Menu Close

Chỗ trọ trong rừng chuối (Kỳ 4)

Tôi đâm bổ theo Má. Không ngờ Má Năm bình thường từ tốn chậm rãi, mà bây giờ có thể chạy nhanh như vậy. Chưa chi, tôi thấy Má như con trâu cái tuôn qua vườn, xô cánh cửa mạnh, vụt một cái băng giữa đồng, chạy về phía những cánh rừng đen thẫm. Tôi chạy hết lực, không đuổi kịp Má. “Ha ha!… Ha ha ha!…” Tiếng cười của Má chốc chốc vọng lại. Chiếc áo cánh lấp lánh dưới trăng, ẩn hiện qua những thân cây, bụi rậm. “Ha ha ha…” Tiếng cười của Má dội lại từ những tùm lá. Má chạy phía trước, như con ngựa trắng phi nước kiệu. Tôi lao phía sau. Chúng tôi qua khỏi rừng dừa, rồi rừng chuối, những tàu chuối thấp đập ngược lên thân mình tôi phần phật. Các tàu lá như roi, lúc nồng nặc mùi mật, khi hăng hắc mủ. Tôi nghe tiếng thở của mình hào hển, mệt đuối nhưng Má vẫn cắm mình về phía trước… Khu rừng bây giờ hoang dã, tươm nhựa, những thân cây xù xì mọc hỗn độn, những khúc cây đen quánh trồi lên như tượng. Các bụi rậm to lớn, gai góc đâm xước trên mặt, lên tay tôi đau điếng, cỏ dại cao ngang đầu gối, rạp xuống từng mảng phát lên âm thanh sắc nhọn. Có lúc tôi thấy bóng Má đứng thẳng ngay phía trước, nhào theo, liền bị chặn lại bởi những bụi cây, những chướng ngại không ngờ. Chẳng lẽ Má thuộc lòng con đường, từng chỗ quanh, lối quẹo. Vừa chạy tôi vừa khấn thầm anh Cần sống khôn thác thiêng làm ơn chặn Má giùm tôi chứ tôi không còn biết phải hành động ra sao nữa…

Tôi dừng phắt lại. Trăng tràn trề tắm sáng một vùng quang đãng, những bia mộ bất động nổi lên, loang lở và đen tối từ dòng trăng. Quang cảnh bãi tha ma ngập hơi sương, hăng hăng mùi lá khuynh diệp. Má Năm ngồi sững trên một mộ đá, nhìn tôi. Hơi thở tôi dồn dập vang lên giữa không gian im vắng. Mồ hôi tuôn nhớp, ướt đầm mình mẩy, như tôi vừa bước lên từ con sông nào đó ngoài kia, con sông bị che lấp bởi chiếc bóng nặng nề của rừng đen tôi không nhìn thấy. Tôi bước lần về phía Má. Những ngôi mộ đất đã mất gò, không còn lại dấu vết gì ngoài những tấm bia xiêu vẹo, nghiêng đổ, hầu hết chúng cụt đầu, cụt thân, những mảnh đá cổ rơi vỡ gập ghềnh, lạo xạo dưới bước chân tôi; rải rác đây đó một vài nắp mộ đã bật, một số khác bằng đá, gần như còn nguyên, có lẽ đã được xây lên rất muộn trong những đời sau. Má Năm ngồi bất động trên một trong những ngôi mộ đó.

chotro-chuoi-4-01

“Cần con, tới đây, tới đây với Má”. Tôi đã đứng trước mặt Má. Tôi nghe tiếng tim mình còn đập mạnh và tiếng những hơi thở đứt quãng cuối cùng vang lên. Như hơi thở của ai khác còn hào hển mà không phải của tôi, từ một lòng phổi vạm vỡ nào khác. Má từ từ đứng dậy, tiến tới gần tôi. Hai tay Má giơ ra đặt lên vai tôi. “Phải đó, Cần con, con ngoan ngoãn như vầy má thương.” Má nhìn tôi trân trối. “Má rất hài lòng”. Má ôm lấy tôi, khuôn mặt Má rướn lên, hôn vào trán tôi. Phựt! Tôi giật bắn mình. Manh áo ngủ trước ngực tôi phanh ra, mấy hột nút đứt tung.

Má Năm lùi lại trước ngôi mộ. Má bắt đầu cởi áo. Chiếc áo bà ba lụa trắng phất rơi xuống đất, rồi chiếc nịt vú thêu ren, quần lãnh, quần lót… Má nằm ngửa xuống, sõng soài trên mặt đá. Mồ hôi tôi tiếp tục chảy ra. Lần đầu tiên tôi chú ý đến bộ ngực còn to và chiếc mông đầy của người đàn bà chỉ mới sáu mươi. Ở dưới khuôn mặt có hai vệt lõm tối, thân hình má duỗi dài, chân dạng ra, tươi tốt như một vùng đất thịt còn trồng trọt được, bất ngờ nhìn thấy trên một sườn núi. “Cần, tới đây, tới đây con… Chỗ này do chính con lựa, vì ít rêu, mặt đá láng, bộ con không nhớ sao?” Tôi tiến tới. Trái tim tôi đập thùm thụp như trống, cùng lúc ý chí rũ liệt như cung đàn đứt dây. Làm sao trái tim con người đi ngược lại trí óc của hắn? Tôi không biết, không thể hiểu, lần mò như một cỗ máy.

Trăng rơi nhễ nhại trên da thịt Má, nhểu dài từng đường lóng lánh trên mỗi phần nhô, chỗ lõm. “Không, không, tôi không phải là Cần.” – tôi bật thốt lên. Má nhổm dậy nhìn tôi.

“Anh Cần!” Tôi quay lại. Thảo tiến tới từ trong bóng tối, khỏa thân, lồ lộ như pho tượng cẩm thạch chạm nổi biết di động dưới trăng. Toàn thân nàng lóng lánh đường cong từ từ ghé xuống bên Má, khuôn mặt đẹp kỳ bí, môi hai người chạm nhau, lưỡi quấn quýt. Tôi tê dại như trong một giấc mộng. Lẽ nào tôi thấy ảo giác? Hay tôi vẫn còn đương ngủ mơ? Thảo chậm rãi rời Má, đến đứng trước mặt tôi. Nàng đưa tay xoa đầu tôi, mơn nhẹ nhàng rồi bất ngờ siết mạnh khiến tôi phải há miệng vì đau hai màng tang; Thảo luồn ngay lưỡi nàng vào nhanh hẹn như đuôi rắn lục chui thoắt xuống cuống họng, quấn hết phủ tạng trong người tôi. Hai tay nàng ghì chặt, ghị mỗi lúc một mạnh làm tôi gập chân, khuỵu xuống. “Yêu Má, yêu Thảo đi anh!” Thảo ghim mặt tôi vào bụng nàng. Trên đầu mình, tôi nghe một làn hơi thở thoát ra, thênh thang sung sướng. Hông Thảo rung lên từng cơn, trong lúc mười ngón tay vẫn bấu nghiến lấy đầu tôi ấn vào chỗ ẩm ướt của nàng. Các móng tay Thảo như đâm xuyên qua da đầu tôi làm lủng mớ óc bên trong, khiến tứ chi tôi tê liệt đánh mất phản kháng, hay đúng hơn trí não tôi không còn có thể ra lệnh cho châu thân. Tôi quỳ trước bụng Thảo giãy giụa nhưng không sao thoát ra khỏi. Tôi bỗng thấy lạnh ở gáy. Cái cảm giác bít bùng thiếu dưỡng khí, cùng lúc nhột nhạt, ngứa ngáy không chịu đựng nổi. Tôi lấy hết sức bình sinh giằng ra, quay vụt đầu lại. Má Năm đã quỳ xuống sau lưng tôi lúc nào, cặp mắt sáng lạnh tanh nổi lên trên nền đen. Khuôn mặt Má tinh quái. Tôi hét trong hơi thở hổn hển.

– Má! Má biết tôi không phải là Cần! Phải không? Tôi kêu lớn.

Má cười hăng hắc, cầm sợi dây chuyền đánh bằng vàng lá của Cần đeo quanh cổ tôi, thỏa mãn. Tôi ngồi yên cho Má đeo. Chất kim loại chạm lạnh lên da trần, nằm lại ở đó. Tứ chi tôi bỗng dưng nhũn đi.

– Phải. Con không là Cần. Con là Quang. Thằng Cần chết rồi. Bây giờ con là con của Má, anh của Thảo. Tất cả những gì của Má, của Thảo và của Cần là của con.

Má cười the thé. Tôi bừng dậy, xô mạnh. Pho tượng cẩm thạch ngã nhào xuống nhưng hai bàn tay xương xẩu có móng sơn đỏ chót vẫn bấu chặt lấy tôi. Tôi bóp cổ nó. Những chiếc móng lơi lả. Tôi vùng chạy. Khu rừng nồng nặc hôi thối mùi xác trâu pha với hương mật của chuối. Tôi lao đầu về phía bờ sông, ánh trăng nghiêng ngả chập chùng tròng mắt cá chết.

*

Quang điên, nhưng thường rất khó chịu khi có ai nhắc nhở tới điều đó. Anh đã làm nhiều cố gắng để trở lại với đời sống bình thường, chịu khó làm việc, suy nghĩ, sinh hoạt như một người tỉnh. Ðiều đó không ngăn anh đã và còn đang là một người điên. Mặc dù vậy, cái ngày anh gõ cửa xin tá túc với ba tấm giấy – một của dưỡng trí viện, một của ông chủ Phát Lợi, còn tấm kia là giấy hàng tháng phải ra Công An xã trình diện – Má đã hết sức mừng rỡ.

Trước đó Má đã nghĩ tới chuyện lên bệnh viện xin nhận nuôi thêm một người con trai. Cần bước vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề, Má nghĩ rằng anh sống quá cô lập, thiếu bạn bè, thiếu giao tế. Phải có một người đồng cảnh để gần gũi, chia sẻ thường xuyên với anh, và để lỡ về sau… Việc này không có gì khó. Chúng tôi biết bệnh viện thường gặp nan đề khi phải giải quyết trường hợp những bịnh nhân dài ngày, nay lành bịnh hay đã bớt bịnh – nhưng không có gia đình, hoặc thân nhân sợ liên lụy từ bỏ – không còn ai bảo lãnh nhưng vẫn phải đưa về địa phương quản lý.

Ðiều kiện để người con trai đó về sống với chúng tôi: phải bịnh nhẹ, không nguy hiểm, hiền lành, ngoan ngoãn. Chưa có tiền án cướp của. Khù khờ ngớ ngẩn một chút càng hay. Quang hầu như hội đủ mọi điều. Trừ ra anh có cái tật suy nghĩ quá nhiều. Cái đầu anh xoay vần vần không thôi. Những câu chuyện thường khi kỳ quặc, không đầu đuôi của anh làm tôi ngán ngẩm. Anh cũng bị ám ảnh quá đáng vì những ý tưởng phải tranh đấu cho bản thân và người khác… Quang muốn một xã hội tốt lành để anh có thể sống lành mạnh và anh bắt đầu viết truyền đơn rêu rao, cho đến khi bị bắt. Công an giám định anh bị phức loạn thần kinh và đưa anh đi điều trị. Một tuần trước khi Quang gõ cửa, anh Huynh trưởng công an xã đến gặp Má để dàn xếp. Má nhận nuôi Quang với điều kiện xã cấp giấy cho Má khai thác khúc rừng chuối trước nghĩa địa. Anh Huynh đòi chia phần hời 4/10. Má ưng thuận. Nhưng mỗi ngày Quang một thêm bất thường, tôi ngờ rằng bao nhiêu bịnh tình của anh trước kia bột phát trở lại. Bổn phận của tôi, theo công an xã yêu cầu, là theo dõi và báo cáo các suy nghĩ của Quang; anh Huynh chỉ quan tâm đến tinh thần của Quang, còn thân xác anh thì cho chúng tôi hưởng.

Một đôi khi tôi cũng thương hại Quang, nhưng tự nhủ thầm anh là cặn bã của xã hội, không nên luyến tiếc. Sống bên bìa thị xã, bao nhiêu lâu nay má con tôi đã sống hết sức hạnh phúc. Tình thương Má dành cho tôi như trời biển, tôi không biết lấy gì đền đáp. Tôi chỉ nguyện dâng cho Má tất cả cuộc đời tôi, trả ơn những gì đã thụ hưởng và bù đắp lại bao điều mất mát cho đời Má, như Má đã hiến trọn tuổi trẻ nuôi các anh hùng, kể cả cha tôi, cho đến khi cha thành liệt sĩ. Tôi lớn lên trong sự bao che của Má, nếm biết được cái khoái lạc tột đỉnh của mối liên hệ vẹn toàn, thỏa mãn và mật thiết nhất trong tình mẫu tử. Quan hệ giữa tôi với Má càng thêm khắn khít khi bản chất đàn bà tự nhiên trong tôi bừng dậy, đồng thời với những ong bướm bắt đầu lượn quanh ve vãn. Chúng tôi căm thù, khinh bỉ đàn ông, nhưng tôi nhận ra từ trong thâm tâm của cả tôi lẫn Má vẫn còn khát khao, vẫn phải cần đến họ. Cách mạng hay phản động vẫn là đàn ông và đàn ông có những bắp thịt mà chúng tôi không có. Có cái mùi khác với chúng tôi. Có một thứ chúng tôi thiếu. Thứ ấy giá trị hơn những huy chương sao đồng, đem lại cho chúng tôi một sinh động, một kích thích tố mới cực kỳ sung mãn. Rồi Cần đến, được lựa ra từ đám bịnh nhân tứ cố vô thân chờ đưa về địa phương giáo dục. Cần cũng như Quang, có những ý tưởng lạ đời muốn cải cách hệ thống. Muốn thay đổi một cơ chế cho đến ngày anh bị bắt, bị tra tấn rồi phải nhập viện. Chúng tôi xếp hàng làm thủ tục đón nhận anh, như từng xếp hàng đợi phát thịt cá một thập niên trước. Ngay từ đầu, tôi đã biết Cần không mê tôi nên việc anh ra đi, tôi không thấy mất mát. Chúng tôi đón Cần chỉ vì Cần cao lớn, khỏe mạnh, nhưng cả Má và tôi đều không ngờ những trận đòn khi tạm giam đã khiến anh khật khùng thật sự.

Chúng tôi kéo xác Quang ra bờ sông. Nước lớn, trăng nhuộm vàng mênh mông. Quang nằm sõng sượt, một mảng áo bị rách, phô ra những bắp thịt săn chắc của người đàn ông trẻ đương độ sung sức. Tôi nhìn xuống cái xác, tự dưng  thấy thèm và hơi tiếc nuối. Quang không đẹp trai, không cao lớn bằng Cần, nhưng gương mặt anh có cái vẻ thông minh và thành thật coi rất hay. Thân thể anh cũng tầm thước, dễ nhìn. Nhiều đêm tôi đã rình xem cảnh Quang với Cần tự vuốt ve nhau, da thịt hai người đàn ông óng ánh mồ hôi như bôi dầu làm bật lên trong tôi sự ham muốn. Mấy bận tôi cũng rờ mó được cả hai trong lúc họ ngủ, nếm được vị mặn âm ẩm ở bụng họ. Một vị sữa đặc không ngọt mà làn lạt pha chút muối diêm. Tôi thích thú ngắm cả hai ngủ và thích thú với cả chất lỏng sền sệt của họ. Chúng mới thực sự là tinh chất của người đàn ông, không cứng ngắc định kiến, cũng không lấp lửng do dự sợ hãi, mà ấm nhiệt huyết của máu.

Lúc Quang bóp cổ định giết Má, một lần nữa nhanh như cắt, Má với tay chụp cục gạch sau lưng. Cánh tay Má phóng vun vút, khỏe như con hổ cái lâm trận. Nhìn Má, tôi hiểu vì sao Má được cấp bằng khen sau chiến tranh. Chính tôi cũng không ngờ Má còn khỏe vậy. Ðêm Chủ Nhật đó, gần như tôi và Má phải áp giải Cần vào rừng. Ở nghĩa địa, lúc anh trở cơn la hú, gào thét điên loạn, Má đã nổi giận dùng cục gạch bể, đập đầu anh. Phút đó Má mạnh như chiến sĩ, ra tay nhanh gọn, bất ngờ. Cần chết ngay ở cái đập thứ hai.

Nhưng Quang không chết nhanh như Cần, mặc dù hai cánh tay Má dẻo dai vụt tới tấp xuống đầu anh. Quang ngã xuống, rên rỉ đau đớn, hai con mắt còn nhìn lên Má. Má phải đập liên hồi, thật mạnh thêm nhiều lần nữa cho đến khi mặt Quang là một đống bầy nhầy, và óc anh phọt ra ngoài, Quang mới chết hẳn.

Má xốc cổ anh, lôi sền sệt tới tấm bia, gí trán vào một cạnh đá. Góc bên kia bia còn vệt máu khô của Cần.

“Bõm!” Má vừa dang tay, ném luôn cục gạch xuống sông. Bây giờ thì không còn gì nữa, chỉ có một khoảng trống.

“Hứ! Cái đồ phản động giả vờ điên. Cái đồ ăn nhờ ở đậu, tiền không đủ cơm hai bữa, mà không biết thân. Má con mình làm chuyện công đức, nuôi nấng, cung ứng cho tụi nó hết thảy mọi thứ từ tinh thần tới vật chất không thiếu món gì, rút cuộc chỉ có chuốc họa. May có thằng Huynh thông cảm.”

“Bõm!” Cái xác chìm lỉm, mặt sông đen tuyền lấp lại, không còn dấu vết. Chúng tôi đứng nhìn theo, hình như cùng ngẩn ngơ. Một khoảng trống to lớn vừa xuất hiện, đứng sừng sững trước mặt chúng tôi. Chúng tôi không còn biết phải làm gì nữa. Mọi sự đã xong. Một tấn kịch đã hạ màn.

“Vậy là xong xuôi, hai thằng điên – cặp bài trùng – rủ nhau chết chung cùng một kiểu, một chỗ, trước sau cách nhau một tuần lễ. Có thánh mới tìm ra!” Má nói, vuốt mồ hôi trán.

chotro-chuoi-4-02

Nghĩ sao, Má lại nói: “Kể cũng tội nghiệp… hai đứa chúng nó sinh ra lộn kiếp. Sống không ra sống, chết không ra chết, hồn ở ngoài xác. Ðáng lẽ chết từ trong bụng mẹ còn sướng hơn… Tao cũng nóng giận quá, không phải… Thôi má con mình vầy là cũng phóng sanh cho chúng nó, như lúc xưa tao phóng sanh cho mấy thằng trưởng ấp… Công đức mình chồng chất mấy lâu nay chắc cũng đủ chuộc lỗi với Trời. Dầu gì thằng Huynh cũng có nói tao tùy tiện xử lý.”

Má thở dài. Chợt Má quay lại, nhìn tôi. Cái nhìn lom lom làm tôi nhột nhạt mình mẩy. Má nhìn tôi từ đầu đến chân, hai mắt Má nheo nheo:

– Mày lấy chồng đi.

– Má điên rồi!

Tôi nói như la lên. Hình ảnh một cái xác thứ ba hiện lên trong tâm trí. Hai kẻ điên diện phản động cùng tự vận chết, thiên hạ cũng còn chấp nhận được… nhưng đó là cái giới hạn cuối cùng.

– Thằng Ðịnh ở xóm dưới đọc thông, khôi ngô lực lưỡng, cũng còn đang bị quản chế. Nó đeo đuổi mày mấy lâu nay…

– Má…!

– Cái thằng trẻ người mà xấu tính! Má cười khúc khúc trong cổ họng. Mặt mày tự nhiên thư thái – Mày không biết chớ, cái bữa tao kêu nó tới tráng miếng xi-măng bể ngoài sân, hồi nó xong việc, tao đang thay cái áo trong buồng, không đóng cửa… Nó đứng núp sau cây cột, ngó tao chằm chằm, mắt nổi gân. Tao hắng giọng, kêu “Ðịnh!” Nó hết hồn thò ra, sụp xuống vái tao như tế sao, nói Má tha tội con lỡ dại một lần… …Hay thằng Huynh, mày giao cấu với nó rồi dụ nó cấp đất nghĩa địa cho má con mình xây thêm nhà trọ, chia 4/10… Chẳng gì mình cũng giúp nó giải quyết mấy thằng điên thành phố. Tao nuôi chiến sĩ lâu rồi tao biết, chúng nó ưa tiền và gái.

Tôi nhắm mắt. Thân hình thằng đàn ông trần truồng cong rướn, giãy giãy, vâng phục ngoan ngoãn hoàn toàn dưới sự sai bảo điều khiển như ý của hai má con bỗng hiện lên thành một dòng điện chạy suốt qua từng lỗ chân lông, làm nở hết mọi tế bào ngây ngất của cơ thể. Tôi đang thèm thuồng. Phải, tôi quá thèm thuồng. Một tuần lễ nay Cần chết, tôi với Má chưa gần gũi. Giờ thêm Quang chết, phải lâu nữa chúng tôi mới có thể gần đàn ông. Tôi nhìn chiếc áo bà ba mặc vội, chưa kịp cài hết cúc rơi trễ trên vai Má. Tôi liếm môi, đưa tay về phía Má.

Má đẩy tay tôi ra, gài lại cúc áo, lắc đầu:

– Khoan, bây giờ tao phải về nhà. Chuyện trước mắt là tao phải tụng kinh, cầu nguyện cho vong hồn hai đứa nó siêu thoát.

TV & LUK

Paris tháng 1-1990

Xem lại, sửa chữa và đánh máy tháng 7-2017

(*) tranh sơn dầu Ba Tư của Seerwan Baran và Hani Alqam