Menu Close

Apsara

Cụm tháp chính ở thánh địa Mỹ Sơn
Cụm tháp chính ở thánh địa Mỹ Sơn

Phố phường của những năm 2010, trời chẳng thể nắng hơn ở Đà Nẵng khi nhiệt độ ngoài trời đã 38 độ C. Cô nàng đỏm dáng đang thay bộ váy màu hồng đi dạo phố, nghe nhỏ nói là hẹn hò gì đó ở một quán bỏng ngô ngon tuyệt, chuẩn bị có ‘tuyên bố’ cột mốc gì đó trong quan hệ giữa nàng và chàng của nàng.

Bỏng ngô là món bắp rang, bắp nổ, trước đây dân miền Trung, miền Nam không dùng từ này, nhưng bây giờ bỏng ngô lá cách gọi khá phổ biến món bắp nổ.

-Tao đi đây, tụi bây ở nhà vui vẻ, lát về tao mua cho mỗi đứa mỗi bịch bỏng ngô nha. Cô nàng nói vọng lại khi vừa dắt xe ra cửa.

– Thôi mi cứ ăn hết đi, đi chơi lấy tâm trạng về múa cho tụi tao xem một điệu là được. Nhỏ Quỳnh Nhi nhắn lại.

– Mà múa gì vậy mi? Tôi hỏi cô bạn thân cùng phòng.

– Múa Apsara đó mi. Nhỏ Thanh nằm trong đoàn múa Apsara của Mỹ Sơn, Quảng Nam đó.

– À tao biết rồi, múa Apsara của vương quốc Chăm Pa cổ, nhưng tao tưởng chỉ có thiếu nữ Chàm mới múa được chứ.

– Ừ, cũng không rõ nữa, bữa nào tụi mình hỏi con Thanh với lại vào Mỹ Sơn xem là biết liền à.

***

Không nề hà cái nắng tháng 7 của xứ Quảng, chúng tôi cứ thế qua ngã ba Nam Phước, qua đất lụa Mã Châu, qua Cầu Chìm giờ đã được người ta xây mới, băng qua giáo xứ Trà Kiệu nơi vợ chồng tôi thường cho con tới lui thăm viếng và uống nước dừa vào mỗi dịp cuối tuần… Cứ thế, băng qua những chiếc xe lu đang lu lại con đường du lịch đến Mỹ Sơn để người ta kẻ lại vạch đường, những hàng cây xanh mát, những đoạn đường uốn lượn, những bông sen nở hoa bên đường, băng qua ngã ba con đường nối từ Duy Xuyên sang Trung Phước, chúng tôi đi thêm 7 km theo độc đạo nằm giữa hai ngọn đồi để đến được Mỹ Sơn, khu đền tháp nằm trong thung lũng nhỏ có đường kính khoảng 2 km.

Xe điện, hình thức trung chuyển mới đưa khách đến khu biểu diễn múa Chàm
Xe điện, hình thức trung chuyển mới đưa khách đến khu biểu diễn múa Chàm

Việc đi thăm Mỹ Sơn bữa nay đã khác so với 4 năm trước khi tôi đến thăm, không còn được chạy xe máy băng qua cây cầu khe để vào dưới chân cụm tháp đầu tiên nữa, du khách để xe ở ngoài cổng và mua vé để vào bên trong. Tới xem bảo tàng Chàm bên trong với một số vật dụng cổ của người Chàm được khai quật, tìm thấy và hai bộ sưu tập đồ đồng của người Chàm được hai người sưu tầm hiến tặng, một số hình ảnh và mô hình của cụm tháp Mỹ Sơn. Bên ngoài, ngay trước sân của khu bảo tàng, người ta vẫn còn trưng bày cái mô hình các cụm tháp Mỹ Sơn làm bằng bạc nilong quết sơn của ông Nguyễn Thượng Hỷ mà theo cách nói của một số du khách thì thà phơi nguyên một sân rơm (rạ, thân cây lúa sau khi gặt xong) hoặc bê nguyên con trâu vào cho nó đứng đó còn đẹp hơn.

Một trong những phù điêu còn sót lại ở thánh địa Mỹ Sơn
Một trong những phù điêu còn sót lại ở thánh địa Mỹ Sơn

Rời bảo tàng, chúng tôi được xe điện đưa vào khoảng 1 km, đến với nhà biểu diễn các điệu múa Chàm, ngay bên dưới cụm tháp được phục chế tốt nhất của khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tiếng của người giới thiệu cất lên, điệu múa đội nước của thiếu nữ Chàm, tiếng kèn saranai cất lên giữa sự ngỡ ngàng của nhiều du khách khi người thổi tự điều hơi và thổi không nghỉ trong vòng năm đến bảy phút mà theo chia sẻ của họ, mỗi lần thở xong là đứt hơi.

Và rồi, vũ điệu Apsara bắt đầu. Ba thiếu nữ choàng áo choàng màu chàm và ra giữa sân khấu, đôi bàn tay khéo léo, những bước chân quyến rũ…

apsara-06

– Em không phải theo chuyên ngành múa, mà là vào làm ở đây rồi mấy chị đi trước bày cho múa, riết rồi quen, rồi em yêu các điệu múa Chăm từ lúc nào không biết.

– Thế các chị đi trước có phải là người Chàm không?

– Không chị ạ, các chị đó cũng là người Kinh như mình thôi. Có chị theo nghiệp múa đã mười lăm năm nay rồi. Mà các chị ấy múa giỏi, đẹp lắm!

– Vậy em có hiểu ngôn ngữ của những điệu múa Chăm mà em biểu diễn không?

– Thú thực với chị là không ạ, mấy chị bày sao thì em múa vậy thôi chứ mình có phải nhà nghiên cứu gì đâu mà hiểu được ạ?

– Thế biên đạo múa của tụi em không giải thích khi hướng dẫn à?

– Không ạ, anh biên đạo chỉ bày tụi em cách đi, bước, uốn người và tay thôi…

– Thế em tập luyện vào lúc nào?

– Mỗi ngày chúng em chia nhau 6 ca biểu diễn, đa số diễn viên múa ở đây đều có thể múa các điệu khác nhau của múa Chăm, sau buổi diễn thì tụi em nghỉ ngơi, tập luyện, thường thì tập 3 đến 4 tiếng cả ngày.

– Ừ, vậy chắc về muộn lắm, nhà em ở gần đây không?

– Nhà em ở tận dưới Nam Phước, cách đây 20km, muộn thì muộn nhưng em sáng đi tối về bằng xe máy.

Không phiền giấc nghỉ trưa của cô diễn viên trẻ, chúng tôi tìm đến biên đạo múa của đội múa Chàm ở Mỹ Sơn. Hỏi thăm về quy tắc âm dương của múa Apsara, hỏi thăm về văn hóa Chăm Pa, anh này dường như đứng phim, không trả lời được gì. Và anh ta chỉ có vẻ trở lại bình thường khi chúng tôi khen rằng những cô vũ nữ Apsara hiện nay đúng là đẹp, rất đẹp.

apsara-04

***

– Ðó không phải là Apsara thực thụ đâu cháu.

– Sao ông nói vậy, ông Tư Hường, một cụ già 89 tuổi nói với tôi sau khi tôi khoe mẽ rằng đã được tận mắt xem múa Apsara và mở video mình quay lại cho ông xem.

– Sao ông nói vậy chứ, cháu và bạn cháu đều như bị thôi miên ấy, đẹp lắm!

– Ừ, thế lúc cháu xem, người ta chơi nhạc hay mở nhạc.

– Dạ đương nhiên là mở nhạc rồi.

– Ðó, mấu chốt là ở đó. Người ta mở nhạc và hiệu ứng sân khấu khiến cho người xem bị mê mẩn vào đó và bị đánh lừa thị giác khiến cho họ cảm thấy điệu múa tuyệt vời nhưng thực tế không phải vậy.

– Sao ông nói vậy ạ?

– Ðó, cháu xem lại cảnh bước chân và cánh tay của thiếu nữ đi, họ đi rất vụng và tay chỉ làm điệu chứ thực sự xem cách múa thì họ không hiểu gì về Apsara. Hồi còn trẻ, ông có một cô người yêu là người Chàm, bà ấy múa đẹp lắm, mỗi lần có dịp là bà ấy múa cho ông xem, bà cũng cho ông biết là múa Apsara theo quy tắc âm dương và mọi động tác đều là vũ điệu của lửa cháy và sen nở. Vậy nên mỗi động tác tay, chân đều như ngọn lửa đang sáng rực lên, như cánh hoa sen đang nở… Cái này cháu có thể tìm thấy và hiểu phần nào khi xem các bức phù điêu của người Chàm còn sót lại.

apsara-05
Một trong những điệu múa được biểu diễn ở Mỹ Sơn phục vụ khách du lịch

– Dạ…

– À mà con có quen cô gái Chàm nào múa trên đó không, lúc nào có dịp dẫn về nhà ông chơi?

– Dạ rất tiếc là không ông ơi, con không quen cô nào cả, mà hình như họ cũng toàn là người Kinh không à?

– Ừ, ra vậy, chắc mấy cô đó cũng yêu văn hóa Chàm lắm mới theo việc múa. Nhưng thực sự là ông không thấy hồn vía gì, chắc là cái không khí du lịch làm cháu thấy đẹp. Và còn một điều này nữa, ông nghĩ tay biên đạo múa này không hiểu gì về văn hóa Chàm rồi. Người Chàm họ rất trung thành với đức vua, họ xem vua như là hiện thân của thánh thần vậy, theo ông được biết thì không có vua Chàm nào bị sát hại bởi cung tần mỹ nữ. Vậy mà họ lại dùng cái khăn chàm để quấn người trước và sau khi múa. Tay này chắc xem phim hoặc đọc văn hóa Trung Quốc quá nhiều rồi, nên chắc là vá víu cái chi tiết người ta quấn các cung tần, mỹ nữ vào các tấm chiếu, vải rồi mang đến cho vua… Chứ múa Apsara thì người vũ nữ lúc nào cũng xuất hiện trong bộ đồ múa và thường thì múa cùng nhau. Có vẻ như bữa nay múa Apsara có vẻ dung tục quá, không còn hồn vía như người yêu của ông từng múa cho ông xem.

Kết thúc màn biểu diễn Apsara
Kết thúc màn biểu diễn Apsara

Cái câu “người yêu của ông” và ánh mắt hoài niệm ở tuổi gần 90 của ông làm tôi thấy thương, mến ông lạ lùng. Cũng có thể là vì con người ông vậy nên đi đâu tôi cũng nhớ đến ông, về là ghé liền đến nhà ông để biếu ông gói trà, cái bánh!

***

Chợt nghĩ đến nhỏ Thanh năm nào, nó thà mua bỏng ngô lần này đến lần khác, tặng vé vào thăm Mỹ Sơn chứ chẳng chịu múa cho tụi tôi xem. Cũng may là nó đám cưới sau lần hẹn quán bỏng ngô ấy không lâu và mời hẳn đội múa Apsara về múa trong đám cưới để bạn bè thưởng thức (tiếc là hồi đó tôi lại đang ở xa, không dự đám cưới nó được, chỉ nghe bạn kể lại). Âu đó cũng là cách mà nhỏ nghĩ nên đưa Apsara đến với mọi người.

Sản phẩm lưu niệm hình Apsara
Sản phẩm lưu niệm hình Apsara

apsara-02

UC