Căn apartment tôi ở cũng nằm ở bên bờ Tây Hồ Tây, và thường ngày thì tôi cũng chỉ dành phần lớn thời gian ở khu vực quận Tây Hồ, Ba Ðình và Cầu Giấy. May thay, quanh đây lại có những quán café để điền vào chỗ trống cho những ngày cuối tuần. Ngoài giờ làm việc, tôi dành nhiều thời gian để lang thang ở những hiệu sách của Nhã Nam, Thái Hà, hay Ðông Tây. Quán cafe Amazon cạnh nhà sách Nhã Nam trước kia là một địa chỉ quen thuộc của tôi mỗi weekend. Nhưng vài lần café, tận mắt quan sát cái thói quen tự nhiên của các ông bố, bà mẹ vừa bế bồng vừa “vạch chim” cho đứa bé tè tè vào gốc cây, tôi mất hứng. Thế nên, sự khác biệt về văn hóa và con người ở đây cũng đủ để đống lửa tạp lục cháy muôn năm!

Cáp quang Fiber VNN của tôi đã xong, sau hơn 1 tháng chờ đợi. Mọi phát hiện mới mẻ và mọi thứ “tiếng lóng” luôn cần phải cập nhật, như một số trang mạng bị chập chờn mà dân ở đây hay nói vui là “cá mập cắn”. Dù building tôi ở cũng đã có sẵn các công ty cáp quang là Saigon Postel và Viettel, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn đợi lắp mạng cáp quang của VNPT vì băng thông quốc tế nghe nói là ổn định hơn. VNPT thì cũng giống như là AT&T của Mỹ vậy.

Hà Nội mưa nắng lẫn lộn, thời tiết hệt như tính khí thất thường của một gã say rượu. Ở Mỹ, thời tiết nóng lạnh thì cũng quen tắm nước ấm. Về đây, tôi order cái bình nóng lạnh chứ mùa Hè thì dân Hà thành đều tắm bằng nước lạnh. Nước lạnh ở apartment này cũng không phải là nước lạnh, nó là nước ấm vào ban ngày những ngày nắng nóng, khi những cái bình chứa nước cỡ đại ở trên nóc building được đun nóng nhờ ánh nắng mặt trời. Rửa rau, “xả nước tẹt ga” cũng chỉ cảm giác những dòng âm ấm từ vòi chảy xuống sink. Ở Việt Nam, xài ngôn từ cũng phải thật gây sốc mới đúng là dân lịch lãm.
Lắp bình nước nóng gián tiếp của Picenza, một bình cỡ nhỏ 20 litre đủ để tôi dùng. Cứ mỗi khi tắm thì bật công tắc cầu dao bên ngoài phòng tắm. Cá nhân thì dùng 15 litre hay 20 litre là đủ, nếu một gia đình 3-4 người thì cũng chỉ lắp bình 30 litre. Bình nước nóng gián tiếp là đun nước lưu trong bình, còn trực tiếp là làm nóng đường ống. Cậu nhân viên lắp đặt kể tôi rằng, có một bà độc thân gọi lắp cái bình lớn đến 50 litre, “vì cái bà này thích tắm hơn cả tiếng đồng hồ mà không dùng bồn tắm, gọi là … luộc thịt chứ tắm táp gì!” Gã nhân viên nhấm nhẳn với cái từ “luộc thịt”, nghe rất buồn cười.

Hà Nội, có những ngày nắng, độ ẩm cộng hưởng với ô nhiễm đến váng vất đầu. Có lúc, sờ trán thấy nóng ran, giật mình, thấy cái đầu mình đang lui cui dưới “cục nóng điều hòa” (máy lạnh) ngoài ban công. Mặc cho sức thiêu đốt của 2 cái hỏa diệm sơn này, tôi vẫn kiên nhẫn trồng cây. Cây sử quân tử và bông giấy dần quấn quýt nhau. Chậu trúc chỉ vàng đã đâm ra hàng loạt rễ mới. Ðất trồng cây có trộn vỏ trấu, tôi bỏ thêm bã chè như cách của dân miền Bắc. Còn trong nhà tôi cũng mua một bó hoa về cắm mà suốt tuần cái thì rũ rượi, cái thì gật gù chẳng chịu nở; bà bán hoa ở chợ láu lỉnh và ngọt ngào đánh tráo bó sen bán cho tôi bằng một bó hoa quỳ có hình dáng tương tự.
Có lẽ, những bước khấp khểnh này lại là cách mà tôi quen dần với văn hóa Hà Nội. Sự đon đả thiếu chân thật, nhưng vẫn dễ chịu hơn so với sự dửng dưng thường thấy của nhân viên trong nhiều cơ sở kinh doanh ở đây.

Siêu thị Big C vốn là chuỗi siêu thị của tập đoàn Casino Group của Pháp nhưng sau đó đã được người Thái mua lại. Siêu thị rộng rãi lại nằm ở đường vành đai 3, nên dân cư khu vực này đã thay vì “lên phố” cuối tuần lại rủ nhau vào siêu thị Big C. Ở Mỹ, shopping mall có thể là nơi giải trí cuối tuần của nhiều gia đình, nhưng chẳng thể là chỗ để lũ trẻ chơi đùa ồn ào chạy nhảy như ở đây. Dân Hà thành, cứ cuối tuần là chảy ào ạt vào siêu thị Big C. Kiểu như “thà một phút sành điệu rồi chợt tắt, còn hơn nhà quê suốt trăm năm!”

Hà Nội dần rộng mở nên dân cư bắt đầu có sự tái định hình. Có thể nói, khu vực Bờ Hồ hay Phố Cổ giờ đã được quy thành một khu, cứ nói “lên phố” là dân Hà Nội nói đến khu này, một quần thể mở rộng bao quanh Bờ Hồ gồm khu phố cổ và khu phố Pháp xưa kia. Mạn phía khu Trung Hòa – Nhân Chính cũng thành một khu riêng, và bên kia cầu Long Biên cũng thành một khu riêng. Dù không chia thành những phân đoạn phân khu ngoại ô rõ ràng, nhưng việc đi lại ở một thành phố cũng nhiều trở ngại, và kẹt xe trở thành một nan đề. Cũng như anh bạn tôi mới biết, nhà ở khu Mỹ Ðình muốn đi làm trên Yết Kiêu thì bác ta phải xách xe ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ trước giờ cao điểm và 7 giờ tối thì mới về đến nhà.

Cái đồng hồ hết pin, tôi tới ngõ Phất Lộc nằm gần con đường Nguyễn Hữu Huân để sửa. Chủ là một thanh niên trẻ có tên là “Trường Omega”. Cách đây vài năm, những người của hãng Omega đã về Hà Nội và khám phá sự tỉ mỉ tinh tế của một chàng thanh niên trẻ và bốc cậu qua Thụy Sĩ học việc. Vài năm du học về, Trường mở tiệm đầu tiên ở ngõ Phất Lộc và mới đây mở tiếp tiệm đồng hồ thứ hai nằm trong con ngõ Lê Thánh Tông. Trường chọn những địa điểm trong ngõ vắng để tránh đi sự ồn ào gây mất tập trung. Ðồng hồ ở Việt Nam là một phần trang sức, thể hiện “đẳng cấp”, cũng là một phần tài sản. Chỗ của Trường Omega chỉ nhận sửa đồng hồ Thụy Sĩ và Nhật, chứ những đồng hồ có xuất xứ mập mờ hay đồ nhái thì tuyệt đối không nhận.
Một tay tên Thường tôi biết, có nghề tay trái là buôn đồng hồ nhập “xách tay” từ nước ngoài về. Hàng của Thường cũng chú trọng về “đẳng cấp cao” như có dây đeo bằng vàng hay đính những loại đá quý giá trị. Ngoài ra dân sưu tập đồng hồ cổ thì có thể lùng kiếm ở phiên chợ đồ xưa trên đường Hoàng Hoa Thám. Con phố này vốn là con đê cổ của Hà Nội xưa, chợ phiên đồ xưa Thứ Bảy hàng tuần.

Ðời sống của tôi nơi đây luôn là xâu chuỗi các câu chuyện vặt để gõ phím. Ở Việt Nam, thông tin chẳng khác gì không khí, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh; ví như gia vị của nhạc nền karaoke không thể thiếu. Dù nó chẳng làm tôi phấn khích, nhưng luôn toát ra cái khôi hài “ngồ ngộ”. Từ cái thông báo trong chung cư tìm ly rượu lạc: “THÔNG BÁO: tìm ly rượu lạc.

Tối thứ 7 tuần qua, sau buổi tiệc với Tu (bia rượu) tại gia trên sân tầng 28, gia đình có để lạc 2 bộ ly thủy tinh nhỏ (12 cái) trong lúc ko tỉnh lắm sau bữa, nếu ai bắt gặp hoặc chúng lạc vào nhà ai xin đc thông tin lại giúp”; đến cách “nhập trạch” (vào nhà) bằng chuông báo động lúc nửa đêm đã làm thất kinh biết bao giấc ngủ. Ðến nỗi cư dân có người phải kêu lên:“ Em xin phép các cụ, các ông bà, các bác, các cô chú, các anh chị và các em trong khu dân cư… xin mọi người đừng động thổ nhập trạch bằng chuông báo động nữa, nửa đêm nghe chuông báo cháy em rụng cả người rồi.Chứ cứ hằng đêm thay bằng tiếng kinh cầu bằng tiếng chuông báo động thế này thì em ko sống chung với lũ được các bác ạ!”
Dường như, cái ý thức cộng đồng, ý thức xã hội của xứ ta đã đi nghỉ mát dài hạn!

Ðmh