Charlottesville là một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Virginia với dân số 47,000 người. Mặc dù không được nhiều người biết tới như những thành phố Richmond, Fredericksburg hay thung lũng Shenandoah – chỉ cách đó một giờ lái xe và là những nơi xảy ra các trận đánh quan trọng nhất trong cuộc nội chiến Nam Bắc của Hoa Kỳ – nhưng Charlottesville vẫn phảng phất mang nhiều dấu vết và di tích lịch sử nước Mỹ, trong đó có một số tượng đài của những lãnh tụ của quân đội miền Nam thời nội chiến.

Nhắc đến Charlottesville người ta không thể không nói đến trường đại học danh tiếng University of Virginia, được thành lập năm 1819 bởi Thomas Jefferson, tác giả của bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, nhưng nó lại được xây dựng bởi những người nô lệ da đen thời đó. Mãi đến năm 1950 ngôi trường này mới bắt đầu thu nhận sinh viên da đen, và theo số liệu của nhà trường cung cấp, tỉ lệ sinh viên da đen theo học tại đây chỉ chiếm có 6 phần trăm vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Charlottesville lại được xem là một thị trấn cấp tiến nằm lọt thỏm trong một khu vực tương đối bảo thủ của tiểu bang Virginia, và trong cuộc bầu cử vừa qua, người dân của thị trấn này đã bầu lên một thị trưởng cũng có tư tưởng cấp tiến là ông Michael Signer.

Tương tự như một số thành phố lớn nhỏ khắp nước Mỹ, trong hơn một năm qua, chính quyền thành phố Charlottesville tích cực tham gia vào những cuộc tranh luận về việc có nên giữ lại những tượng đài của quân đội miền Nam thời nội chiến hay không, và sau cùng người ta đã đi đến quyết định là tháo gỡ bức tượng của tướng Robert E. Lee tại công viên Emancipation Park (trước đó có tên là Lee Park) vào Tháng 7 vừa qua. Quyết định này đã tạo ra những cuộc tranh cãi giữa nhóm người ủng hộ việc giữ lại và nhóm người muốn gỡ bỏ tượng đài. Và đó là lý do đưa tới cuộc biểu tình của nhiều trăm người da trắng, đa số là những thanh niên còn rất trẻ, diễn hành qua khuôn viên của Ðại học Virginia vào tối hôm Thứ Sáu 11/8. Ðây là nhóm người thường tự xưng là nhóm “alt-right” – chữ viết tắt của “alternative right”, nghĩa là “nhóm cánh hữu khác”. Họ là những người da trắng có tư tưởng không những cực bảo thủ mà còn mang đầu óc kỳ thị chủng tộc, chống di dân, tự cho người da trắng là độc tôn. (Xin đừng lầm lẫn với những người có tư tưởng bảo thủ truyền thống, ví dụ như Thượng nghị sĩ John McCain – là một chính trị gia bảo thủ nhưng trong nhà ông có một cô con dâu người da đen và một cô con gái nuôi người gốc Á châu.)
Những người trong đoàn biểu tình này, trong khi diễn hành tại Ðại học Virginia, trên tay họ cầm những bó đuốc rực sáng và hô những khẩu hiệu kỳ thị chống lại người da màu và Do Thái. Sáng hôm sau, nhóm người này, trong số đó có nhiều người mặc những bộ đồ trông như quân phục và trong tư thế như chuẩn bị tham chiến, tiến về hướng công viên Emancipation Park.
Tại đây, họ đụng phải nhóm người biểu tình khác đông không kém cũng xuống đường để chống lại cuộc biểu tình của họ. Cả hai bên đã lời qua tiếng lại thật dữ dội và rồi chuyện gì phải đến đã đến, bạo động xô xát xảy ra đã buộc cảnh sát phải nhập cuộc và giải tán biểu tình. Nhưng chỉ một lúc sau đó, một chiếc xe hơi do một thanh niên da trắng tên là James Alex Fields, Jr. lái với tốc độ thật nhanh tông thẳng vào đám đông của nhóm người biểu tình phản đối kỳ thị làm cho cô Heather Heyer, 32 tuổi, thiệt mạng và 19 người khác bị thương.
Sự việc bạo động tại Charlottesville một lần nữa dấy lên những cuộc tranh luận khắp nước về nguyên do nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ tại sao vẫn còn tiếp tục tồn tại, vừa âm thầm vừa công khai, mặc dù cuộc nội chiến Nam Bắc đã kết thúc cách đây 152 năm và chấm dứt luôn chế độ nô lệ, và mặc dù với những đạo luật như luật về quyền công dân (The Civil Rights Act of 1964) và quyền được bầu cử (The Voting Rights Act of 1965) tuyệt đối cấm đoán những hành động kỳ thị dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, hoặc nguồn gốc quốc gia.
Hai ngày sau vụ Charlottesville, Tổng thống Donald Trump lên án hành động bạo động, tuyên bố “Kỳ thị là điều xấu xa và những ai nhân danh nó mà gây ra bạo động là những tên du côn và tội phạm.” Nhưng rồi chỉ một ngày sau đó ông lại lên tiếng đổ lỗi cho cả hai phe tả hữu trong cuộc biểu tình, cho rằng cả hai bên cùng phải chịu trách nhiệm đã gây ra bạo động. Lời lên tiếng này đã gặp sự chỉ trích từ nhiều phía, kể cả một số lãnh tụ của những quốc gia khác, với lý do là vì trong cương vị tổng thống ông chỉ nên tạo cơ hội để hàn gắn lại vết thương gây ra bởi sự thù hận thay vì đào sâu thêm hố chia rẽ giữa người dân Mỹ.
Nạn kỳ thị ở Mỹ, nói cho cùng, có nguồn gốc từ những ngày đầu lập quốc. Ngay trong Ðiều I của hiến pháp đã nói rõ là những người nô lệ da đen chỉ ngang bằng ba phần năm của một người bình thường, và Ðiều IV buộc tất cả các tiểu bang phải bắt trả lại những nô lệ nào tìm cách trốn thoát.

Cuộc nội chiến chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ, tuy nhiên ở những tiểu bang miền Nam vẫn tiếp tục duy trì chế độ này nhiều năm sau đó, và riêng nạn kỳ thị màu da thì còn kéo dài cho mãi tới thập niên 1960, với những tổ chức của những người da trắng có đầu óc kỳ thị như tổ chức Ku Klux Klan (KKK) ra đời từ hậu bán thế kỷ 19 nhưng ít năm sau đó thì phai mờ dần. Ðến đầu thế kỷ 20 tổ chức này xuất hiện trở lại lôi kéo được sự ủng hộ của nhiều triệu người và đến thập niên 1930 thì biến mất.
Trong thời gian của phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng trong những năm của thập niên 1950 và 1960, tổ chức KKK lại một lần nữa trỗi dậy với một thiểu số người da trắng lúc đó tức giận vì nước Mỹ với khuynh hướng chấm dứt chính sách phân biệt màu da ngày càng mạnh. Bất kể đó là người da đen hay da trắng, nhưng nếu ủng hộ hay hoạt động trong phong trào tranh đấu nhân quyền thì đều biến thành mục tiêu bạo động của họ với những vụ đánh đập, gài bom và ám sát. Luật Quyền Công dân 1964 và Luật Quyền Bầu cử 1965 ra đời đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên chính sách phân biệt chủng tộc. Sự ủng hộ cho tổ chức KKK cũng theo đó yếu đi dần.
Những năm sau này, các tổ chức kỳ thị rút vào hoạt động bí mật. Nhiều trong số những tổ chức này vay mượn tư tưởng quốc xã (Nazis) và lập thành những nhóm người da trắng phản kháng. Những nhóm này lúc đầu hoạt động ở khu vực miền Nam nhưng dần lan rộng ra khắp nước Mỹ một cách công khai qua một số diễn đàn của họ trên những mạng xã hội dưới những tên gọi mới mà chúng ta vẫn thường nghe nhắc tới như “Tân quốc xã” (neo-Nazis) hay như gần đây là “alt-right”.
Trước đây, người Mỹ lo ngại vì những vụ bạo động gây ra bởi những nhóm cực hữu như Black Panthers hay Weather Underground, nhưng kể từ vụ ám sát xướng ngôn viên truyền thanh Alan Berg năm 1984 đến vụ đánh bom toà nhà liên bang tại thành phố Oklahoma City năm 1995 giết chết 168 thường dân vô tội, những nhóm cực hữu ngày càng tỏ ra bạo động hơn bao giờ hết.

Vụ gần đây là năm 2015, một thanh niên da trắng tên là Dylann Roof có tư tưởng người da trắng độc tôn đã dùng súng bắn chết chín người da đen trong một buổi cầu nguyện tại một ngôi giáo đường ở thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina. Trong những mớ tang chứng thu thập được, người ta tìm thấy tấm hình Roof chụp cùng với lá cờ của miền Nam thời nội chiến cùng với súng đạn đeo trên mình và đang đốt lá cờ sao sọc của nước Mỹ. Theo báo chí tường thuật lại, những lời cuối cùng của người thanh niên này nói với các nạn nhân là: “Tôi phải làm việc này. Các người hãm hiếp phụ nữ của chúng tôi và đang dần chiếm lấy quốc gia của chúng tôi. Các người phải ra đi.”
Hiện nay đang có những cuộc tranh luận là hiến pháp có nên tiếp tục bảo vệ quyền tự do ngôn luận của những tổ chức kỳ thị khi những nhóm này vẫn luôn rao giảng về sự độc tôn của người da trắng và khích động lòng thù hận người da màu. Mặc dù đây chỉ là một thiểu số rất nhỏ nhưng nó làm cho hình ảnh của nước Mỹ trở nên xấu đi trước mắt thế giới.
Theo một số chuyên gia về luật pháp thì không ai có thể ngăn cấm hoạt động của những tổ chức này, luật pháp chỉ cấm những hành động bạo động gây thương tích cho người khác.
Nhưng một khi bạo động xảy ra thì lúc đó đã quá trễ, như vụ Charlottesville trong tuần qua.
VH