Menu Close

Đinh Tiến Đạo họa sĩ tranh tường (kỳ 2)

(kỳ 2  – tiếp theo và hết)

PV Trẻ:  Chúng tôi tin rằng, không riêng Không Quân VNCH mà tất cả các binh chủng của miền Nam vẫn luôn còn trong niềm yêu mến, kính trọng của người dân miền Nam và những ai yêu dân chủ trên khắp đất nước VN ngày hôm nay…

Xin trở lại, với cuộc phỏng vấn, anh cho biết anh nhận job như thế nào? Thời hạn và điều kiện khi ký contract với họ.

đinh tiến đạo (đTÐ): À! Việc nhận job hay ký contract với họ thì công ty lo, tôi chỉ nhận bản vẽ từ hãng design cho cầu trường rồi từ đó hoàn chỉnh bản vẽ trên tường.

dinh-tien-dao-hoa-si-tranh-tuong3
Một bức tranh tường chỉ vẽ bằng cọ trên cầu trường của đội bóng chày Los Angeles Dodgers

PV Trẻ: Có khi nào anh bị “bể” hợp đồng không? Chẳng hạn không xin phép được… bà xã, hay do trời mưa gió, bão tuyết chẳng hạn?

ÐTÐ: Thường thì khó “bể” hợp đồng lắm vì họ đã trừ hao thời gian khá rộng rãi, vả lại vì mình cũng phải phối hợp với nhóm construction nên cả hai bên phải tính toán sao cho thật ăn khớp.

Về thời tiết thì đôi khi cũng “rêm” mình vì nó. Chẳng hạn vào năm 2001, tôi bay lên  Fenway Park là home base của đội bóng chày Red Sox tại Boston tiểu bang Massachusetts, để vẽ tranh tường cuối tháng 3. Không hiểu sao năm đó tuyết rơi liên miên mà ngày “grand openning” của đội bóng này chỉ còn hai ngày nữa thôi, nên tôi đành phải biến thành dân Eskimo mà vẽ cho xong. Cũng may là dùng sơn dầu để vẽ nên độ ẩm không gây trở ngại lắm, chứ mà dùng sơn nước thì chắc hát tiếng… Miên với chủ sân rồi!

PV Trẻ: Khi anh vẽ xong, ai là người kiểm nhận, nhà thầu hay chủ công trình? Có khi nào không đạt, phải điều chỉnh hay vẽ lại không? Hoặc họ đổi ý, muốn thay mẫu khác chẳng hạn.

ÐTÐ: Khi hoàn tất bản vẽ thì người kiểm tra thường là hãng nhận thầu. Lần đầu, khi nhận job với hãng design cho cầu trường thì họ kiểm tra rất kỹ lưỡng, từ bản vẽ có đúng vị trí, kích thước với bản thiết kế không, màu sắc có đúng với số màu Pantone Color Chart mà họ đã ghi trên thiết kế chưa. Sau đó là nét cọ của họa sĩ có sắc sảo không. Phải nói họ rất trách nhiệm và cầu toàn. Tuy nhiên, khi mình đã làm lâu năm thì họ tin vào… tài năng của mình rồi, nên chỉ liếc qua tí thôi (cười).

PVT: Bản thiết kế, ở đâu ra? Anh có tham dự vào việc thiết kế mẫu không?

ÐTÐ: Không. Bản thiết kế được hoàn tất do quyết định cấp cao ở những lần họp riêng giữa chủ công trình và hãng chuyên lo về design. Có khi bàn bạc, và… cãi lộn nữa không chừng đến cả năm mới ngã ngũ.

Khi chúng tôi nhận được bản thiết kế từ hãng design thì đó là bước cuối cùng để thực hiện nên chúng tôi chỉ đưa bản mẫu từ tờ giấy vào hiện thực. Chẳng bao giờ tôi thấy họ thay đổi nửa chừng.

dinh-tien-dao-hoa-si-tranh-tuong2
Sân bóng chày Red Sox tại Boston

PV Trẻ: Làm sao để từ một bức hình khổ giấy học trò phóng lên hàng trăm lần được chính xác?

ÐTÐ: Thực ra khổ giấy của bản vẽ to hơn khổ giấy học trò. Còn phóng lên hàng trăm lần chính xác thì thuộc về chuyên môn với những máy móc chuyên dụng chuyên nghiệp.  Khi nào mấy anh vào nghề này, tôi sẽ chỉ cho (cười).

PV Trẻ: Project nào là lớn nhất đến nay anh đã thực hiện?

ÐTÐ: Khổ tranh lớn hay thu nhập lớn? (cười)

PV Trẻ: Anh cho biết cả hai trường hợp.

ÐTÐ: Thường thì vẽ cho các cầu trường của các đội banh chuyên nghiệp của Hoa Kỳ là những project lớn.  Dĩ nhiên project lớn thì thu nhập phải “lớn”. Tuy nhiên, như anh cũng biết, “lớn tiền” thì stress cũng nhiều vì họ đòi hỏi tác phẩm phải thực hiện thật xuất sắc!

PV Trẻ: Cảm giác anh thế nào sau khi hoàn thành? Khi thực hiện công việc, điều gì làm anh bận tâm nhất: hoàn thành đúng thời hạn, phẩm chất của họa phẩm, thu nhập hay mau về với… vợ?

ÐTÐ: Ha ha! Hai khoản kia tôi chú trọng hơn, còn vợ (hiền) của tôi, hiện nay cũng nghỉ hưu. Con cái đi học xa, trưởng thành, nên “nàng” vẫn khăn gói theo tôi mỗi khi một project ở những tiểu bang xa, có khi vài tuần. “Nàng” vừa đỡ buồn, mà tôi cũng vui, và có lẽ lý do chính là “canh chừng” tôi không bay lạc qua… bức tường khác (cười).

PV Trẻ: Quả là một công việc rất đáng mơ ước, trừ khoản “cảnh sát” 24/24.

ÐTÐ: Ha ha! Cảnh sát 24/24 là ngang với Tổng thống Mỹ đó nghe. Nhưng “cảnh sát” của tôi dễ thương lắm, là chỗ dựa tinh thần trong những lúc bị stress. Nhất là khi… cô đơn trước bức tường bự chảng!

PV Trẻ: Khi vẽ trên những bức tường lớn như vậy, anh dùng roller hay bình sơn công nghiệp? Chứ vẽ bằng cọ quệt tay thì kiếp nào mới xong, như anh nói, có khi bề dài đến vài trăm feet?

ÐTÐ: Mình phải nhắm chừng chỗ nào nên dùng roller hay bình sơn công nghiệp, chỗ nào nên dùng cọ. Lâu năm trong nghề thì mình biết được điều đó. Không thể nói chung chung để áp dụng cho tất cả mọi trường hợp được.

dinh-tien-dao-hoa-si-tranh-tuong
Sau khi hoàn tất tấm bảng quảng cáo cho hãng beer Coors (dài hơn 100 ft., Đinh Tiến Đạo trong ô tròn).

PV Trẻ: Xem những bức họa của anh, thật đáng nể! Nhưng theo chúng tôi biết, bây giờ kỹ thuật in ấn đã rất phát triển, người ta có thể in một bức tranh lớn vài trăm feet, vừa đa dạng, vừa nhanh lại có thể tháo bỏ nhanh chóng, dễ dàng. Tại sao vẫn chọn lối vẽ cổ điển?

ÐTÐ: Theo tôi thấy, đó là sự khác biệt văn hóa của người Việt và người Mỹ hay người phương Tây nói chung. Với họ, dù khoa in ấn có tối tân cách mấy, tiện lợi hơn nhiều, nhưng họ vẫn ưa chuộng và đánh giá cao nghệ thuật vẽ tay của họa sĩ.

Cho nên ở những nơi sang trọng, đắt tiền hay nổi tiếng ở Hoa Kỳ hay Châu Âu họ thường mướn những họa sĩ để tạo ra những họa tác trên tường.

PVT: Anh có thể kể cho chúng tôi một trường hợp cụ thể nào mà anh đã gặp không?

ÐTÐ: Có một lần tôi được mướn vẽ tại cầu trường của đội bóng chày quốc gia nổi tiếng Dodgers tại Los Angeles, California. Trước khi chúng tôi đến làm việc thì họ đã mở cửa cho công chúng vào xem. Vì vậy họ (đành)thuê những hãng signs địa phương cắt chữ bằng vinyl dán lên tường để hướng dẫn.

Khi chúng tôi đến, họ cho xé bỏ những signs bằng vinyl mới dán mấy ngày trước, hãy còn mới tinh. Yêu cầu chúng tôi vẽ lại bằng cọ tay cũng y như chữ  trên vinyl đó thôi. Mà đâu có ít, cả trăm bảng signs như thế, vì cầu trường quá rộng.

PVT: Ðúng là chơi sang. Nhưng biết đâu ông sếp của Dodgers có vấn đề… thần kinh?

ÐTÐ:: (cười) Không dám đâu! Thêm chuyện này nữa, ở cầu trường Fenway Park tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, home base của đội dã cầu Red Sox. Số là cầu trường này xây lâu năm lắm rồi, có đến cả trăm năm, tại ngay trung tâm của thành phố Boston. Chủ mới của đội Red Sox muốn phá bỏ đi để xây lại. Khi hỏi ý người dân Boston thì họ không tán thành.

Họ vẫn muốn giữ cầu trường xây bằng gạch đỏ cũ kỹ đó.

Nên khi họ “nhờ” chúng tôi vẽ những bức tranh trên tường để trang hoàng cầu trường này thì bức tranh phải vẽ theo lối cũ, từ cách pha màu cho đến đường nét cũng phải gãy nát, tả tơi, như thể bức tranh đã nằm trên tường cả trăm năm vậy!

dinh-tien-dao-hoa-si-tranh-tuong1
Bài viết trên báo “Daily Progress”

PVT: Cái chuyện “cũ” này nghe “mới” đó. Ban nãy anh có “khoe” vẽ cho các cầu trường quốc gia nổi tiếng như Coor Field (Denver, Colorado), Dodger Field (Los Angeles, California) hay Philips Arena của đội Atlanta Hawks và đội khúc côn cầu Thrashers… Làm việc với những “đại gia” cỡ đó thì họ trả công anh sao, có ngang tầm với… tên tuổi anh không?

ÐTÐ:: Ở Mỹ nơi nào kiếm nhiều tiền thì họ cũng chi nhiều tiền, nói kiểu miền Nam là chi đẹp, chơi “sộp”. Theo tôi biết, hai lãnh vực kiếm tiền nhiều nhất là sports và điện ảnh. Tuy nhiên, để đến được họ, mình cũng phải trải qua sàng lọc và cạnh tranh (gay cấn) với những đồng nghiệp khác.

PVT: Có gay cấn bằng lần đầu trả lời phỏng vấn báo chí không?

ÐTÐ:: Với báo chí Việt thì có thể là lần đầu. Nhưng lần đầu tôi được “lên” báo là lúc đang vẽ cho một nhà hàng Spanish mới mở ở thành phố Jacksonville, tiểu bang Texas. Ðang vẽ, tôi chợt thấy một chàng Mỹ trắng đi ngang, dừng lại nhìn, rồi lát sau quay lại, hỏi thăm, chụp hình.

Ban đầu tôi cứ ngỡ một chàng rỗi hơi. Không ngờ mấy ngày sau, người chủ của nhà hàng báo tin cho biết, có bài viết về tôi được đăng trên trang nhất của tờ Daily Progress và cám ơn tôi rối rít vì tự nhiên nhà hàng của ông ta được quảng cáo không công. Sau mới biết anh chàng đó là phóng viên của tờ báo này.

PVT: Anh qua Mỹ trễ, so với độ tuổi có thể cắp sách đến trường, làm việc trong một môi trường rất Mỹ và có thể nói toàn dân thủ cựu, vậy anh có bao giờ gặp hay có cảm giác bị phân biệt đối xử vì màu da, sắc tộc không?

ÐTÐ:: Tôi chưa bao giờ cảm nhận điều đó mà ngược lại là đằng khác. Ví dụ ông chủ công ty hay đi theo chúng tôi tới địa điểm nhận những project lớn như vẽ cho cầu trường. Ông ấy thường rủ tôi đi với ông để họp thay vì những họa sĩ người Mỹ bản xứ.

Lý do vì ông ta tin tưởng và đánh giá cao khả năng của tôi. Tôi thường đóng góp thêm ý kiến trong việc thực hiện project.

Theo cá nhân tôi, người Mỹ có tính thực tế. Họ trọng người làm được việc hơn là nhìn vào màu da hay chủng tộc.

PVT: Cảm ơn anh. Thực tế này có thể giúp một số người có mặc cảm màu da, thường nhìn mọi sự việc dưới khía cạnh sắc tộc, có thể làm họ khó hội nhập và thi triển tài năng. Ngoài công việc, lúc rảnh rỗi anh làm gì?

ÐTÐ: Bây giờ tôi đã về hưu nên không chú trọng vấn đề mưu sinh, tôi chỉ làm những gì mình thích. Thích nhất là đi tập thể dục và bơi lội hàng ngày để giữ gìn sức khoẻ.

PVT: Nghe nói anh thích ca hát và là một “cây” keyboard rất điệu nghệ?

ÐTÐ: (cười) Tôi chỉ đánh đàn keyboard cho vui với bạn bè thôi. Khi có dịp họp mặt với bạn bè, rồi ăn uống ca hát cho… “thư giãn”. Và một năm đôi ba lần đi du lịch khắp nơi trên thế giới để thưởng lãm ngoại cảnh và sang tiểu bang khác thăm cháu ngoại.

PVT: Những lần đi du lịch xa, có bao giờ anh quay lại Việt Nam không? Nếu có, anh có cảm tưởng như thế nào?

ÐTÐ: Chỉ có một lần duy nhất, ngay sau khi tôi nghỉ hưu cách đây cũng trên 5 năm, tôi đi một tour du lịch châu Á từ Mỹ sang Singapore, Mã Lai và 4 ngày cuối cùng họ đưa một vòng đồng bằng sông Cửu Long trước khi về Mỹ.

Nhìn “cảnh cũ, người xưa” ngày tôi đã một thời bay bổng ở đó, nhưng thực tình tôi không cảm thấy vui vẻ gì. Tôi có cảm giác là mình đang đến một quốc gia nào khác. Việt Nam thay đổi nhiều quá, xa lạ và lạnh lùng.

PVT: Chúc mừng anh đã có một đời sống phong phú ở quê hương này, vì không phải ai cũng có may mắn tìm một công việc hợp với khả năng và sở thích.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.

Chúc anh luôn dồi dào sức khỏe, để tiếp tục “bay lượn” trên những bức tường, làm đẹp cho đời, cho khán giả, và cho cảnh quan nước Mỹ.

PVT (thực hiện)