Trong bãi đậu xe
Cũng là người Việt Nam, nhưng khi ta ở ao nhà, chúng ta thường có cách xử thế khác với khi chúng ta đang ở đất người. Cũng một con người đó, khi ở khu chợ Việt thì thản nhiên quẳng tàn thuốc xuống đất hay thuận tay vứt một miếng giấy nhỏ xuống đường, nhưng ở khu Chợ Mỹ thì ông ta đi tìm cái thùng rác.
Người Việt chúng ta trong bãi đậu xe khu chợ Việt, có ít người đi kiếm chỗ dành cho “shopping cart,” mà sau khi chất thực phẩm lên xe, thản nhiên dúi cái xe vào đầu xe người khác, hay bỏ xe sát giữa hai xe đang đậu, thậm chí còn quẳng cái xe sau đít xe thiên hạ.
Vì vậy đôi khi chúng ta đến một cái chỗ trống, nhưng nằm ngay ở đó là một cái xe đẩy hàng, chúng ta phải xuống xe giữa đường để đẩy cái xe đang nằm chơ vơ ở đó đi chỗ khác.
Ở khu chợ nào, dù Việt hay Mỹ, trong khu parking, người ta vẫn thường dành chỗ cho những chiếc xe đẩy hàng, nhưng không như trong các khu Mỹ, người mình hay ngại đẩy trả cái xe về nơi “chỉ định cư trú” cho nó, tiện đâu vứt đó.
Trên chiếc xe để lại cho người đến sau, còn có cái biên lai của chợ, cái bao ny-lông rách hay một ly cà phê đã uống xong, cái vé số cạo (xong) để dành cho người sau vứt giùm người đã dùng xe trước.
Trong những khu chợ có quán cà phê, thường là những nơi có rác nhiều nhất: tàn thuốc, bao thuốc, ly giấy, ly nhựa, có khi là một vài cái vé lotto… Ở chỗ máy ATM của nhà băng trên đường Brookhurt, Westminster, rất nhiều người sau khi rút tiền, không chịu nhặt cái “receipt” mang theo mình, lại thuận tay nhét cái mảnh giấy nhỏ này vào lại cái lỗ “deposit.” Quá nhiều người làm như vậy, nên trước máy ATM, lúc nào cũng đầy rác rưởi. Lý do cũng vì người quản lý nhà băng này, thấy không cần thiết để một cái thùng rác ở đây. Trong các khu chợ “ao nhà,” các chủ nhân thường dè sẻn, ít sắm những thùng rác cho khách hàng, vì vừa tốn tiền mua, tốn công thay bao rác hàng ngày và cuối cùng là phải thuê người đi đổ rác.
Đồng hương phục vụ… đồng hương!
Cộng đồng sắc dân nào cũng có tệ nạn. Ông Michael J. Cassidy, một vị chánh án của Quận Cam, nơi có con số người Việt định cư cao nhất, nói rằng hầu hết những thanh niên băng đảng đều nhỏ tuổi là những thuyền nhân vượt biển đến Hoa Kỳ sau năm 1977. Họ nghèo khổ, sống đơn độc, không có gia đình, không biết tiếng Anh, khó khăn trong chuyện kiếm được việc làm tốt.
Cách đây gần 20 năm, khi Quận Cam còn nhiều băng đảng người Việt, khi làm ăn đều nhắm vào những gia đình “đồng hương” là nơi dễ tiếp cận, dò xét đường đi nước bước, dễ trấn lột hơn là nhắm vào gia đình những người Mỹ ở địa phương.
Cảnh sát điều tra thành phố San Jose vào tháng 8-2016 đã mở chiến dịch “Gang of Thrones” thực hiện truy quét, đột kích một băng đảng có tổ chức người Mỹ gốc Việt tại đây và bắt giữ gần 20 người, kể cả một cảnh sát viên ở San Jose, cùng với số lượng lớn ma túy, vũ khí, máy đánh bạc và một con cá sấu. Ðây là một băng đảng có mạng lưới tinh vi với các hoạt động cờ bạc, tống tiền, buôn bán ma túy tại một số các quán cà phê Việt nằm rải rác khắp thành phố.
“Ðồng hương phục vụ… đồng hương!” là một khẩu hiệu trên báo chí, trên đài truyền hình, đài phát thanh để quảng cáo cho các dịch vụ, từ một hiệu sửa xe hơi cho đến một tiệm bán điện thoại, nhưng sự thật lại khác.
Trước tháng 4-1975, người Việt Nam ở Mỹ hầu hết là sinh viên du học, các cô dâu Việt theo chồng là quân nhân Mỹ hồi hương, con số vỏn vẹn không đến số nghìn, cho nên đồng hương gặp nhau trên xứ người là điều hiếm hoi, quý báu. Ngay cả lúc có phong trào vượt biển, ở các tiểu bang miền Ðông còn thưa thớt người Việt, nên người Việt gặp người Việt, tình nghĩa còn đậm đà, họ kết bạn, cũng là những kẻ ly hương, lui tới thăm nhau cho bớt nỗi nhớ nhà. Muốn mua một chai nước mắm, bao gạo, phải chạy xe năm bảy mươi dặm, nhưng thăm bạn bè cũng không tiếc thời gian.
Cái gì ít ỏi, thiếu vắng mới quý, ngày nay có hơn 1.8 triệu người Việt trên xứ Mỹ. Người Việt bỏ nước ra đi trong nhiều đợt, – hoảng loạn trước và sau ngày xe tăng Bắc Việt vào Saigon, – những đợt vượt biển nguy hiểm, đầy sóng gió, chết chóc kéo dài trong vòng 25 năm, – đợt tù nhân tập trung “cải tạo” được Hoa Kỳ can thiệp cho nhập cư Mỹ, – đợt tìm về quê cha của những trẻ em lai Mỹ, – và 10 năm sau đợt người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, một số đông gia đình được đến Mỹ, trong diện bảo lãnh thân nhân.
Thành phố San José (Bắc Cali) và Garden Grove (Nam Cali) là hai thành phố đông người Việt nhất, có nhiều vị dân cử, khoa bảng, nhưng ở đây cũng có nhiều tệ nạn. Thành phố Garden Grove có gần 48,000 người Việt trên 175,000 cư dân, nhưng con số tội phạm chiếm 25%.
Chúng tôi đã nghe nhiều người Việt ở các tiểu bang miền Ðông, gọi những nơi này là chốn “gió tanh mưa máu,” vì là nơi có nhiều băng đảng, tội phạm, lừa đảo, cũng là nơi cộng đồng chia rẽ, thậm chí có người đặt vè:
“Bolsa đất chật người đông,
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”
Trên báo chí trong những năm gần đây không thiếu những người sa lưới pháp luật vì lường gạt “đồng hương,” vì chắc chắn, vì đồng ngôn ngữ, tin tưởng nhau là người Việt với nhau nên nhẹ dạ cả tin. Không nghe nói một người ngoại quốc nào bị người Việt lường gạt, cũng không nghe nói một gia đình Mỹ nào ở đây bị băng đảng người Việt cướp bóc. Có những công ty ma, nhận tiền sửa nhà, xây cất công trình cho nhiều gia đình người Việt, nhưng quá hạn, tìm đến thì người nhận tiền đã cao bay xa chạy, trong khi nhà cửa nạn nhân đã tháo dỡ, ngổn ngang chờ thợ đến sửa.
Về những vụ ăn cắp vặt vãnh thì không thiếu. Ông Nguyễn Thanh Hồng, cư dân thành phố Westminster, bị trộm cắt hàng rào, bưng đi những cây kiểng đắt tiền trong hai cuối tuần liên tiếp. Ông đã than thở với một phóng viên của nhật báo Người Việt, nhưng cuối cùng Tết năm vừa qua, nhà phóng viên này lại bị kẻ gian nhảy qua hàng rào bê đi mấy chậu hoa. Kẻ gian không chọn nhà Mỹ, sợ bị ăn đạn, và bạn có nghĩ rằng khi nhà mất đi mấy chậu hoa chưng Tết, có cần thiết phải đi báo với cảnh sát cho lôi thôi không?
Ông Hồ Triết, ở thành phố Garden Grove, nói chắc nịch:
“Kẻ gian là người Việt mình, người Mễ không có ăn cắp vặt như vậy. Vô gia cư thì không hẳn, nhưng dạng gần giống như vậy. Họ cũng có gia đình, cũng có con đi học hành đàng hoàng, nhưng có lẽ do cờ bạc hay sao đó, không có tiền nên đi vòng vòng ăn cắp vặt như vậy. Nhà tôi thường trồng thanh long, ổi, nhãn, táo Tàu… nên có trái cây gì thì họ lấy trái đó. Tôi từng hỏi một người sao biết nhà Việt Nam mà vô hái, họ cho biết phần lớn nhà Việt Nam mới trồng thanh long.”
Kẻ cắp người Việt công khai, không những leo vườn hái trái cây, mà có khi chặt cây hoặc bưng nguyên chậu. Khi bắt gặp những người Việt này, họ ngang nhiên nói họ chỉ vô vườn xin hái ít trái cây thôi, “gì mà la lối dữ vậy!”
Kẻ gian người Việt rành tâm lý, biết người Việt không dám dùng súng, bản chất xuề xoà, mọi sự đều cho qua!
Một người đàn ông gốc Việt, Nguyễn Gia Phong – 32 tuổi ở thành phố Westminster, đã quảng cáo trên Craigslist, nhận vơ là chủ những căn nhà không phải của mình ở Huntington Beach, quảng cáo có phòng cho thuê, nhận tiền cọc và tiền nhà tháng đầu tiên của 8 người mướn, đã bị ra toà với tội danh trọng tội ăn trộm vì lừa đảo. Số tiền đồng hương bị lừa đảo này lên đến $15,000. Người Việt dễ tin người, và khi xảy ra sự việc thì thà chịu mất tiền, hơn là thưa gởi phiền phức, theo quan niệm “vô phúc đáo tụng đình” của người Việt.
Những vụ giật hụi, quỵt nợ, trộm tiền mặt vẫn thường xảy ra trong cộng đồng người Việt, nhưng không ai bị xét xử, vì nạn nhân là những gia đình có trợ cấp tiền mặt của chính phủ, dành dụm tiền không khai báo, nên khi bị lường gạt, đành phải im hơi lặng tiếng.
Ở khu Phước Lộc Thọ, Bolsa hay Century Mall, San Jose mua bán còn nói thách, trả giá như ở Chợ Bến Thành hay Ðồng Xuân, và có điều chắc chắn là hàng mua từ các cửa hàng “đồng hương”người Việt rồi, khó lòng đem trả lại dễ dàng như ở các tiệm Mỹ trên đất Mỹ.
HP