ra khỏi chăn gối đầm đìa mồ hôi. Gió từng cơn đánh bật tấm liếp lập lòe ánh chớp. Giống nền trời rách từng chập và mỗi khi lóe sáng hiện ra một rừng nước. Tôi hấp tấp chạy ra sau che lại chuồng heo, rồi đi đóng hết mọi cửa ngõ. Không thấy Cần đâu, tôi lớn tiếng gọi nhưng anh không trả lời. Tôi ngạc nhiên, lo ngại nghĩ chắc anh lại bỏ nhà chạy đi chơi đâu đó. Nhưng khi ra tới gian thờ để kéo cửa chính, tôi mới nhận ra chiếc bóng cao lớn của Cần ở ngoài sân, cạnh hòn non bộ. Anh đứng sừng sững bất động dưới màn mưa, dưới tiếng sét giựt từng đường, mắt Cần nhìn vào trong nhà, tay cầm chắc cán cuốc. Nước mưa tuông thành từng lớp phủ xuống người anh ở trần.

Không lẽ Cần ra trồng rau giữa lúc trời đất như vầy? Tôi chắt lưỡi chạy ra. Tới hàng ba thì tôi lùi lại. Cần lừng lững tiến vào, nước chảy ròng ròng trên mặt mũi, thân thể. Chúng tôi đứng nhìn nhau, khoảng cách rất gần. Gần đến mức tôi nghe được hơi thở cuồn cuộn trong ngực anh. Bất thần, Cần hươ cao cuốc. Người tôi cứng ngắc. Trong giây phút, chỉ có một ý nghĩ duy nhất vụt qua đầu là sự nhận thức mình chạy không kịp. Tôi lùi lại vấp phải hòn gạch phải vin vào khạp gỗ. Bên cạnh khạp dựng một chiếc xẻng, tôi chụp lấy, nhưng cây cuốc đã hạ xuống. Tôi nín thở khi mũi cuốc đặt nhẹ xuống vai mình. Cần khều tôi tới sát anh, bằng mũi cuốc bấu sau vai. Anh vụt mỉm cười, nửa thân thiện, nửa đe dọa: “Mày đi khỏi nhà này!”

Lời nói không đi đôi với vành môi. Làm sao anh vừa xua đuổi vừa có thể hòa nhã? Nhưng chỉ một giây sau, cặp mắt anh long lên: “Mày chiếm chỗ của tao. Mày giựt Má với Thảo ra khỏi tay tao. Ði khỏi đây! Nếu không tao giết mày!”. Tiếng sét rạch ngang bầu trời. Một viên ngói tách mái rơi bể tan tành. Từ chỗ ngói nước trút xuống như thác đổ. Nước xối xả xuống khạp kêu ồn ĩ. Trên những khay phơi chuối tưng lên kim nước như cả một bàn chông đang nhảy nhót. Tất cả lung linh hòa thành thứ âm thanh đinh tai. Tôi chưa kịp định thần, Cần đã gí sát mặt. “Mày tưởng con Thảo nó yêu mày? Lầm to rồi! Cái đồ ăn nhờ ở đậu! Ðược thuê mướn để canh người bịnh!”. “Mày là cái thớ gì mà giành con Thảo của tao? Mày là ai?” Cần gầm lên. “Con Thảo của tao!” Cần xấn tới. Tôi xô lưỡi cuốc trên tay anh, từ lúc nào mặt tôi cũng đã ướt nhẹp. Cơn mưa bay trắng hàng ba. Trận mưa rùng rùng. Tôi cảm tưởng tôi đang đứng dưới máng xối phun nước. Nhưng nước lạnh ngắt giúp tôi tỉnh táo. Tôi tìm cách phản ứng. “Bỏ cuốc xuống đi anh Cần. Không cần làm dữ như vậy!” Tôi quát. Dưới tia chớp, Cần nhìn tôi ngớ ngẩn. Tròng mắt anh ngây dại trong ánh sét xanh như cái con người dữ dằn ban nãy không còn nữa. Tia chớp lóe trong một giây làm gương mặt anh như vỡ vụn. Khi tia chớp tắt đi, anh đã hóa thành kẻ khác. Một kẻ không biết mình đương làm gì. Tôi gằn giọng: “Bỏ cuốc xuống đi. Tôi sẽ đi liền, đi ngay bây giờ, cho anh coi. Tôi đã tưởng sự có mặt của tôi ở đây hữu ích. Tôi tưởng gia đình này cần đến tôi. Bây giờ mọi sự đã rõ ràng, anh khỏi lo, tôi đi ngay đây! Mưa gió cũng chẳng sao”. Dứt lời tôi quay thẳng về buồng, khuôn mặt tôi vẫn ướt. Hình như có một cơn giận dữ đang dâng lên hâm nóng đầu tôi. Nhưng không, chỉ có một sự buồn bã. Chiếc vali của ngày đầu tiên được lôi xuống, hai tay tôi máy móc gấp xếp thu dọn mọi vật dụng, quần áo. Vậy là hết. Sáu tháng ở trong ngôi nhà này, đã bắt đầu nghĩ đến một bến đậu, một người con gái, một mái ấm; đã nghĩ đến một vận hội mới vừa mở ra cho cuộc đời mình. Không một điều gì có thực cả. Kể cả Thảo cũng chỉ là một chiếc bóng. Một khoảnh khắc. Tình yêu không thể là khoảnh khắc, phải vĩnh cửu. Thảo chỉ là một ước mơ da thịt.

Tiếng khóc thút thít vang lên như một đứa trẻ. Tiếng khóc run run, kềm chế và tuyệt vọng. Tôi dừng hẳn tay lại, ngạc nhiên. Rồi tôi bỏ vali, vội vã chạy ra nhà ngoài.

Cần đã chui xuống gầm trang thờ, ngồi co quắp, nước mắt chảy ròng ròng trên má. Thấy tôi, hình như động lòng nên những tiếng nấc trong cổ họng anh lớn hơn. Ánh chớp bên ngoài từng chập lại lóe lên, soi sáng gian nhà từng lúc bằng sắc xanh điện trên khuôn mặt tái mét của anh. Ánh mắt anh mông lung thứ ánh sáng phù du. Chiếc cuốc vất chỏng trơ ngoài hàng ba. Tôi quỳ xuống, nắm lấy hai cánh tay anh làm một động tác an ủi. Thật ra tôi không biết chuyện gì xảy ra. Anh bắt đầu nói, qua tiếng nấc, thân hình run rẩy trong tay tôi: “Tôi… tôi nói vậy… chỉ để Quang đi…” – “Tôi hiểu, tôi hiểu” – “Không… Quang không hiểu đâu… Tôi không muốn… Quang ở gần tôi… ở trong căn nhà này… Không tốt…” – “Tôi hiểu rồi, tôi sẽ đi.” – “Tôi… không thương Má… không thương Thảo… tôi không có gì ghen tức với Quang”. Anh ngước hai con mắt lên đờ đẫn: “Quang đâu có tin những lời nói ban nãy có thể đến từ tôi phải không?” – “Tôi không tin”. Tôi khẳng khái. Hai tay Cần giựt giựt: “Thảo không phải là của tôi… không là của ai…” Hai má Cần đẫm lệ rồi dịu lại: “Ði, đi đi, đừng ở đây”. Anh bỗng giằng tay ra, giựt đứt sợi dây chuyền vàng đang đeo trên cổ, dúi vào tay tôi: “Cầm cái này, chạy đi. Ði liền đi. Ðừng để dưỡng trí viện họ bắt lại!”. Tôi cầm sợi dây chuyền vàng lá khá nặng đeo trở lại cho Cần: “Làm vậy đâu được, anh Cần. Mà có dưỡng trí viện nào bắt tôi. Chỉ có anh, nếu không nghe tôi bây giờ vô thay quần áo, ngủ một giấc, thì dám dưỡng trí viện đến bắt anh lắm”. Anh co cúm người, hai mắt trợn trừng “Ðừng! Ðừng! Ðừng để dưỡng trí viện bắt tôi!” – “Không, không”. Anh thả đầu xuống vai tôi: “Tôi đã từ chối thị xã. Tôi chỉ muốn rong chơi mãi mãi trong rừng chuối. Nhưng chốn ấy không có thể dừng chân lâu dài được. Nó chỉ là một ngày đẹp trời của đời sống, người ta đến chặt chuối, ăn uống, khui rượu đế. Rồi người ta phải trở về, trở về thị xã hoặc nghĩa địa. Thị xã chẳng có gì tốt đẹp. Nhưng nó là sự quân bình chừng mực mà người ta đã đạt đến, nó ở giữa trận giao tranh không ngừng giữa rừng chuối với nghĩa địa. Người ta không có sự chọn lựa nào khác. Vậy thì anh hãy về thị xã đi. Ráng mà sống với những người tỉnh, chấp nhận quy trình của họ. Ðừng bắt chước tôi rong chơi quá lâu trong rừng chuối. Bởi vì anh có thể góp phần trồng lên những vườn chuối nhỏ trong lòng thị xã. Nhưng nhớ. Cho dù không làm được điều đó, cũng đừng bao giờ để người ta dẫn ngược anh về nghĩa địa….”

*

– Cần! Cần! Con ở đâu? Con ở đâu? Về với má đi con!…

Má Năm xô cửa, đứng sững nhìn tôi, khuôn mặt tàn tạ, héo hắt đi thấy rõ vì phiền não. Ðã mười giờ đêm. Tôi buông cuốn sách: “Dạ, con đây má”. Má có vẻ an tâm, đến ngồi xuống bên giường, đưa hai tay rờ rẫm mặt mũi, đầu cổ tôi, rồi Má vuốt tóc tôi, ấn ấn xuống ngực trước khi kéo chăn lên tới cằm: “Coi chừng cảm lạnh nghe con. Ở đây với má, đừng đi đâu hết. Tao có một mình mày là trai, mày mà bỏ má đi, chắc má không sống nổi.” – “Dạ, con ở đây với má, con đâu có đi đâu”. Má Năm gật gù, hài lòng: “Ngày xưa má nuôi chúng nó kháng chiến, đứa nào cũng mập lu khỏe mạnh.” Rồi Má lui ra, khép cửa. Tôi thở dài, quay mình vào vách. Từ hôm Cần chết, Má Năm như quẫn trí, không ngớt gọi tôi bằng tên anh. Nói mấy, Má cũng không nghe. Những lúc Má kích thích cực độ, tôi chỉ còn biết dạ vâng cho Má yên lòng. Mà lạ, Má như tỏ ra trìu mến với tôi hơn khi Cần còn sống. Cả cách Má cạo gió cho tôi cũng khác. Thảo hay đứng ở cửa buồng liếc trộm Má đánh gió cho tôi. Một đôi bận, tôi nhột nhạt sống lưng quay lên nhìn bắt gặp ánh mắt Má giận dữ xua đuổi Thảo. Một lần khác tôi lội sông về trúng lạnh, nhiều ngày liền tôi sốt nóng lạnh khắp châu thân, Thảo hái lá lốt già đun sôi rồi để một tấm lưới lên trên nồi cho tôi xông hơi. Thảo trùm tôi kín mít, lâu lâu rờ nắn hai vai hỏi tôi có bớt nhức mỏi chưa. Các ngón tay Thảo tươi tốt làm tôi nhớ đến bàn tay đã rờ rẫm mình nhiều lần trong bóng tối của đêm khuya, lúc Cần còn sống. Cùng một cách sờ mó pha chút mân mê… Có phải là tay Cần hay chính là tay Thảo? Hay tôi đã ngủ mê? Tôi tự hỏi nhiều lần và nhiều lần tự thỏa mãn với lá xông và cách Thảo cho ngải cứu vào lu, đốt, rồi hơ tay chân cho tôi cho đến khi ấm áp. Các ngón tay Thảo dịu êm như lá ngải.

Tôi thiếp ngủ với những dìu dặt nào đó, rồi thức giấc trong trằn trọc, nhìn những lọ thuốc tâm thần còn nằm lăn lóc trên bàn ngủ của Cần, cạnh chiếc máy quay băng trống. Tôi nhìn chúng thèm thuồng, với tay, chạm vào lọ thuốc, rồi kịp định trí, cưỡng lại ý muốn, bước ra nhà ngoài thắp nén hương khấn vài lời với anh.

Cần biến mất khỏi nhà ngay đêm Chủ Nhật, cái hôm giông gió anh lên cơn làm trận với tôi, nói năng lảm nhảm rồi lả đi… Khi tôi tỉnh giấc, giường anh đã trống; nhìn ra cửa sổ thấy trời quang mây tạnh, tôi yên tâm, lòng cầu mong mọi sự yên ổn. Nhưng anh không bao giờ trở lại. Sau đó, chúng tôi đi khắp nơi, không thấy anh ở đâu. Ba ngày sau, người ta vớt được xác anh tắp vào chân cầu thị xã. Tôi thay mặt Má và Thảo đi nhìn xác anh. Cái xác đã trương phình, trần truồng, hôi thối với vầng trán bầm giập, người ta chỉ có một sợi dây chuyền vàng để trao lại cho tôi.

Nhà chức trách đến điều tra, anh Huynh, trưởng công an xã lên tận khu nghĩa địa cổ. Ở đó người ta tìm ra vết tích. Cần đã đập đầu nhiều lần vào một bia đá, rồi nhảy xuống sông tự vận. Anh Huynh lấy lời khai của Má với Thảo ghi vào biên bản. Thảo thu xếp để công an không nhắc đến tôi. Anh Huynh nhìn tôi lạnh lùng trước khi ra về.

Chúng tôi quyết định quàn xác Cần tại bịnh viện. Ma chay được tổ chức sơ sài, vội vã ngay ở đó. Thảo sợ không muốn đem Cần về, vì kiêng kỵ; hơn nữa không khí trong nhà đã quá buồn bã, u ám, chúng tôi muốn tránh tối đa phải nhìn lại cảnh đau thương.

Ngôi nhà quả thực đã trở nên nặng nề khó thở. Ba chúng tôi không còn nói năng gì với nhau. Má Năm rút vào buồng, không động đậy. Tôi với Thảo đi qua đi lại trong nhà, liếc nhìn nhau. Những lúc hiếm hoi Má Năm bước ra, Má hấp tấp chạy tìm tôi, rờ rẫm đầu cổ gọi tôi là Cần. Cái tên Quang hình như đã hoàn toàn bị xóa bỏ khỏi đầu óc Má. Có khi Thảo vì thói quen, cũng lỡ miệng gọi tôi như vậy. Những lúc đó ánh mắt Thảo nửa xin lỗi, nửa khẩn cầu tôi điều chi, cùng lúc trách móc điều gì đó. Một bận tôi gạ chuyện, cầm cườm tay Thảo hỏi sao không đeo vòng xuyến nữa? Thảo đáp đã đem cầm lấy tiền đưa cho anh Huynh chạy giấy khai tử cho Cần, rồi Thảo giựt tay về, khiến tôi lúng túng. Tôi cũng để ý anh Huynh đến nhà thường hơn và chuyện trò thì thầm với Thảo lâu hơn. Những toan tính bí mật mà tôi không được biết, vì cả hai nói chuyện rất nhỏ, gần như thì thào và nhìn dè chừng vào bên trong phòng tôi. Tôi quan sát những lần anh Huynh đến, Thảo đều se lông mày bằng chì và tô môi son bóng. Tôi rình thấy Thảo lựa đồ lót tỉ mỉ, phân vân như đó là một sự quan trọng vô cùng. Thảo ướm thử, rồi lựa những bộ bà ba bằng lụa mịn. Tôi luôn rúc trong buồng những khi anh Huynh có mặt. Tuy anh không trực tiếp nói chuyện với tôi, nhưng tôi luôn cảm thấy không an toàn mỗi khi anh xuất hiện. Ở con người anh phát ra tín hiệu của nguy hiểm, làm tôi muốn trốn chạy. Không phải vì tôi sợ, hơn thế nữa, hơn một nỗi sợ, là bản năng và kinh nghiệm bắt tôi phải đề phòng những ai đại diện cho hệ thống.

– Vì sao người ta điều tra anh?

Thảo hỏi sau khi anh Huynh ra về. Gương mặt nàng điềm tĩnh lạ thường, làm như nàng đã biết hết lý lịch của tôi và bản án. Câu hỏi của Thảo càng làm cho tôi lo lắng. Tôi đã trải qua nhiều bận, không lần nào thoát… Tôi ấp úng: “…Tôi chỉ có những ý tưởng, tôi không làm hại ai… Tôi không điên…” Tôi lặp lại… “Tôi không điên…”

Thảo gật đầu ra dấu thông cảm, rồi rót cho tôi ly nước mát: “Anh đừng có những ý tưởng nữa, không giúp ích gì được đâu, anh chỉ là một cá nhân. Ở yên đây, vào rừng chuối với em khi anh khỏe. Chuối mật ngọt lắm.” Thảo liếm môi.

Tôi ậm ừ…, nhớ lời Cần dặn đừng bao giờ để người ta dẫn ngược vào nghĩa địa… Nghĩa địa cổ nằm ngay sau rừng chuối. Chuối mật… Tôi rúc vào một xó tối âm u, nhìn lên trần, hình như trần nhà là chỗ con người ta tìm kiếm mình nhiều nhất. Tôi cũng kiếm tôi trên đó. Những chiếc bóng của những tàu lá chuối lượn lờ trên trần nhà. Chúng xanh non hy vọng. Chúng vàng võ thất vọng. Chúng biến mất để lại nguyên chiếc mái trần trụi. Thảo đã bỏ ra. Tôi nhìn cuộn băng không phát âm thanh, không thu điều gì của Cần nằm lăn lóc. Tôi cho nó vào máy quay, lắng nghe những gì Cần đã nghe thấy, cho đến khi thiếp ngủ.

*

Tôi trở mình, mở mắt nhìn lên trần. Trăng sáng vằng vặc, từ cửa sổ tràn vào soi rõ những cột kèo, những đường cong nét lượn chạm khắc tỉ mỉ trên đó. Ðà nhà phải rất xưa, của một không gian nào đó. Không có tiếng dế gáy. Không cả tiếng gió. Mọi vật yên tĩnh đến cùng cực. Máy quay băng vẫn còn quay. Không tiếng động. Tôi bồn chồn xoay trở. Trời quá nóng. Ðêm như địa ngục. Mồ hôi tôi xuất ra ướt đầm áo, thấm xuống giường, xuống gối. Tất cả ướt đẫm. Hình như ở trong tôi không còn nước, chỉ còn sự khô rang, khô hạn. Hình như tôi không có sự buồn thương, tiếc nuối nào cho cái chết của Cần. Hay đúng hơn, trong sự buồn thương tiếc nuối đó, từ mấy hôm nay đã có chen lẫn một cảm giác khoái lạc của kẻ chiến thắng. Cái chướng ngại duy nhất như đã bị đốn ngã. Dù muốn dù không, tôi còn lại là người đàn ông cuối cùng của gia đình này. Dù muốn dù không người ta cần đến tôi. Bây giờ nếu tôi mở miệng xin từ giã, người ta không khỏi níu kéo, kèo nài… Ban chiều đi ngang chòi tắm che phên cuối vườn, nghe tiếng nước dội rửa ráy kỳ cọ của Thảo, lần đầu tiên tôi đã dám đứng dừng lại, quay đầu nhìn thẳng về phía đó, đứng nghe một lúc lâu và mường tượng ra những hình ảnh… Tôi đã rình thật lâu, đã muốn nhìn qua khe cửa… Không, tại sao tôi lại nghĩ đến chuyện đó trong lúc này! Tôi sắp trở thành loạn trí như Cần rồi! Tôi ráng định tâm. Lòng tôi hồi tưởng lại những buổi nói chuyện tương đắc với anh, và những giọt nước mắt sau cùng anh đã đổ ra với tôi.

Thật ra từ sâu kín tôi có gì ghét bỏ Cần. Nếu không nói trong mối giao tình của chúng tôi, chính anh mới luôn luôn là nạn nhân, phải chịu đựng những mỉa mai, xa cách từ phía tôi. Có lẽ chưa bao giờ tôi làm được người bạn thân thiết thực sự của anh. Tôi nào có muốn đối xử với anh như vậy, nhưng những mặc cảm, những ganh ghét nhỏ mọn trong tôi còn quá lớn để tâm hồn có thể tìm về được một cõi yên tịnh. Miệng tôi lẩm nhẩm một câu niệm kinh. Mặt nước đen quanh tôi vẫn đầy mênh mông. Trăng soi rưng rức, sáng trưng thành một lớp bạc mạ. Con đò của tôi bỗng có lỗ rò rỉ. Nước dâng lên mãi, lên mãi. Tôi chìm dần, hai tay chới với, xoay trở khó khăn trong nước. Những con heo đen tôi chở trên đò cũng bị đắm, đang bơi bì bõm. Sao những con heo màu đen? Khi còn ở trong chuồng chúng màu trắng kia mà!

Tôi vùng dậy. Giấc ngủ đổ sụp như gáo nước xối. Cuộn băng vẫn tiếp tục quay. Tôi còn mụ mị nhưng lờ mờ hiểu vì sao Cần cần nghe nó, anh thâu những thinh không của vũ trụ. Những âm thanh inh ỏi rầm rập, phát ra từ lỗ đen của không gian, nhưng xuống đến mặt đất là sự im lặng. Cần nghe thấy. Tôi cũng bắt đầu nghe thấy. Hệ thống có thể cắm vào con người nhiều thứ âm thanh khác nhưng con người vẫn nghe ra thứ âm thanh tinh tuyền của vạn vật. Giáo điều chưa thể cấm cản con người nghe những gì bên ngoài hệ thống. Tiếng động dồn dập từ cuộn băng mỗi lúc một lớn. Những tiếng gào, đòi quyền sống và làm người.

– Cần! Cần!

Cửa buồng bung ra. Má Năm xuất hiện, đờ đẫn dưới ánh trăng, hai con mắt xa vắng. Tôi dụi mắt, tỉnh hẳn. Má Năm mặc áo bà ba lụa trắng nổi vân tím, những chiếc nhẫn, chiếc vòng lấp lánh sáng ở ngón và cổ tay. Dễ đã nửa đêm. “Cần, Cần, tỉnh dậy! Tỉnh dậy đi chơi với má đi con!”  Vừa lảm nhảm Má vừa quờ quạng tiến về phía giường. Tôi nhổm hẳn dậy. Má nắm cánh tay tôi kéo đi, tha thiết “Cần, ra chơi với má, trăng sáng lắm con không thích sao?” Tôi trì lại. Bất ngờ Má gồng sức, lôi tôi một cái ra tới bìa giường. “Thằng Cần, cái đồ bất hiếu! Tao nuôi lâu nay tốn bao nhiêu tiền của, mày chỉ chực bỏ nhà chạy trốn. Mày không bao giờ biết thương má, thương em mày. Trời đánh thánh vật mày cho rảnh mắt tao!” Tôi giựt tay ra khỏi tay Má, nhảy xuống giường: “Má lầm rồi! Tôi là Quang. Tôi không phải Cần”. “Không phải Cần!” Má Năm trợn mắt lên nhìn tôi. “Má lầm to rồi, to lắm. Tôi không phải Cần.” – “Cần… vậy là… con không đi chơi với má?” Má thều thào. Tôi gằn giọng: “Cần nó chết rồi. Bộ má điên sao mà không biết?” Má Năm lùi dần, lùi dần ra tới ngưỡng cửa. Tôi hối hận vì những lời đã nói. Chợt Má ngửa đầu, cười hăng hắc, mắt trắng dã điên dại thấy rõ. Tôi chưa kịp động tịnh, Má hú lên một tiếng, thoắt cái biến mất xuống nhà sau.

Serwan
tranh minh họa của họa sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Hani Alquam và Seerwan Baran

(còn tiếp)