
Nhà văn Thảo Trường ra đi mới đó mà đã gần 7 năm.
Ông tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 tại Nam Định. Vào Nam năm 1954, ông đã trở thành sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ khắp lãnh thổ từ Quảng Trị cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Ông bắt đầu cuộc đời cầm bút trong thời gian mới rời trường sĩ quan Thủ Đức, và tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn Thử Lửa xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974) và nhiều tác phẩm khác.
Sau 1975, ông đã là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tổng cộng 17 năm. Từ năm 1993 là năm ông đến Mỹ để đoàn tụ với gia đình vợ con đã sang đây từ 1975, ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách với thế giới chữ nghĩa. Cuốn sách đầu tiên của thời kỳ sau cải tạo là Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995 tại Pháp, từ đó ông tiếp tục xuất bản một cách đều đặn: Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Đá Xanh Rêu (2007), Thử Lửa (2007). Tác phẩm quan trọng nhất của ông, tuyển tập Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết đã được Người Việt xuất bản vào năm 2008. Ông còn một số tác phẩm dự trù sẽ xuất bản: Cây Bông Giấy Trước Nhà (truyện dài), Bên Ngoài Nghĩa Trang (truyện dài), Bố Cáo Thất Tung (truyện dài), Thân Thể Người Ta (truyện dài), Bà Phi (trường thiên tiểu thuyết).
Thảo Trường vừa là người chứng kiến vừa là người tham dự vào cuộc chiến Việt Nam, và cũng là người sống đầy đủ kinh nghiệm giai đoạn sau cuộc chiến – tù cải tạo, rồi cả giai đoạn lưu vong tại Mỹ. Nếu tính chi li thì từ khi vào đời, ông đã sống 17 năm vừa tham dự chiến tranh Việt Nam vừa sáng tác; rồi từ 1975, 16 năm 4 tháng 4 ngày trong tù cải tạo; từ khi qua Mỹ 1993 cho đến khi từ trần: lại vừa chẵn 17 năm, ông tiếp tục viết về các kinh nghiệm sống vừa qua. Đặc điểm của giai đoạn nào cũng được ông thể hiện bằng những nét sắc sảo điển hình trong các tác phẩm của mình.
Sau đây là bài tiểu luận của Đặng Tiến viết cho BBC từ Orleans, Pháp, khi Thảo Trường ra đi.
NGUYỄN & BẠN HỮU (Tổng hợp)

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh 1936 tại Nam Ðịnh, nổi tiếng tại Miền Nam trước 1975, đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì chứng ung thư gan, thọ 74 tuổi.
Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Thiếu tá, ông là một trong những người tù lâu năm nhất: 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc.
Di cư vào Nam năm 1954, ông vào trường Sĩ quan Thủ Ðức, phục vụ ngành pháo binh vùng giới tuyến và bắt đầu viết văn.
Truyện ngắn đầu tiên Hương gió lướt đi đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Sài Gòn, ký bút hiệu Thao Trường, đã gây ngay được tiếng vang trong giới độc giả trẻ thời đó; tập truyện đầu tay Thử Lửa, 1962, vẫn ký Thao Trường, có tầm quan trọng đặc biệt: vừa là một thành tựu nghệ thuật, vừa đánh dấu một giai đoạn tạm gọi là “tiền chiến tranh” qua tâm lý một lớp thanh niên thành thị: lý tưởng, tin vào tình tự dân tộc không phân chia Nam Bắc thành chiến tuyến.
Sau đó Thảo Trường chuyển sang ngành An ninh quân đội, tìm hiểu chiến tranh sâu hơn ở khắp chiến trường Miền Nam.
Ông gần gũi với các nhóm trí thức độc lập Hành Trình và Trình Bày, đặt lại vấn đề chiến tranh, mong nó chóng chấm dứt trong công lý, tình thương và hòa giải.
Khuynh hướng này được diễn tả qua những truyện nổi tiếng: Người đàn bà mang thai trên Kinh Ðồng Tháp, 1964, đã được dịch ra tiếng Pháp trên tuần báo Công giáo Témoignage Chrétien, phổ biến trên cả thế giới, hồi đó.
In lại trong tuyển tập Le crépuscule de la violence (Hoàng hôn của bạo lực), 1970.
Ðồng thời ông còn có truyện Viên đạn bắn vào nhà Thục, nguyên tên là Nhãn hiệu Mỹ, vì có câu “đạn này nhãn hiệu Mỹ” bị kiểm duyệt đục bỏ, khiến giới bình luận xếp tác phẩm ông vào loại phản chiến, trong tư trào Công giáo tiến bộ.
Tổng cộng tại Việt Nam trước 1975, ông đã xuất bản 14 tập truyện; và là tác giả truyện Bà Phi đăng hằng ngày trên báo Tiền Tuyến; truyện ăn khách, dài khoảng 1000 trang.
Ra tù 1992, sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, ông tiếp tục viết, in được 8 cuốn.
Mới nhất là tuyển tập Những miểng vụn của tiểu thuyết, 2008.
Truyện về sau thường kể lại đời sống cơ cực, phi lý trong các trại giam: “tất cả đau khổ tàn nhẫn, xót xa mà anh em trong tù phải chịu, những cảnh trớ trêu mình gặp, hay sự dốt nát tội nghiệp của cai tù…đều đòi hỏi mình để tâm phân tích” (Thảo Trường trả lời phỏng vấn ngày 4-8-2008).
Ðặc biệt trong phong cách Thảo Trường là lối kể chuyện, ly kỳ, hấp dẫn. Giai đoạn đầu thì hành văn dịu dàng, tình tứ, giai đoạn cuối: ngôn ngữ góc cạnh, chua cay, nhưng luôn luôn điểm nét hóm hỉnh.
Chất uy-mua nâng giọng nói lên một tần số cao hơn chính luận.
Sáng tác Thảo Trường trải qua đúng nửa thế kỷ và 3 giai đoạn khác nhau, vẫn có sợi chỉ mành thông suốt: đó là tấm lòng với con người, đất nước và lẽ phải.
Một tâm hồn nhân hậu và phóng khoáng như thế, mà phải trải qua vòng 17 năm lao lý qua 18 trại giam, sau khi chiến cuộc đã chấm dứt, là điều giới làm văn học không hiểu.
Ngày nào đó, chính trị phải trả lời văn học.
ĐT