
Ai cũng biết ban The Beatles là đại thụ của nhạc rock, nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng ban nhạc Queen cũng thuộc hàng siêu đẳng, thậm chí qua mặt cả Beatles trên vài phương diện. Dĩ nhiên khó mà so sánh hai ban nhạc không cùng thời, nhưng phải công nhận Queen là một hiện tượng độc đáo trong thế giới pop/rock, có ảnh hưởng sâu mạnh đến nhiều thế hệ nhạc sĩ về sau.
Hồi mới qua Mỹ tôi biết rất ít về nhạc rock, nhất là hard rock. Chỉ biết sơ sơ những loại nhạc nhẹ như Carpenters, Bee Gees v.v. Mạnh lắm thì cũng đến Creedence Clearwater Revival hay Doobie Brothers là cùng—phần nhờ thời trước 75 đã được nghe qua ở Sài Gòn. Ðến khoảng 1976, sau khi đã bớt “lạ nước, lạ cái” và có thể nghe và nói tiếng Anh tương đối OK tôi mới bắt đầu biết thêm về nhạc Mỹ đương thời, qua phương tiện chính là cái đài AM radio địa phương chuyên nhai đi nhai lại mấy bản nhạc Top 40. Thuở ấy FM radio còn khá mới, không có nhiều đài như bây giờ. Có một đài hay chơi loại nhạc được gọi là “album rock”, tức những bản nhạc trích từ các album mà không hẳn phải là những bài trong Top 40 thịnh hành. Nhờ đó tôi mới được nghe những ban nhạc “lạ” như Steely Dan, Pink Floyd, Jethro Tull, Yes v.v…

Lần đầu tiên được nghe Queen qua bài “Bohemian Rhapsody” tôi mê liền tức thì vì nó quá lạ, quá cầu kỳ, và quá hay. Trước đó chưa thấy có ban nhạc rock nào hát bè dữ dội đến vậy, nghe như một dàn đồng ca cả trăm người. Cũng không thấy ai làm music video riêng cho bài nhạc của mình. Queen chính là ban nhạc đầu tiên làm chuyện đó cho nên ngày nay được coi như cha đẻ của bộ môn music video, đi trước MTV cả mấy năm.
Tôi trở thành fan cuồng của Queen kể từ đấy. Dĩa album “A Night Of The Opera” trở thành “dĩa” để đầu giường, nghe muốn mòn cả kim. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ cái dĩa đó, cũng như một số album 33 tua khác của Queen. Năm 1981, lúc còn đang là một tên sinh viên nghèo kiết ở Houston, tôi đã nhịn ăn bỏ tiền mua vé xe đò Greyhound qua tận Baton Rouge, Louisiana, để đi coi concert. Thời đó chuyến đi mất gần 10 tiếng đồng hồ. Tôi đến thật sớm để sắp hàng. Vào sớm, tôi được đứng gần ngay hàng đầu cách sân khấu vài bước.
Có thể nói từ đó đến nay tôi chưa từng được xem một rock concert nào gây ấn tượng hơn như vậy. Phần vì lúc ấy ca sĩ chính Freddie Mercury còn đang trong thời kỳ sung mãn, và ban nhạc đang lên như diều gặp gió. Phần khác nhờ được đứng gần mục kích tận mắt thần tượng guitar của mình là Brian May với những ngón tay điêu luyện và âm thanh phù thủy, được xem Roger Taylor đánh trống cách mình có chục thước, và được nhìn thấy John Deacon như đang đùa giỡn với cây đàn bass.

Một trong những lý do nữa làm tôi thích Queen là các thành viên trong ban nhạc đều có học thức. Freddie Mercury học hội hoạ ở trường Ealing Art College ở London và là người thiết kế logo cho ban nhạc. John Deacon ra trường môn điện tử tại Chelsea College. Roger Taylor mới đầu học Nha Khoa nhưng sau chuyển qua Thực Vật Học tại East London Polytechnics. Ðáng nể nhất là Brian May. Tay guitar cừ khôi này có bằng Cử Nhân về Toán, Vật Lý, và Toán Học Áp Dụng tại trường Imperial College of London. Mới 13 tuổi Brian May đã tự làm đàn guitar và chế tạo những bộ phận âm thanh đặc biệt cho đàn của mình. Cây đàn này anh vẫn còn dùng cho đến ngày nay. Năm 2007 Brian May đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Vật Lý mà anh khởi công nghiên cứu từ năm 1971, do đó ngày nay anh còn được gọi là Dr. May!
May và Taylor quen nhau từ khi còn là sinh viên ở Luân Ðôn năm 1970. Họ lập một ban nhạc lấy tên là Smile. Trong số những người hâm mộ Smile có một sinh viên dân Parsi (xưa là Iran) sanh tại Zanzibar (Phi Châu) tên Farokh Bulsara. Farokh lớn lên ở vùng Gujarat (Ấn Ðộ) và di cư sang Anh trong thập niên 60. Ðược cho học piano từ nhỏ, Farokh có năng khiếu về âm nhạc và diễn xuất. Farokh xin gia nhập ban Smile để đàn piano và hát. Sau một thời gian, Smile tìm được John Deacon để đánh bass, và Farokh đề nghị ban nhạc đổi tên thành Queen. Phần mình Farokh cũng lấy tên sân khấu là Freddie Mercury.

Những năm đầu, Queen có thâu thanh một số những bản nhạc do May và Mercury sáng tác để chào hàng, nhưng hãng dĩa nào cũng chê. Thuở ấy, Queen chơi một loại nhạc gọi là “progressive rock”, giống những ban nhạc như Yes nhưng nghiêng về heavy-metal nhiều hơn. Phải đến năm 1972 Queen mới ký được hợp đồng với hãng dĩa EMI, sang năm 1973 thì cho ra album đầu tiên: “Queen”. Album này không bán chạy lắm mặc dù được giới phê bình khen là rất hay. “Queen II” ra đời một năm sau đó và bán khá hơn một chút, nhờ có bài “Seven Seas of Rhye” lên được đến #10 bên Anh quốc. Cuối năm 1974 Queen cho ra dĩa thứ ba mang tên “Sheer Heart Attack” và thành công hơn nữa. Bài “Killer Queen” từ album này lên đến hạng nhì ở Anh và hạng 12 bên Mỹ, phần lớn vì nó nhẹ nhàng hơn loại nhạc heavy-metal rock trước kia. Thế là bắt đầu một kỷ nguyên mới trong dòng nhạc Queen được giới chuyên nghiệp gọi là Power Pop (tạm dịch là Pop nặng ký).
Sau khi khám phá ra công thức Power Pop, vào cuối năm 1975 Queen cho tung ra dĩa nhạc có thể xem là hay nhất của ban nhạc: “A Night At The Opera”, lấy tựa từ một cuốn phim của Marx Brothers. Album này đứng đầu bảng Billboard bên Anh bốn tuần lễ, và bài single “Bohemian Rhapsody” trở thành bản nhạc #1 đầu tiên của Queen. Cho đến nay, “Bohemian Rhapsody” là bản nhạc bán chạy thứ ba trong lịch sử nước Anh, chỉ thua bài “Candle In The Wind” của Elton John hát cho đám tang công chúa Diana, và bài “Do They Know It’s Christmas?” của chương trình Band-Aid cứu trợ nạn đói Phi Châu năm 1984.
Năm 1985, Band-Aid tổ chức thêm một chương trình cứu trợ lớn hơn nữa mang tên Live-Aid, với hai sân khấu–một ở Mỹ một ở Anh. Tại sân vận động Wembley ở London, Queen đã chơi cho hơn 100,000 khán giả nghe những bài nhạc kinh điển như “We Will Rock You, “We Are The Champions”, “Radio Gaga”, và tất nhiên là bài “Bohemian Rhapsody”. Buổi diễn này của Queen ngày nay được các nhạc sử gia đồng ý là màn trình diễn nhạc rock hay nhất mọi thời đại. (Ai tò mò muốn xem cho biết chỉ cần vào Youtube lục tìm “Queen Live Aid” là sẽ thấy ngay.)

Trước đó, vào năm 1979 Queen cũng mở màn chương trình gây quỹ cứu trợ cho dân Kampuchea do Paul McCartney tổ chức. Sang năm 1980 Queen cho ra dĩa “Greatest Hits” và nhanh chóng trở thành album bán chạy nhất nước Anh, qua mặt luôn cả album “Sgt Peppers” của Beatles hơn nửa triệu bản. Vì vậy nhiều người cho rằng ngoài Beatles ra thì Queen là ban nhạc lớn nhất thế giới. Trong số những nhạc sĩ thế hệ sau tự nhận mình bị ảnh hưởng bởi Queen có rất nhiều tên tuổi thứ dữ như Michael Jackson, George Michael, Lady Gaga, Adele, và rất rất nhiều nữa.
Nhưng thập niên 80 cũng là thời điểm bệnh AIDS tung hoành. Gần cuối thập niên 80, Freddie Mercury bắt đầu yếu đi nhưng không ai biết rõ nguyên do. Bản thân Mercury cũng không cho ai biết mình đã nhiễm HIV từ năm 87. Anh vẫn làm việc hết mình và tiếp tục cho ra dĩa mới. Cuối cùng đến năm 1991 Freddie Mercury qua đời, bộ tứ Queen coi như chấm dứt.
Phải đợi đến năm 2005 Queen mới đi tour trở lại, nhưng lúc ấy John Deacon đã quyết định giải nghệ nên chỉ còn hai thành viên chính là Brian May và Roger Taylor, cộng thêm Paul Rodgers (cựu ca sĩ của ban Bad Company) và vài nhạc sĩ phụ. Bẵng đi vài năm, đến 2009 Queen bỗng xuất hiện trên chương trình “America’s Got Talent”, hỗ trợ cho Adam Lambert (về nhì mùa đó.) Ít lâu sau Brian May tuyên bố Adam Lambert sẽ đi tour với Queen, và từ 2011 đến nay họ đã tour với nhau mấy lần.

Năm nay khi Queen + Adam Lambert đến Dallas, tôi nhất định dẫn cậu con Út theo vì cậu ta cũng rất mê Queen. So với concert của Paul McCartney thì lần này ít thấy cha mẹ dắt con đi xem. Ðiều này cũng dễ hiểu vì nhạc của Queen thuộc dạng heavy-metal, không dễ nuốt như Beatles. Vì đã từng được xem Freddie Mercury nên tôi cũng tò mò muốn nghe thử xem Adam Lambert hát hò ra sao.
Lambert có một chất giọng khác Freddie, nhưng phong cách diễn xuất cũng rất điệu nghệ. Những đoạn cần phải lên cao anh ta hát rất vững. Lambert cũng hay pha trò và có dáng vẻ tự tin. Queen + Adam Lambert đã không làm cho người xem thất vọng. Ngón đàn của Brian May vẫn còn nảy lửa, và tiếng đàn của anh không có gì thay đổi.
Có khác chăng là mái tóc quăn dài đen nhánh ngày xưa nay đã bạc trắng (nhưng vẫn còn dài và quăn). Roger Taylor đánh trống vẫn còn dữ dội, và khi anh hát đến bài tủ của mình, “I’m In Love With My Car”, khói được thả tràn ngập sân khấu, không khác gì được coi concert thời 70. Lạ một điều là ban nhạc kỳ này có đến hai tay trống, không hiểu vì sao. Hay ở chỗ có đoạn hai người đánh trống solo qua lại như song tấu, nghe rất là đã!
Có thể gọi đây là “Greatest Hits Tour” của Queen vì toàn là các bài nhạc top hit, không có bài nào lạ trừ bài “Two Fux” của Adam Lambert mà riêng tôi thấy vừa dở vừa không thích hợp vì ngôn từ hơi … “rated-R”. Ấn tượng nhất là những bản nhạc nổi tiếng thời 80 như “Radio Gaga”, “Hammer To Fall”, đặc biệt là bài “Under Pressure”–khi Roger Taylor vừa đánh trống vừa hát phần của David Bowie thật nhuyễn. Chương trình kết thúc bằng bài “We Are The Champions” với tiếng đồng ca của mười mấy ngàn khán giả.
So với mấy chục năm trước thì show này hay ở chỗ âm thanh và ánh sáng hiện đại hơn. Nhưng vì không có Freddie Mercury nên riêng tôi vẫn thấy có cái gì thiếu thiếu. Trên đường về cậu Út im lặng rất lâu, sau cùng mới nói, “Con buồn ghê.” “Tại sao con buồn?” Tôi hỏi vặn. “Tại con thấy tiếc cho Freddie Mercury quá. Phải chi ổng đừng chết sớm thì hay biết mấy!” “Nhưng con thấy show này ra sao?” Chàng mở miệng cười toe toét: “It’s the best concert ever!”

IB