
“One On One” là chuyến lưu diễn thứ 11 của Paul McCartney từ năm 2002. Lần này Paul khởi hành vào tháng Tư tại Tokyo, vòng qua Canada, xuống Nam Mỹ, lên Bắc Mỹ, bay sang Úc và kết thúc tại New Zealand vào tháng 9. Gọi là World Tour quả không sai.
Kỳ này Paul không ghé Dallas mà lại chơi ở Oklahoma City, cách Dallas khoảng ba tiếng lái xe. Không đến nỗi. Lại có thêm cớ để ghé Khu Tưởng Niệm Oklahoma City, nơi toà nhà Murray Building bị đánh bom năm 1995 làm 168 người thiệt mạng. Ai có dịp đi ngang nên ghé thăm chỗ này cho biết.
Cách đó vài block là sân bóng rổ của đội Oklahoma Thunder, nơi Kevin Durant từng tung hoành một thời gian dài trước khi đầu quân sang đội Golden State mùa vừa rồi để cùng Steph Curry đoạt giải quán quân NBA 2017. Paul McCartney cũng sắp sửa ra quân tại đây trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Tuy năm nay đã 75 tuổi nhưng chàng cựu-Beatles này vẫn còn sung mãn. McCartney có thể đứng hát gần 3 tiếng đồng hồ mà không cần nghỉ để uống nước. Chuyện nghe khó tin nhưng có thật. Khán giả của Paul dĩ nhiên nhiều người đã lớn tuổi, nhưng ngược lại cũng rất nhiều người thuộc lứa trẻ (20-30) và trung niên (40-50). Con nít đi đông vô số kể. Nói tóm lại, show của Paul McCartney thu hút được mọi lứa tuổi và thành phần xã hội. Nhưng có lẽ vì hôm ấy Paul chơi ở Oklahoma nên hầu hết dân đi xem là Mỹ trắng. Người Mễ và da đen cũng có nhưng thưa hơn. Dân Á đông rất ít, buồn nhứt là chẳng gặp người Việt nào.

Khi ban nhạc mở màn bằng bài “A Hard Day’s Night”, một bản top hit quen thuộc của Beatles, cả mấy chục ngàn người đồng loạt đứng dậy vỗ tay ầm ĩ. Tiếp theo đó là một số những bài nhạc của McCartney thời Wings trở về sau, lâu lâu được xen kẽ với những bài của Beatles. Công thức này có vẻ hiệu nghiệm, vì không phải ai cũng quen thuộc với nhạc thời hậu-Beatles của Paul McCartney.
Trong số những bản nhạc của Wings có nhiều bài từ dĩa “Band On The Run” (1973) mà thiên hạ rất thích như “Let Me Roll It”, “Nineteen Eighty-Five”. Rất tiếc là hai bài “Jet” và “Junior’s Farm” lại bị cắt khỏi chương trình mặc dù trong những show trước đó lại có; thay vào đó là bài “Save Us” từ dĩa “New” (2013) và bài “Letting Go” từ dĩa “Venus and Mars” (1975). Hai bài này tuy không dở nhưng khán chỉ vỗ tay lấy lệ vì lạ tai. Ngược lại, bài “Can’t Buy Me Love”, dĩa đơn #1 trong năm 1964, thì khỏi phải nói, được hoan hô nhiệt liệt vì già trẻ bé lớn hầu như ai cũng biết.
Paul nói đùa với khán giả là mỗi khi anh chơi các bài của Beatles thì rạp hát rực sáng vì vô số người giơ điện thoại lên để quay phim. Trong khi đó tới mấy bài là lạ thì khán trường tối thui như cái “hố đen” (black hole!) “Nhưng thây kệ mấy người, chúng tôi hổng ke. Chúng tôi vẫn sẽ chơi mấy bài đó như thường vì chúng tôi thích!” Nói vừa xong là Paul quất liền bài “Temporary Secretary”, một bản nhạc có từ năm 1980, không nổi tiếng lắm nhưng sau này lại được giới sành điệu cho là một trong những bài nhạc hay nhất của Paul, phần vì nó dùng những âm thanh điện tử rất lạ tai và hiện đại, phần vì lời nhạc và giai điệu rất ư là ngộ nghĩnh. Nội dung kể chuyện anh chàng nọ muốn kiếm một cô thư ký tạm thời, nhưng cô ta không nhất thiết phải biết đánh máy! Thế mới biết, trong âm nhạc đâu cần phải bán nhiều dĩa mới được gọi là hay.

Ngoài ra, Paul còn hát hai bài cho hai người vợ của mình. Bài “Maybe I’m Amazed” (1970) viết cho Linda McCartney, người vợ đầu và cũng là thành viên của ban nhạc Wings. Bài kia là “My Valentine” (2012) viết cho Nancy Shevell, người vợ thứ ba, cưới năm 2011. Còn bà vợ thứ nhì, Heather Mills, lấy năm 2002 và ly dị năm 2008, thì không được hát tặng bài nào cả. Cũng phải thôi vì bà này là dân “đào mỏ vàng”, lấy Paul vì tiền và đã làm cho chàng thất điên bát đảo mấy năm trời, tiêu tán biết bao nhiêu là tài sản! Có người còn đồn đoán rằng tại vậy mà Paul phải đi tour miết để kiếm tiền. Nói chơi cho vui vậy thôi, chứ nghe đâu Paul McCartney là ca sĩ giàu nhất hành tinh với gia sản ước lượng trên 2 tỉ đô la!
Sau khoảng mười mấy bài đầu thì chương trình bắt đầu nghiêng hẳn qua nhạc Beatles và những bài top hit của Wings. Nhạc Beatles thì có “Blackbird”, “And I Love Her”, “Fool On The Hill”, “Lady Madonna”. Bài “Love Me Do”, bản top hit đầu tay của Beatles năm 1963, có cả phần khẩu cầm của John Lennon, được thổi bởi tay đánh keyboard Paul “Wix” Wickens. Wix là một nhạc sĩ đa năng có thể chơi nhiều nhạc cụ. Trong bài “We Can Work It Out” Wix kiêm luôn phần accordion. Ðộc đáo nhất là bài “Eleanor Rigby”, với phần hát bè cực nhuyễn do tay trống Abe Laboriel và tay guitar Rusty Daniels đảm nhiệm, trong khi Wix một mình chơi hết các phần violin và cello trên keyboard.
Paul cũng có hát hai bài để tặng hai người bạn đã khuất. Bài “Here Today” anh viết cho John Lennon rất cảm động. Giọng Paul khi hát bài này nghe như nghèn nghẹn nước mắt. Còn bài “Something” của George Harrison thì được Paul mở đầu với cây đàn ukulele của Hawaii rất độc đáo.
Trong những show của Paul thường ta ít khi thấy anh hát nhạc của người khác, bởi vì bản thân anh đã có quá nhiều sáng tác của riêng mình. Nhưng lần này Paul đã hát một bài của George -“Something”, và một bài của John – “For The Benefit Of Mr. Kite”, từ dĩa “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” mà Paul nhắc nhở mọi người là đã ra đời cách đây đúng 50 năm – 1967!

nguồn: Paul McCartney
Chưa hết, trong chương trình lần này khán giả còn được cho nghe một bản nhạc do Paul và George viết năm 1958, khi ấy ban nhạc còn mang tên The Quarymen (do John đặt) thành phần gồm có John Lennon, Paul McCartney, George Harrison, và hai người nữa là John Lowe (piano) và Colin Hanton (trống). Lúc bấy giờ Ringo Starr chưa nhập bọn. Bài nhạc có tựa là “In Spite Of All The Danger” (Cho Dù Có Lắm Hiểm Nguy). Mỗi thành viên trong ban nhạc đã góp một bảng Anh (British pound) để mướn người thâu bài này vào dĩa hát. Ðó chính là dĩa nhạc đầu tiên của John, Paul, George thời tiền-Beatles, ra đời cách đây đã gần 60 năm! Ngày nay ta có thể lên Youtube tìm nghe bản gốc bài này, để cảm nhận luồng gió rock’n’roll lúc ấy đang thổi từ Mỹ sang Anh như thế nào, ảnh hưởng đến giới thanh thiếu niên bên Âu Châu ra sao.
Như đã nói ở trên, phần II của chương trình toàn là nhạc xưa. Những bài Beatles kinh điển do Paul sáng tác như “Back In The U.S.S.R.”, “Ob-La-Di, Ob-La-Da!”, “Let It Be”, “Hey Jude”. Nhạc của Wings thì có “Band On The Run” và “Live And Let Die”- nhạc phim James Bond, với màn phun lửa và nổ pháo vô cùng đẹp mắt.
Ðể kết thúc phần II của chương trình là bài tủ “Hey Jude” mà ai cũng biết. Ðến đoạn điệp khúc, Paul kêu gọi bà con hát theo. Mới đầu chỉ là giọng nam, kế đến là giọng nữ, sau cùng là tất cả mọi người. Mấy chục ngàn người đồng thanh cất tiếng hát “Hey Jude”, nghe đã gì đâu! Làm nhớ năm 1995, trong đêm văn nghệ do nhóm Liên Hãng AVAP tổ chức ở Dallas, có mời Ðức Huy và đã yêu cầu anh hát bài này để kết thúc chương trình. Hôm đó có gần một ngàn khách tham dự, và bà con cũng hát theo rất là hăng.
Sau chừng hai phút nghỉ giải lao, ban nhạc trở ra để chơi phần Encore, màn cuối. Bắt đầu bằng bài “Yesterday”, Paul hát một mình với cây đàn thùng rất giản dị. Dĩ nhiên đây là bài nhạc đã được nhiều ban nhạc và nhạc sĩ chơi lại nhất thế giới. Nhưng được nghe chính tác giả hát mộc bài này, phải công nhận “phê hết chỗ chê!”. Kế đến là bài “Hi, Hi, Hi” của Wings. Xong tới bài “Birthday” (Paul nói để mừng sinh nhật tất cả mọi người!) Chương trình kết thúc bằng liên khúc cuối cùng trong dĩa “Abbey Road – cũng là album cuối cùng của ban Beatles, gồm ba bài: “Golden Slumbers/Carry That Weight/The End”. Bài “The End” cũng là bản nhạc đầu tiên và cuối cùng của ban Beatles có phần trống solo. Tay trống trong ban nhạc của Paul – Abe Laboriel, đánh đoạn đó hay chẳng kém gì Ringo và có thể nói là rầm rộ hơn. Khi bài “The End” chấm dứt, bông giấy confetti từ trên trần nhà đổ xuống trong tiếng hò reo của khán giả. Sau gần ba tiếng đồng hồ và được nghe trên ba chục bản nhạc, ai nấy ra về mặt mày tươi rói.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng Paul McCartney vẫn còn hát rất khoẻ. Trên sân khấu anh luôn luôn nói chuyện với khán giả, kể chuyện đời xưa, chọc cười thiên hạ. Có một lúc Paul đứng đọc những tấm bảng do khán giả giương lên mong được anh chú ý và mời lên sân khấu. Rất tiếc lần này anh không gọi ai lên cả, có lẽ vì chẳng thấy tấm bảng nào đáng chọn. Nhưng dù gì chăng nữa, một nghệ sĩ lớn như Paul McCartney lẽ ra không cần làm những chuyện như vậy. Nhưng anh vẫn làm, vì anh thích gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với người hâm mộ. McCartney nói anh đặt tên cho tour này là “One On One” bởi vì khi đứng trên sân khấu anh cảm thấy như mình đang nói chuyện thân mật với từng người khán giả một.
Cảm ơn Trời Phật đã phù hộ sức khoẻ cho Paul, một người ăn chay trường, để anh có thể tiếp tục lưu diễn, cống hiến nghệ thuật của mình cho người đời thưởng thức. Mai sau, khi Paul McCartney không còn nữa trên cõi đời này, thiên hạ vẫn sẽ hát bài “Yesterday” như mới hôm qua…
Yesterday
- Yesterday
All my troubles seemed so far away
Now it looks as though they’re here to stay
Oh, I believe in yesterday
- Suddenly
I’m not half the man I used to be
There’s a shadow hanging over me
Oh, yesterday came suddenly
Chorus: Why she had to go
I don’t know, she wouldn’t say
I said something wrong
Now I long for yesterday
- Yesterday
Love was such an easy game to play
Now I need a place to hide away
Oh, I believe in yesterday
Chorus: Why she had to go
I don’t know, she wouldn’t say
I said something wrong
Now I long for yesterday
- Yesterday
Love was such an easy game to play
Now I need a place to hide away
Oh, I believe in yesterday
Mới hôm qua (Yesterday)
- Mới hôm qua
Muộn phiền xưa tưởng như đã trôi đi xa
Bỗng sớm mai chúng quay về quấy tim ta
Ôi ngày mới qua mà xa cách mãi
- Mới hôm nay
Một mình ta ngồi nghe xót-xa chua cay
Tiếng hát đêm nào như còn ấm bên tai
Ôi ngày mới qua mà xa cách mãi
ÐK: Một người lìa nhân-thế ngưng cuộc chơi
Mấy ai khóc cười?
Cuộc đời là như thế
Riêng mình ta mơ ngày hôm qua
- Mới hôm qua
Người còn đem mùa Xuân đến trao cho ta
Những đoá uất-kim-hương giờ đã phôi-pha
Ôi ngày mới qua mà xa cách mãi
ÐK: Một người lìa nhân-thế ngưng cuộc vui
Mấy ai khóc cười?
Cuộc đời là như thế
Nhưng còn ta mơ ngày hôm qua
- Mới hôm qua
Người còn đem tình yêu hiến dâng cho ta
Những ngón tay đam-mê giờ đã phôi-pha
Ôi ngày đã qua, người xa mãi mãi…
IB