
Người dân của tiểu bang Texas có câu nói đùa: “Nếu bạn không thích thời tiết hiện tại của Texas thì chỉ cần chờ một lúc thôi.” – để nói đến cái tính thất thường của thời tiết ở tiểu bang lớn thứ nhì này của nước Mỹ.
Câu nói đùa trên nếu đem áp dụng cho trường hợp của bão Harvey, vừa đổ vào bờ biển phía nam của Texas trong tuần qua, thì quả thật không sai chút nào. Cơn bão này lúc mới thành hình đã không được mấy ai chú ý vì có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ biến mất ở vùng phía nam Ðại Tây Dương, nhưng do yếu tố của thiên nhiên nó bất ngờ mạnh trở lại – từ áp thấp nhiệt đới (tropical depression) biến thành bão nhiệt đới (tropical storm) và sau đó là bão cuồng phong (hurricane) – rồi đổ vào đất liền. Tất cả chỉ diễn ra trong có ba ngày. Nếu như không có những hệ thống theo dõi bão tinh vi, nếu như không có hệ thống thông tin liên lạc hoàn hảo, nếu như chính quyền các cấp không quan tâm đúng mức, và nếu như các cơ quan truyền thông không cập nhật tin tức từng giờ từng phút về cơn bão – thì thử hỏi sự thiệt hại, nhất là thiệt hại về nhân mạng, sẽ lên đến mức nào.
Năm 1900, một cơn bão loại cuồng phong đổ vào bờ biển Galveston thuộc tiểu bang Texas (lúc này chưa có hệ thống đặt tên cho các cơn bão) gây thiệt mạng cho hơn 6,000 người. Cho đến nay, nó vẫn là cơn bão gây thiệt hại nhân mạng cao nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia, dân số của thành phố lúc đó là vào khoảng 30,000 người, trong đó có khoảng 10,000 vì lý do này hay lý do khác đã không di tản.

Cơn bão đưa mực nước biển lên cao 15 feet (khoảng 4.6 mét – bão Harvey được phỏng đoán với mực nước biển lên cao 12 feet) nuốt trọn hòn đảo. Những người bị kẹt lại tìm cách chạy lên vùng đất cao ở khoảng trung tâm của đảo, nhưng đây chỉ là cuộc lánh nạn “tạm thời câu giờ để chờ một hậu quả không thể nào tránh khỏi” – theo như nguyên văn trong bản báo cáo của Cơ quan Khí tượng Quốc gia.
Một bài báo trên tờ New York Times viết vào ngày 11 Tháng Chín 1900 đã mô tả như sau: “Sự đổ nát của Galveston gây ra do cơn bão khủng khiếp tới mức độ không lời nào có thể diễn tả đầy đủ cho đúng cường độ của nó, và trận lụt đã biến thành phố thành một vùng biển cuồng nộ.”
Ðó là lý do chính đưa tới sự lớn mạnh của thành phố Houston những năm sau đó và nay đang là thành phố có dân số gần 2.5 triệu, lớn hàng thứ tư của nước Mỹ, và một bến cảng lớn nhất với tổng số lượng hàng hoá cập bến đứng hàng thứ nhì nước Mỹ, chỉ sau cảng Los Angeles, nơi tàu bè có thể đậu bến an toàn hơn so với Galveston vì nằm sâu trong đất liền và cách Galveston khoảng gần một giờ lái xe.
Mùa bão ở Mỹ mỗi năm bắt đầu từ 1 Tháng 6 cho đến 30 Tháng 11, với cao điểm là từ cuối Tháng 8 cho đến hết Tháng 9 vì nhiệt độ nước biển ở vùng nhiệt đới về phía nam Ðại Tây Dương trong khoảng thời gian này là ấm nhất trong năm.
Nói theo khoa học, khi nhiệt độ của nước biển tăng cao thì nước cũng bốc hơi nhiều hơn. Với những cơn sấm chớp hình thành sau đó và hơi nước chuyển thành hơi nhiệt, cộng thêm với những luồng gió trái chiều nhau tạo thành cơn xoáy. Kế đến là những vành đai mưa có hình xoáy bao quanh trục của bão giúp năng lượng nhiệt lưu chuyển nhiều hơn lên. Trong khi không khí ở gần trung tâm tăng lên thật nhanh và tụ lại thành mây và mưa. Sự tích tụ này thải ra một lượng nhiệt thật lớn vào bầu không khí với kết quả là tạo ra áp thấp và gió thổi mạnh hơn.
Người ta ví bão cuồng phong giống như một chiếc máy nổ, và nếu cứ tiếp tục được tiếp tế nhiên liệu bằng hơi ẩm bốc lên từ vùng nước ấm càng lúc càng nhiều thì sức làm việc của nó cũng càng ngày càng mạnh hơn. Theo hệ thống phân loại quốc tế về cấp độ của bão, khi sức gió dưới 39 dặm một giờ thì nó được xếp loại là áp thấp nhiệt đới. Với sức gió lên đến 39-73 dặm một giờ thì nó trở thành bão nhiệt đới và được cơ quan khí tượng đặt cho một cái tên, và khi sức gió đạt 74 dặm một giờ hoặc hơn thì nó trở thành bão cuồng phong. Bão cuồng phong cũng được phân thành năm loại với cấp 1 có sức gió từ 74-95 dặm một giờ, cấp 2 từ 96-110 dặm một giờ, cấp 3 từ 111-129 dặm một giờ, cấp 4 từ 130-156 dặm một giờ và cấp 5 từ 157 dặm hoặc hơn.

Một uỷ ban quốc tế thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới hiện đang sử dụng 6 danh sách, mỗi danh sách bao gồm 21 tên gọi để đặt cho những cơn bão. Những danh sách này được thứ tự thay nhau sử dụng và cứ sau sáu năm thì lại quay về danh sách đầu. Nếu trong một mùa bão với hơn 21 cơn bão xảy ra (và điều này rất hiếm) thì uỷ ban trên sẽ lấy thêm tên từ mẫu tự Hy Lạp như Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon. Trong năm nay, những cơn bão thành hình sau Harvey sẽ được gọi là Irma, Jose, Katia v.v…
Cơn bão được gọi là lớn là từ cấp 3 trở lên và thường luôn gây nhiều thiệt hại. Bão Harvey khi đổ vào bờ có sức gió khoảng từ 130-135 dặm một giờ được xếp loại cấp 4 và là cơn bão lớn đầu tiên đổ vào bờ biển nước Mỹ trong vòng 12 năm qua. Cơn bão thuộc loại lớn đổ vào nước Mỹ lần cuối trước Harvey là bão Wilmar, thuộc loại cấp 3, cập bờ biển phía tây nam Florida vào ngày 24 Tháng 10 năm 2005, tính ra là đúng 4,324 ngày, một thời gian kỷ lục.
Bão Harvey khởi đầu chỉ là đợt sóng nhiệt đới ở gần quần đảo Lesser Antilles trong vùng biển Caribbean vào ngày 17 Tháng 8 và mạnh lên để thành bão nhiệt đới. Trong khi nó di chuyển về hướng tây, ngang qua quần đảo Windward thì yếu dần đi và nhiều chuyên gia khí tượng phỏng đoán Harvey sẽ dần biến mất.
Nhiều ngày sau đó, phần còn sót lại của sóng nhiệt đới này tiếp tục di chuyển xuyên qua vùng biển Caribbean và bán đảo Yucatan thuộc vùng đông nam của Mexico. Ðến ngày Thứ Tư 23/8, hệ thống bão định hình trở lại, sức gió mạnh lên và một lần nữa biến thành bão nhiệt đới trong khu vực phía nam của vịnh Mexico.
Qua ngày Thứ Năm, trong khi hệ thống bão di chuyển ngang qua vùng vịnh và nhắm hướng Texas, cơn bão trở nên mạnh mẽ chỉ trong một thời gian rất ngắn không quá một ngày, từ áp thấp nhiệt đới biến thành bão nhiệt đới và sau đó là bão cuồng phong. Sức mạnh của nó lên quá nhanh đã gây bất ngờ cho nhiều nhà dự báo khí tượng.
Theo các chuyên gia về khí tượng, sự thiệt hại lớn nhất do bão gây ra không phải là sức gió mà chính là lượng nước mưa đổ xuống gây ra lũ lụt. Lần gần đây nhất khi tiểu bang Texas bị bão tàn phá là vào Tháng 9, 2008 khi bão Ike – bão cấp 2 nhưng bao phủ một diện tích rộng bằng cả tiểu bang và di chuyển rất chậm – mang sức gió khoảng 110 dặm một giờ đổ vào những khu vực Galveston và Houston làm thiệt hại tài sản lên đến $22 tỉ.

Bão Harvey di chuyển chậm như Ike nhưng là bão cấp 4 với sức gió khoảng 130 dặm một giờ khi đáp vào bờ biển của thị trấn Rockport, cách thành phố Corpus Christi 30 dặm về hướng đông bắc, vào tối Thứ Sáu rồi đi sâu vào đất liền cho sáng Thứ Bảy thì xuống còn cấp 1. Với sức gió như thế và vận tốc di chuyển của bão chỉ khoảng ba dặm một giờ, các chuyên gia khí tượng cho biết bão Harvey sẽ lẩn quẩn trong khu vực phía nam Texas trong nhiều ngày và đổ một lượng nước mưa lên đến 40 inches (1 mét) ở tại một số khu vực gây ra những cơn lũ lụt khủng khiếp. Cứ thử tưởng tượng khu vực đông bắc nước Mỹ, từ New York lên đến Boston, trung bình mỗi năm có lượng nước mưa cũng vào khoảng 40 inches. Nay cùng lượng nước mưa đó đổ xuống chỉ trong hai ba ngày thì mức độ tàn phá do lũ lụt gây ra sẽ lên đến mức nào.
Thiệt hại sơ khởi vào sáng Thứ Bảy tại những khu vực ảnh hưởng của bão là nhà đổ hoặc tróc nóc, nhiều cây bị bứng gốc, bị cúp điện cho khoảng 230,000 dân, một số ít bị thương nhưng chưa có báo cáo về số người chết. Trước khi bão tới, thị trưởng của Rockport đã lo lắng kêu gọi những ai còn kẹt lại chưa di tản hãy viết số an sinh xã hội vào cánh tay của mình để nhân viên cấp cứu có thể nhận diện được xác trong trường hợp xấu nhất.
Có lẽ phải mất ít nhất vài tháng người ta mới có thể biết được con số chính xác về sự thiệt hại do bão Harvey gây ra.
Tin tức cũng cho biết có khoảng 20,000 du khách bị kẹt trên du thuyền (cruise ships) không được vào bờ vì công ty du thuyền lo ngại nguy hiểm nếu cập bến Galveston khi bão đến làm cho chuyến đi mất vui đi ít nhiều. Tuy nhiên an toàn là quan trọng hơn cả trong trường hợp bão xảy ra với cường độ mạnh như bão Harvey. Mất vui chỉ là chuyện nhỏ, mất những thứ khác mới là chuyện đáng lo ngại hơn cả.
VH