Tên thật Lê Thành Tôn. Sinh ngày 09.9.1943 tại Lộc Phước Ðại Lộc Quảng Nam. Cùng thời với Nguyễn Nho Sa Mạc, Huy Tưởng. Nhập ngũ, ra trường Thành Tôn làm việc ở tiểu khu Quảng Tín.
Thành Tôn nổi tiếng từ khi đăng thơ trên Bách Khoa, trên Văn và khi xuất bản tập thơ Thắp Tình (1969). Sang Mỹ năm 1996, định cư ở California, Thành Tôn vẫn thủy chung với văn chương chữ nghĩa, mặc dầu không làm thơ như xưa nữa.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Tình Người Sông Thu (thơ cùng Thái Tú Hạp Hoàng Quy – phổ biến hạn chế)
– Thắp Tình (thơ 1969 Ngưỡng Cửa)
Thành Tôn là người đôn hậu, thủy chung với bạn bè, bến cũ sông xưa, quê hương đất nước. Tâm tình ấy phản ảnh trong thi ca. Với Thành Tôn, thơ chính là con người anh vậy.
Du Tử Lê đã nhận chân ra điều ấy trong bài viết trên báo Người Việt: “Với tôi, những vần lục bát của Thành Tôn trước hay sau thời điểm “Thắp Tình,” 1969, vẫn là chiếc bóng hiu quạnh nhưng, chứa chan đôn hậu. Dịu dàng thương yêu. … Ở Thành Tôn, tôi không nghĩ, có một khác biệt hay đối lập, tách bạch nào giữa chiếc bóng thi ca và nhân thân tác giả. Thành Tôn và, chiếc bóng (chữ nghĩa) của ông là một. Người này là…“thuộc tính,” là “bản lai diện mục” của kẻ kia. Tôi cho đây là một điều đáng kể và cũng rất đáng quý vì nó nói lên phần nào đó cái nhân cách mà, tôi muốn gọi là nhân-cách-thi-ca của một thi sĩ.”
Trần Hoài Thư đưa ra nhận định: Thành Tôn là người miệt mài canh tân chữ nghĩa nhất là trong thơ lục bát. Thơ mang dáng vẻ tân hình thức với nhiều dấu chấm câu, ngắt câu mới mẻ. Mặt khác ngôn ngữ thơ của Thành Tôn cũng có nhiều đặc sắc, gây ấn tượng và xúc cảm ở người đọc.
Thật đáng tiếc Thành Tôn đã không tiếp tục con đường thi ca, chữ nghĩa ấy. Dầu sao khi đọc lại thơ anh, ta vẫn thấy dội lên nhiều cảm xúc nghệ thuật và tình ý sâu sắc. SAO KHUÊ
Hồi âm
Ngày anh đi, tôi vẫn còn bé dại
chỉ biết cười thôi, dù buổi chia ly
nhưng vẫn nhớ, khi thuyền nan quay lái
dòng sông xanh dậy sóng tiễn người đi
anh say hải hồ, tôi mê học hỏi
tình cảm chúng mình nào đã… tàn phai
lời tiếc thương anh nhắn về thăm hỏi
bắt trí tôi ôn lại tháng năm dài
ừ nhỉ, ngày xưa, cái gì lưu luyến
dòng sông xanh. Trăng thắm. Lũy tre làng
bến nước đò ngoan, núi chờ mây quyện
pháo đỏ, rượu nồng… Giỗ, Tết xênh xang
tất cả ngày xưa, chừ là kỷ niệm
bến Trâu Dầm, cầu Bà Ðội… tang thương!
vì bởi thời gian một lòng quyết chiếm
cả chúng mình, cả bướm, cả muông chim
nào Bích, nào Ngân, nào Hà, nào Tố
đã không còn vết tích của ngày xanh
mà lại Ngọc Bích, Thu Hà… rất ngộ
đang bôn ba trên mấy nẻo kinh thành
và những Ðào tong, Thi gầy, Hải móm
cũng lên đường dẹp loạn giữ quê hương
như anh biết tre tàn măng sẽ nhóm
câu hát: à ơi… vẫn quyện trong sương
chưa rượu tao phùng đã nhiều ngây ngất
khi ngày xưa sống dậy ở trong tôi
tiếng hát ru con, ru tình thứ nhất
tiếng quê hương hay tiếng nói cuộc đời
tôi phục tài anh, ngày xưa, còn nhớ
và mối tình gắn bó với quê làng
muốn ngỏ đôi lời, nhưng sao vẫn ngại
anh có buồn khi người ấy sang ngang?
Nói với con gái
1.
Con thức dậy cùng con chim sẻ non
hé mồm trên mái hiên
Con nhện rề rà chăng lưới
dưới chiếc nôi đung đưa
Bóng tối thẹn thùng giấu mặt
Nước đái con tinh khiết chan hòa
Con thức dậy
cùng lúc con mèo thì thầm cùng con chuột nhắt
Con chó con đùa bỡn với chiếc đũa bếp
Bà nội đang vo nước gạo
trong xanh vào lòng thau trắng
Mẹ nhóm đốm lửa hồng
cho một ngày rực rỡ.
2.
Con thức dậy với đôi mắt dịu dàng
của tuổi thơ cha không có
Ðôi má mũm mĩm của ấu thời mẹ đánh rơi
đôi môi hồng hào ngọt dịu
của thiên thần bỏ quên đêm hợp cẩn
đôi tay hào hoa vẽ vào chân không
vùng trời ảo tưởng
đôi chân son thì thào gió sớm
Con thức dậy và nằm đó cùng mặt trời
Con hãy khóc lên cùng với ngày rạng rỡ
Con hãy cười cùng ánh sáng ngụy hình
hãy khóc, hãy cười cùng bà, cùng mẹ đi con.
3.
Cha cũng thức dậy trên chiếc giường
đung đưa của bệnh xá
Trong khi những người bạn
chuyền tay cây súng lạnh vọng canh ngoài
Ðúng lúc tiếng súng ì ầm cùng với đất
Cha thức dậy cùng quê hương ta
chan hòa máu đỏ.
4.
Con thức dậy cùng cha
Thức dậy cùng cha
Thức dậy để quê hương ta cùng thức.
Niềm riêng
Ngắm ta dị tướng kỳ hình
Ngay thân thất lạc cong mình bơ vơ
Trăm năm xê dịch hằng giờ
Tình thâm nhòa nhạt từng giờ lá bay
Ngoài tầm mắt thịt, vòng tay
Sáng ra phiến trán đã đầy dấu nhăn
Gương soi mặt nọ thường hằng
Ta trong ý kẻ đôi đằng loanh quanh
Máu nào trăm sợi phân ranh
Bóng chao tượng động hồn nhanh xác rù
Cuộc ta, một cõi biên khu
Thác thiêng ảo giác sống ngu đời đời
Khoanh tay chịu tiếng ngậm lời
Phàm thân linh thể đất trời hư không
Kẻ đào ngũ
Buổi sáng soi gương và đội mũ
Lòng đã hồ nghi khuôn mặt quen
Dấu vết riêng nào trên nhân dạng
Ðã hằng hằng không tuổi tên
Chân bước ra đường luôn chạm mặt
Những bàng hoàng trên nhan diện ai
Sống nửa đời người chưa dám chắc
Chân dung ta trung thực bao phần
Nên nhiều lúc tâm thần chấn động
Một kẻ nào ẩn dạng, âm mưu
Hắn tà giáo hay giòng chính thống
Mặt đằm đằm đường nét hư vô
Những dội đập ngày đêm bấn loạn
Trán phẳng phiu dậy sóng muộn phiền
Thân chống bộ xương ròn hữu hạn
Hồn mang ảo giác kẻ tham thiền
Ngực sống đã mơ hồ nhịp đập
Tim trong tay kẻ lạ âm thầm
Cõi nào phân chia miền tranh chấp
Thân vô cùng ràn rụa mối thương tâm
Ta bắt gặp ngoài ta hình bóng
Những đường quen nét thuộc nghi ngờ
Kẻ đào ngũ lầm lì, ngập ngọng
Nhàn nhạt trong cơ thể hồ đồ
Kẻ đào ngũ, chính ta trong hắn
Ngực cơ hồ đập nhịp ai xa