Menu Close

Glen Campbell

gl-ianbui-02

Ca sĩ Glen Campbell vừa qua đời hôm 8/8 tại Nashville, sau sáu năm mắc bệnh Alzheimer. Để tưởng niệm Glen Campbell, mời bạn đọc đi ngược thời gian với bài sơ lược tiểu sử của người nghệ sĩ đa tài này.

Tháng 2 năm 1966, người Việt ở miền Nam bắt đầu được xem TV. Thời đó chỉ có màn hình trắng đen nhỏ xíu và hai đài duy nhất: băng tần số 9 của đài truyền hình quốc gia; băng tần số 11 của quân đội Mỹ. Thuở ban đầu, khi chưa lập tổng đài ở đường Hồng Thập Tự, người Mỹ đã phải cho phi cơ bay lòng vòng trên không để phát sóng, mỗi ngày một tiếng. Về sau tăng lên hai tiếng, dần dần lên năm sáu tiếng.

Nhờ có đài Mỹ nên dân ta được coi những chương trình như Mission Impossible, Hawaii Five-O, Gunsmoke, Wild Wild West, Combat… Thể thao có football và baseball (coi chẳng hiểu gì ráo). Nhạc thì có Lawrence Welk, Hee Haw, Smothers Brothers, Glen Campbell v.v…

Những ai từng lớn lên ở các thành phố có đài phát sóng như Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ có lẽ đều đã được coi Glen Campbell đàn hát với những người khách của anh trong chương trình “Glen Campbell Goodtime Hour”. Mặc dù nổi tiếng với những bài nhạc country như “Wichita Lineman”, “Rhinestone Cowboy”, nhưng Glen Campbell không phải là một nhạc sĩ country theo nghĩa thông thường. Có thể nói anh là người đầu tiên đã đem được nhạc country đến với thính giả của nhạc pop/rock, và ngược lại.

Sanh ra trong một gia đình tá điền đông con ở vùng quê Arkansas, Glen là người con thứ bảy trong số 12 anh chị em. Glen kể lại rằng cha mẹ và anh chị em mình rất sùng đạo, đi nhà thờ Baptist, và thích đàn hát. Trong nhà bao giờ cũng có tiếng nhạc. Hồi đó họ có một chiếc radio chạy pin nho nhỏ, nhờ đó mà Glen được nghe các chương trình nhạc jazz, big band, country thịnh hành thời 40-50.

Khi Glen mới lên 4, chú của Glen mua cho thằng bé một cây đàn của Sears giá $5 và dạy ảnh chơi vài ngón, Glen mê lắm. Khi Glen lên 10, bố của anh mua cho thằng con trai út một cây đàn guitar loại nhỏ.  Như cá gặp nước, Glen cầm cây guitar chơi miết tối ngày sáng đêm, thậm chí đi học cũng xách nó theo. Ðến năm 14 tuổi, Glen đã chơi đủ khá để đi đàn với người chú tại các quán nhạc trong vùng và còn xuất hiện trên đài TV địa phương. Năm lên 15 Glen Campbell bỏ nhà ra đi, xuống Houston kiếm việc làm vì không thích công việc đồng áng. Ðược chẳng bao lâu thì Campbell nản làm việc tay chân, bèn theo người chú qua Albuquerque (New Mexico) kiếm sống bằng nghề chơi đàn trong ban nhạc của chú mình. Tại đây, lúc mới 17 tuổi, Campbell quen với một cô gái 16 tuổi, lấy cô ta và có một đứa con gái đầu lòng. Nhưng chẳng được bao lâu thì hai người ly dị.

Năm 1960, Glen Campbell dọn qua Los Angeles, và sau vài năm được nhà xuất bản American Music mướn để viết ca khúc và hát thử (demo) cho các ca sĩ lớn thời đó như Frank Sinatra, Nat King Cole, Elvis Presley, The Monkees… Thời điểm 1960-1963 này Glen Campbell là thành viên của một nhóm nhạc sĩ đánh thuê (session players) được người đời sau gọi là The Wrecking Crew. Họ là những tay đàn chuyên nghiệp được học hành bài bản, có thể chơi đủ thể loại—từ jazz đến folk hay rock. Trừ Glen ra, tất cả đều biết nhạc lý và có thể đọc nhạc. Ngược lại, Glen Campbell chỉ biết nghe rồi đánh. Thế nhưng anh có biệt năng là học rất nhanh, đánh rất nhuyễn, và có thể chơi cả đàn banjo, mandolin và bass.

The Wrecking Crew đã giúp đưa không biết bao nhiêu dĩa nhạc thời đó lên #1 trên bảng Billboard: Sound of Silence (Simon & Garfunkel), Good Vibrations (Beach Boys), California Dreamin (The Mamas & Papas), Strangers In The Night (Frank Sinatra)… và còn rất nhiều nữa, đếm không xuể. Tính tới năm 1964 thì Glen Campbell đã xuất hiện trong gần 600 dĩa nhạc của người khác–mặc dù ẩn danh. Và anh có thể chơi đủ kiểu nhạc tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Năm 1964 Glen được mời đi tour với ban Beach Boys để chơi đàn đệm. Nửa chừng thì thủ lĩnh ban nhạc là Brian Wilson bị bệnh. Thế là Glen Campbell nhảy vô hát bè và đánh bass thay thế cho Wilson. Năm 1965 anh ra được một dĩa đơn bài “Universal Soldier”, nhưng chỉ leo lên đến hạng 45, tức chưa vào được Top-40. Khi ban Beach Boys cho ra dĩa Pet Sounds—được xem là dĩa nhạc hay nhất và quan trọng nhất của ban nhạc, Glen Campbell cũng được mời vào để đánh đàn.

Ðến khoảng 1967 thì hãng dĩa Capitol bắt đầu muốn dẹp hợp đồng với Glen Campbell vì thấy không khá nổi. Ngờ đâu năm đó anh cho ra bài “Gentle On My Mind” (tác phẩm của John Hartford) thành công ngoài sức tưởng tượng. Hartford và Campbell thắng cả thảy bốn giải Grammy năm 67. Ngay sau đó Campbell cho ra tiếp bài “By The Time I Get To Phoenix” cũng lên đến hạng nhì trên Billboard và đoạt hai giải Grammy. Frank Sinatra gọi nó là “bản nhạc tình phụ hay nhất mọi thời đại”, còn tổ chức Broadcast Music Inc (BMI) thì xếp nó vào hạng 20 trong 100 bản nhạc hay nhất thế kỷ.

Glen Campbell trong phim “True Grit” với John Wayne
Glen Campbell trong phim “True Grit” với John Wayne

Thế là qua đêm Glen Campbell bỗng trở thành siêu sao trong làng nhạc country.

Glen Campbell được hai anh em Smothers Brothers mời làm một chương trình TV nho nhỏ vào mùa hè, và rất được khán giả ưa chuộng. Thấy vậy họ giao cho anh làm MC một chương trình quy mô hơn mang tên “Glen Campbell Goodtime Hour”, với vô số ca nhạc sĩ nổi danh là khách danh dự–Bread, The Monkees, Neil Diamond, The Beatles, Willie Nelson, Johnny Cash… Show này kéo dài từ 1969 đến 1972 mới chấm dứt. Nhờ nó mà dân Mỹ biết đến Glen Campbell nhiều hơn, và người Việt cách nửa vòng trái đất cũng nghe đến tên anh.

Nhưng khác với những ca sĩ country trước đó, nhạc của Glen Campbell còn thu hút được giới nghe nhạc pop và nhạc rock. Lý do cũng dễ hiểu: tuy gốc của Campbell là dân ruộng, nhưng anh khởi nghiệp bằng nghề đánh nhạc pop/rock cho người khác. Cho nên nhạc country của Glen Campbell luôn có âm hưởng và phong cách ấy. Về sau nhiều nhạc sĩ country lớn cũng đi theo hướng này, thành công nhất phải nói là Garth Brooks.

“Rhinestone Cowboy”, dĩa nhạc bán chạy nhất của Glen Campbell, là một thí dụ điển hình. Nó là một tác phẩm country của ca sĩ Larry Weiss, ra đời năm 1974 và không được nổi tiếng cho lắm. Trong khi đang đi tour ở bên Úc, Campbell tình cờ nghe được bản này trên radio và cảm thấy hợp với mình. Thế là khi về trở lại Mỹ anh thuyết phục hãng dĩa để cho mình thâu lại bài này theo phong cách của mình. Kết quả là “Rhinestone Cowboy” của Glen Campbell đã đứng đầu ba bảng Billboard (country/pop/rock) trong cùng một tuần lễ. Từ trước đến giờ ngoài Elvis ra chưa ai làm được chuyện đó.

Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Sau khi cuộc hôn nhân thứ nhì tan vỡ, với thêm ba đứa con, Glen Campbell lấy người vợ thứ ba, trước đó là vợ thứ nhì của ca sĩ Mac Davis. Hai người vừa có được một đứa con chung thì bà này đâm đơn ly dị. Glen Campbell vào thời điểm này bắt đầu uống rượu và dần dà nghiện cocaine. Có tiền, có tiếng, Glen Campbell ngày càng lún sâu vào vũng lầy của sự thành công.

Phải đến năm 1982, khi Glen Campbell lấy người vợ thứ tư, Kim Woolen, cuộc sống của anh mới bắt đầu ổn định trở lại. Kim sanh cho anh ba đứa con, một trai hai gái. Nhờ sự kiên trì của một người vợ tuyệt vời, cuối cùng Glen cũng bỏ được rượu và cocaine, và lần đầu trong đời anh có thì giờ cho con cái thay vì cho công việc. Ba đứa con sau cùng của Glen Campbell—Cal, Shannon, và Ashley, đều chơi nhạc và đã tour với Bố mình trong tour cuối cùng của Glen Campbell năm 2012, mệnh danh “Goodbye Tour” (Tour Tiễn Biệt).

Sở dĩ có tour tiễn biệt là vì vào năm 2010 Glen Campbell phát hiện mình mắc bệnh Alzheimer, một căn bệnh nan y khoa học chưa tìm ra cách chữa. Người bệnh dần dần mất trí nhớ và không thể sinh hoạt bình thường. Thay vì để cho Alzheimer giết mình lần mòn trong im lặng, Glen và gia đình quyết định dùng cơ hội này, khi bệnh tình của Glen chưa nặng lắm, để công khai hoá chuyện này và giúp công chúng hiểu thêm về căn bệnh quái ác này. Mới đầu họ dự định chỉ đi tour 5 tuần lễ rồi ngưng, nhưng rốt cuộc tour này đã kéo dài 15 tháng với tổng cộng 151 show cả thảy, đi đến khắp nơi trên thế giới từ Âu sang Á, Ðông sang Tây.

Ashley Campbell kể rằng có đêm thì mọi chuyện êm xuôi, nhưng cũng có đêm Bố mình chơi lạng quạng, quên trước quên sau. Ðến những show sau cùng, họ phải cắt bỏ những bản nhạc từ dĩa mới của Glen ra khỏi show vì ông khi nhớ khi quên. Nhưng dù vậy khán giả vẫn đi xem đông nghẹt và ủng hộ ông hết mình.

Ngay sau khi chấm dứt Goodbye Tour, Glen Campbell bắt tay ngay vào việc thâu dĩa nhạc cuối cùng của mình, tựa là Adios (Vĩnh Biệt). Mặc dù dĩa này đã hoàn tất năm 2013, nhưng Glen dặn không cho phát hành  ngay, mà phải đợi đến khi mình gần chết hãy đưa ra. Ðến năm 2014, Glen Campbell được đưa vào một trung tâm “chờ chết” (hospice) dành riêng cho bệnh nhân Alzheimer ở Nashville. Dĩa Adios được phát hành vào tháng 6 năm 2017 thì hai tháng sau Glen Campbell trút hơi thở cuối cùng.

Nói đến nhạc của Glen Campbell thì không biết bao nhiêu mới đủ. Ông đã ra cả 80 album, bán được trên 50 triệu dĩa. Ngoài những bài top hit như đã nêu trên còn vô số những bài ít ai biết trừ phi là fan thứ thiệt. Chẳng hạn như “Love Is The Answer” (Todd Rundgren), “Grow Old With Me” (John Lennon), hay bài “Mull of Kintyre” (Paul McCartney) mà chính Glen Campbell thổi kèn bagpipes.

Ngày nay nhờ có Internet và Youtube, ta có thể lục tìm những video clip cũ của Glen Campbell để xem lại. Từ “Goodtime Hour” thời chiến tranh Việt Nam cho đến “Farewell Tour” gần đây nhất. Xem không phải chỉ để nghe lại những âm thanh xưa cũ hay sống lại một thời dĩ vãng, mà còn để khám phá nhiều điều mới lạ từ người nghệ sĩ đa năng, đa tật, đa tài này.

R.I.P. Glen Campbell, cõi tạm này sẽ nhớ anh.

IB