Chúng ta chưa tự làm được cái đinh vít!
Nhà báo Quang Đông
(Tiền Phong Online)
Tôi học nhiều, hiểu rộng (trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý) thấu hiểu mọi lẽ huyền cơ của hoá công nên có thể giải thích tất tần tật mọi hiện tượng trong vũ trụ – trừ mỗi chuyện này: chả hiểu sao tôi rất ít khi có tiền, và nếu có thì cũng khó mà giữ trong túi được quá ba hôm.
Vợ tôi cũng thế. Tôi cứ nghe người bạn đời của mình than thở rằng không biết bụi từ đâu đến mà nhà cứ lau chùi hoài vẫn thấy, còn tiền thì chả biết biến đi chỗ nào mà khi mô cũng thiếu.
Hỏi thăm bà con láng giềng, và bạn bè thân sơ mới biết là (hoá ra) ai cũng đều thế cả, đều hơi thiếu thốn, hoặc rất cần tiền. Ở bình diện quốc gia cũng vậy luôn. Gần như chính phủ nào cũng đang trong tình trạng bội chi, cần cắt giảm ngân sách, và đều vô cùng lúng túng khi buộc phải giải trình (minh bạch) về việc chi/thu – chỉ trừ mỗi Bắc Hàn.
Nhân vật lãnh đạo quốc gia này, đồng chí Kim Chính Ân, rất thích xem hỏa tiễn bay. Thú tiêu khiển của ông vô cùng tốn kém nên đất nước thường xuyên ở vào cảnh cùng quẫn là điều dễ hiểu – ngay cả trẻ con Triều Tiên cũng hiểu – khỏi phải giải trình hay giải thích lôi thôi gì ráo, với bất cứ ai.

Nỗi đam mê vũ khí của lãnh tụ Kim Chính Ân còn khiến cho không ít người lo ngại, và lo sợ. Ngày 4 tháng 7 năm 2017, RFA ái ngại cho hay: “Bình Nhưỡng tuyên bố hỏa tiễn của Bắc Hàn nay có thể nhắm đánh bất cứ nơi nào trên thế giới.”
Bên dưới bản tin này, còn có nhiều tin và bài liên quan khác:
– Nhật tập trận để giảm lo ngại về Bắc Hàn
– Thế giới lo ngại sự tiến bộ của tên lửa Bắc Hàn
– Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật: Quân đội phải sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Hàn
– Hoa Kỳ và Hàn Quốc phản ứng sau vụ phóng tên lửa mới của Bắc Hàn
– Bắc Kinh phản đối các nước đẩy trách nhiệm Bắc Hàn cho Trung Quốc
Cùng lúc, trên trang BBC cũng có đôi lời bình luận (nghe) rất mỉa mai: “Binh lính đói còn tiền đổ vào vũ khí hạt nhân.” Ðua đòi chế tạo vũ khí trong khi lính đói khát quả là điều rất đáng phàn nàn. Tuy nhiên, không chế tạo ra được bất cứ loại vũ khí gì (kể cả con dao, hay viên đạn nhỏ) mà quân dân vẫn đói thì e là chuyện còn đáng mai mỉa và chê trách hơn nhiều.
Trong những ngày qua, mọi cơ quan truyền thông Việt Nam đều loan những tin sau:
– Hạ sĩ CSGT bị tông chết sau pha chặn xe Exciter chạy quá tốc độ
– Thiếu tá CSGT bị xe tải tông tử vong trong đêm
– Một Trung tá CSGT vừa tử vong do bị xe máy đâm trên quốc lộ
Ðó là những cái chết thương tâm mới nhất, chứ không phải là duy nhất, xảy ra trên đường phố VN. Tại sao lực lượng cảnh sát giao thông ở đất nước này lại “thi hành nhiệm vụ” một cách nhiệt tình (quá mức cần thiết) đến độ phải tử vong đều đều như thế?

Câu trả lời có thể tìm được qua những dòng chữ sau của blogger Nhân Thế Hoàng, đọc được trên trang Ðàn Chim Việt:
“Các anh cảnh sát và tài xế, họ đều đáng thương hơn đáng trách, tại trên vai của họ đều là gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền và trách nhiệm đối với gia đình vợ con, cũng như số tiền phải cống nạp lên trên.
Tôi chơi thân với anh nhà báo, phải nói CSGT gặp anh là như gặp cọp bởi anh chuyên về mảng điều tra các tiêu cực của lực lượng này. Hôm ngồi nhậu anh kể, mấy thằng (cụm từ anh dùng để gọi lực lượng công an) CSGT thấy vậy mà tội. Nó bảo chạy suất cầm gậy ra đứng đường phải mất vài trăm chai, đã thế trên còn khoán mỗi ca trực phải phạt bao nhiêu, nộp hụi chết bao nhiêu, không gí vào dân thì chẳng lẽ lấy tiền lương bọn em ra mà bù hả anh?”
Thảo nào mà binh sĩ, cũng như sĩ quan (kể cả sĩ quan cao cấp) của ngành cảnh sát giao thông Việt Nam đều “thích” đứng đường – dù họ bị xe tông chết dài dài. Công an mà còn đói tới cỡ đó thì quân đội, tất nhiên, phải đói hơn nhiều đến nỗi phải cạp đất mà ăn như đang xảy ra tại Ðồng Tâm – Hà Nội!
Ðến Bắc Hàn, du khách đều bàng hoàng vì cảnh tượng “nhìn bảy tưởng ba.” Con nít của xứ sở này, tuy đã 7 tuổi nhưng phần lớn trông cứ nhỏ tí như những đứa bé vừa mới … lên 3 vì quá đói!
Ở Việt Nam, nhiều nơi, cũng thế – theo lời của T. S. Trần Ðăng Tuấn: “Khi bạn lên vùng cao, bế các cháu bé lên, sẽ thấy chúng nhẹ bổng.” Bà Phạm Thái Hà (Tổng Giám Ðốc Hệ Thống Lập Trình Viên Quốc Tế Bachkhoa-Aptech) cũng cùng chung nhận xét: “Nhìn cảnh một học sinh chẳng khác nào những đứa trẻ lớp 1 ở vùng quê nhưng hỏi ra mới biết em đã 11 – 12 tuổi mà lòng tôi quặn thắt.”
Nói nào ngay thì chuyện đói khát không phải chỉ dành riêng cho trẻ con ở vùng cao, vùng thấp cũng có đứa đói vàng mắt, và đói chết luôn – theo như tin loan của VTC.VN:
“Quá đói bụng, bé gái lớp 3 chết khi đi học về … Xóm giềng đến giúp làm đám tang cho em thấy gia đình không còn gạo nấu cơm cúng, bát đũa cũng không đủ bộ sáu cái. Thầy, cô giáo và người dân đã mua bộ quần áo mới và đồ để quàn cho Nhung. Chị Lê Thị Quý, mẹ Nhung, nói trong nước mắt: “Nhà không đủ ăn. Chúng tôi cố gắng đi làm thuê nuôi con nhưng cũng đói lắm. Nhung bị bệnh tim bẩm sinh, vừa đưa cháu đi mổ tim về nên gia đình khánh kiệt.” Ngày 26/9, lãnh đạo Sở GD&ÐT tỉnh Hà Tĩnh cùng các ban ngành huyện, xã đã đến thắp hương, động viên, trao tiền hỗ trợ cho vợ chồng anh Vân, chị Quý.”
Năm ngoái, tôi nghe phóng viên Hồng Vân – báo VN Express – đặt câu hỏi (“Triều Tiên lấy tiền ở đâu để phát triển vũ khí hạt nhân?”) và cho lời giải đáp:
“Tuy nghèo và chịu nhiều trừng phạt quốc tế, Triều Tiên vẫn có thể phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng công nghệ trong nước và kiếm nguồn ngoại tệ qua xuất khẩu linh kiện và nhân công. Mặc dù các chuyên gia cho rằng rất khó để tính toán được chi phí chính xác mà Triều Tiên dành cho chương trình vũ khí hạt nhân nhưng theo phân tích của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên đã chi tổng cộng khoảng 1.1-3.2 tỷ USD cho chương trình này.”
Ôi! Tưởng bao nhiêu chớ chừng đó thì có thấm tháp gì, nếu so với rất nhiều tỉ Mỹ Kim chi cho những quả đấm thép như Vinashin hay Vinaline (gì đó) mà “thành tựu” chỉ là những đống thép vụn khổng lồ. Với số tiền này mà nhà nước Việt Nam cũng chế tạo được vài cái hỏa tiễn thì đã không đến nỗi bị “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” coi thường, và bắt nạt cứ y như hiện cảnh.
Trước khi hạ cánh, Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng đã không quên để lại cho quốc dân đôi lời an ủi: “Chúng ta đã sản xuất được ốc vít, phải khẳng định như thế.”
Từ chiếc đanh vít (vặn không trờn ren) đến cái hỏa tiễn là một khoảng cách muôn trùng, và rất mịt mùng. Bởi vậy, nếu buộc phải lựa giữa Việt Nam và Bắc Hàn thì tôi (e) rằng mình đành chọn làm công dân của nước thứ hai. Ðằng nào thì cũng là nạn nhân của cái thứ chế độ toàn trị, sắt máu, đói khát, và cũng phải sống cùng với bọn đầu trâu mặt ngựa thì thà ở chung với những đứa không hèn – cho nó đỡ bực mình!
TNT