Menu Close

Nguồn gốc pháp quyền (tặng những bạn trẻ)

Từ xa xưa kẻ mạnh luôn chiến thắng kẻ yếu, đó là đặc trưng của quy luật tự nhiên. Ta có thể gọi đó là quy luật của muôn loài. Trong các loài động vật, kẻ yếu luôn là kẻ phục vụ, kẻ mạnh luôn là kẻ thưởng thức. Từ đó chúng ta thấy sơ đồ thức ăn luôn là sơ đồ hình tháp, kẻ dưới cùng là yếu nhất và đông nhất và kẻ trên cùng là mạnh nhất và là ít nhất. Như vậy kẻ yếu chiếm số đông và là kẻ phục vụ, kẻ mạnh là thiểu số và là kẻ thưởng thức. Đó là quy luật của tự nhiên.

Chúng ta cứ quan sát kỹ vùng thảo nguyên hoang dã Châu Phi xem? Số lượng sư tử luôn ít hơn số lượng sơn dương. Hay trong đại dương, cá mập có số lượng luôn ít hơn con mồi của nó. Sự quan hệ giữa chúng là đối kháng một chiều, tức chỉ có phía mạnh là được,và phía yếu phải mất. Không có chuyện ngược lại và cũng không có chuyện dung hòa quyền lợi.

Thế nhưng khi con người ngày một tiến bộ thì họ can thiệp vào để phá vỡ quy tắc đó. Trong vườn, anh muốn nuôi cả chồn lẫn gà thì anh phải làm cái lồng nhốt con chồn lại và thả gà, không có chuyện ngược lại. Nếu anh thả chồn và nhốt gà thì chồn sẽ mò vào chuồng gà và chén từng con. Điều đó nói lên điều gì? Tức trong cuộc chơi, để dung hòa quyền lợi giữa kẻ mạnh và người yếu thì kẻ mạnh phải được nhốt vào khuôn khổ còn kẻ yếu được tự do hơn. Đấy là lý do tại sao trong xã hội pháp trị người ta quy định rõ ràng rằng, chính quyền chỉ làm những gì luật cho phép còn nhân dân có quyền làm những gì luật không cấm. Và đấy là nguồn gốc của vấn đề dung hòa quyền lợi trong một nhà nước pháp trị.

Quyền lực nhà nước có sức mạnh vô biên, sẽ không một tổ chức nào hay một cá nhân nào nhốt nó lại được cả. Vì thế, để đưa nó vào khuôn khổ, những nhà triết học lớn như Montesquieu đã nghĩ ra cách thật hay. Đó là phân quyền, mà quyền được phân thành ba nhánh độc lập nên gọi là Tam Quyền Phân Lập. Điều này ví như chiếc xe dũng mãnh Buggatti được tháo rời 4 bánh giao cho một chủ giữ, tháo vô lăng giao cho chủ khác giữ, và thân xe giao cho chủ khác nữa giữ. Chiếc xe sẽ chẳng làm gì được nếu thiếu sự phối hợp của 2 chủ còn lại. Nếu muốn nó hoạt động thì phải có sự phối hợp cả 3 trên nguyên tắc cả 3 cùng có lợi.

Tam Quyền Phân Lập là thế, 3 nhánh quyền lực gồm; hành pháp, lập pháp, và tư pháp tồn tại độc lập, nó sẽ phối hợp nhịp nhàng trên cơ sở luật pháp. Chia 3 nhánh độc lập rồi phối hợp trên cơ sở pháp luật làm nó phải đi trên những khuôn khổ định sẵn. Quyền lực mà đi vào khuôn khổ nó cực kỳ hữu ích. Còn nếu nó tuỳ tiện sẽ tàn phá kinh khủng. Bạn hãy nhìn voi thồ ngoan ngoãn và voi chứng thì sẽ thấy. Một cực kỳ hữu ích một cực kỳ tàn phá và cũng cực kỳ nguy hiểm. Đấy là Pháp Trị và đó cũng là cách chính quyền tồn tại chung với dân mặc dù chính quyền là phía mạnh, dân là phía yếu. Và trên khuôn khổ pháp luật, nhà nước quay lại hỗ trợ và phục vụ nhân dân tạo nên tổ quốc là một khối thống nhất thịnh vượng.

Từ Facebook Đỗ Ngà