Menu Close

Đập thủy điện Grand Coulee Dam

Những du khách đến Las Vegas ắt không ít người đã từng ghé thăm đập và nhà máy thủy điện Hoover Dam, nơi sản xuất và cung cấp điện cho dăm tiểu bang sa mạc như Arizona, Nevada cùng California. Dù không quen tên như Hoover Dam, đập thủy điện Grand Coulee Dam tại phía Bắc tiểu bang Washington lại là một đập thủy điện lớn nhất Hoa Kỳ và từng có công suất cao nhất thế giới, đóng vai trò huyết mạch trong việc cung cấp điện cho hàng chục tiểu bang phía Tây và Canada, cũng như việc “dẫn thủy nhập điền”-  bơm dẫn nước tưới cho các đồng ruộng, vườn cây tại các tiểu bang Tây Bắc. Mời các bạn cùng chúng tôi thăm một công trình bê tông lớn nhất nhì thế giới đã từng được con người kiến tạo từ trước nay. 

grand-coulee-dam
nguồn wikimedia.org

Lái xe ngang qua những cánh đồng lúa mì hay bông cải vàng Canola mênh mông tại Canada hay vài tiểu bang Tây Bắc, có khi tôi cứ thắc mắc về việc con người sẽ dẫn tưới nước cho chúng ra sao và từ đâu. Những người nông dân không thể trông chờ vào việc nắng sớm mưa chiều ngẫu nhiên và thất thường của thiên nhiên. Dù biết rằng việc dẫn thuỷ nhập điền có lẽ là câu chuyện từ xa xưa, kể từ khi con người biết trồng cây trái, chỉ khác hơn là với những kỹ thuật tân tiến hiện nay, việc dẫn tưới nước cho những cánh đồng như vậy đã đi những đôi hia vạn dặm – một khoa học quan trọng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới luôn bỏ nhiều công sức trong việc đối chọi với thiên nhiên, mà mình chưa biết thế nào. Câu hỏi thoáng qua và biến đi như vô vàn những thắc mắc tình cờ nào đó mà thỉnh thoảng mỗi chúng ta lại bắt gặp. Nhưng khi có dịp đến thăm đập thủy điện Grand Coulee thì tôi mới vỡ lẽ. Cứ nghĩ những nhà máy thủy điện chỉ tạo và cung cấp điện năng, nhưng nó còn làm thêm cả việc bơm và dẫn nước tưới đi khắp những khu vực lân cận. Hay khác hơn, làm cả những công việc điều tiết dòng thủy lưu để chống úng ngập, dẫn dòng cho cá ra sông, ra biển cùng vô vàn lợi ích liên quan đến môi sinh, môi trường khác. Một đề tài lớn mà có dịp ắt chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm. Còn bây giờ, mời bạn hãy cùng tôi ghé thăm chỉ riêng đập Grand Coulee này thôi.

grand-coulee-dam3
Các turbin phát điện

Như vừa nhắc, những năm đầu thế kỷ 19, những vùng đất màu mỡ tại tiểu bang Washington luôn hứa hẹn cho những người nông dân tại đây những vụ mùa bội thu, dù trồng ngũ cốc hay hoa quả. Nhưng hạn hán lại là vấn đề con người phải đối diện, trong khi con sông Columbia lại luôn tràn đầy nước. Ý tưởng và kế hoạch về một con đập để ngăn dòng và phân luồng, dẫn nước tưới ruộng đã được chính phủ xem xét. Nhưng phải đến những năm của thập niên 30, khi nước Mỹ rơi vào tình trạng đại suy thoái và cần tạo ra những công ăn việc làm cho người dân, thì việc xây dựng đập Grand Coulee mới chính thức được bắt đầu, theo sau việc xây dựng đập Hoveer Dam được khởi công trước đó đôi năm. Ðược xây dựng trong 9 năm, từ năm 1933 đến năm 1942, Grand Coulee Dam khi hoàn tất lúc bấy giờ đã trở thành một công trình bê tông đồ sộ nhất mà con người đã từng xây dựng. Cao khoảng 167 mét và rộng gần 1,600 mét, số bê tông dùng để xây đập có thể đủ để xây một xa lộ bê tông kéo dài từ Seattle sang đến tận Miami, Florida, hơn năm ngàn cây số. Với hai nhà máy điện và một nhà máy bơm nước khi được xây lúc ban đầu, Grand Coulee Dam mở rộng thêm một nhà máy điện thứ ba để cho công suất tối đa khoảng 6,809 Mwh điện, cao gấp ba lần  công suất Hoover Dam, khi nhu cầu điện tăng cao khi cần cung cấp thêm điện cho các cơ xưởng chế tạo vũ khí, quân xa thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Hàng năm, Grand Coulee hiện cung cấp khoảng 21 tỉ Kwh điện, đủ cho khoảng 2.3 triệu gia đình xài cả năm. Dù sản lượng điện hàng năm này không bằng đập Tam Hiệp của Trung Cộng và một vài đập thủy điện trên thế giới được xây dựng sau này, Grand Coulee Dam hiện vẫn là nhà máy có công suất cao nhất nước Mỹ, tính chung cả nhiệt điện hay nguyên tử điện.

grand-coulee-dam1
Những thiết bị thô sơ thời xây dựng đập

Nằm cách Spoken, Washington và biên giới Canada khoảng gần 100 dặm về hướng Tây, vị trí của đập không phải lý tưởng để du khách ghé thăm. Vậy mà những ngày Hè, khi chúng tôi ghé nơi này thì vẫn tấp nập du khách, có lẽ là những người đến khu vực này cắm trại như chúng tôi. Tôi vẫn thích và học nhiều từ cách sống năng động và khai phóng của người phương Tây – luôn tò mò, muốn khám phá những điều mới lạ. Ðến bất cứ nơi nào – không chỉ nơi vui chơi giải trí hay tranh tài thể thao thì cũng thấy đông người. Cái thị trấn bé nhỏ, đi ngang làng Kỹ Sư, tên gọi Engineer Town – khu nhà những kỹ sư và nhân công các nhà máy điện này cư ngụ, rồi băng qua cây cầu nhìn xuống đập là đến khu chở khách đi thăm đập và xuống tận các nhà máy phát điện và bơm nước. Mùa Hè, mỗi tiếng đều có vài chiếc xe bus có người hướng dẫn chở khách đi tour miễn phí.  Qua dăm thủ tục an ninh và máy dò, tôi mới chợt nhớ ra rằng những nhà máy thủy điện như thế này là những công trình mang tính an ninh quốc gia, cần sự bảo vệ chặt chẽ. Dù quanh cả khu vực rộng lớn không hề có bóng dáng những nhân viên công lực, ngoại trừ nơi đón du khách đi tour.  Tôi buột miệng hỏi người nhân viên hướng dẫn điều mình thắc mắc, nhưng anh chỉ qua loa, bảo rằng anh “tin” là  có những biện pháp an ninh. Biết đâu có cả những tháp canh từ núi cao nhìn xuống. Cách nào đó nhưng chắc chắn phải vậy vì mạng điện quốc gia là huyết mạch, có thể gây đình trệ hay tê liệt nhiều hoạt động khác. Tour khoảng chừng 40 phút, người nhân viên dẫn giải nhiều điều thú vị về con đập, từ lịch sử, cách vận hành cho đến các lợi ích của nó. Dừng xe ngay trên đỉnh đập cho du khách chụp hình,  cái cảm giác đứng giữa nắng gió ngắm nhìn một bên là dòng sông Columbia mênh mông bao quanh là núi đồi, một bên là con đập to lớn, mới cảm nhận được thiên nhiên hùng vỹ bao nhiêu thì trí tuệ và công sức con người chẳng thua kém. Khách thăm đập xong có thể ghé ngang trung tâm du lịch, một bảo tàng viện cỡ nhỏ về đập này với các hình ảnh, mô hình, cổ vật liên quan… Nhưng buổi tối mới thật là ngoạn mục và đáng nhớ, khi lần đầu tiên tôi được xem một bộ phim hoạt hình chiếu bằng tia laser lên “màn ảnh” đại vĩ tuyến, là cả nguyên một mặt đập dài hàng cây số đang xả nước trắng xóa làm phông nền. Quả không chỉ một chuyến “field trip” bổ ích và thú vị cho học sinh sinh viên mà cả cho người lớn được học hỏi. Cách con đập khoảng hơn chục dặm là Electric City, thành phố nhận điện từ Grand Coulee Dam và các con đập lân cận để qua các hệ thống biến áp, rồi từ đó dẫn điện đi khắp Washington cùng các tiểu bang Tây Bắc Hoa Kỳ và vài tỉnh bang Canada như nói trên.

grand-coulee-dam2
Các mô hình hướng dẫn cho du khách tìm hiểu

Một đôi thập niên qua, thế giới vẫn kêu gọi tận dụng những nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, phong điện từ sức gió, năng lượng mặt trời, một phần vì đó là những nguồn năng lượng thiên nhiên, ít tạo nên ô nhiễm môi trường như nhiệt điện đốt bằng than hay khí đốt. Dù chỉ góp một tỉ lệ nhỏ, khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia, thuỷ điện vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu trong các nguồn năng lượng tái tạo này. Không chỉ những tiểu bang Tây Bắc sử dụng thủy điện này có giá điện rẻ nhất so với các khu vực khác của nước Mỹ, mà các tiểu bang như Washington, Oregon và Idaho đều nằm trong danh sách những tiểu bang có độ ô nhiễm khí thải thấp nhất nước Mỹ.

Nhưng xây một đập thủy điện có lẽ không khó bằng việc kiểm soát và vận hành một đập thủy điện. Như phong trào xây đập thủy điện tại Việt Nam trong những năm qua, việc cung cấp điện như thế nào không biết, nhưng chính những đập thuỷ điện này lại góp phần tạo nên lũ lụt cho người dân vùng hạ lưu, khi cứ vào mùa mưa lũ, các đập này lại xả nước vì sợ vỡ đập, thay vì chứa và dẫn nước theo các kỹ thuật khoa học và hữu hiệu hơn. Rốt cục, một trong những mục đích của đập thủy điện là để kiểm soát và khống chế lũ lụt thì chính nó lại gây ra lũ lụt. Bởi nghe bảo những nhà đầu tư chỉ lo bảo vệ đập và túi tiền bán điện của mình, chuyện lụt lội hay phá vỡ môi trường sinh thái không phải là mối quan tâm hay trách nhiệm của họ. Dường như điều này vẫn đang còn là vấn đề nan giải về lũ lụt hàng năm đang xảy ra tại miền Trung nước ta hiện nay. Giải pháp cho bài toán này? Tôi chẳng phải là một nhà chuyên môn để đưa ra cách giải. Mà chỉ biết rằng, phía sau con đập Grand Coulee là hồ chứa Roosevelt mênh mông, nơi chứa và lưu trữ nước để điều hòa nguồn nước, vừa tránh gây ngập lụt khi mưa lũ lại vừa đủ nước quanh năm để cung cấp cho nhà máy thủy điện này được  hoạt động liên tục. Chắc chắn những người thiết kế công trình xây dựng đập  Grand Coulee không phải ngẫu nhiên đã chọn vị thế có cả hồ chứa như nó đang nằm hiện nay.

ÐYT