Thưa đời không như là mơ! Vì mơ là một chuyện; thực tế trần truồng là một chuyện khác.
Mơ học báo chí thì những năm 70 chỉ Viện Ðại học Ðà Lạt mới có. Nghèo sặc gạch như người viết, ghi danh đi học chứng chỉ Toán lý Ðại cương (MGP) Ðại học Khoa học Sài Gòn mà má, ba còn lo không xuể thì cách chi mà lên Ðà Lạt để ‘mùa xuân sang có hoa anh đào’! Thôi đành: ‘Em ơi! Nếu mộng không thành thì thôi.’
Mãi đến khi phiêu bạt quê người mới có dịp làm báo… ‘’đời”. Mà làm báo coi như móc bọc, nghèo; nhưng nghèo mà sướng lắm nhe: Ðược độc giả rủ rê đi nhậu hoài hè… làm con vợ tui nó rầy tui quá xá.
Chẳng qua bạn hiền Lê Trung Thụy, Ðại học Khoa học Sài Gòn năm 1967, nhà anh chỉ cách nhà em cái giậu mồng tơi xanh rờn, 2 căn… cực kỳ ái mộ mấy đứa làm báo hay nói láo, nên ‘hú u’.
“Ai kêu tui đó?” Nghèo mà ham vui. Vui thì phải nhậu. Mà nhậu thì cần rượu. Ngặt cái hổng có tiền mua!
Anh Thụy nói: “Tưởng chuyện gì? Rượu đỏ là chuyện nhỏ! Chỉ cần một điều kiện là nhậu xong, chú em phải viết một bài tường trình về Lễ Sinh Nhựt một thập niên của Cựu Sinh viên Trường Ðại học Khoa học Sài Gòn ở Melbourne. OK?”
Buồn ngủ mà gặp chiếu manh. Chữ mình một bụng, nhưng bán chẳng ai mua. Thôi thì chữ ‘ế’ đem đi đổi rượu cũng được.
Người Việt mình, Bắc, Trung, Nam kể cả người Việt gốc Hoa, giống nhau ở chỗ:”Không ăn đậu không phải là Mễ; không đi trễ không phải Việt Nam!”
Ba giờ chiều ngày 6, tháng Tám, năm 2017, đồng hồ khỏ bon bon, mà chỉ có vài đứa đến đúng giờ để đặt bàn, bày ghế, trang trí cái phòng khách rộng minh mông, cắm điện cái đàn organ, để ban nhạc (một người), tò le tí le cho xôm tụ.
Còn mấy huynh trưởng khác không muốn đến sớm, chắc ngại sợ thiên hạ nói mình ham ăn, nên bạn mình cứ phè cánh nhạn, tới lai rai.
Ông thì nhà xa, bà thì bận lo cho cháu. Vì ba má sắp nhỏ mắc bận đi nhảy đầm nên gởi cho ông bà nội ngoại làm ‘child care!’ Chủ Nhựt mà.
Chuyện đâu còn có đó,việc gì mà gấp chớ! Chúng ta ra đi mang theo nền văn minh lúa nước rất đáng yêu (và cũng rất đáng quạu).
o O o
Mùa Ðông xứ Úc ngày dài đêm vắn, mới 5 giờ thôi mà trời đã sụp tối.
(Bà con biết mà: Cái gì nóng là nó nở ra hè! Mùa Hè nước Úc cũng vậy, gặp nóng là ngày nó nở rộng kinh luôn, mà không cần tới ‘viagra’. Ngày dài… dài ra.
Mùa Ðông nước Úc cũng vậy, gặp lạnh, là ngày nó thun lại. Ngày vắn… vắn lại.
Thôi tối hù rồi mình khai mạc đi! Ðói bụng rồi nhe!
Người viết có cái ngạc nhiên là qua đây có rất nhiều hội cựu học sinh các trường Trung học. Nhưng trường Ðại học lại hơi bị… ít.
Thế nên nhóm cựu sinh viên trường ÐHKH Sài Gòn chơi với nhau đã 10 năm, một thập niên dài đăng đẳng mà cho tới nay tui mới biết. (Thiệt là hụt ăn ‘chực’ tới 9 lần nên tiếc hùi hụi hè!)
Ôi nhớ xưa: Con trai sau khi đậu tú tài hai, đứa nào theo Ban B là tới trường Ðại học Khoa học mà ghi danh vô chứng chỉ MGP (Toán Lý Ðại Cương) tính làm Albert Einstein, hay chứng chỉ MPC (Toán Lý Hóa) để làm kỹ sư đào mỏ.
Còn con gái, vua gạo bài, đa phần theo ban A, thì ghi danh vô chứng chỉ SPCN (Lý Hóa Vạn Vật) để sau nầy thi vô Ðại học Y Khoa, học ra làm bác sĩ để chích ‘đít’ anh chơi!
Mấy chú MGP và MPC nầy học không lo mà con mắt cứ liếc đưa tình với mấy em SPCN thôi, đẹp não nùng như cô đầm Brigitte Bardot vậy. Hậu quả là sau hai kỳ thi cuối năm, rớt hết ráo. Ðậu chỉ có từ 5 tới 10% là hết mức! Cả 3, 4 ngàn đứa, còn trụ lại được trong cơn sóng gió ba đào, giỏi lắm chỉ còn được 1, 2 trăm!
Mấy đứa rớt: Con gái thì lên xe bông, đi lấy chồng; con trai thì tan mùa thi là anh đi lính, theo tiếng gọi của núi sông, ‘dông’ vô trường Bộ Binh Thủ Ðức.
Giờ già nhớ lại, đúng là cái thời tập tễnh từ học sinh ở với Tía Má rồi phải chuyển qua đời sinh viên xa nhà lại là khoảng thời gian đẹp nhứt của đời người.
Ði chơi ‘líp ba ga’ mà không sợ Tía má rầy la hay cho ăn cái chổi chà.
Tui nhớ trường Ðại học Khoa học Sài Gòn năm ấy, 1970, nằm trên Ðại lộ Cộng Hòa vốn là ở ké đất của trường Trung học Petrus Ký do Giáo sư Nguyễn Chung Tú làm Khoa trưởng.
Trong sân trường có mấy cây điệp Tây. Cuối mùa Hạ, sơ thu, trường đã tựu, vẫn còn bông vàng lác đác. Nhớ đám sâu đo, nhỏ như sâu gạo, từ cành lá thả tơ, buông mình sâu xuống đất để nhát mấy em học SPCN.
(Anh bạn nhậu của tui, cưới vợ rồi chỉ ước mình được làm con sâu để vợ ảnh mới sợ mà thôi!)
Người dẫn chương trình là anh Trương Như Tuấn (nk 1973) đã bỏ nhiều công sức ra tổ chức Lễ Sinh Nhựt 10 năm cho nhóm Cựu Sinh viên ÐHKH Sài Gòn ở Melbourne, nên được anh em mình tấn phong là ông Cả, theo kiểu miền Nam, dẫu anh là dân Huế của mình ơi, vốn dòng Tôn Thất…
Cũng nhờ nhiệt tình của nhạc sĩ Lê Nguyên Trúc (nk 1968) và nhất là Nguyễn Chiếu (nk 1971), điệp viên không không thấy, vì ảnh vừa đeo kiếng đen vừa bận rộn chụp… hình kỷ niệm.
Cũng xin cám ơn quý chị đã trổ tài làm bếp! Toàn là những món ngon, vật lạ Nam, Trung, Bắc lẫn của người Việt gốc Hoa.
Từ bánh khọt, miến xào kiểu Singapore cho tới bánh củ cải Triều Châu…
Ngon quá! Mà tui khờ thôi hết biết, mãi lo tán dóc, quay qua quay lại hết sạch bon (chứng tỏ nó ngon) Hu hu!
Lần sau tui sẽ không dám khờ như vậy nữa!
o O o
Vô bàn, đặt mâm, ngồi kế bên người viết là Quách Vũ Uối, Hội trưởng TQLC Úc Châu, một bạn hiền ‘tu’, cữ rượu, uống ít, nhưng ảnh nói còn cái vụ ‘kia’ thì từ từ sẽ cữ!
Quý anh mình xuất thân Cử nhân từ trường Ðại học Khoa học Sài Gòn vượt biên qua đây, định bằng lại rồi tiếp tục học lên Tiến sĩ, làm Giáo sư trường Ðại học Monash của Úc. Hãnh diện nhe!
Bằng hữu Lê Bình, chủ chợ Little Sài Gòn, nói: “Mừng cho mấy anh có bằng Ph. D; còn tui có bằng Ph. O!”
Hỏi cái bằng gì nghe lạ quá hè? “Ph.O là Phở …vì Bình qua đây chuyên bán Phở!”
Hèn chi giọng hát của Lê Bình rất ngọt ngào như nước lèo của phở tái nạm gầu bỏ thêm chút hành trần và có chan thêm nước béo.
Lê Bình mời: “Tui có chai Penfold 1993 đây; rót cho ông một ly!” Lại vô mánh! Luật sư nói là có tiền, còn mình nhà báo nói là có rượu.
Lê Bình là người chịu chơi, thích sưu tầm các loại nhạc khí, nhạc cụ và rất nhiều các loại đàn…từ đàn đá… tới cả…đàn…bà!
Rượu được vài tuần, Lê Bình chiếm đài phát thanh, cầm ‘mi-cà-rô’, hát bản Khúc Thụy Du, thơ Du Tử Lê, nhạc của Anh Bằng, để thương mến trao về anh Lê Trung Thụy, chủ nhà, đã có nhã ý cho anh chị em mình họp mặt đêm nay.
(Tuấn Ngọc mà nghe Lê Bình hát thì chỉ còn có nước ‘mộng du’ chớ không phải ‘thụy du’ (Ngủ mà mớ… vẫn nhớ hoài chim bói cá.)
Tui e rằng anh Thụy, khoe được bà xã, chị Diệp Gò Công, tặng quà Sinh Nhựt là một vỉ viagra; nhưng lần nầy tui e bắp đùi của anh Thụy tối nay, sẽ bị bầm tím vì ‘Khúc Thụy Du’ cho mà coi!
Vì đây là bài hát khóc cho một mối tình tan vỡ với ai kia: ‘Em là chim bói cá’. He he!
Rồi tắt bớt đèn, trong cái mờ mờ ảo ảo, chương trình dạ vũ bắt đầu. Slow với lại Rumba cộng với ‘Lam ba da’. Ôi thiệt là: ‘Cha cha cha’!
Việt Nam, chồng hay ‘quánh’ vợ nên gọi là vũ phu. Qua đây, đất của Nữ Hoàng, vợ ‘quánh’ chồng gọi là ‘vũ nữ’. Khi hai vợ chồng ‘quánh’ nhau thì ta gọi là vũ ‘sexy’! Là ‘luân vũ’! Tức là em sẽ ‘nhảy’ với anh!
Ðêm vui nào cũng phải tàn. Thôi gặp nhau đây rồi chia tay!
Về tới nhà, mới bước vô là thấy em yêu của tui đang cầm cái chổi chà, núp sau cánh cửa.
“Em ơi! Anh đây mà!” Nhém chút nữa, là Má tui hổng nhìn ra tui rồi! Hi hi!

DXT – melbourne