Menu Close

Nói chuyện “cắt… đầu”!

Mưa miết nên tôi quyết định trốn học ngủ nướng một bữa. Công nhận quyết định ghi tên đi học thật sáng suốt, nhờ vậy mà tôi biết lại cái cảm giác sướng khi… trốn học nó như thế nào!

noi-chuyen-cat-dau7
Trung tâm bán “tự tin” – tranh Bảo Huân

Thức dậy, mở máy dạo internet thì thấy một bản tin trên báo Thanh Niên  đăng chiều ngày 10/8/2017: Tượng đài 14 tỷ bị một đứa trẻ đu sập sau hai năm khánh thành ở tỉnh Bắc Kạn (không hiểu đu sao mà bé bị thương ở chân phải đi cấp cứu). Chợt nghĩ, trong khi mình làm biếng chảy thây thì các cơ quan chức năng có lẽ rất bận rộn, phải xông pha vào cuộc thống kê số… tỷ để sửa lại tượng. Thấy hối lỗi, tôi cố gắng bò dậy, rời xa cái giường thân yêu, xuống đường…

Trời vẫn còn mưa. Những giọt “nước trời” rớt xuống “vỡ trên mặt Duyên” tan tác, mong manh y chang cái tượng 14 tỷ vậy! Không biết mấy cái tượng nghìn tỷ trăm tỷ có mong manh như vậy không? Cái bụng vô dụng của tôi réo rắt. Ngồi chống cằm ngó màn mưa trước mặt, tôi bắt đầu ghét mưa. Ghét một cách… “nghiêm túc”. Xưa nay có rất nhiều nhạc phẩm bất hủ xuyên thời gian về mưa mà ai cũng biết như Mưa Nửa Ðêm, Mưa Ðêm Ngoại Ô, Huyền Thoại Chiều Mưa, Giọt Mưa Trên Lá… (nhiều quá kể hông hết được)! Nhiều vậy mà tôi tìm hoài không thấy một bài nào hợp cảnh Sài Gòn cả năm nay, tôi cần một bài hát có tên: Mưa Nguyên Ngày!

noi-chuyen-cat-dau8
Tượng đài tiền tỷ mong manh như những giọt “rơi trên mặt Duyên” – ảnh chụp từ báo Thanh Niên

Sài Gòn bây chừ mưa không còn lãng mạn, diễm tình như hồi tôi còn đi học nữa (có thể do tâm hồn tôi đã rớt… xuống đất, không còn “treo ngược cành cây”). Hồi xưa mỗi lần đi học về thấy mưa tôi khoái lắm, cứ tàn tàn đi bộ dưới mưa cho ướt sũng, rồi về tới nhà là “rải lông ngỗng” nước từ đầu cửa trước vào tận phòng ngủ. Tắm lại nước sạch và chuẩn bị tâm lý nghe… chửi. Tuy bị chửi nhưng rất vui, rất khoái. Vừa tận hưởng cảm giác mát lạnh, ướt sũng, vừa phân tích đâu là tiếng mưa đâu là giọng mắng vì chúng trộn lẫn vào nhau, rơi lộp bộp vô lỗ tai ướt nhẹp của mình. Còn mưa Sài Gòn bây chừ ghê lắm, mắc mưa một chút thôi là tôi bị dị ứng nổi mẩn đỏ chỉ những nơi bị dính nước mưa. Ở ngoài là vậy, thử hỏi những giọt ‘nước trời’ đó chui vô bụng sẽ như thế nào? Hồi xưa, mưa to là người ta hứng nước uống, nấu ăn, giặt đồ chứ giờ dầu vòi nước bị cúp hay được hứa cho tiền thì không ai muốn nghĩ tới chuyện sẽ uống nước mưa. Ðiều này cũng một phần giải thích, lâu lâu cứ mưa lớn là cá chết phơi bụng trắng ở kênh Nhiêu Lộc, “hương” cá phân hủy lưu lại mũi người dân sống hai bên “bờ kè” Trường Sa, Hoàng Sa cả tuần. Ai không dị ứng với nước mưa như tôi cũng phải đụt mưa hoặc chạy nhanh về nhà để không bị cây rớt trúng đầu hoặc bị mấy người  cũng chạy nhanh vèo vèo trốn cơn mưa đụng phải. Chậm trễ chút nữa thì đường ngập. Mà ở Việt Nam, cái cảm giác chạy xe khi đường ngập nó y chang cảm giác làm nhân vật trong truyện “5 ông thầy bói mù xem voi” vậy. Không biết khi nào ngã sấp mặt vì một cái ổ gà hay lọt một chân vô cái cống bị xe lớn chạy bật nắp. Thử tưởng tượng, bạn đang chạy xe dưới cơn mưa mát rượi, cây lay lay trong gió, gặp đèn đỏ dừng lại, chân chống xuống ngay vũng sình hoặc một lỗ cống hở, nghĩ xem có còn hát nổi bài nhạc bất hủ nào hay không?

Mà nói đến ngập là một vấn đề muôn thuở, dĩ nhiên có những nơi ở Sài Gòn rất khó ngập, hoặc không bao giờ ngập ví dụ như vài vùng trung tâm ở các quận trung tâm (vùng trung tâm thôi chứ “bớt” trung tâm vẫn có thể ngập như không trung tâm). Có nơi ngập vừa vừa nhưng có những nơi cứ mưa là ngập, ngập không chỉ ở ngoài đường mà ngập vô tận giường. Mặc dầu có không biết bao nhiêu là bản tuyên bố về chống ngập được đưa ra, sẽ xóa điểm này, điểm khác để tiến tới không còn điểm ngập. Nhưng vẫn là “hứa thật nhiều, thật hứa cũng quá trời”. Thị dân sau bao năm chịu đựng ngập nước, kẹt xe, nghe tuyên truyền về nhiều dự án chống ngập với số tiền bạc tỷ. Giờ cũng bớt ngây ngốc chờ đợi. Ngập thì trách ông trời! Chớ cái tượng 14 tỷ đứng một chỗ còn “gãy” được thì cái nắp cống ngày ngày bị chà đạp, chạy qua thì hết bao nhiêu tỷ mới trường tồn?

noi-chuyen-cat-dau2
Một bài phỏng vấn của một người phụ nữ nổi lên từ gạch đá. Những ai đặt hàng ngoài các “ông bụt bà tiên” của truyền thông Việt Nam. – chụp từ báo VN

Mà thôi, tôi nghĩ cứ mưa kiểu này hoài thì mùa mưa Sài Gòn vẫn còn kéo dài tới… năm sau. Ðể dành hôm nào bể cái tượng tiền tỷ nữa tôi lôi ra nói tiếp (cho có logic). Nên chương trình “dự báo thời tiết” xin kết thúc, tôi bắt đầu nói đến chuyện tốn kém khác, đó là chuyện “cắt đầu”! Nói đến hai chữ cắt đầu, có thể rất nhiều người tưởng tượng những hình ảnh kinh dị, máu me dữ lắm. Nhưng không, tôi luôn nuôi dưỡng một tâm hồn thánh thiện, luôn yêu cái đẹp nên chỉ nói về cái đẹp. Tôi chuẩn bị nói về những con người đi tìm cái đẹp, những con người “cắt đầu” để đẹp hơn và những con người là nạn nhân của hai chữ “cắt đầu”. (Cắt đầu ở đây là những con người phẫu thuật toàn bộ khuôn mặt, bỏ tiền tỷ để “sắm” cho mình một số phận khác.)

noi-chuyen-cat-dau3
Và những tin đó dùng để che lấp những tin như thế này – từ blog anhbasam

Tôi từng có thời gian làm tư vấn thẩm mỹ nên tôi không có ác cảm với bất cứ ai muốn làm đẹp. Nếu ‘tò mò” về cách tư vấn của tôi thì bạn có thể đọc một bài tôi đã đăng ở Trẻ: Một ngày mùa xuân trong đời em Duyên Magic (link ở dưới bài). Do không kỳ thị và vẫn giữ vững slogan “Làm đẹp là yêu nước!” nên tôi hôm nay tôi sẽ không nói về những cái mà người ta cho là “hệ quả” của phẫu thuật thẩm mỹ hay phê phán bất kỳ ai muốn đẹp một cách chân chính. Tôi chỉ nói về con đường đi đến cái đẹp và giá trị của cái đẹp thời đại mạng xã hội, thời đại 2017. Cũng như mưa, chuẩn của cái đẹp bây giờ khác xa rất xa hồi xưa. Không còn “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vì ngay cả khi bạn là gỗ tốt được chứng nhận mà nước sơn xấu, gỗ của bạn cũng sẽ bị từ chối. Và đây là một câu chuyện có thật:

Có một chàng trai trẻ tên Ðức Phúc, được đánh giá là một quán quân đặc biệt nhất của chương trình The Voice phiên bản Việt. Nam ca sĩ đăng quang năm 2015, khi mới 18 tuổi với giọng ca thị trường hay và có thực lực. Tuy nhiên, sau đêm đăng quang, cái chàng nhận được không mưa hoa mà là mưa… đá. Nếu những quán quân khác bị “soi” về khả năng ca hát thì Ðức Phúc lại phải nhận rất nhiều lời phàn nàn về nhan sắc. Chàng vẫn hát, vẫn đều đặn ra sản phẩm, liên tiếp giành thêm giải thưởng từ các cuộc thi ca hát khác. Nhưng bầu trời ca nhạc thị trường Việt Nam tối om tên chàng. Thậm chí một người nhiều chuyện nhì địa cầu như tôi còn không biết chàng là ai. Ðùng một cái, chàng đi “cắt đầu”, từ đó người người bàn về chàng (mặc dầu chuyện phẫu thuật thay đổi toàn gương mặt không còn là chuyện mới lạ ở Việt Nam), người người share những bản nhạc chàng hát. Không ít người xuýt xoa: “Bây giờ giọng hát “ăn” với hình rồi!”

noi-chuyen-cat-dau1
Ca sĩ Đức Phúc – ảnh từ Beatvn

Tôi mang chuyện này kể một anh bạn, ảnh bảo: “Xấu có sao đâu, hồi xưa Chế Linh, Tuấn Vũ … xấu cũng nổi tiếng tới giờ!” Và chắc là cũng nhiều người nghĩ như anh bạn tôi nên chàng trai tội nghiệp này tiếp tục bị ném đá. Có hẳn một cô nhà văn bảo cổ có trí tuệ, kiến thức, sức khỏe nên cổ sẽ… không thẩm mỹ! Cô nhà văn này cũng được nhận nhiều… đá gạch từ dư luận, có người còn muốn quyên tiền cho cô được thẩm mỹ… tâm hồn.

Một người có tài sau khi “cắt đầu” (tuy vẫn bị “ăn gạch đá”) nhưng cái tài vẫn sẽ được công nhận hơn. Nhưng một người không có tài thì “cắt đầu” xong sẽ như thế nào? Xin mời đọc tiếp. Chúng ta vẫn luôn tin rằng bà tiên ông bụt là hư cấu, là không có thật. Nhưng xã hội càng hiện đại thì những điều khoa học không thể chứng minh ngày càng nhiều. Các “ông bụt bà tiên” hiện ra dưới lớp áo của những vị quản lý, các nhà chiến lược kinh doanh mạng. Họ đưa tay “giúp” những số phận nằm sâu trong lòng xã hội nẩy mầm vươn cao ra bầu trời “nghệ thuật”. và bi kịch của những cô/cậu “lọ lem” cũng xuất phát từ đó. Một anh chàng bán ổi ngây ngô hát mang tên Lệ Rơi bỗng dưng trở thành hiện tượng mạng, gây “sóng gió” khắp mọi nơi. Một ngày quay lại với một gương mặt được cho là “lai tây”, thành người mẫu ảnh và một số phận khác đang chào đón. Từ một bà mẹ đơn thân, tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ Quách Thị Kim Phượng vụt sáng trở thành “ngôi sao”, lên báo khoe có người “gạ tình” 10 triệu/đêm…. Còn nhiều lắm, tôi chỉ chọn những trường hợp gần nhất để dẫn chứng, quý vị có thể xem thêm trên internet. Vấn đề là sau khi những cái đẹp này được tạo ra, nó phục vụ những gì? Dạ thưa, nó phục vụ nhu cầu gạch đá của quý “cư dân mạng”. Càng nhiều gạch đá các ông bụt bà tiên càng có nhiều tiền. Những lời cay nghiệt dành cho bản thân và gia đình thì các cô/cậu bé lọ lem chịu. Biết là không sắc đẹp nào là vĩnh cửu, cùng là nhân tạo nhưng sắc đẹp người ta tạo thường sẽ cần phải bảo dưỡng nhiều hơn sắc đẹp Mẹ Cha tạo ra. Và những con rối của dư luận, của những bà tiên ông bụt khi hết độ “hot” rồi sẽ bị xếp xó, không còn chi phí bảo dưỡng, họ sẽ nhanh chóng xuống sắc. Và bi kịch cuộc đời họ trải ra từ đó! Họ luôn phải tạo ra “sóng gió” để dư luận nhớ đến mình, ngay cả vi phạm pháp luật hoặc chấp nhận phát ngôn sốc để bị dư luận chà đạp danh dự. (Cách này cũng được khá nhiều ca sĩ, diễn viên đương thời sử dụng!)

noi-chuyen-cat-dau6

noi-chuyen-cat-dau5
Anh chàng Lệ Rơi có giọng hát kinh hoàng – ảnh từ soha
noi-chuyen-cat-dau4
Bà mẹ đơn thân Quách Phượng – ảnh từ Soha

Là người từng có kiến thức về thẩm mỹ, một chút xíu kiến thức về truyền thông của Việt Nam. Tôi hơi “vô cảm” với những chuyện này. Trong khi các cô/cậu bé lọ lem hì hục tìm gạch đá, các “cư dân mạng” hả hê chửi bới thì tôi ngồi tính coi cái mặt người này bao nhiêu cái… tượng đài, hoặc một cái tượng đài cứu vớt được bao nhiêu cuộc đời không tự tin. Ðôi khi ngó gương tôi cũng buồn lắm, cũng muốn có ông bụt bà tiên nào đó biến tôi thành công chúa mạng. Nhưng trái tim mong manh của tôi lại không thể chịu đựng nổi những đắng cay của miệng đời. Nên nỗi buồn này đành mang ra nhờ các cơn mưa gột rửa, còn mưa không rửa được thì tôi nhờ bà Sáu bán mì Tàu rửa dùm cũng được!

noi-chuyen-cat-dau
Cần một ông bụt bà tiên làm cho tôi giống… công chúa hơn (vì khi xem ảnh ai cũng bảo giống mụ dì ghẻ của công chúa)

DU

Một ngày mùa xuân trong đời em Duyên Magic: http://baotreonline.com/mot-ngay-mua-xuan-trong-doi-em-duyen-magic/