Tôi tên Trịnh Lạc, 57 tuổi, cao 160 cm, 59 kg, đang sống ở tiểu bang Washington. Vừa qua tôi có thử máu, kết quả:
Cholesterol: 110-200mg/dL 174 (180)
HDL: 40-59mg/dL 47 (52)
LDL: 100-130mg/dL 103 (112)
Triglycerides: 10-150mg/dL 119 (80)
Non HDL cholesterol: 127 (128)
Chol/HDL ratio: 3.7 (3.46)
Kính thưa Bác sĩ, tôi có cần uống thuốc không? Số trong ngoặc là kết quả của 6 tháng trước đó. Cảm ơn Bác sĩ.
Đáp
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, kết quả thử máu của ông rất bình thường cho nên ông không cần uống thuốc gì cả. Xin ông cứ giữ gìn ăn uống và tập thể dục đều đặn để duy trì kết quả này.
An toàn ăn uống
Tôi nghe nói bàn tay của mình có nhiều vi trùng lắm, có phải không bác sĩ. Vì thế cho nên nhiều người khuyên cần phải giữ bàn tay sạch sẽ khi ăn cũng như khi nấu nướng. Xin bác sĩ nói rõ thêm về chuyện này. Cảm ơn bác sĩ. Liên Bích.
Đáp
Ðúng như bà nói: vi trùng có khắp mọi nơi, kể cả trên đôi bàn tay của ta cũng như trên các dụng cụ bàn ghế trong bếp, trong thực phẩm sống cũng như thực phẩm nấu chín, để ngoài tủ lạnh. Chúng chỉ chờ cơ hội để lan truyền từ chỗ này sang chỗ khác, đặc biệt là qua hai bàn tay.
Ðang viên thịt bò cắt nhỏ thành từng viên mà thò ngón tay lên gãi ngứa trên đầu thì vi khuẩn từ tóc sẽ vào bàn tay mà dính xuống bò viên.
Trên cái thớt thái cá tươi mà để lẫn với miếng thịt heo vừa nấu chín ngay cạnh thì vi khuẩn từ cá sẽ nhào vào miếng thịt.
Sau khi vào nhà cầu, xả bầu tâm sự rồi ra cầm đũa bát ăn cơm ngay mà không rửa tay thì vi khuẩn từ phẩn dính vào tay sẽ được đưa trở lại miệng, vào thực quản, dạ dày…
Cho nên cần phải rửa tay sạch sẽ:
– Trước khi cầm thực phẩm để pha chế, nấu nướng;
– Trước khi ăn cơm;
– Sau khi đi vệ sinh;
– Sau khi cầm miếng thịt miếng cá còn tươi sống;
– Sau khi thay tã cho con;
– Sau khi che miệng hắt hơi, xì mũi, chơi với súc vật;
– Sau khi đụng chạm tới các hóa chất, như nước lau nhà, dầu nhớt, thuốc xịt muỗi gián, phân bón cây cảnh… hoặc sau khi hút thuốc lá.
– Không được chạm tay vào đĩa sắp đựng thức ăn;
– Luôn luôn dùng đũa, thìa hoặc lót tay bằng giấy để bày thức ăn đã nấu chín;
– Khi bỏ nước đá vào ly, phải dùng thìa hoặc cái gắp nước đá, chứ không dùng ngón tay;
– Không đụng ngón tay, nhất là ngón tay cái, vào đĩa đựng thức ăn. Cầm đĩa bằng cách để đĩa trên lòng bàn tay xòe ra.
– Luôn luôn cầm thìa, nĩa ở cán, đũa ở đầu to.
– Luôn luôn cầm ly ở chân ly chứ không cầm ở viền ly.
– Làm việc trong bếp phải vén cao hoặc che đầu để tóc khỏi rũ vào thức ăn;
– Không ăn, nhai kẹo cao su khi nấu hoặc phục vụ thức ăn để tránh giọt nước miếng bắn vào món ăn;
– Không hút thuốc khi nấu hoặc phục vụ thức ăn để tránh tàn thuốc rơi vào món ăn;
– Không ngoáy mũi trong khi làm bếp, dọn thức ăn;
– Không gãi đầu gãi tai trong khi nấu hoặc bày thức ăn;
– Khi cần hắt hơi, ra xa nơi có thức ăn, lấy giấy che mũi hoặc hắt hơi vào khuỷu tay để tránh nước mũi bắn vào thức ăn.
Ðái dầm
Con tôi năm nay 6 tuổi mà vẫn còn đái dầm. Xin bác sĩ cho biết chúng tôi phải làm gì. Châu Kim Nhân
Đáp
Ðái dầm là tình trạng trẻ em đái trong khi ngủ ban đêm mà không biết. Ðây là chuyện thường xảy ra. Các khảo sát y học gần đây đã chứng minh rằng, đái dầm không chỉ là hậu quả của sự rối loạn tâm lý mà trong nhiều trường hợp, nó còn là nguyên nhân gây ra những rối loạn này. Trẻ rất dễ bị mặc cảm nếu thường xuyên bị cha mẹ, cô giáo rầy la, bạn bè trêu chọc.
Sau 3 tuổi, đa số trẻ đều đã biết nín tiểu khi ngủ. Tuy nhiên, có 10% trẻ em 5 tuổi và 1% trẻ em 15 tuổi vẫn còn đái dầm do hệ thần kinh bàng quang phát triển hơi chậm. Ðái dầm có thể do di truyền. Khoảng 65% trẻ đái dầm có cha mẹ cũng từng bị tật này.
Cha mẹ không nên la rầy, chọc ghẹo hay dọa nạt bé. Nên tránh cho bé uống nhiều nước trước khi đi ngủ, chịu khó đánh thức bé dậy đi tiểu lúc cha mẹ sắp đi ngủ. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Nếu bé đã 10 tuổi mà vẫn bị đái dầm thì hãy đem bé đến bệnh viện để khám và làm các thử nghiệm cần thiết như thử nước tiểu, siêu âm, chụp hình thận…
Một số thuốc có thể giúp cho việc điều trị có hiệu quả hơn như oxybutynin, desmopressin dạng xịt mũi. Liều lượng và cách dùng nhất thiết phải do bác sĩ quy định. Việc tự cho bé uống thuốc có thể gây nguy hiểm vì các thuốc trên thường có tác dụng phụ.
NYÐ