Chị Bé Ba tên thiệt là Trần Thị Bé Ba. Người nhỏ trong xóm gọi chị là cô Bé Ba, người lớn trong xóm gọi chị là con Bé Ba còn người lỡ cỡ trong xóm thì gọi chị là chị Bé Ba. Phải là chị/cô/con Bé Ba mới chịu, còn gọi chị/cô/con Ba là chị giận. Chị giả bộ hổng nghe!

Chị-Bé-Ba được coi là hoa-hậu-hẻm của cái xóm toàn con nít và người già này. Chị luôn tự hào vì điều đó cho đến khi nghe tin báo đài là hoa hậu, hoa khôi độc thân toàn bán thân giá nghìn đô. Ðể chứng minh mình là một hoa hậu (hẻm) trong sáng, chị quyết định… tuyển chồng.

Cũng vì cái tin tuyển chồng của chị Bé Ba mà cả xóm xôn xao. Từ đó mà đầu trên xóm dưới bắt đầu bàn tán về chuyện tình duyên trắc trở của chị. Các câu chuyện từ cảm động nước mắt đầm đìa đến cả những lời mỉa mai châm chọc của tổ hợp loa phóng thanh hẻm truyền đi với tốc độ chóng mặt (đôi khi nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng) và không mệt mỏi! Có người bảo, hồi xửa hồi xưa chị Bé Ba cùng một chàng trai bên xóm bạn yêu thương thắm thiết nhưng ngặt vì chàng dị ứng với mùi mắm còn nàng lại thích vô bờ bến món bún riêu cua (đặc biệt phải thêm nhiều mắm tôm), bất hoà khẩu vị dẫn đến khẩu chiến, cuối cùng chàng cuốn… lưỡi ra đi.
Cũng có người kể, hồi đó chị Bé Ba thầm yêu trộm nhớ một anh chàng công tử nổi tiếng ngoan ngoãn, chỉ biết chăm lo học hành không chơi bời lêu lổng. Chị bèn mở ra một sách lược hoàn hảo để cưa đổ chàng… Khi thì giả bộ qua hỏi bài, lúc lại tặng vài trái tim được xếp bằng tiền lẻ mới cáu, thỉnh thoảng lại viết thư tình lén thảy qua cửa sổ! Nhưng chàng ta vẫn không rục rịch… Tức quá, một hôm tối trời (chắc khoảng 30 âm lịch, không có trăng) chị bèn hẹn chàng ra hỏi rõ. Ngờ đâu sáng ra người ta thấy chị vẫn còn ngồi khóc giữa ruộng (?!) Sau vài hồi làm “công tác tư tưởng”, chị mới nín được một lúc rồi bảo:
“Thằng Ðực nói nó có bạn trai rồi…”
Xong khóc oà lên bỏ chạy về nhà… Tiếp theo đó ra sao thì chắc bạn cũng đoán ra được rồi. Quả đúng với câu hồng nhan bạc phận!
Cũng có người kể, chị là người hiền đức, quyết thủ tiết chờ “lang quân như ý” xuất hiện nên không thèm quen ai. Có người lại nói chị có “duyên âm” chưa cắt hết… Nhưng tin đồn vẫn là tin đồn, dầu thế nào thì việc cả xóm chờ chị có chồng cũng mỏi mòn như việc các fan bóng đá chờ Việt Nam vô địch Sea games vậy. Nên ta tạm xếp lại! Tôi chỉ muốn nói một bí mật là, sau bao năm phòng không gối lẻ, chị Bé Ba lại sắp hẹn hò …

Tuy chưa có “tin tức” về người yêu chị kỳ này. Nhưng ai cũng nhận thấy có vẻ chị chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nào là ra cô Chín đầu hẻm hết làm móng đến nhuộm đầu, xong, lại ra bé Tư bên xóm bên mua lại vài cái đầm hot nhất, rồi qua con Tám mua mấy chai nước hoa hàng “xách tay” tới cả mấy trăm ngàn… Ai cũng hồi hộp chờ đợi nhìn mặt chàng rể “danh giá” nhất xóm xuất hiện, vì có vẻ lần này chị chắc ăn lắm đây! Mấy đứa con nít trong xóm cũng góp vui, đứa đánh cược nải chuối, đứa cược trái ổi, đứa chơi sang bỏ ra 500 đồng cược xem lần này chị có chồng hay lại về tay không. Cái xóm bình yên trở nên náo nhiệt hẳn, đến mấy con chó cũng quẫy đuôi chúc mừng.
Ðến ngày hẹn, chị đầm ren, guốc cao, mặt trang điểm lộng lẫy bước ra cổng nhà dưới mấy chục con mắt tò mò. Chị cười nhẹ chào và cám ơn những câu chúc tốt đẹp của mọi người rồi leo lên xe ông Tư chạy honda ôm trong xóm đi đến điểm hẹn. Không biết chị có hồi hộp không chứ trong xóm ai cũng hồi hộp, không những thế, hầu như câu chuyện hôm nay chỉ quanh quẩn toàn con Bé Ba, chị Bé Ba, cô Bé Ba…và Bé Ba. Chắc chị cũng không ngờ suốt cái ngày trọng đại ấy, cả xóm bỏ cơm chờ chị và ông Tư honda ôm. Thời gian chậm mấy rồi thì cũng trôi, chẳng mấy chốc ông Tư xe honda xong một ngày mưu sinh, tất tả chạy về nhà cơm nước nghỉ ngơi. Và ông được cả xóm đón chào như thần tượng Hàn Quốc về làng. Mọi người vây lấy ông hỏi trên trời dưới đất, câu nào ông cũng bảo không biết. Hỏi chị Bé Ba đâu, ông cũng bảo không biết.
“Chỉ thảy nó ở đó rồi đi chứ rình nó làm gì!”

Thế là “hội bà tám” tiếp tục chụm đầu tưởng tượng. Người thì nói có thể sau khi hẹn hò chắc “hai người đó” đi chơi luôn rồi, có người lại bảo chắc chị Bé Ba hẹn mấy người cho… chắc ăn nên mới lâu như vậy, người lại nói chắc ông kia hông chịu nên Bé Ba nó buồn rồi nghĩ quẩn đi làm chuyện hổng hay rồi…. Người nói vậy, người nói khác, cái nào cũng thấy có lý nên mạnh ai nấy nói rồi không ai chịu nhường ai mém gây lộn. Cuộc gây lộn vừa định xảy ra thì chị Bé Ba về trong bộ dạng buồn xo. Mạnh ai nấy im bặt, nhìn chị đi qua rồi mất hút sau cánh cổng nhà mà hổng dám hỏi câu gì. Ðâu hơn cả tuần, sau khi chị “thất tình” xong. Cả xóm khai thác mới biết người chị hẹn là một chàng trai có ăn học, đẹp trai, phong độ… Họ quen nhau qua một cái mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam có tên là Zalo. Một hôm vô tình nằm võng đung đưa thì Zalo bảo với chị là “có người ở gần bạn khoảng 100 mét”. Thế là chị “kết bạn” với người đó. Cái rồi chàng ta nhắn tin mỗi ngày với chị rồi hẹn gặp mặt. Cả hai không đưa hình trước (vì anh và chị đều “không quan trọng ngoại hình” của nhau) nên họ đã cẩn thận “đánh dấu” nhau bằng màu trang phục, tướng tá… Ðến bữa hẹn, ngay phút đầu tiên chạm mặt họ đã kịp nhận ra nhau. Không ngờ đúng là người đàn ông ở cách chị 100 mét thật. Ðó là chồng của con Tám bán nước hoa “xách tay” cho chị đi “hẹn hò”. Chị bảo:
“Nhớ lúc nó ngồi lựa từng mùi nước bông cho “tui” mà “tui” giận chồng nó tím ruột tím gan!”

Cả xóm mới ồ lên, giờ đã hiểu tại sao chiều bữa đó trong nhà con Tám nghe tiếng chửi nhau rỉ rả, nhưng không ai để tâm. Một phần vì mắc “chia buồn” với Bé Ba, một phần vì tưởng con Tám thua độ đâm ra kiếm chuyện với chồng. Vì chiều hôm đó nó là người “chắc ăn” nhất chị Bé Ba sẽ có chồng, luôn miệng nói:
“Xài nước hoa xách tay của tôi thằng nào cũng chết!”
Mấy cô nhỏ trong xóm mém tốn tiền vì lời quảng cáo đó, may mà giờ chị Bé Ba vẫn… ế. Sau phút giây “cảnh giác” thì mọi người lại buồn cho chị Bé Ba. Bà Hai tặc lưỡi:
“Con nhỏ cái gì cũng hơn người ta, chỉ thua có cái số!”

Ở Việt Nam-quê hương tôi là vậy, cái gì mà khoa học không lý giải được đều quy ra “tại cái số”. Ai nghèo thì cũng tại số khổ, ai giàu thì tại số sướng, ai bị tai nạn giao thông thì số xui, ai trúng số thì do số hên… Không phải chỉ dân nghĩ vậy mà mấy ông quan chức nhà nước cũng nghĩ vậy. Bản tin ở Ðài Truyền Hình Quốc Gia VTV1 ngày 23/08/2017 nói ở Hưng Yên, người dân thôn Văn Nhuệ hơn ba năm nay, từ 2014 vẫn được xét hộ nghèo qua trò may rủi, ai có số hên thì được…. làm hộ nghèo, được nhận trợ cấp nhà nước. Bằng cách cứ cho cả làng bốc thăm hộ nghèo, ai bắt trúng thì sẽ là hộ nghèo, rất bình đẳng bất kể sang hèn. Xem xong bản tin đó tôi chợt nghĩ, sao Thượng Ðế không cho bốc thăm để lấy chồng nhỉ? Biết đâu Bé Ba gặp hên thì sao? Bé Ba gặp hên thì thế nào tôi cũng gặp hên!

Ðang miên man suy nghĩ, bỗng nghe bà Năm vỗ đùi cái đét, nói với chất giọng tự tin:
“Thôi nghỉ đi mày ơi tháng cô hồn mà hẹn với hò!”
Nghe bà Năm nhắc “tháng cô hồn”, mạnh ai nấy ớ ra một cái. Tháng 7 âm lịch bay vèo vèo rồi mà tại chuyện chồng con ly kỳ của chị Bé Ba làm quên mất. Không biết từ bao chừ, tháng 7 âm lại bị cho là tháng cô hồn, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng này. Bà Năm định sửa lại cái quán vì tấm bạt bị mưa xối dột cũng phải chờ qua tháng. Cũng trong tháng 7 Âm lịch hàng năm, ngoài cúng cô hồn người Việt còn có ngày lễ Vu lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Nên cứ đến tháng 7 âm lịch là lòng người chia rẽ. Người lớn thì lo đi đổi tiền, mua trái cây, bánh trái để tranh thủ mạnh ai nấy bày mâm cúng kiếng sớm. Năm nay tiền lẻ khan hiếm vì cánh tài xế gom nhiều để đi “du lịch” các BOT ở vòng vòng Việt Nam nên việc đổi tiền cũng khó khăn hơn. Ðâm ra người lớn quạu chuyện người lớn. Con nít thì mừng rỡ chạy vòng vòng “thám thính” coi nhà nào cúng cô hồn bữa nào, có tiền hông, nhà nào tiền nhiều nhà nào tiền ít… Thế là con nít vui phần con nít. Còn những người lỡ cỡ thì chăm chỉ suy nghĩ để tìm ra một câu chúc hay thiệt hay, một câu chuyện đầy cảm động về tình cảm gia đình để… post Facebook. Càng được nhiều like, comment, share càng hạnh phúc, càng… biết ơn Cha Mẹ mặc dầu có khi Cha Mẹ các cô cậu cũng không biết Facebook là gì. Thế là các cô cậu vui phần các cô cậu. Tôi không rành tháng cô hồn hồi xưa thế nào, tháng Vu Lan hồi đó ra sao nhưng quả thật mọi cái bày ra trước mắt tôi là như vậy. Tất nhiên, không ai có thể ép được ai lo cái lo của mình, buồn cái buồn của mình, vui cái vui của mình. Và tôi không thể “phân thân” thành cả thế giới để hiểu từng người. Cho nên, sau tất cả, ai nói gì thì gì, người buồn nhất trong câu chuyện vẫn là… chị Bé Ba. Dẫu là tháng nào, dẫu là cô hồn hay không cô hồn thì chị vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu lớn của đời mình: Là trở thành một cô hoa hậu (hẻm) trong sáng đến tận khi… lấy chồng. Và trong xóm lại lo sợ, chồng không chạy đến nhanh nhanh, chị hết… trong sáng mất mà lại phang nhau trong tối thì khổ!

Trong lúc chị Bé Ba mặt ủ mày chau, trong khi cả xóm đau đầu nghĩ cách cho chị Bé Ba hết mặt ủ mày chau. Thì thằng Cu Ðỏ con bà Hai bỗng mắt sáng rỡ, gần như gào lên:
“A, hay do cô Bé Ba hổng chịu cúng cô hồn? Nói cổ cúng đi, đổi tiền lẻ nhiều nhiều!”
DU