Tiểu sử Nguyễn Mỹ Ca
Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca (1917-1949), còn có nghệ danh là Nguyễn My Ca, sinh năm 1917 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho. Thân phụ là Nguyễn Tri Lạc, Nguyễn Mỹ Ca là anh họ của giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Có thể Nguyễn Mỹ Ca học cổ nhạc với chú là soạn giả, nhạc sĩ Nguyễn Tri Khương (1890-1962). Nguyễn Mỹ Ca mất vào năm 1949 lúc vừa 32 tuổi. (Có hai ghi chép về ngày mất của ông, một là năm 1946, một là năm 1949, xin ghi nhận ở đây)
Nguyễn Mỹ Ca học Le Myre de Vilers tức Trung học Nguyễn Ðình Chiểu – Mỹ Tho, rồi Pétrus Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn. Năm 1942, ông ra Hà Nội học Ðại học; và sinh hoạt trong nhóm sinh viên yêu nước do Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu. Trong khoảng thời gian này, ông sáng tác nhiều ca khúc vui tươi, lạc quan, thấm đậm lòng yêu nước như: Ðến trường, Vui đi học, Dạ khúc, đặc biệt bài Chiêu hồn nước được sinh viên – học sinh công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ông là đồng tác giả một số hành khúc với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nguyễn Mỹ Ca từng dạy đàn mandoline cho Trần Văn Trạch trong bước đầu học tân nhạc. Là một nhạc sĩ thời tiền chiến. Cuộc đời rất ngắn nên ông sáng tác không nhiều, trong đó bài Dạ khúc được coi là nhạc phẩm bất hủ.
Trong bài: Nhạc sĩ tiền chiến Nguyễn Mỹ Ca và Dạ khúc bất hủ, trên Văn nghệ Tiền Giang Online, tác giả Cỏ May đã viết, “Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca là thuộc dòng họ Nguyễn Tri, một dòng họ danh gia vọng tộc và có truyền thống âm nhạc ở Vĩnh Kim. Cha Nguyễn Mỹ Ca là anh của ông Nguyễn Tri Khương (cháu nội của ông Nguyễn Tri Phương, một vị quan nổi tiếng dưới thời triều Nguyễn), là một nhạc sĩ chuyên về sáo, lại thông hiểu về lý thuyết nhạc cổ, đã giúp cho GS Trần Văn Khê khi viết luận án tiến sĩ về nhạc Việt.”
Nhạc phẩm: Dạ khúc (lời Hoàng Mai Lưu), Ðến trường, Tiếng dân cày, Vui đi học, Chiêu hồn nước.
Tài liệu tham khảo: – Nguyễn Mỹ Ca Web: Wikipedia
– Cỏ May, Nhạc sĩ tiền chiến Nguyễn Mỹ Ca và Dạ khúc bất hủ Web: vannghetiengiang.vn
Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản
Thưa quý độc giả trong các số báo trước, chúng tôi đã trình bày về những năm đầu của tình ca trong nền Tân nhạc Việt Nam, đồng thời giới thiệu một số ca khúc tiêu biểu. Kỳ này, mời quý vị cùng bước sang 2 năm 1945-46, khoảng thời gian mà cố nhạc sĩ Lê Thương trong một bài viết về nhạc Tiền Chiến đã gọi là “Cảnh đua nở của Tân nhạc Việt Nam”. Như chúng tôi đã từng trình bày, nền tân nhạc Việt Nam ngày đó còn gọi là Nhạc Cải Cách, đã được khởi đầu tại miền Nam, qua việc hai nhạc sĩ Tư Chơi tức Huỳnh Hữu Trung và Năm Châu tức Nguyễn Thành Châu, vào giữa thập niên 1930, đã đề xướng việc đặt lời Việt cho các ca khúc Pháp, gọi là những bài hát Ta, điệu Tây để trình diễn trên các gánh hát Cải Lương. Ðể rồi tới năm 1937, nền nhạc mới ấy chính thức ra đời qua việc phổ biến bản Kiếp Hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, một người gốc Huế sống tại Sài Gòn. Thế nhưng, theo hồi ức của cố nhạc sĩ Lê Thương, sau đó Tân nhạc lại phát triển mạnh tại đất Bắc, Hải Phòng, Nam Ðịnh, nhất là Hà Nội, kinh đô trí thức vào thời đó, sau đất Bắc tới miền Trung và cuối cùng mới trở lại Phương Nam. Khoảng năm 1943-44, tại Huế, đã có sinh hoạt hòa nhạc của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc V.V… Cũng trong thời gian này, Nguyễn Văn Thương sáng tác bản hùng ca Dưới bóng cờ và nhạc sĩ Ngô Ganh cho phổ biến các sáng tác viết cho thiếu nhi. Tại Ðà Nẵng, Hội An, nhóm nhạc sĩ La Hối, Phan Huỳnh Ðiểu, Dương Minh Ninh cũng bắt đầu hoạt động. Riêng tại Sài Gòn, nơi mà từ năm 1941, nhạc sĩ Lê Thương đã dừng bước giang hồ để ra sức vận động cho nền nhạc mới, kết quả rất khiêm nhường. Ông hồi tưởng, “Quả thật lúc đó, Tân nhạc chưa gây được mảy may ảnh hưởng trong quần chúng miền Nam đang say mê Cải Lương vào thời đại thịnh, và trong rất nhiều gia đình quý phái, nhạc Âu Tây là món tiêu khiển thường nhật nhưng nhạc mới là cái gì, họ chưa thèm lưu ý tới, nếu không muốn nói là khinh miệt.” Năm 1943, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn tổ chức một tuần lễ ca kịch và đã gây tiếng vang lớn nơi khán giả của Hòn Ngọc Viễn Ðông. Từ đó, báo chí bắt đầu ủng hộ Tân nhạc. Tháng 9 năm 1944, ba tác giả Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê và Nguyễn Tôn Hoàn, cùng ký tên trong bản tuyên ngôn về âm nhạc. Trong đó, ba ông đã đưa ra một sự xét lại về những ý thức nhạc thuật Ðông Tây và ca tụng, cổ vũ cho nền nhạc mới. Cùng thời gian, các lớp nhạc Nguyễn Thông, Lê Ngát, Dzoãn Ân đã mở ra tại Sài Gòn. Năm 1945, mở đầu cho cảnh trăm hoa đua nở trong Tân nhạc của miền Nam. Nguyễn Mỹ Ca, một nhạc sĩ ở vùng Sầm Giang, Ðịnh Tường, đã sáng tác bản Dạ Khúc, một tình khúc để đời mà từ lời ca cho tới tiếng nhạc, theo sự mô tả của Lê Thương cũng êm đềm nhẹ nhàng như con người khả ái của tác giả.

Tiểu sử La Hối
La Hối (1920 – 1945) là một nhạc sĩ Việt Nam, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Xuân và tuổi trẻ. Ông tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Hội An (Quảng Nam) trong một gia đình gốc Quảng Ðông (Trung Quốc) đã định cư nhiều đời tại Việt Nam. Ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936 – 1938 La Hối học ở Sài Gòn, thời gian này ông có dịp học hỏi, trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. Năm 1939, La Hối và các bạn thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique), ông làm hội trưởng. Một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Ðài (tác giả Chiều tưởng nhớ)… đã từng được ông hướng dẫn âm nhạc.
Năm 1945 La Hối gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống phát xít Nhật. Ông cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5 năm 1945, La Hối và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả bị xử bắn chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay đã được cải táng về Nghĩa trang Chống phát xít Nhật ở Hội An. Khi ấy ông vừa mới 25 tuổi.
Nhạc phẩm Xuân Và Tuổi Trẻ của ông vốn do Diệp Truyền Hoa đặt lời tiếng Hoa. Sau khi ông mất, nhà thơ Thế Lữ đến Quảng Nam, biết được gương hy sinh dũng cảm của ông, đã xúc động mà đặt lời Việt cho ca khúc. Ngoài Xuân Và Tuổi Trẻ, La Hối còn một ca khúc khác là Xuân Sắc Quê Hương.
Bước sang miền Trung, tại Huế, Hội An, Ðà Nẵng, người ta được chứng kiến những hoạt động sáng tác sôi nổi và đặc thù. Hình như dòng sông Hương êm đềm, thơ mộng, không khí trong lành của gió mát của trùng dương đã ảnh hưởng không ít tới nét nhạc đẹp và trong sáng của các nhạc sĩ Miền Trung. Vượt lên trên Trầu Cau của Phan Huỳnh Ðiểu, Trai Ðất Việt của Dương Minh Ninh, là Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối. Nhạc sĩ La Hối là một người gốc Hoa ở Hội An. Xuân Và Tuổi Trẻ là ca khúc duy nhất được phổ biến, cho nên người ta cũng không biết ông là một nhạc sĩ tài tử hay chuyên nghiệp. Chỉ có một điều chắc chắn Xuân Và Tuổi Trẻ là một ca khúc bất hủ, tuy lời hát được phổ từ một bài thơ của Thế Lữ, nhưng tài của La Hối hơn người là ở chỗ, như Nguyễn Ðình Toàn đã viết “Bài thơ được phổ nhạc tự nhiên, thanh thoát đến độ, người ta có cảm tưởng, nó hoàn toàn là một sáng tác của La Hối. Nghĩa là do chính ông vừa viết nhạc, vừa viết lời ca. Tiết điệu của nhạc, nhịp điệu của thơ, kết hợp với nhau nhuần nhuyễn, tựa hồ mỗi chữ của bài thơ đã được chứa sẵn nhạc bên trong”. Về phần nhạc của bản Xuân Và Tuổi Trẻ, trong khi không đủ khả năng đánh giá, đây có phải là bản nhạc theo thể điệu 3/4 tức điệu Valse hay nhất trong nền Tân nhạc Việt Nam? Chúng tôi cũng có thể khẳng định Xuân Và Tuổi Trẻ là một bản Valse độc đáo, có sức thu hút, lôi cuốn, khác hẳn những bản Valse khác. Cũng nên biết Xuân Và Tuổi Trẻ đã được một đồng hương của La Hối là Diệp Truyền Hoa đặt lời bằng tiếng Hoa và ca khúc này rất được phổ biến nơi thính giả Trung Hoa. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, đã có huyền thoại nói rằng Xuân Và Tuổi Trẻ, chính là một bản mật mã của các gián điệp Trung Hoa sử dụng để gởi tin cho nhau trong thời gian chống quân Nhật. Như vậy phải chăng La Hối và Diệp Truyền Hoa là hai chàng điệp viên có tâm hồn nghệ sĩ. Hay là, chỉ sau khi bài hát đã trở nên phổ biến, người ta mới biến tác phẩm của 2 chàng ấy, thành những mật mã cho điệp viên, không ai có câu trả lời.

Thanh Thư chuyển văn bản
Mời nghe: Dạ Khúc-Nguyễn Mỹ Ca-ca sĩ Trần Văn Trạch.
https://www.youtube.com/watch?v=OsOotNjG7yY
Xem tiếp kỳ tới
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương