Menu Close

Mùa hè không có Whitney

Khi đứng đọc tấm bảng, nét khắc mới tinh và ngời sáng, tôi cảm thấy cổ mình dường như bị nghẹn. Nước mắt trào ra sau hàng mi. Tôi chậm rãi đọc dòng chữ ghi khắc trên tấm bia. “Tấm bảng này dựng lên để tưởng niệm Whitney Dawn Riegle.”

Như tôi còn có thể nhớ được, Whitney và tôi thường trải qua mùa hè với nhau ở nhà bà chúng tôi. Dạo ấy, hễ thời tiết vừa ấm lại là chú bác cô dì và đám anh chị em họ chúng tôi đã tụ lại quấn quýt bên nhau nói cười ở ngoài hàng hiên. Chúng tôi đều hớn hở được gặp nhau sau khi bàn bạc kỹ những việc sẽ làm trong hai tháng hè. Ðể xem ai giỏi hơn, thông minh hơn và cũng để chọc giận bà. Mặc dầu Whitney lớn hơn tôi hai tuổi và học trên một lớp, tôi vẫn coi là hai đứa ngang cơ nhau.

Tôi thì luôn luôn ghen với Whitney – nó có mái tóc màu nâu dài óng ả và đôi mắt ngời sáng khiến người ở đầu phòng còn nhìn thấy. Tôi cũng ganh với Whitney về khả năng che giấu sự yếu đuối của mình và lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ. Ðã thế nó còn tỏ ra dễ thương và rộng lượng với mọi người cho dù không quen biết họ. Nói tóm lại tôi ngưỡng mộ mọi điều ở Whitney.

mua-he-khong-co-whitney
Thắm Nguyễn

Mùa hè chấm dứt, như mọi mùa hè khác, chúng tôi trở về gia đình với cuộc sống thường ngày và việc học hành. Chỉ gọi điện cho nhau vào dịp nghỉ lễ hoặc sinh nhật. Càng lớn lên, chúng tôi không còn giữ được như xưa và chỉ thỉnh thoảng gọi để bù đắp lại. Một năm, vào khoảng Giáng Sinh và Năm mới, tôi gọi Whitney và chúng tôi nói chuyện trong giây lát. Nó bảo sẽ gọi lại cho tôi sau vì bây giờ Whitney đang trên đường tới nhà một người bạn. Thế rồi niên học tiếp tục và tôi không biết việc gì xảy ra với Whitney.

Một đêm tôi đang ngồi học bài thì điện thoại reo. Màn hình cho thấy cha tôi gọi. Tôi cầm điện thoại lên và trả lời. Thăm hỏi xong, cha tôi ngỏ ý muốn nói chuyện với mẹ tôi. Ðây là điều lạ: Cha ít khi muốn nói chuyện với mẹ lắm. Chỉ bảo nói với mẹ điều này, điều này. Tôi đi xuống lầu tìm mẹ. Phòng mẹ đóng cửa, đèn đã tắt.

“Mẹ ngủ rồi. Có việc gì không bố?”

“Gần đây con có nói chuyện với Whitney không?”

“Có, cách đây vài hôm. Hôm nay con cũng có gọi nhưng không nghe trả lời. Sao? Có việc gì không bố?”

Cuối cùng cha tôi chỉ nói: “Whitney tự vận.”

Trái tim tôi ngừng đập. Tôi không thể nào tin được.

Cha tôi tiếp tục nói: “Người ta làm cho tim nó đập lại và chở nó đi bệnh viện. Mọi chuyện đang dần ổn. Bây giờ bố phải đi làm đây. Chào cưng.” Tôi buông điện thoại lăn xuống sàn nhà. Và tôi chạy xuống lầu, lao vào phòng mẹ tôi, kể cho bà nghe chuyện thắt lòng. “Mẹ ơi, Whitney…” Nước mắt tôi tuôn đầy mặt và qua làn nước mắt và tiếng nấc tôi cho mẹ biết tất cả câu chuyện. Mẹ ôm tôi vào lòng. Tôi chỉ biết khóc và không ngăn được dòng lệ.

Trước khi tôi hay biết, tuần lễ trôi qua và bác tôi quyết định rút ống trợ thở. Tiếp theo là tang lễ. Hơn hai trăm người đến viếng. Nhà thờ chật cứng. Có chiếu slide show và mở nhạc buồn. Chú tôi đọc điếu văn và dẫn lời Kinh Thánh. Chú cũng kể cho mọi người nghe những mẩu chuyện về Whitney. Tôi nghe và muốn được nối bước nó.

“Ngày hôm qua một phụ nữ tôi chưa hề quen biết đến gặp và bắt tay tôi. Bà ấy bày tỏ lòng thông cảm với sự mất mát của tôi. Người phụ nữ kể rằng Whitney vẫn thường chơi đùa với đám con của bà ở hồ bơi.” Nghe nói, chú tôi rơi nước mắt nhưng vội chùi đi. Còn tôi chợt nghĩ ra rằng đôi khi một việc thật nhỏ nhặt cũng có thể ảnh hưởng tới nhiều người.

Tuần sau tôi trở lại trường tiếp tục việc học. Niên học trôi qua trong sự náo nức chờ đợi mùa hè của tôi. Cũng như mọi năm, tôi trở lại nhà bà của mình. Ngôi nhà vắng lạnh, trống trải. Tôi không khỏi lấy làm lạ nhưng rồi mọi sự tiếp tục qua.

Một vài ngày sau Lễ Ðộc Lập, chú tôi mời mọi người tới nhà dùng cơm tối. Không ai nói một lời chỉ có tiếng muỗng nĩa va chạm. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi ăn xong. Mọi người kéo nhau ra ngoài hàng hiên. Chú tôi đi thẳng vào garage lấy chiếc Harley ra bảo tôi ngồi lên và rồ máy. Chúng tôi chạy xuống đường, cảm thấy tiếng gió mùa hè mơn man trên mặt.

Chạy khoảng mươi phút chúng tôi đến một khu sân bóng. Tôi ngạc nhiên sao mình tới đây, mặc dầu tôi biết cả cha tôi, chú tôi và Whitney đều mê chơi bóng softball. Chính chú tôi đã luyện cho Whitney chơi. Chúng tôi tới chỗ khán đài nhưng sân bóng quá vắng lặng. Gần đó có một cái thùng khóa kín, giấy má đồ kẹp giấy và dụng cụ còn vương vãi. Phía bên kia thì trống trơn. Bỗng nhiên một tấm bảng với nét chữ khắc còn sáng ngời đập vào mắt tôi. Cổ tôi chợt thấy nghẹn và nước mắt trào ra. Tôi chậm rãi đọc. “Tấm bảng này được dựng lên là để tưởng niệm Whitney Dawn Riegle. Hội bóng Softball.” Nó được dựng ngay giữa sân bóng, nơi Whitney hay chơi. Tôi nhìn mà nước mắt trào ra. Tuy vậy vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ và lau khô những giọt lệ để chú tôi đừng thấy.

Rời khỏi sân bóng tôi miên man nghĩ ngợi. Trên tất cả câu chuyện chú tôi kể ở tang lễ Whitney trở lại trong tâm trí tôi. Phải rồi nếu tôi xử sự tử tế với mọi người tôi sẽ tạo được một ảnh hưởng – y như Whitney vậy.

NS – theo Delayne Jo