Menu Close

Trong, đục ao nhà (Kỳ 1)

“Ta về ta tắm ao ta,

Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.”

Ca dao

Trên đất nước Hoa Kỳ, hiện nay có gần 1.8 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống, chiếm một nửa tổng số người Việt sống ở ngoại quốc. Thành phố đông di dân người Việt nhất là San Jose với 106,379 người, và thứ nhì là Garden Grove với 52,025 người.

Người Việt đến Mỹ trong nhiều đợt, – hoảng loạn trước và sau ngày Saigon thất thủ, – những đợt vượt biển nguy hiểm, đầy sóng gió, chết chóc kéo dài trong vòng 25 năm, – đợt tù nhân tập trung “cải tạo” được Hoa Kỳ can thiệp cho nhập cư Mỹ, – đợt tìm về quê cha của những trẻ em lai Mỹ, – và 10 năm sau đợt người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, một số đông gia đình được đến Mỹ, trong diện bảo lãnh thân nhân.

Báo Thanh Niên trong nước đã đặt câu hỏi, có lẽ cho cả người Việt trong và ngoài nước: “Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?”

Đón Giao Thừa ở chùa Huệ Quang, đêm 30 Tết mỗi năm.
Đón Giao Thừa ở chùa Huệ Quang, đêm 30 Tết mỗi năm.

Về mặt tích cực, người Việt tại Mỹ, trong nhiều năm qua đã hòa đồng được với xã hội mới, sinh hoạt đi vào dòng chính của đất nước này, nếu so với người Việt hiện nay đang ở các quốc gia tự do khác như Úc, Canada hay ở Âu Châu. Trong 40 năm qua chúng ta có gần 50 vị dân cử gốc Việt. Người Việt có thượng nghị sĩ tiểu bang, dân biểu tiểu bang, dân biểu liên bang, phụ tá bộ trưởng, thị trưởng. Trong quân đội chúng ta có tướng hai sao (Lương Xuân Việt- Phó tư lệnh Quân đoàn 8 Hoa Kỳ đồn trú tại Nam Hàn) và một sao (Châu Lập Thể, thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia) và nhiều sĩ quan giữ các cấp chỉ huy cao cấp.

Phía tư pháp chúng ta có phụ tá Bộ Trưởng, một số chánh án cấp tiểu bang, liên bang.

Cộng đồng người Việt Nam trên đất Mỹ thường được dân địa phương khâm phục hai điều, đó là học vấn và thương mãi. Nhiều người Việt đã làm chủ nhiều cơ sở thương mãi, có người là triệu phú và tỷ phú Mỹ.

Về mặt tiêu cực, trên hệ thống VietNamNet ở trong nước, cho rằng, người Việt Nam sinh sống ở Nhật, ở Nga, ở Anh, ở Úc, ở Nam Phi, ở Mozambique và ngay cả ở California, đã trình bày những mẩu chuyện về người Việt đọc xong chỉ muốn “độn thổ,” với bao nhiêu thói hư, tật xấu khác của người Việt từ trong nước đến như trộm cắp, gian dối, đái bậy, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, ăn uống thô tục, tranh giành, chen lấn nơi công cộng, không biết nói cảm ơn, xin lỗi khi cần.

Một người Việt làm nghề thông dịch cho tòa án và cảnh sát ở Úc, cho biết phần lớn thủ phạm ăn cắp trong siêu thị và trồng cần sa trong nhà là những người Việt mới định cư, đặc biệt những người từ Bắc Việt Nam và du học sinh. Mỗi lần người này đi thông dịch là anh ta khổ tâm vì cảm thấy nhục nhã cho dân tộc mình.

Nói về người Việt trên đất Mỹ, gần đây báo chí trong cộng đồng ở đây đã trở lại những bài báo than phiền về lối sống thiếu văn hoá trong cộng đồng người Việt. Và chúng ta cũng biết rằng, người Việt hải ngoại chưa học hết  chuyện văn minh của nước Mỹ, thì đã được hấp thụ lối văn minh “ao nhà” mỗi ngày mỗi nhiều từ những đợt người trong nước mới du nhập vào nước Mỹ gần đây!

Vậy thì trong chuyện đời thường, đây cũng là vấn đề nên đặt ra, không phải để “vạch áo cho người xem lưng” mà để xây dựng cho cộng đồng này mỗi ngày một lành mạnh, tốt đẹp hơn.

Đường phố và nơi công cộng.

Ở những thành phố đông người Việt tại California như Westminster, Garden Grove, hay San José, người địa phương sống lâu với không khí này đã quen, nhưng những người Việt từ các tiểu bang khác về chơi, đã nhận xét, người Việt ở Cali lái xe đã ẩu, lại không biết nhường đường, khi va chạm thì hay giận dữ chửi thề hoặc to tiếng.

Thường khi chúng ta đang lái xe trên đường, thấy một người đang lái xe trong một khu siêu thị hay gia cư muốn ra đường, chúng ta lịch sự đứng lại và nhường đường cho họ. Nhưng người Việt ở đây, ít khi đáp ứng lại thiện ý của bạn, để đưa một bàn tay lên tỏ dấu cám ơn, hay nở một nụ cười đáp lễ, phần lớn coi như bạn phải có bổn phận nhường đường cho họ, tay họ bị tê liệt và các bắp thịt trên mặt người cứng đơ.

Khu Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa.
Khu Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa.

Cứ đẩy cửa vào khu mua sắm lớn nhất của Nam Cali là Phước Lộc Thọ thì cũng hiểu người ở đây lạnh lùng đến mức nào! Người đi trước bước khỏi cửa, chẳng buồn nhìn lại sau mình, có ai theo vào không, nên thản nhiên thả cánh cửa đóng lại, nếu có ai vỡ mặt hay u đầu thì cũng ráng chịu, không bao giờ nghe được một lời xin lỗi. Nếu bạn làm người tử tế, đỡ cánh cửa cho người đi sau mình, thì người kia cũng chẳng buồn ngước mắt nhìn bạn, thản nhiên để cho bạn đang đứng đỡ cánh cửa như là một bổn phận thiêng liêng, cũng chẳng buồn nhếch mép nói một lời cám ơn.

Có một lần tác giả bài này đang xô cánh cửa bước ra, thì phía ngoài đã có một cánh tay thiện chí, dịu dàng đang đỡ cánh cửa giùm. Trong một thoáng, tôi cảm động đến đỗi muốn trào nước mắt, nghĩ rằng trên đời này ít ra cũng còn những con người tử tế như thế. Nhưng tôi đã lầm. Vừa bước ra cửa, một người thanh niên đã đứng sẵn hồi nào phía ngoài, đỡ cánh cửa cho tôi, chìa bàn tay đen đủi của y ra:

– Chú cho con một đồng ăn cơm!

Chợ Việt – Chợ Mỹ

Chợ là nơi cư dân phải tiếp xúc thường ngày cho nhu cầu nấu nướng ăn uống trong gia đình. Ðiều cần nói ngay là chợ Việt không sạch, không thơm bằng chợ Mỹ. Các cô bán hàng không lịch thiệp vui vẻ bằng chợ Mỹ. Thịt cá rau củ không tươi bằng chợ Mỹ.

Nhưng với khẩu hiệu “Ðồng hương phục vụ đồng hương” và “Ta về ta tắm ao ta”, lẽ cố nhiên chúng ta, những người Việt trên đất Mỹ phải chọn đi chợ Việt. Thứ nhất, dù các cô thu ngân có mang bộ mặt “mất sổ gạo” thì cũng dễ ăn dễ nói, dễ “giao lưu”. Thứ hai, là giá rẻ so với chợ Mỹ, chợ Tàu, chợ Ðại Hàn, chợ Trung Ðông… Vả lại, có những món mà chúng ta chỉ tìm thấy ở chợ Việt như chai nước mắm, hũ mắm nêm, bình mắm tôm, bó rau tía tô, gói gia vị nấu bún bò.

Ngay cái xe đẩy trong chợ Việt Nam, chúng ta cũng bực mình gặp toàn thứ xe cũ kỹ, đôi khi rỉ sét, đẩy đi có khi rất nặng nề khó khăn, có khi không đi thẳng được vì bánh xe bị lệch, trong khi các ngôi chợ khác, có những loạt xe mới, còn bóng loáng và được thay đổi qua một thời gian. Ngôi chợ Mỹ luôn luôn có “janitor” túc trực, nên sàn nhà luôn luôn sạch sẽ.

Thu ngân viên tại những ngôi chợ này luôn luôn mặc đồng phục có mang logo của chợ hay công ty, chào hỏi, vui vẻ nhã nhặn không như các “đồng hương” của chúng ta, không dấm dẳn thì cũng lạnh lùng như “cô ký điệu” cầm đầu gôm của cây bút chì gõ vào màn ảnh computer, gạt các món hàng cho người gói hàng, và chỉ cho chúng ta số tiền phải trả trên màn ảnh. Hình như  các cô không có hai món, chào hỏi và nụ cười là hai thứ trời ban cho con người.

Như vậy, trước khi được thu nhận vào làm trong các ngôi chợ này, các cô không được huấn luyện và chủ chợ cũng chẳng hề quan tâm.

Nhìn chung về khách hàng, mặc dầu chợ Việt mở ra rất nhiều, nhưng vẫn luôn luôn đông người mua, phải nói là tấp nập, bận rộn, có khi trả tiền phải nối hàng dài chờ đợi, xe nào cũng hàng chất đầy ắp thực phẩm. Ðiều này chứng tỏ các chợ Việt đắt hàng hơn, lợi tức nhiều hơn, nhưng nhìn vào sự trình bày các quầy trả tiền, việc thuê mướn nhân viên, phẩm chất hàng hoá, lợi tức chợ Việt hẳn phải cao hơn các công ty chợ Mỹ. Như vậy, tính cách “phục vụ” không quan trọng bằng lợi nhuận!

Người Việt chúng ta bản chất là “xuề xoà,” dễ dãi nên cũng không ai quan tâm, than phiền hay “phản ảnh” với chủ chợ. Ðặc tính này làm cho những ngôi chợ Việt trong vùng càng ngày các xuống cấp, kể về hai mặt, tổ chức và sự giao tiếp với khách hàng.

Ðiều bình thường ở một ngôi chợ Mỹ, Ðại Hàn… hoá ra bất bình thường ở một ngôi chợ Việt, bỗng một hôm, chúng ta được một cô bán hàng “đồng hương” nở một nụ cười, chào hỏi lịch thiệp làm cho chúng ta cảm động vô cùng, vì chưa bao giờ được đối xử như vậy.

Phía ngoài một khu chợ người Việt tại Little Saigon.
Phía ngoài một khu chợ người Việt tại Little Saigon.

HP