Menu Close

Cao cao Hoàng Thu Phố

Cái tên Hoàng Thu Phố nghe ra có chút gì đó rất kiếm hiệp Kim Dung, và tưởng như đó là một khu phố lãng mạn trong phim truyện Trung Quốc. Nhưng Hoàng Thu Phố mà tôi muốn nhắc đến ở đây khá đặc biệt, nó nửa Tàu nửa Ta, mà cũng chẳng Tàu chẳng Ta. Bước vào Hoàng Thu Phố, mặc dù vẫn có điện, có tivi nhưng cảm giác mạnh nhất là đang bước vào một thế giới xa lạ, biệt lập với thế giới loài người. Sự biệt lập này đến từ cảnh quan và con người.

hoang-thu-pho3
Thị trấn Bắc Hà, Lào Cai

Phố ở trên cao

Ðến Bắc Hà, Lào Cai, một thị trấn du lịch nhỏ có bán kính chừng 3 km và diện tích của nó không quá 20 km2 với kiến trúc nửa kim nửa cổ, một khu chợ phiên nằm bên cạnh một hồ nước tự nhiên và một ngọn đồi, cách đó không xa là trung tâm thị trấn và bên cạnh trung tâm thị trấn là nhà của vua Mường Hoàng A Tưởng (mà hầu hết trong các cuốn sách lịch sử và nghiên cứu của Việt Nam sau 1975 đều ghi là ‘Vua Mèo’ Hoàng A Tưởng). Một thị trấn im vắng về đêm, mưa lạnh, chưa bao giờ có tuyết như Lạng Sơn hay Sapa nhưng cái lạnh của nó thì ngấm tận xương tủy.

Thị trấn có nhiều gia đình người Mường, người H’Mong, người Thái, người Dao Ðỏ và một số tộc người còn lại rất ít gia đình. Nhưng chiếm số đông trong thị trấn đều là người Kinh, hầu hết những người trong thị trấn Bắc Hà đều khá giả, giàu có, bù cho Hoàng Thu Phố, một bản H’Mong lẻ loi trên đỉnh núi cao, cách Bắc Hà ngót nghét 12km, là cái rốn du lịch của Bắc Hà nhưng lại thuộc về một thế giới khác.

hoang-thu-pho2
Một góc chợ phiên Bắc Hà

Từ Bắc Hà, chúng tôi thuê một chiếc xe gắn máy và đi Hoàng Thu Phố, chỉ có một con đường đèo đi đến Hoàng Thu Phố, đi qua Bản Phố, một bản khác cách Bắc Hà chừng 3 km, nằm lưng chừng đèo thì có thể ngước mắt lên trên các đỉnh núi để nhìn các đám ruộng bậc thang và các nhà ngô, có lẽ đẹp nhất vẫn là những ngôi nhà sàn mái tranh, tỏa khói lam chiều, nằm chơi vơi trên đỉnh núi. Giữa một thảm cây xanh thẳm, cao vút, những ngôi nhà sàn tường xám, mái tranh vàng ngả sang nâu, nằm cô đơn, rải rác, cách nhau không xa nhưng muốn đến thăm nhau, có lẽ phải băng qua những hẻm núi hoặc những ngọn đồi um tùm cây, đường đi trơn trợt và hoang vu.

Lái xe suốt một con đèo dựng ngược, có những đoạn cua gấp cho cảm giác chỉ cần không vững tay lái thì chỉ còn nước lăn vòng từ đỉnh núi xuống vực thẳm. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được ngã ba Kinh Tài (tên ngã ba do người H’Mong đặt, ám chỉ chỗ có ủy ban nhân dân xã và một đội quản lý người Kinh). Tại Kinh Tài, chỉ có độc nhất một quán phở thịt lợn của một người Kinh lên đây buôn bán, kinh doanh. Trong quán phở có thêm một tủ kem, bán các loại kem đá với giá phải chăng, nhưng không có gì khác ngoài vị ngọt ngọt của nước đường đã được đông lạnh.

Cũng xin nói thêm, Bắc Hà là cái nôi của phở lợn (heo), chỉ có phở lợn và cơm bỏng ngô. Người H’Mong mỗi khi đi chợ phiên thì để dành bụng cho thật đói, khi bán xong món nông sản của mình thì tìm đến quán phở lợn, gọi một bát và gọi thêm chén cơm bỏng ngô vàng chóe ngồi ăn chung với phở. Ðương nhiên món phở lợn được chế biến khá lạ, có cả ruột lợn, thịt lợn và xương lợn, có một ít dồi lợn, người ăn không quen thì chắc chắn không ăn được. Người H’Mong có thói quen vừa ăn phở lợn vừa uống rượu ngô.

Nói về rượu ngô thì Bắc Hà, mà chính xác hơn là Hoàng Thu Phố là cái nôi của rượu ngô, ở đây nhà nào cũng nấu rượu ngô, cũng trồng ngô và số lượng ngô người ta trồng trên các đỉnh núi thu về mỗi năm có khi lên đến cả ngàn tấn. Nhìn ra khắp núi rừng, đâu cũng thấy ngô và ngô. Bây giờ chúng tôi tìm cách vào bên trong bản, vì trời mưa, sương mù và mây phủ, rất khó để đi lại.

Một người bạn mới quen trong quán phở, người H’Mong, tên Vàng Seo Quán tình nguyện đưa chúng tôi vào bản thăm những gốc chè tuyết san ngàn năm tuổi. Cuối cùng, trong đoàn chỉ có mình tôi dám vào bản, và gan cỡ như tôi cũng chỉ đủ để khỏi run khi ngồi trên chiếc xe Honda Win 100 của anh bạn H’Mong, thiếu điều nhắm mắt khi anh đi qua những khúc cua ngặt, dốc dựng đứng và bề ngang con đường chừng hơn nửa mét là cùng, một bên sườn núi, một bên vực thẳm.

Những cây chè tuyết san ngàn năm

“Mấy gốc chè tuyết san nghe nói cả ngàn năm tuổi đúng không anh?” – Tôi hỏi anh bạn.

“Mình không biết nó bao nhiêu tuổi, vì trên này không tính thời gian theo năm mà tính theo mùa trăng và những gì cổ xưa thì tính theo đời. Những gốc chè này có lâu lắm rồi, chừng hai mươi mấy đời, kể từ khi ông bà tổ tiên của mình di cư từ Trung Quốc sang đây, khi đi, họ bứng theo những gốc chè cổ trong vườn và chặt sạch thân, chỉ giữ gốc để mang sang đây trồng. Nếu cộng luôn thời gian ở bên Tàu thì có thể lên đến cả ngàn tuổi”.

hoang-thu-pho1
Một gia đình nhỏ ở Hoàng Thu Phố

“Hồi đó vì sao mình không ở bên Trung Quốc mà phải di cư sang đây vậy anh?”

“Cái đó nghe ông bà mình kể là đời sống bên đó khắc nghiệt quá, hầu hết người H’Mong tại Việt Nam đều có gốc bên kia, nhưng sau này di cư dần qua Việt Nam và không còn mấy người bên đó đâu. Hồi đó nghe đâu có những cuộc tiêu diệt người H’Mong bên Trung Quốc nên ông bà mình chạy sang đây lánh nạn, thấy hợp thì sinh sống luôn, bây giờ mình là người Việt rồi, mình chả ưa gì Trung Quốc đâu!”.

“Theo anh thì còn cây chè tuyết san nào bên Trung Quốc không?”.

“Nếu có còn thì của người bộ tộc khác chứ của người H’Mong thì chắc chắn là không. Vì những người ở lại nghe đâu là thỏa hiệp với triều đình, phản bội người H’Mong. Khi di cư, ông bà tổ tiên đã bứng sạch các gốc chè, những gốc nào không mang đi được thì chẻ ra chứ quyết không để lại. Những cây chè này như linh hồn của người H’Mong vậy! Trước đây do nạn phá rừng trồng rẫy, một số gốc chè bị chết bởi đất lở, còn bây giờ người H’Mong quyết giữ không cho ai đụng đến cây chè, nhất là họ Hàng, những người gia tộc họ Hàng trên này giữ các gốc chè nhiều nhất, họ còn đến 2000 gốc có hơn”.

“Chè tuyết san có gì đặc biệt so với chè bình thường hả anh?”.

“Chè tuyết san có giá đắt nhất trên thị trường hiện nay, nó càng già càng cho mùi thơm đặc biệt, giúp cơ thể tăng kháng thể. Nhưng quan trọng nhất là nó chỉ sống trên đỉnh núi cao, quanh năm tuyết lạnh và mây trời, nó không chịu được sự ô nhiễm, đất trồng chè tuyết san phải là đất sạch, chỉ cần nhiễm bẩn hay bón phân hóa học là nó chết ngay cho dù nó đã là cổ thụ. Hồi người ta trồng ngô dưới gốc chè, bón phân cho ngô làm chết cả mấy ngàn cây ấy chứ. Ngày xưa ở đây có trên bốn ngàn cây, bây giờ chỉ còn một nửa”.

hoang-thu-pho
Chiều trên bản H’Mong

“Chè tuyết san, rồi rượu ngô nữa, hình như Hoàng Thu Phố có toàn những thứ giá trị không. Chắc là giàu có lắm!”.

“Anh cứ nói đùa, nghèo rã ruột chứ giàu gì!”.

“Chè tuyết san thì một ký loại tốt lên đến cả triệu đồng, rượu ngô Bắc Hà bán trên thị trường thì một lít cả trăm ngàn đồng, không giàu sao được hả anh?!”.

“Cái đó là ngoài thị trường thôi anh ơi, chứ mình đi bán thì giá rẻ bèo à, một ký chè tuyết san nụ, loại xịn nhất chỉ bán 80 ngàn đồng thôi, một lít rượu ngô loại ngon thì 12 ngàn đồng, loại phổ thông là 11 ngàn đồng. Mỗi năm dân ở đây cả nuôi gà, nuôi lợn, nấu rượu, hái chè, kiếm chừng 15 triệu đồng là quý lắm rồi, phải đi làm thuê khắp nơi nữa mới đủ sống”.

Tôi không dám hỏi thêm chuyện gì khác bởi nhìn những ngôi nhà sàn mà ở dưới núi nhìn thơ mộng bao nhiêu thì lên đây nhìn đìu hiu nguyên thủy bấy nhiêu bởi gà, lợn, người cùng chung sống trong nhà sàn, nhìn ra bốn bề là mưa, mây, núi và hơi khói đại ngàn, cái nghèo thấm tận vào mây.

Trong khi đó, rượu Bắc Hà bán trên thị trường miền Bắc với giá rất cao, mỗi lít dao động từ 80 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng, chè tuyết san mỗi ký lô thượng hạng lên đến 1,2 triệu đồng. Như vậy, người H’Mong sẽ khó mà giàu được khi họ quá thật thà và tốt bụng. Nhưng nếu họ cũng không còn thật thà và tốt bụng, họ cũng hòa chung vào hệ thống xã hội chủ nghĩa này thì sao nhỉ?!

HL