Menu Close

Cỏ cây biết ghi nhận?

Mùa đông tàn, cỏ cây đua nhau trỗi dậy sau những ngày rét mướt, ngay cả cây cỏ trong vùng đất nóng bức. Mặt trời sáng lâu hơn và khí hậu ấm áp hơn trong mùa xuân. Cây cỏ xem ra sinh diệt theo chu kỳ thời gian hay chúng thay đổi và thích nghi với môi trường chung quanh theo tri giác? Nói giản dị hơn, sự sinh diệt của cây thụ động theo phản xạ hay có chủ ý?

Khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng cây cỏ có tri giác, chúng “cảm nhận” được sự đau đớn. Bạn thử nhớ lại hương không gian nồng nồng mùi cỏ mới cắt? Mùi hương ấy đồng nghĩa với xuân đã về, cây cỏ tươi xanh [nên cần vun xới, tỉa lá, nhổ cỏ dại…] nhưng với đồng cỏ kia, mùi hương ấy là lời kêu khóc của đám cỏ bị cắt gục.

Khi gặp hiểm nguy, con người cũng như muông thú đều tìm cách trốn lánh nhưng cây có thì chịu trận, chẳng tự nhổ rễ, mọc chân mà chạy. Không trốn chạy được nên cây cỏ đành tranh đấu tại chỗ để sinh tồn.

Cây cỏ “tranh đấu” ra sao? Chúng tạo ra các phản ứng sinh hóa, danh từ khoa học là “molecular response”, những tế bào bị thương tổn tiết ra nhiều hóa chất. Những hóa chất này có tác dụng khác nhau: Là độc tố để diệt kẻ thù, là tín hiệu báo nguy cho “bạn bè”, “thân hữu”, hoặc là “bùa ngải” quyến rũ mời gọi côn trùng đến trợ giúp. Ðôi khi phản ứng sinh hóa nọ, ngoài việc “đấu tranh” giành sống, còn có tác dụng thứ nhì như loại cây tiết ra caffeine khiến ong bướm ngất ngư say sưa. Ong được hút caffeine nên tiếp tục vờn quanh như ta ngừng chân tại Starbucks mỗi sáng trên đường đi làm. Ta trả tiền cà phê làm giàu cho chủ hàng quán, ong để lại nhụy hoa gầy giống cho cây cỏ.

co-cay-biet-ghi-nhan

Ngoài các phản ứng sinh hóa, cây cỏ còn “kêu khóc” khi đau đớn. Trong bài tường trình của the Institute for Applied Physics, Ðại Học Bonn, Ðức, các chuyên viên cho thấy họ đã thu âm được các làn sóng âm thanh, sound wave, phát ra khi cây cỏ bị thương tổn dù các tiếng động ấy tai con người không thu nhận được. Trái dưa leo rịn ra nhựa khi bị cắt và cũng kêu khóc như hoa lá lúc bị ngắt lìa cành?!

Ngoài việc “phát thanh”, cây cỏ cũng có thể “nghe” và “hiểu” khi chúng bị ăn “thịt”. Chuyên viên nghiên cứu tại the University of Missouri-Columbia tường trình rằng khi “nghe” âm thanh nhai nghiến từ sâu bọ ăn lá, cây cỏ tạo ra phản ứng sinh hóa để chống trả.

Qua các bài tường trình khoa học, các chuyên viên nghiên cứu khẳng định rằng cây cỏ “chuyện trò” với nhau qua một hệ thống truyền thông phức tạp. Hệ thống này kết nối rễ – cành – lá với nhau. Ðể tiếp tục tăng trưởng, cây cỏ có thể uốn mình, lan ngang… thay vì thẳng đứng khi gặp vật cản lối (cây cao lấp ánh nắng mặt trời); hoặc trổ rễ phụ góp chất dinh dưỡng nuôi thân cây khi rễ chính không cung cấp đủ thức ăn. Hệ thống “truyền thông” ấy giúp cây sống còn, tăng trưởng và sinh sôi, nảy nở.

Hệ thống truyền thông ấy lan tỏa khá rộng lớn.Trong một thí nghiệm, chuyên viên nghiên cứu đã chích chất phóng xạ carbon vào một thân cây thông và chỉ trong vòng vài ngày, chất phóng xạ carbon ấy đã được truyền từ cây này sang cây khác; suốt một rừng cây rộng 30 thước vuông, cây nào cũng bị “cấy” phóng xạ!

Biết “đau” dù cây cỏ không có ‘não bộ’, (theo cái nhìn của một số chuyên gia về thực vật, chỉ sinh vật có não bộ mới cảm nhận được cái đau), biết ‘trò chuyện’, kêu la nhưng cây cỏ có ‘trí nhớ’ hay không? Nghĩa là cây cỏ có biết ghi nhận và hành động theo trí nhớ hay không? Tiến Sĩ Monica Gagliano và đồng sự tại the University of Florence, Ý, đã tìm cách “huấn luyện” cây cỏ, khiến chúng thay đổi cách hành động. Họ chọn giống cây Mimosa pudica, tên dân gian là “the touch-me-not” hay cây Mắc Cỡ theo tiếng Việt ta, để thử nghiệm. Hẳn bạn còn nhớ cây Mắc Cỡ cúp lá mỗi khi bị sờ mó?
Các chuyên viên thả chậu cây Mắc Cỡ xuống một tấm nệm từ khoảng cách cỡ 6 phân Anh (cỡ 20 cm) để tạo phản ứng “cúp lá”. Sau vài mươi lần bị thả [cho] rơi, mấy chậu cây nọ “hiểu” ra rằng bị té không có nghĩa là bị thương nên chẳng còn… mắc cỡ nữa, cành lá vẫn xòe tự nhiên khi bị thả từ khoảng cách kể trên. Sau một tháng không bị thử thách, mấy chậu cây vẫn “nhớ” sự kiện bị té [nhưng không bị thương] nên vẫn thản nhiên không cụp lá khi bị thả [cho rơi], bị té. Với các sự kiện ấy, nhóm chuyên viên kết luận rằng cây cỏ có tri thức, biết tự bảo vệ trước hiểm nguy, nhận biết và có thể “ghi nhớ” kinh nghiệm nào “an toàn” để có phản ứng thích nghi; một hình thức “học hỏi” của muông thú và con người.

Cũng bấy nhiêu sự kiện nhưng một nhà thực vật học khác, Tiến Sĩ Peter Crisp, tại Australian National University, lại cho rằng cây Mắc Cỡ biết học để…. quên! Chuyên viên này cho rằng các chậu cây bị thả [cho] rơi nọ nhận biết cái té không gây thương tổn nên quên cụp lá, một bản năng sinh tồn. Cái “quên” này có mục đích: tiết kiệm năng lượng! Cụp lá và xòe lá là các hoạt động tốn kém năng lượng.

Cây cỏ cũng như muông thú và con người, sinh sống trong một môi trường có ít nhiều thử thách; mọi thử thách đều ảnh hưởng đến sự sinh tồn và tăng trưởng và mọi sinh vật đều cần thích nghi với môi trường sống. Cây cỏ xem ra thích nghi nhanh chóng để tăng trưởng và có thể tranh giành với thiên nhiên hầu tồn tại. Khả năng “thích nghi” ấy đến từ đâu nếu không từ việc học hỏi cũng như ghi nhớ? Khi nào thì sinh vật cần ghi nhớ để sinh tồn và khi nào thì nên… quên để tiết kiệm sức sống? Cây cỏ cũng biết so sánh, phân tích rồi lựa chọn để sinh tồn như động vật?
Tẩn mẩn đến đây thì Dế Mèn bí lù, cây cỏ không có não bộ (hay có một cơ quan hoạt động tựa não bộ nhưng con người chưa tìm ra?) mà cũng biết tính toán phân tích thì hay quá xá! Sinh vật đáng yêu ấy cũng đầy đủ tri thức, biết đau đớn, biết ghi nhớ in như con người và muông thú; cây cỏ quả là quà tặng của Thượng Ðế ban cho Trái Ðất.

Biết trân quý cây cỏ nhưng Dế Mèn vẫn đánh chén đầy đủ, mỗi ngày ít ra hai ba thứ rau trái cũng như thịt cá, kẻo chết vì đói. Không ăn thịt cá, rau cỏ thì ăn gì bây giờ? Con người cũng phải sinh tồn in như cây cỏ và muông thú nên… cá lớn nuốt cá bé!?

TLL