Lễ Vu Lan
Vu-lan là từ viết tắt của Vu-lan-bồn, còn được gọi là Ô-lam-bà-noa, là cách phiên âm danh từ ullambana trong tiếng Phạn.
Lễ Vu Lan xuất phát từ truyện cứu mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Ðức Phật, có mẹ là bà Thanh Ðề.
Sinh thời, bà làm nhiều điều ác, xúc phạm chư Tăng nên khi chết bị đày xuống địa ngục làm ma đói.
Bồ tát Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ nhưng không thành. Ông được đức Phật chỉ cách cúng chư Tăng vào dịp Rằm tháng Bảy và nhờ phước lực của đông đảo Tăng chúng mới cứu được mẹ mình thoát khỏi đau khổ, hành hạ ở địa ngục.

Làm theo lời Phật, ông đã cứu mẹ được giải thoát. Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này, đó là Vu Lan Bồn Pháp.
Vào dịp tháng Bảy âm lịch hằng năm, các Phật tử cúng dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát.
Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Trung Quốc, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân theo phong tục Á Ðông. Theo tín ngưỡng dân gian, đó là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không được thờ cúng do thân nhân trên dương thế. Cũng theo tín ngưỡng dân gian, tháng 7 âm lịch còn được gọi là “tháng cô hồn”, người Trung Quốc và người Việt Nam tin là tháng không may mắn, nên có những điều kiêng kỵ. Ngoài ra, cũng là tháng người ta khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện.
Bông hồng cài áo
“Bông hồng cài áo” là tên một bài viết về Mẹ do Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn kể về một tập tục mà ông gặp ở Nhật Bản: Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…
Ban đầu, bông hoa đề cập ở bài nói trên không nhất thiết là hoa hồng. Tuy nhiên, khi tập tục này du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng được sử dụng nhiều nhất. Tại các chùa Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức “bông hồng cài áo”, là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, để nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
“Bông hồng cài áo” cũng là tên một ca khúc do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác trong thập niên 1960, lấy ý từ bài viết của Nhất Hạnh.