Dù không muốn, nhưng tôi không còn cách nào hơn là vẫn phải sử dụng cụm từ “nỗi sợ hãi” mà GS.Ngô Bảo Châu đã từng đề cập, để làm một phần cho tựa bài viết này. Bởi vế trước của tựa cũng là hệ quả từ vế sau của nó và cả hai đều lý giải chặt chẽ cho nhau.
Một lần, khi tôi vừa chia sẻ một status về sự cần thiết của việc giáo dục tính cách cho trẻ em ngày nay, thì nhận được tin nhắn thế này từ một người bạn ở ngoài Bắc: “Tôi thèm được tự do viết như bà! Tôi thì vẫn đang đi làm Nhà nước nên đôi khi chỉ dám đưa cái ảnh con chó bị buộc mõm lên FB mỗi khi bức xúc chuyện gì mà không thể nói ra…” (!!!)
Hôm khác, nghe một người bạn nữa đang làm trong cơ quan truyền thông của một tỉnh phía Nam kể : Ở nơi bạn làm việc, người ta chặn hết FB. Chỉ một vài người được quyền vào FB trong giờ làm việc, nhưng là vào để theo dõi xem có ai trong cơ quan “pót piếc” hoặc “lai” những nội dung bất mãn, nhạy cảm gì trên đó không. Vì thế, bạn không bao giờ “dám” chơi FB, để cho đỡ mệt vì bị rình rập!
Tôi rất thường nghe những lời chia sẻ tương tự như thế từ các bạn khác trên FB cũng như từ chính những người thân của mình. Không ít người trong số họ cũng là Đảng viên! Có người còn nhắn tin cho tôi rằng: “Rất tâm đắc khi đọc những status của bạn, nhưng mình xin lỗi là không thể like! Mong bạn hiểu sự im lặng của mình nghĩa là đồng tình và mình vẫn luôn dõi theo mọi bài viết của bạn.”
Có cô bé đang học năm thứ hai khoa Văn Trường ĐH Sư phạm và cũng là con một người quen của tôi còn rụt rè “méc”: “Ba mẹ nói con không được lai hay còm bài của bác vì sợ con sẽ bị đuổi học!”. Tôi nghe cô bé nói mà đau lòng tự hỏi mai mốt ra trường em sẽ dạy Văn cho học sinh như thế nào khi mà ngay cả cảm xúc của mình cũng không dám thể hiện?
Hồi trước, thế hệ chúng tôi phải truyền tay nhau lén chép lại bài thơ “Lời mẹ dặn” của Nhà thơ Phùng Quán mà ai cũng biết rằng ông đã bị vùi dập đến tận cuối đời chỉ vì những câu thơ thật giản dị thế này:
“… Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…”
Ô hay, chỉ đơn giản vậy thôi : “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét”, thế mà sao ngay cả bạn bè, người thân quanh tôi giờ cũng không dám sống thật như thế? Chúng ta đang sống trong những năm 50-60-70 của thế kỷ trước ở miền Bắc VN, hay là đang sống trong thời đại mà bất kỳ ai với cái smartphone trong tay cũng có thể trở thành một nhà báo? Vì sao chỉ là nói thật suy nghĩ của mình thôi mà ai cũng sợ hãi đến vậy?
Vâng, cái nỗi sợ ấy đang là thực trạng chung của xã hội chúng ta ngày nay! Mà hễ đã sợ thì dường như mức độ sợ lại tỷ lệ thuận với trình độ văn hóa và vị trí xã hội. Buồn thay, người càng có học thì lại càng sợ nhiều hơn người ít học. Người làm việc trong bộ máy nhà nước sợ nhiều hơn người làm việc trong khối tư nhân. Lãnh đạo (dù chỉ là cấp bé tí cỡ… tổ trưởng) sợ nhiều hơn nhân viên. Đảng viên sợ nhiều hơn quần chúng… Nỗi sợ viện vào đủ mọi lý do “chính đáng” : Sợ ảnh hưởng đến gia đình, người thân; sợ ảnh hưởng đến cơ quan, công việc, và tất nhiên, kể cả việc sợ ảnh hưởng đến chính bản thân mình! Nỗi sợ nhân danh cả những điều “cao cả” như sợ mang tiếng phá hoại đất nước, sợ gây kích động ảnh hưởng đến chính sách, sợ bị quy là chống người thi hành công vụ v.v… Và sợ nhất là bị chụp cái mũ “phản động” lên đầu!
Khi tôi bức xúc viết về những gì tận mắt thấy tại Ngôi nhà Việt Nam ở Expo Milan 2015, có những người đã comment hoặc nhắn tin mắng tôi là “góp phần hạ nhục thêm quốc thể”, là “việc bé xé ra to để phủ nhận công lao của bao người đang đóng góp cho đất nước”, là “muốn PR bản thân trên FB” v.v… Ngoại trừ đó là các dư luận viên, tôi tin những người ấy mắng tôi rất thật lòng, bởi họ nghĩ đúng như những gì họ đã được dạy và được định hướng suy luận từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường XHCN. Và bởi họ không thể gột rửa tư tưởng nên sẽ không bao giờ có thể chấp nhận sự phản biện trung thực…
Tôi nhận thấy tại sao những người bạn tôi đang sống ở các nước “giãy chết” không có những nỗi sợ giống vậy? Chẳng phải chúng ta đã được tuyên truyền và dạy dỗ nhiều thứ để tự hào về những thuộc tính ưu việt của chế độ XHCN đó sao? Vậy đâu là căn nguyên làm cho dân ta hay thường trực nỗi sợ hãi trong tư tưởng, còn họ thì không có những nỗi sợ giống ta ?
Đó là sự khác biệt cơ bản về giáo dục.
Hãy thử xem GV và HS của chúng ta có bao giờ được tự chọn sách giáo khoa (SGK) để dạy và học ? Thêm nữa, Bộ GD – ĐT không chỉ quy định các môn học, số tiết học, thời gian học, mà lại còn quy định cả cách ghi sổ báo bài, sổ điểm danh và hàng chục loại sổ sách khác cho GV. Về nội dung giảng dạy, do chế độ độc quyền SGK và coi SGK là chương trình nên mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn cũng như quan điểm của một vài cá nhân hoặc một nhóm người được giao nhiệm vụ chủ biên soạn SGK. Trong khi đó, ở các nền GD tiên tiến hiện nay, với quan điểm về “trí thông minh đa dạng” trong GD, người ta đang yêu cầu GV phải sử dụng SGK theo khả năng của từng HS. Tại Israel – đất nước của các giải Nobel, Bộ Giáo dục còn ủng hộ xu hướng đi đến bãi bỏ SGK trong trường học.
Điều cần suy nghĩ nữa là về cấu trúc chương trình học ở cả bậc phổ thông lẫn đại học. Có nhiều thứ phải nói, nhưng đáng nói nhất là việc bắt buộc định hướng giáo dục về tư tưởng cho SV, HS. Việc đưa các môn Mác-Lê và tư tưởng HCM trở thành môn học bắt buộc trong trường học là một thuyết minh cụ thể về tình trạng hạn chế tự do học thuật ở ta. Đây cũng là một vấn đề mà các bạn quốc tế thường rất ngại khi bàn chuyện hợp tác, phát triển giáo dục với VN.
Chúng ta hay đề cập đến khái niệm “giáo dục khai phóng” (liberal education) khi nói về yêu cầu đổi mới giáo dục ở VN. Đây là nền giáo dục hình thành dựa trên khái niệm về các môn học khai phóng (liberal arts) có từ thời Trung cổ và chủ nghĩa tự do trong Thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment). Mục tiêu mà giáo dục khai phóng nhắm đến là đào tạo những con người tự do. Có thể nói, đó là nền giáo dục dành cho tất cả những con người tự do, bất kể mục đích nghề nghiệp của họ là gì! (Khi nào có dịp tôi sẽ viết rõ hơn về chủ đề liberal education và liberal arts college, tạm dịch: các trường đại học khai phóng).
Thực ra, vào trước năm 1975 ở miền Nam, chế độ VNCH đã xây dựng được nền giáo dục theo một triết lý rất gần gũi với thế giới tiến bộ: “Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng”. Nhưng hơn 40 năm qua, triết lý giáo dục này không những không được khôi phục mà còn bị triệt tiêu hoàn toàn. Và những giá trị cuối cùng của một nền giáo dục tiến bộ trong quá khứ giờ chỉ còn rơi rớt lại như một bài hát xưa buồn mà những người thuộc thế hệ cũ luôn ngậm ngùi tiếc nuối…
Trong mấy ngày vừa qua, cộng đồng mạng đang sôi sục với bài viết về quan điểm chọn trường cho con của một bà mẹ trẻ được mệnh danh là “hot facebooker”. Tôi theo dõi những cuộc tranh luận giữa các phụ huynh về việc chọn trường công hay trường tư xung quanh bài viết này và tự hỏi rằng bên cạnh vô số những so sánh giữa cái được và cái mất khi cho con cái học trường này trường kia, liệu có ai trong chúng ta đã quan tâm về nhu cầu được tự do của chúng? Liệu chúng ta đã bao giờ lo lắng rằng con chúng ta sẽ phải lớn lên trong những nỗi sợ hãi vô hình?
Ngày trước, sau vài năm cho con học chương trình giáo dục VN ở cả trường công và trường tư (không phải trường quốc tế), vợ chồng tôi đã quyết định phải chuyển con sang học chương trình quốc tế, bởi chúng tôi nghiệm ra rằng dù có thể bỏ tiền ra mua thêm kiến thức cũng như bổ sung năng khiếu cho con bằng các lớp học ngoài giờ, nhưng vẫn không thể mang lại cho con sự tự do về mặt tư tưởng. Tôi muốn các con phải được sống như một con người với đầy đủ cảm xúc, tư duy CỦA MÌNH và không phải đối diện với những nỗi sợ hãi khi muốn thể hiện suy nghĩ hay quan điểm về mọi vấn đề trong cuộc sống. Với tôi, điều này quan trọng hơn tất cả những thành tích về điểm số hay các giải thưởng trong học tập và rèn luyện năng khiếu!
Nên thật ra, nếu nói giáo dục khai phóng là ước mơ của bất kỳ quốc gia nào thì với VN, giáo dục khai phóng còn là một khái niệm xa xỉ hơn. Trước mắt, chỉ dám mong có một sự cởi bỏ thực sự trong tư duy quản lý để bước đầu thỏa mãn một phần nhu cầu tự do của nền giáo dục hiện nay. Lối đào tạo theo kiểu định hướng rập khuôn và chủ trương “mặc đồng phục” cho tư tưởng là những thứ rất xa lạ với các giá trị của một nền học thuật tiến bộ.
Đào tạo con người tự do luôn là mục tiêu của những nền giáo dục ưu việt trong mọi thời đại. Bởi một điều hiển nhiên rằng: Không có tự do tư tưởng, con người không thể sáng tạo, và vì thế cũng khó có thể thành công!
Từ Facebook Oanh Nguyen Thi