Menu Close

Cải tổ di trú vấn đề gây tranh cãi

Thứ Tư tuần qua, Tổng thống Donald Trump, xuất hiện cùng với hai thượng nghị sĩ của đảng Cộng hoà là ông Tom Cotton thuộc tiểu bang Arkansas và ông David Perdue thuộc tiểu bang Georgia, trong một cuộc họp báo tại Toà Bạch Ốc cho biết là đang có những xúc tiến để đưa ra một số những thay đổi quan trọng trong hệ thống di trú tại Hoa Kỳ qua một dự luật có tên viết tắt là RAISE Act (Reforming American Immigration for Strong Employment Act – Dự luật Cải tổ Di trú Hoa Kỳ nhằm Đẩy mạnh Công việc làm).

cai-to-di-tru3
Dự luật RAISE Act và vấn đề cải tổ hệ thống di trú – nguồn Indian Eagle

Hai chi tiết nổi bật trong dự luật này: thứ nhất là thay đổi hệ thống di trú để dành nhiều ưu đãi hơn đối với những di dân có sẵn những kỹ năng cao trong những công việc chuyên môn thay vì đặt nặng ưu tiên về đoàn tụ gia đình, và thứ nhì là sẽ cắt giảm số di dân hợp pháp nhập cư vào Hoa Kỳ xuống còn một nửa trong một thập niên tới thay vì mỗi năm một triệu như hiện nay.

Ngay sau cuộc họp báo đã có một số nhà làm luật, đặc biệt từ phía đảng Dân chủ, đã lên tiếng phản đối dự luật này, cho rằng nó mang tính chất kỳ thị. Tuy nhiên, cũng có một vài tiếng nói từ phía đảng Cộng hoà, nổi bật có Thượng nghị sĩ John McCain và Linsey Graham, cũng phản đối dự luật.

Có một điều hầu như ai cũng đồng ý là hệ thống di trú của Hoa Kỳ cần phải được thay đổi vì nó quá cũ và không còn hợp với tình hình hiện thời nữa. Nhiều năm qua, từ thời các cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, đã có những hứa hẹn để cải tổ nhưng không thực hiện được vì nhiều lý do, trong đó vấn đề mấu chốt vẫn là sự bất đồng giữa hai đảng.

Hệ thống di trú ở Mỹ hiện nay vẫn còn áp dụng một đạo luật về di trú cách đây hơn nửa thế kỷ có tên là Ðạo luật Di trú và Quốc tịch 1965 (Immigration and Nationality Act of 1965) được quốc hội thông qua từ thời Tổng thống Lyndon Johnson.

cai-to-di-tru2
Từ trái: Cotton, Trump và Perdue tại cuộc họp báo về dự luật RAISE Act – nguồn TheConservativeTreeHouse.com

Giống như dự luật RAISE Act hiện nay, ngay từ ban đầu, các ông John F. Kennedy và kế tục sau đó Johnson đã ủng hộ mạnh dự luật dành nhiều ưu tiên cho các di dân có kỹ năng cao để thu hút nhân tài, nhưng đã bị chống đối mạnh mẽ vì những lý do chính trị đảng phái. Sau đó người ta cho sửa đổi lại và nghiêng về phần dành ưu tiên cho việc đoàn tụ gia đình.

Ai cũng biết Hoa Kỳ là quốc gia được xây dựng trên nền tảng di dân, thế nên những đạo luật liên quan đến vấn đề di dân thường luôn được quan tâm đặc biệt. Vào đầu thập niên 1920, Hoa Kỳ vừa trải qua thời kỳ với làn sóng di dân ồ ạt từ châu Âu qua kéo dài từ cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20. Khoảng Thế chiến I thì làn sóng di dân này chậm lại, nhưng không vì vậy mà nhiều người Mỹ không cảm thấy lo ngại trước làn sóng di dân đó, và vì vậy quốc hội đã cho áp dụng một số luật lệ hạn chế về di dân dựa trên hồ sơ thống kê dân số của nước Mỹ lúc đó. Mục đích của luật này là người ta không muốn thay đổi cái cấu trúc nhân khẩu của dân số Hoa Kỳ thêm nữa. Và hạn ngạch di dân được cho phép vào Mỹ mỗi năm là dựa trên việc duy trì cái phần trăm nhân chủng trong dân số lúc đó. Tuy nhiên, luật này không có lợi cho những di dân đến từ khu vực Nam và Ðông Âu, trong khi đó di dân Á châu thì gần như hoàn toàn bị loại ra ngoài.

Sang thập niên 1960, người ta thấy luật di trú của Hoa Kỳ cần phải sửa đổi lại và bỏ đi cái phần bị cho là kỳ thị nguyên quán vì thực sự nó dành quá nhiều ưu đãi cho những di dân đến từ phía bắc và tây Âu. Nhưng để sửa đổi thì dành ưu tiên đó cho ai? Quan điểm từ chính quyền Kennedy và kế đến là chính quyền Johnson từ ban đầu là dành cho các di dân có kỹ năng cao mà trong các cuộc thăm dò ý kiến của người dân cũng cho thấy ủng hộ ưu tiên này.

cai-to-di-tru1
Di dân từ châu Âu đến Mỹ đầu thế kỷ 20 – nguồn SpartaReport.com

Vấn đề  ở chỗ có nhiều vị dân cử ở quốc hội – đa số là từ miền Nam – lo ngại rằng những di dân có kỹ năng cao nhất có thể đến từ những quốc gia không thích hợp với nước Mỹ. Do đó, để có thể lấy được phiếu thuận từ cánh Dân chủ miền Nam (lúc đó nhiều tiểu bang miền Nam nước Mỹ nghiêng về đảng Dân chủ), phía hành pháp từ Toà Bạch Ốc bắt buộc phải chọn một dự luật di trú khác để làm hài lòng cánh Dân chủ miền Nam. Và dự luật có thể làm vừa lòng họ là dành nhiều ưu tiên cho việc đoàn tụ gia đình. Vì những vị dân cử miền Nam này nghĩ rằng nước Mỹ lúc đó đa số là dân da trắng, phần lớn là gốc từ khu vực Bắc và Tây Âu, và với đạo luật di trú này, những di dân tương lai đến từ Bắc và Tây Âu sẽ có lợi thế hơn những di dân khác, và như vậy dân da trắng sẽ tiếp tục được duy trì với tỉ lệ đa số áp đảo.

Tuy nhiên, ngược lại với suy tính của các vị dân cử thuộc cánh Dân chủ miền Nam, đạo luật Immigration and Nationality Act of 1965 lại tạo điều kiện cho các di dân đến từ khu vực Ðông Á và châu Mỹ Latinh. Bởi vì, một ví dụ là theo đạo luật di trú 1965, di dân từ Ðông Âu cũng được quyền đến Mỹ trên căn bản bình đẳng với những sắc dân khác, nhưng thường là những người này không thể đến Mỹ được nếu không liều mình vượt biên. Di dân từ khu vực Tây Âu thì lại không chịu đến là vì từ thập niên 1960 kinh tế Âu châu phát triển và đem lại một đời sống sung túc hơn trước. Việc làm ở Âu châu lại dư thừa và do đó không có lý do gì mà người Âu châu phải di dân đến tận nước Mỹ xa xôi làm gì. Nếu ở Ý hoặc ở Hy Lạp không đủ việc làm thì họ có thể đến Ðức hay Hòa Lan tìm việc cũng được. Vì khi di dân từ Âu châu không đến thì những di dân khác từ châu Mỹ Latinh và châu Á thế vào chỗ khuyết đó.

Một điều khác nữa là các nhà lập pháp thời đó không tiên đoán được trước là sự phát triển của nền kinh tế cần đến trí tuệ, và đòi hỏi phải mướn thêm nhiều khoa học gia và kỹ sư. Và vì vậy, nếu là một di dân Á châu được nhận vào Mỹ làm việc trong địa hạt khoa học và kỹ thuật, thì người đó có thể mang vợ con đi theo, rồi sau đó bảo lãnh cha mẹ và anh chị em trong gia đình sang đoàn tụ.

cai-to-di-tru
Dự đoán tương lai tỉ lệ di dân trong dân số Hoa Kỳ – nguồn Census Bureau

Dân số của các cộng đồng thiểu số gốc châu Mỹ Latinh và châu Á ở Mỹ gia tăng nhanh nhất trong khoảng ba thập niên qua không phải là không có nguyên do của nó.

Nếu chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cấp thẻ xanh cho hơn 560,000 di dân. Ðông nhất là di dân đến từ Mễ Tây Cơ (81,000 người), Trung Quốc (38,000 người) và Ấn Ðộ (31,000 người). Tuy nhiên, trong tổng số đó chỉ có 75,000 di dân được nhận thẻ xanh dựa trên căn bản “ưu tiên về việc làm”. Ðiều này có nghĩa là chỉ khoảng 13 phần trăm di dân đến Mỹ được chọn vì lý do kinh tế. So sánh với nước láng giềng Canada dự tính chương trình di dân năm 2017 sẽ nhận 57 phần trăm số di dân trên căn bản kinh tế.

Ngoài Mỹ, 5 quốc gia phương Tây có số di dân đông nhất là Ðức, Vương quốc Anh, Canada, Pháp và Úc. Tất cả các quốc gia này ít nhiều đều áp dụng một hệ thống di trú tương tự: Những di dân có trình độ học vấn với kinh nghiệm làm việc trong một số ngành chuyên môn có thể nhận chiếu khán vào những nước này dễ dàng trong tư cách là những người làm những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, và họ có thể mang theo vợ con đi chung.

Những người ủng hộ cho dự luật RAISE Act cho rằng nếu Hoa Kỳ không cải tổ hệ thống di trú hiện nay và dành nhiều ưu tiên cho những di dân có kỹ năng cao thì sẽ khó lòng cạnh tranh với những quốc gia khác trong tương lai. Những người chống lại dự luật thì nói rằng vẫn cần phải duy trì phần nhân bản trong hệ thống di trú. Những bất đồng này sẽ còn được đưa ra tranh luận ở quốc hội trong thời gian dài sắp tới. Không biết rồi đây người ta có thể tìm được một thoả thuận chung cân bằng giữa ưu tiên về kinh tế và ưu tiên đoàn tụ gia đình hay không.

Ðiều chắc chắn là nếu trong trường hợp dự luật RAISE Act thành công, điều bất lợi rõ ràng là với những người đang trong giai đoạn bảo lãnh người thân qua đoàn tụ, trong đó có nhiều gia đình trong cộng đồng người Việt chúng ta.

VH