Thế giới trong nhiều năm qua đã quá quen với những lời tuyên bố hung hăng hiếu chiến của chế độ độc tài Bắc Hàn từ gia đình họ Kim, với những câu thách thức qua hệ thống truyền thông nhà nước tương tự như trong tuần qua: “Chúng tôi xem Hoa Kỳ không hơn gì một cục bướu mà chúng tôi có thể bằm nát như tương bất cứ lúc nào.”

Thường thì trước đây người ta nghe qua rồi bỏ vì quen rồi, cho đây là những lời ngông nghênh của một đứa trẻ nghịch ngợm lem luốc và có phần nào… mất dạy, và tìm cách tránh xa vì nếu dây vào có thể bị ô uế đến mình.
Tuy nhiên, người dân Mỹ và các nước đồng minh đã phải vô cùng ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Donald Trump – mặc dù đã làm quen với tính khí thất thường của ông hơn nửa năm qua kể từ khi lên cầm quyền – đã nhất định ăn miếng trả miếng với lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn cũng bằng những câu tuyên bố hung hăng hiếu chiến không kém. Những câu tuyên bố không chỉ hung hăng bình thường mà còn mang đầy những hình ảnh của vũ khí nguyên tử, của lửa đạn, làm như thế giới đang sắp sửa bước vào một cuộc đại chiến vậy, khi ông nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng để trừng trị Bắc Hàn bằng “lửa và cuồng nộ mà thế giới chưa từng được chứng kiến” và “những giải pháp quân sự hiện đã được chuẩn bị sẵn sàng”.

Khi mà lời qua tiếng lại giữa hai bên càng lúc càng tăng cường độ nhưng vẫn chưa thấy có chuyện gì xảy ra, thì người ta coi đó là một cuộc khẩu chiến. Thiên hạ đã từng được chứng kiến một số lãnh tụ trên thế giới đã có những hành động gây sốc trước đây, như vụ Nikita Krushchev cao một thước sáu, bất ngờ tháo giày đập liên hồi lên bục trong một buổi họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc; hay như Fidel Castro đã đọc một bài diễn văn cũng trong một buổi họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 26 Tháng 9 năm 1960 dài đúng 269 phút (gần bốn tiếng rưỡi), hơn nửa ngày làm việc của một nhân viên ở Mỹ, và đã được ghi vào kỷ lục Guinness. Nhưng một cuộc khẩu chiến liên tục kéo dài trong nhiều ngày giữa hai lãnh tụ (Trump và Un) với đầy những lời lẽ thách thức nhau thì có lẽ đây là lần đầu tiên.
Những lời tuyên bố hung hăng của Bắc Hàn từ bao lâu nay vẫn được xem là nằm trong kế hoạch tuyên truyền của chế độ, nhưng những lời tuyên bố tấn công bằng miệng của ông Trump, và dường như không được chuẩn bị bởi các cố vấn của ông, thì cho đến nay nhiều chuyên gia am tường về chính sách ngoại giao vẫn đang vò đầu bứt tai không hiểu chúng mang bao nhiêu phần hư thực trong đó.

Trong khi những người ủng hộ Trump cho rằng những ngôn từ mạnh mẽ của ông là có ý tỏ cho Bắc Hàn thấy là chính phủ Mỹ hiện thời coi những vụ bắt chẹt nguyên tử hiện nay của phía Bắc Hàn là nghiêm trọng và cần phải được chấm dứt, thì những tiếng nói từ phía những người chỉ trích cảnh báo rằng ông Trump đang làm nguy hại đến sự tín nhiệm của thế giới đối với các chính sách ngoại giao và quân sự của Washington cũng như có thể đưa tới những tính toán sai lầm và gây ra xung đột.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry viết trên Twitter rằng “ngăn chặn tham vọng nguyên tử chỉ có hiệu quả nếu những lời đe doạ được xem là đáng tin cậy, còn những lời lẽ bực tức nhất thời chỉ làm nguy hại đến nền an ninh quốc gia của chúng ta”.
Tuy nhiên cũng có người coi những lời qua tiếng lại trong hơn một tuần lễ qua thuần tuý chỉ là… khẩu chiến – như Ðô đốc Dennis Blair, nay đã về hưu, từng là cựu chỉ huy của lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, cho rằng cả hai phía Hoa Kỳ và Bắc Hàn vẫn còn ở một khoảng cách khá xa để đi đến chiến tranh. Ông so sánh tình hình hiện nay và cho biết nó cũng không mấy nghiêm trọng hơn như trước đây và cho biết Bắc Hàn đã từng có những hành động khiêu khích nặng hơn nhiều: tổ chức những vụ tấn công nguy hiểm như đưa một số lực lượng đặc biệt vượt biên giới, đánh chìm tàu chiến của những quốc gia láng giềng, tấn công một số hòn đảo trong vùng và giết dân lành.
Người Việt chúng ta còn có câu tục ngữ: “Chó sủa là chó không cắn.” Nhưng với tính khí khác thường và có phần nào… bất thường của cả hai lãnh tụ nói trên thì không ai biết đâu mà lần, không khác gì các chuyên gia am tường về các chính sách ngoại giao và an ninh trên thế giới cũng đang phải vò đầu bứt tai.
Qua cuộc khẩu chiến, người dân trên thế giới còn được cơ hội để học thêm một bài học về địa lý: đảo Guam.

Trước khi có cuộc khẩu chiến này có lẽ không mấy ai biết đến hòn đảo đó ngoại trừ những gia đình có người thân trong quân đội từng đóng tại đây và một số gia đình tị nạn cộng sản Việt Nam từng được đưa vào đây tạm trú sau biến cố Tháng Tư 1975. Ðây là một hòn đảo nhỏ xíu của nước Mỹ và trên bản đồ nó chỉ là một chấm đen bé tí teo nếu không cố gắng tìm thì không ai nhận ra nổi. Thế nhưng chỉ vì nó nằm ở vị trí giữa Thái Bình Dương và trong tầm bay của hỏa tiễn Bắc Hàn.
Và đó là lý do vì sao đảo Guam được thế giới chú ý tới sau khi Bắc Hàn mấy lần đe dọa một cuộc tấn công để cho nó phải “chìm trong biển lửa” và cuộc tấn công sẽ xảy ra trong Tháng 8 này.
Tuy liên tiếp bị lãnh tụ Kim Jong Un đe dọa, đời sống của người dân trên đảo vẫn diễn ra bình thường. Khách vẫn chật đầy những nhà hàng, và mặc dù tivi trên tường đang phát những bản tin về những lời đe dọa của Bình Nhưỡng liên quan đến nơi sinh sống của họ nhưng vẫn chẳng ai thèm để mắt tới.
Nếu thật sự có điều gì làm cho người dân trên đảo phải bận tâm thì chắc hẳn là vì bỗng nhiên họ bị đẩy vào trong tình thế giằng co của một cuộc khẩu chiến với những lời lẽ hằn học qua lại giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn, kể cả có lúc người ta mang vũ khí nguyên tử ra hăm dọa nhau.

Guam trở thành lãnh thổ của Mỹ từ năm 1898, sau khi Tây Ban Nha đồng ý nhượng lại vì là bên chiến bại trong cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ lúc ấy. Ðây là hòn đảo rất nhỏ, với bề rộng không quá 12 dặm, được bao bọc bởi những bãi biển tuyệt đẹp, với dân số khoảng 163,000 – tương đương bằng một thành phố nhỏ ở vùng trung tây Hoa Kỳ.
Hòn đảo này lúc trước cũng đã từng là mục tiêu hăm dọa của Bắc Hàn vì nơi đây có đặt căn cứ quân sự và là bãi đậu của những oanh tạc cơ được trang bị vũ khí nguyên tử có khả năng tấn công nhiều quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, kể cả Bắc Hàn. Những cuộc thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc Hàn gần đây cho thấy hòn đảo bé tí này nay đang nằm trong tầm phóng của họ.
Vị trí đảo Guam nằm cách 2,100 dặm về hướng đông nam của Bình Nhưỡng, và 3,800 dặm về hướng tây của Hawaii. Tuy nhiên, sinh hoạt của người dân trên đảo mang đầy màu sắc văn hoá như bất kỳ một thành phố nhỏ nào trong nội địa nước Mỹ – an bình, nhàn tản – và thậm chí nếu những khách hàng đang mua sắm tại một cửa tiệm Kmart ở đây và bất chợt nhìn ra bên ngoài khung cửa kính thì vẫn có thể nhận thấy sự an bình của hòn đảo với biển xanh bao quanh. Có thể nói những ồn ào manh động của cuộc khẩu chiến giữa TT. Trump và Un hầu như không ảnh hưởng chút nào tới người dân đang sống trên đảo.
Thế nên để đoán biết tình hình căng thẳng đến đâu trong những ngày sắp tới, chúng ta nên lắng nghe những lời tuyên bố của các cố vấn của Tổng thống Trump như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mặc dù cũng đưa ra những lời lẽ mạnh mẽ khi nhắc đến những đe dọa từ phía Bắc Hàn nhưng vẫn nói rằng Hoa Kỳ tiếp tục trong nỗ lực đi tìm giải pháp ngoại giao; hoặc như Ngoại trưởng Rex Tillerson trên đường công du Á châu cũng đã tìm cách trấn an các quốc gia trong vùng, kêu gọi mọi người bình tĩnh và nhắn nhủ người dân Mỹ là hãy “ngủ ngon vào ban đêm”.
Chúng ta nên tin vào ý kiến của những giới chức này hơn là những lời qua tiếng lại trong cuộc khẩu chiến, cho dù lời lẽ có hung hăng và ồn ào đến đâu đi nữa.
VH