83% cô dâu Mỹ khai rằng họ đều nằm mơ có nhẫn hột xoàn đính hôn và do đó các chú rể – đáp ứng “yêu cầu chính đáng” này – đã méo mặt xài 4.3 tỷ USD. Mốt trang sức kim cương tiếp tục được ưa chuộng đối với thành phần dư dả. Ngôi sao ca nhạc Sean Combs có một số đồng hồ đính 1,200 hột xoàn trị giá hàng chục ngàn đôla.

Ðể thỏa mãn nhu cầu, kim cương nhân tạo ra đời và ngày càng bùng nổ – theo Washington Post 21-7-2017.
Hột xoàn phòng lab
Leo đứng sau quầy tại một trong những cửa hàng kim hoàn tại Ðường 47th, trung tâm kim cương New York City. Chuyên gia giám định kim cương Leo đang săm soi ba viên đá nhỏ – một màu hồng, một không màu và một xanh nhạt. Ðặt viên hồng lên bàn, Leo xem xét mức độ phản quang. Anh thực hiện tương tự với hai viên còn lại. “Tất cả đều thật cả” – Leo khẳng định. Tuy nhiên, cả ba viên kim cương đều là hàng nhân tạo, được sản xuất từ một lò tại Boston. Và Leo không phải là chuyên gia giám định kim cương duy nhất bị đánh lừa – theo phóng sự của tuần báo Newsweek.
Với ba viên kim cương nhân tạo này, phóng viên Newsweek đã qua mặt được Yzhak Shemtov tại cửa hàng số 51 cũng như Lee Rosenbloom tại Plaza Galleries; và không ai ngờ rằng ba hột xoàn hoàn mỹ trên được chế tại công ty Apollo Diamond (Boston). Không chỉ Apollo Diamond, công ty Gemesis tại Sarasota (tiểu bang Florida) cũng có kỹ thuật hiện đại để biến kim cương dỏm trông hệt như thật. Kim cương không còn là “sản phẩm Thượng đế” – như cách nói của George E. Harlow (tác giả quyển The Nature of Diamonds và giám đốc phụ trách bảo tàng kim cương tại Viện bảo tàng thiên nhiên Hoa Kỳ); và việc để có hột xoàn ngày nay không cần phải mò xuống 150 km dưới lòng đất.
Hiện có 5 công ty khai thác kim cương tự nhiên: De Beers, Alrosa, Leviev, BHP Billiton và Rio Tinto. Họ kiểm soát gần 90% thị phần thế giới – theo Rapaport Diamond Report. Trong đó, De Beers vẫn là đại gia số một, từng tạo dựng vương quốc hột xoàn bằng chiến thuật quảng cáo kinh điển “Kim cương là vĩnh hằng”. De Beers đã đưa kim cương đồng nghĩa với biểu hiện tình yêu (85% kim cương được mua tại Mỹ đều có vai trò như quà tặng hơn là của để dành). Và điều gì xảy ra nếu kim cương ra lò từ phòng thí nghiệm sẽ tràn ngập thị trường hột xoàn trị giá 60 tỉ USD?
Kim cương lab khác thế nào với kim cương thật?
Sự bùng nổ hột xoàn nhân tạo là kết quả của 50 năm nghiên cứu. Bước đột phá đầu tiên xảy ra năm 1954, khi Tracy Hall – nhà nghiên cứu thuộc General Electric (GE) tại Schenectady (tiểu bang New York) sáng chế cỗ máy tạo áp suất và nhiệt độ cực cao. Ngày 16-12-1954, trong 38 phút, cỗ máy Tracy Hall đã tạo ra áp suất 100,000 atmosphere lên hỗn hợp sulfide sắt cùng hai tinh thể rồi cho ra đời một số hạt đá cực nhỏ. Chúng cứng như kim cương thật nhưng không lấp lánh: cấu trúc tinh thể của chúng còn quá thô. Dù vậy, De Beers cũng hoảng vía khi nghe tin.

Thành lập năm 1888 và duy trì thế độc quyền suốt thế kỷ 20, De Beers không hứng thú trước ý tưởng kim cương nhân tạo được đề xướng trong cộng đồng khoa học. Ít lâu sau, De Beers cũng tung ra máy chế kim cương nhân tạo với thiết kế y hệt Tracy Hall. GE kiện De Beers tội đánh cắp bản quyền và sau 6 năm đáo tụng đình, GE thắng với bồi thường 25 triệu USD. Lúc đó, De Beers đã thành công trong chiến dịch bán kim cương nhân tạo. Phát kiến Hall cũng đồng thời kích thích làn sóng nghiên cứu kim cương nhân tạo. Dù vậy, thiết bị chế tạo tốn kém và quy trình sản xuất viên kim cương giả một carat mất đến cả tuần.
Năm 1989, nhóm 5 nhà khoa học Nga tại Novosibirsk (Siberia) sử dụng kỹ thuật chế tạo kim cương giả ở áp suất thấp (60,000 atmosphere). Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhóm khoa học Nga kêu gọi đầu tư nước ngoài. Năm 1996, doanh nhân Carter Clarke (tướng hưu quân đội Mỹ) sang Nga, chi 57,000 USD để mua cỗ máy chế tạo kim cương (kích thước bằng máy giặt) và thành lập Gemesis (nơi hiện chế tạo hột xoàn giả ở công suất hơn 100 carat/tuần). Và trong khi người ta ve vãn nhóm khoa học gia Nga, Robert Linares lặng lẽ nghiên cứu kỹ thuật mới rồi thành lập Apollo Diamond.
Hàng nhân tạo cạnh tranh với hàng thiên nhiên
Nếu kim cương phòng lab tràn lan, thị trường kim cương thật (trị giá 80 tỷ USD) chắc chắn bị ảnh hưởng – khẳng định của Robert M. Hazen, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Carnegie (Washington DC). Tuy nhiên, Stephen Lussier – giám đốc điều hành tiếp thị De Beers – nói rằng khảo sát riêng của họ cho biết 94% phụ nữ đều khoái hàng xịn hơn hàng dỏm. Dưới mắt nhà khoa học, kim cương phòng lab hoàn toàn giống kim cương tự nhiên về thành phần lý hóa nhưng Lussier nói rằng, “mấy vị khoa học gia chẳng hề hiểu những gì khiến kim cương thật có giá trị đối với các ông khi mua nó và các cô khi nhận nó”. Với De Beers, kim cương chỉ có thể gọi là… kim cương khi nó được lôi lên từ đất và có tuổi hàng triệu năm.

Trong thực tế, kim cương lab thật ra có cấu trúc và thành phần lý hóa không khác gì kim cương tự nhiên. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện kim cương học quốc tế (IGI, New York) từng dùng kính hiển vi siêu mạnh để khảo sát hột xoàn Apollo và cho biết nó hoàn hảo, không tỳ vết, hệt như kim cương thiên nhiên. IGI cũng dùng một thiết bị trị giá 40,000 USD có công dụng bắn ánh sáng hồng ngoại vào hột xoàn nhân tạo để phân tích mức độ phân phối nguyên tử nitơ. Kế đó, IGI dùng hai thiết bị của De Beers – một, gọi là DiamondSure, để kiểm tra mức độ nitơ; và một, DiamondView, để xem xét “cấu trúc phát triển” kim cương bằng ánh sáng cực tím.
Thử nghiệm trên đã phát hiện kim cương được chế từ áp suất cao (nói chung) nhưng nó hoàn toàn không phát hiện kim cương được tung ra từ lò Apollo (mà nguyên tử carbon được hình thành tương tự kim cương tự nhiên)! Trong thử nghiệm cuối cùng, với thiết bị trị giá 100,000 USD, nhóm khoa học IGI làm lạnh một hột xoàn bằng nitơ lỏng rồi bắn tia laser qua nó để nghiên cứu bước sóng. Kết quả, kim cương thiên nhiên được đo với bước sóng 741 nanometer trong khi kim cương Apollo ở bước sóng gần tương đương: 737 nanometer.
Kim cương Gemesis hiện tung hoành ngang dọc và thâm nhập cả Antwerp (Bỉ) – thị trường kim cương lớn nhất toàn cầu, với giá khá mềm (kim cương Gemesis trị giá 4,000-5,000 USD/carat trong khi kim cương tự nhiên từ 15,000-20,000USD/carat). “Theo quan điểm chúng tôi, kim cương nhân tạo vẫn là kim cương” – phát biểu của Stephen –Morisseau, phát ngôn viên Viện nghiên cứu đá quý Hoa Kỳ (GIA). Washington Post (21-7-2017) cho biết, doanh số kim cương phòng lab hiện ước tính khoảng 150 triệu USD và có thể tăng lên 1.05 tỷ USD vào trước năm 2020. Giới trẻ đặc biệt thích kim cương lab, dĩ nhiên vì lý do thuyết phục nhất là nó rẻ.
Kim cương lab đang thật sự tung hoành ngang dọc. Năm 2012, Amish Shah, chủ tịch ALTR – chi nhánh thuộc tập đoàn bán sỉ kim hoàn R.A. Riam Group (New York), đầu tư hàng triệu đôla vào kỹ thuật chế tạo kim cương nhân tạo. Chuỗi cửa tiệm đầu tiên của ông xuất hiện vào hè 2016 và hiện kim cương nhân tạo của ông được bán tại hơn 100 cửa tiệm. Diamond Foundry (California), với Leonardo DiCaprio là một trong những cổ đông, cũng bán kim cương nhân tạo tại Barneys (New York). Và tại Ada Diamonds, mới thành lập tại Silicon Valley, khách hàng có thể “tùy biến” sản phẩm theo màu, từ trắng, hồng, xám đến đen!
Nhìn chung, giới chuyên môn vẫn nhìn kim cương nhân tạo bằng cặp mắt kỳ thị. Theo Salon Magazine, IGI hiện tiếp tục từ chối xếp loại và đánh giá kim cương nhân tạo bằng tiêu chuẩn “4 C” quen thuộc (carat, color, clarity, cut – carat; màu, độ sạch-sáng và kỹ thuật cắt). Một số chuyên gia cho rằng hột xoàn nhân tạo “cũng dễ thương thiệt” nhưng không thể và không bao giờ so được với hột xoàn xịn. Tháng 4-2004, Thị trường chứng khoán kim cương Israel chính thức cấm kinh doanh kim cương nhân tạo. Tuy nhiên, với nhiều chủ cửa tiệm kim hoàn tại New York cũng như Paris, kim cương nhân tạo chắc chắn sẽ trở thành xu hướng, đặc biệt với giới trẻ, thành phần không đủ giàu để mua hàng xịn nhưng có thể dành dụm để mua một nụ cười tình nhân bằng viên hột xoàn giả cao cấp lấp lánh chẳng thua gì viên đá vĩnh cửu của De Beers.
MK