NGUỒN TIN: VOA

Trong một quán bar ồn ào tại một trong số những con đường hẹp của khu phố cổ Hà Nội, nhà hoạt động bất đồng chính kiến Việt Nam “Anh Chí” nói rằng: “Việt Nam không giống Trung Quốc. Họ không thể ngăn chặn Facebook tại Việt Nam.” Với 40.000 người theo dõi Facebook của ông, ‘Anh Chí’ là một trong so6` những người chỉ trích nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng chắc chắn ông không phải là người có đông người theo dõi nhất tại nước cộng sản Việt Nam. Những nỗ lực của nhà nước nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến, đã đụng phải sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội nước ngoài.

Chủ Tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong tháng này, kêu gọi phải kiểm soát internet nghiêm ngặt, vì theo lời ông “các thế lực thù địch” không chỉ đe dọa đến an ninh mạng, mà còn “phá hoại uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước.” Nhưng kiểm soát internet ở một quốc gia phát triển nhanh, có dân số trẻ là điều không dễ, đặc biệt là khi các công ty cung cấp dịch vụ lại có tầm cỡ quốc tế. Trái lại, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty internet trong nước hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt. Việt Nam là một trong số 10 quốc gia đứng hàng đầu, về số lượng người sử dụng Facebook. Theo kết quả nghiên cứu mà hãng thông tấn Reuters nhận được, từ các tổ chức truyền thông xã hội “We Are Social” và “Hootsuite,” Việt Nam có hơn 52 triệu tài khoản đang hoạt động. YouTube thuộc Google và Twitter cũng rất phổ biến tại Việt Nam.
Giống như các nơi khác ở Đông Nam Á, truyền thông xã hội giúp sức cho kinh doanh và truyền thông, cũng như đã giúp những người chỉ trích chính phủ. Một số nhà bất đồng chính kiến đăng bài trên truyền thông xã hội, đã bị bắt trong một cuộc trấn áp lớn tiếp sau những thay đổi, trong bộ máy đảng cầm quyền. Ít nhất 15 người đã bị bắt năm nay. Các blogger nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là “Mẹ Nấm,” và Trần Thị Nga, đã bị kết án tù lần lượt là 10 và 9 năm. Những người chỉ trích chính phủ cũng than phiền, về việc họ bị những kẻ không rõ danh tánh hành hung và hăm dọa.