Menu Close

Râu tóc nhiêu khê

Vấn đề không tầm thường chút nào, nếu không nói là chuyện rất lớn. Xin chứng minh: năm ngoái, các quý ông và quý bà riêng tại Mỹ đã chi 8 tỉ USD cho dao cạo – theo báo cáo hàng năm của hãng dao cạo số một thế giới Gillette. Trong đó, 2 tỉ USD được 100 triệu quý ông Mỹ dùng cho cạo râu (hơn 9% nam nhi Mỹ từ 15 tuổi trở lên cạo râu trung bình 5 lần/tuần). Và quý bà cũng xếp hàng mua dao Gillette để cạo những thứ… cần cạo. Và đó chỉ mới nói đến lĩnh vực cạo, còn vô số hầm bà lằng khác liên quan vấn đề râu tóc…

rau-toc-nhieu-khe1
Qua thời gian, kiểu tóc được xem là một trong cách làm đẹp – nguồn seventeen

Trong thực tế, không chỉ con người hiện đại mới biết cạo lông cơ thể (nói chung), dù thói quen này bắt đầu phổ biến từ khi Gillette thay thế dao lam bằng dao cạo an toàn vào năm 1903. Nhà khảo cổ Gus Van Beek thuộc Viện nghiên cứu Smithsonian (Washington DC) cho biết trên tranh tường trong mộ Ai Cập cổ đại, người ta đã thấy những hình vẽ quý ông mày râu nhẵn nhụi. Hành vi cạo râu, đặc biệt râu cằm (vào thời đó), không hẳn nhằm làm đẹp mà xuất phát từ thực tế khách quan: râu cằm là một bất lợi trong cận chiến (khiến đối phương dễ túm).

Dù vậy, người Ai Cập cổ đại cũng cạo gần hết lông trên cơ thể họ. Xin nhớ rằng tượng Nhân Sư (Sphinx) là một con mèo hoàn toàn không lông! Riêng với “cạo thẩm mỹ”, người ta không rõ phụ nữ cạo lông chân từ khi nào. Có một giải thích, chắc chắn sai (theo tuần báo Anh The Economist), rằng mốt cạo lông chân bắt đầu hình thành vào thập niên 1920 khi trào lưu váy ngắn bùng nổ. Ngày nay (cũng theo The Economist), phái nữ bắt đầu cạo từ khi dậy thì và diện tích cạo trên cơ thể của họ nhiều hơn phái nam 9 lần. Tuy nhiên, phái nam lại mó đến dao cạo nhiều lần hơn phái nữ. Dù có số lông gần tương đương số lông chân và lông nách phái nữ cộng lại (7,000-15,000 sợi) nhưng râu nam giới dày hơn và mọc nhanh hơn. Trung bình, một quý ông bỏ ra ít nhất 33 ngày trong cuộc đời mình chỉ để cạo râu và cắt tóc, tất nhiên không kể trường hợp hói (chủ yếu do hormone dihydrotestosterone).

Nhìn ở lăng kính khoa học, lông là một trong những đặc điểm của động vật có vú. Ðộng vật có vú có thể có lông cách đây khoảng 200 triệu năm nhưng do lông không có hóa thạch nên giới khoa học dè dặt không dám kết luận. Trong hơn 5,000 loài động vật có vú, chỉ một số loài gần như không lông (voi, hà mã, hải cẩu, chuột chũi…). Tuy nhiên, có thể dễ dàng biết được tại sao. Voi và hà mã chẳng hạn, chúng – vốn có cơ thể khổng lồ – sống tại vùng nóng nực, không thấy có trở ngại gì đối với sự lạnh (hiếm khi xảy ra) và như thế không nhất thiết cần bộ lông dày.

Tương tự, hải cẩu – sống chủ yếu dưới nước – cũng nhận thấy lông tóc không đem lại béo bổ gì cho chúng. Với người, vấn đề phức tạp gấp nhiều lần. Ðến nay, người ta vẫn không biết chắc tại sao một số khu vực đặc biệt trên cơ thể lại có lông và phần còn lại không hề. Ðầu chẳng hạn, quá trình tiến hóa xảy ra như thế nào và chịu ảnh hưởng bởi gì mà sao lại có tóc (trong khi nhiều loài khỉ – bà con gần với người – lại không có tóc nhiều bằng con người)?

Có giả thuyết rằng trong quá trình tiến hóa, khi ngày càng ra khỏi hang động càng nhiều để mưu sinh, con người bắt đầu mọc tóc để che đầu bớt cái nắng. Cùng lúc, có giả thuyết rằng con người vốn mọc lông đầy mình nhưng rụng dần theo năm tháng tiến hóa và cuối cùng chỉ giữ lại ở một số khu vực nhất định, trong đó có vùng đầu. Gần đây nhất, Mark Pagel thuộc Ðại học Reading và Walter Bodmer thuộc Bệnh viện John Radcliffe (Oxford, Anh) cho rằng chính động vật ký sinh đã làm con người mất lông dần trong quá trình tiến hóa và cái thói quen cạo lông thời cổ đại cũng có thể bắt đầu từ lý do vệ sinh cơ thể. Và khi cơ thể không còn lông che chở, con người mới nảy ra ý tưởng làm quần áo, nhằm thay thế công dụng che ấm bị mất đi của bộ lông. Giả thuyết trên không phải không có cơ sở. Cách đây hơn 140 năm (1874), tiền bối Charles Darwin từng ghi nhận rằng, tại vùng nhiệt đới, sự ít lông đã giúp con người tránh được bọ chét và nhiều ký sinh khác. Từ giả thuyết trên, có thể luận thêm rằng các bậc cổ nhân cũng cạo râu và lông mặt bởi nguyên nhân tương tự. Thoạt đầu, họ có thể dùng vỏ sò và sau đó dùng mảnh sừng mài bén.

“Lý thuyết con bọ chét” (cạo lông để tránh ký sinh) cũng có thể giải thích tại sao quý bà ít lông hơn quý ông. Theo Mark Pagel và Walter Bodmer, trong việc chọn bạn tình, các đấng nam nhi tiền bối có khuynh hướng chọn các cô ít lông – thể hiện của cơ thể sạch sẽ và khỏe mạnh. Xin nhấn mạnh, điều đó đúng và tiếp tục đúng trong thế giới động vật, chẳng hạn chim mái không bao giờ chọn tình lang lông cánh bèo nhèo (thể hiện của tình trạng bệnh tật) mà luôn chọn con trống oai phong lẫm lẫm với bộ lông sặc sỡ và cái mào (nếu có) vươn chót vót.

Riết rồi, qua thời gian, việc phụ nữ cạo lông dần trở thành một biểu hiện không chỉ liên quan vệ sinh mà còn thẩm mỹ. Hẳn không phải tự nhiên khi trên tất cả áp-phích phim quảng cáo mỹ phẩm, người ta không bao giờ thấy người mẫu có lông (chân hoặc nách) – một hình ảnh phản cảm chắc chắn gây phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, không ít khoa học gia vẫn không đồng ý với “lý thuyết con bọ chét”, bởi nó không giải thích được tại sao con người cổ đại chỉ cạo trụi, trừ vài vùng, chẳng hạn đầu và nách. Một lần nữa, yếu tố chọn giống trong quá trình tiến hóa lại được áp dụng. Theo nhà sinh vật Úc David Stoddart, nách chính là nơi có tuyến mùi và lông lại là phương tiện để làm thoảng mùi tiết từ các tuyến. Trong khi đó, mùi từng được nhiều lần chứng minh là một trong những chất “gọi tình”.

rau-toc-nhieu-khe
Râu ria rối rắm – nguồn pinterest

Qua thời gian, việc tại sao đầu có tóc không quan trọng bằng làm thế nào để có mái tóc đẹp. Từ thế kỷ thứ 7 TCN đến thế kỷ 17, người ta bắt đầu nghiệm ra rằng kiểu tóc thật sự là một trong những hình thức bề ngoài thu hút sự chú ý khác phái. Tại châu Âu cuối thập niên 1760, phụ nữ thường rắc trắng lên tóc và đội mũ lông chim, rổ trái cây hoặc thậm chí một chiếc thuyền buồm lộng gió. Quý ông cũng rắc phấn trắng và uốn tóc thành lọn. Dần dà, quý ông còn làm điệu bằng những kiểu râu lạ và đến nay, râu mép vẫn là một trong những hình thức tự nhiên được áp dụng trong vài trường hợp để tăng vẻ nam tính nhằm thu hút nữ giới.

Trong vài trường hợp, vấn đề râu tóc còn dính dáng đến phong tục và tôn giáo. Tín đồ Hồi giáo chuộng để râu rậm; nhà tu Phật giáo luôn cạo trọc và người Da đỏ gần như luôn thắt bím… Dù thế nào, thói quen vệ sinh trong quá trình tiến hóa (nếu “lý thuyết con bọ chét” đúng) vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Nam giới thường cạo râu cằm và gần như tất cả quý cô đều không dám “ở bẩn” khi để lông nách “phát triển tự nhiên”…

MK