Menu Close

“Chữ” trong văn chương Mai Thảo

Mỗi nhà văn có một cách hành văn riêng mà ta thường gọi là văn phong.

Trong lúc hầu hết những nhà văn đều nổi tiếng vì cốt truyện, tư tưởng… thì có những nhà văn nổi tiếng vì chính văn phong của họ. Họ có một cách viết độc đáo đến nỗi văn của họ đọc lên là nghe khác hẳn với tất cả những người khác. Mai Thảo là một trong số đó. Với tôi, thế giới của văn chương Mai Thảo là thế giới của chữ.

Lạ chưa, văn chương của ai chẳng hình thành bằng chữ!?

Ðúng thế. Nhưng trong lúc, với nhiều nhà văn khác, chữ chỉ là phương tiện để nói lên cái ý, trong Mai Thảo, chữ có vai trò rất riêng của chúng. Ðọc văn ông, dường như ta bị rơi vào trong một không gian chữ. Vô cùng chữ. Chữ đưa lui, đẩy tới, chạy vòng vòng, nảy lên nảy xuống, chữ này chạm vào chữ kia, rời ra rồi chạm tiếp vào chữ nọ, nhảy múa, uốn éo. Khi thì miên man trôi như giòng sông, dòng này nối dòng nọ. Khi thì đột ngột dừng lại. Như bị thắng gấp. Rồi lại triển nở ra ở một phía khác và chạy tiếp. Nghĩa của chữ hay của câu dường như bị lùi lại đàng sau, trở thành thứ yếu. Lúc thì chúng còn thấp thoáng đâu đó, lờ mờ chợt ẩn chợt hiện khiến ta còn dừng lại đôi chút để nghĩ ngợi nhưng có lúc nghĩa dường như bị chôn vùi, bị đánh bạt hẳn ra ngoài, khiến ta chỉ chạy theo chữ mà không cần biết những dòng chữ đó nói lên cái gì. Y như thể chữ của Mai Thảo không đưa đến nghĩa. Hoặc không cần nghĩa. Mà chỉ gợi nên cảm giác và cảm xúc.

mai-thao
Mai Thảo

Vĩnh biệt những sân ga, những trạm hẹn. Vĩnh biệt những giấc mơ ngà ngọc của đổi rời. Vĩnh biệt những tuổi trẻ của tôi không được sống với nó đến cùng, những khát khao của tôi không bao giờ trở thành sự thật, những đợi chờ ở xa tầm tay với, một cái tôi khác biệt hoàn toàn với cái tôi của những xâu chuỗi tháng ngày lê thê. Con thuyền chưa lìa bến đã nằm im trong cái vũng đời cố định. Cánh chim bằng chưa vạn dặm bay đi, đã đậu xuống. Cánh mỏi và hồn sầu.” (Mười đêm ngà ngọc)

Văn xuôi Mai Thảo là loại văn đầy nhịp điệu. Hễ có cơ hội là ông tận dụng ngay nhịp điệu bằng cách sử dụng vần bằng vần trắc và lặp lại chữ để tạo sự cân đối cho các câu văn hay các đoạn văn. Chẳng hạn:

Một nền đêm khuya khoắt lâm chung… trên một nền thảm sầu tàn héo.

Một vô cùng hung dữ và một thì rất đỗi hiền lành.

Nhưng say không chỉ là một cơn lốc. Mà say còn là một giọt lệ, một biển đau trong một rừng sầu.

Nhiều nhà văn khác cũng có lặp lại chữ. Nhưng chỉ trong trường hợp cần thiết, trường hợp chẳng đặng đừng. Mai Thảo khác. Có thể nói, sự lặp lại của Mai Thảo là một thủ pháp sáng tác. Một cách điều khiển chữ. Rất nhiều nơi, cái ấn tượng gây ra là chính những con chữ hơn là ý nghĩa mà chúng chứa đựng. Những nhà văn khác viết câu dài vì để nói cho hết ý. Mai Thảo viết câu dài, rất nhiều khi, với dụng ý viết… cho dài. Dài bao nhiêu cũng được. Lan man bất tận. Hay thì hay, tất nhiên. Nhưng đọc kỹ, ta thấy nó… cầu kỳ, nó văn vẻ, nó pha trộn nhiều thứ quá nên cái hay dường như bị giảm bớt đi nhiều.

Tuy nhiên, ở một số đoạn khác, ta thấy Mai Thảo cố tình chận dòng văn lại. Bằng cách sử dụng các dấu chấm câu, ông tách câu ra thành từng mảng, từng miếng, bố trí chữ vào trong những vị trí cô lập. Y như thể chúng không cần có nhau:

– “Nguyên thở dài não nuột. Phút này, chàng chỉ muốn chàng đừng là Nguyên và người yêu của chàng đừng là Châu. Trái tim đừng biết đập. Ðầu óc đừng biết nghĩ. Ngu dốt. Ðần độn. Tầm thường sống và tầm thường chết. Như cỏ cây. Như phiến lá mục. Như cánh bèo trôi.” (Mười đêm ngà ngọc)

– “Nằm nghe mưa. Thấy mưa trong cảnh ngộ mình, trong tâm thể mình. Hiện giờ. Thấy những khoảng cách mịt mùng. Thấy những không gian vô bờ. Thấy những thượng tầng lạnh buốt. Ðất nước. Mưa đang ở phía ấy. Trên suốt ba miền đất nước hồng thủy.” (Sổ tay Mai Thảo)

Ông bóc chữ khỏi câu, bóc câu khỏi đoạn. Chữ, khác với những đoạn văn dài dòng trên, y như thể bị tước bỏ. Bị câu thúc. Bị lấy mất chất kết dính. Y như thiếu. Thực ra, không thiếu. Chúng chỉ bị nén lại. Một chữ hay một cụm chữ bây giờ chứa đựng nhiều chữ khác. Cái ngắn tạo nên cảm giác bứt rứt, bồn chồn. Những dấu chấm và dấu phết bây giờ không mang giá trị của những ngắt quãng mà là những âm vang, những dồn nén. Chúng là những ý tưởng không nói ra. Chúng trở thành những con chữ giấu mặt. Ở đây, quy luật văn phạm chào thua. Không có. Không cần có. Chính cái không cần đó lại làm giàu thêm nội dung của con chữ.

Thật lâu. Trong tối. Rồi khóc một mình, khóc ngồi lên, khóc xuống giường, khóc chân đất đi ra (…) Nàng đưa chúng trở lại bàn. Kéo ghế. Ngồi xuống. Hai bàn tay trắng muốt của nàng, ngón út cong lên, khởi sự cuốn dần những cuốn bi tròn trĩnh. Xong. Nàng nhặt từng cuốn, nhúng vào nước chấm. Và bắt đầu ăn. Nàng ăn, đói bụng, đẹp mắt, ngon lành, phúng phính, đầy miệng. Và vừa ăn vừa khóc tiếp.” (Một truyện rất ngắn)

Giọng văn khô, nghe hụt hẫng. Các chi tiết như một đoạn phim quay chậm, dửng dưng, vô cảm. Nhưng rất ấn tượng.

Nó cho ta thấy một Mai Thảo điệu nghệ trong việc sai khiến con chữ. Khi muốn dài, ông có thể kéo dài đến… mấy chục tác phẩm, trong đó những đoạn văn “trang hoàng” chắc chắn là dài hơn ý định muốn chuyển tải của tác giả. Nhưng khi cần ngắn, Mai Thảo thu tóm được trong những câu thật cô đọng. Chữ nghĩa chọn lọc. Hình ảnh độc đáo. Rất cụ thể, rất hình tượng, rất gần gũi.

Chữ là ký hiệu (signs). Theo những nhà ký hiệu học (semioticians), chúng ta sống trong một thế giới đầy cả ký hiệu. Ký hiệu là gì? Ký hiệu là cái gì biểu trưng cho một cái gì khác hơn chính nó. Nhìn một vật, một chữ hay nghe một âm thanh, bao giờ ta cũng nghĩ đến một cái gì khác hơn chính vật, chữ hay âm thanh đó. Ðèn đỏ, chẳng hạn, ở ngã ba ngã tư là ký hiệu, biểu hiện cho sự dừng lại cũng như chữ “gà” là ký hiệu, biểu hiệu cho một con vật hai chân, có lông, nuôi trong nhà. Vân vân. Nhà ký hiệu học Charles Sanders Peirce (1839-1914), quả quyết: “Toàn thể vũ trụ tràn ngập những ký hiệu, nếu không muốn nói là bao gồm những ký hiệu.” Do đó, theo Peirce, khi suy nghĩ, chúng ta chỉ suy nghĩ bằng ký hiệu.

Ngôn ngữ – hay nói cho gọn là chữ hay lời – là loại ký hiệu có vẻ “ký hiệu” nhất trong tất cả các loại ký hiệu, một thứ ký hiệu thuần túy. Nhìn một vật, ta có thể tưởng rằng nó không biểu trưng cho cái gì khác (tức là ý nghĩa) nhưng đọc một chữ, ta nghĩ ngay đến nghĩa của nó. Nghĩa là nó có thể dùng chữ để chỉ “cái gì đó” ngay khi “cái gì đó” không có mặt ở đó. Chữ trở thành năng lực.

Ðọc những nhà văn khác, tôi bâng khuâng với câu chuyện, tôi thương cảm cho số phận của một nhân vật hay cảm khái vì một tình tiết nào đó. Ðọc văn Mai Thảo, tôi tìm thấy một thế giới được nạp đầy năng lực chữ. Chữ ôm chữ. Chữ trượt chữ. Chữ vịn chữ. Mai Thảo đã tiêm vào chữ những mầm sống mới và qua đó, văn Mai Thảo mở cho ta những hiện thực khác, lạ lùng và kỳ thú. “Hiện thực”, nói như Chandler Daniel, “có tác giả” (reality has authors). Nghĩa là có nhiều “hiện thực” hơn là thứ hiện thực duy nhất do những nhà khách quan chủ nghĩa ấn định.

Với chữ, văn Mai Thảo tạo ra hiện thực. Một thứ hiện thực rất riêng, chỉ riêng cho ông.

Tôi đọc ông. Và cảm thấy mình mới hẳn ra. Nhờ chữ.

TDN