Menu Close

Trong, đục ao nhà (Kỳ 3)

Chờ ăn và tiệm ăn ở Bolsa

Nếu so sánh chuyện ăn uống ở hai thủ đô tị nạn đông người Việt nhất nước Mỹ là San Jose (Bắc) và Westminster- Garden Grove (Nam Cali) thì ở phía Nam thức ăn ngon hơn và rẻ hơn. Tôi đã ăn một tô mì ở San Jose với giá $12.00 trong khi ở Westminster chỉ phải trả $8.00, và ở San Jose không tìm ra một tô phở giá $6.45 như những tiệm phở có tên Quang Trung ở phía Nam.

Trong thương trường không có cạnh tranh thì không có phẩm chất cao và giá thành hạ. Ðược lựa chọn, khách hàng sẽ chọn tìm chỗ ăn ngon và giá cả phải chăng, thêm vào đó là sự tiếp đãi và thái độ cư xử của nhân viên nhà hàng.

Nhiều bạn phương xa đến Little Saigon thường “than phiền” là được mời ăn tiệm quá nhiều, sau một tuần về nhà, bỗng tăng một đôi cân. Thật ra vùng Nam Cali không có gì hấp dẫn cho chuyện đi thăm viếng di tích hay thưởng thức phong cảnh, mà đậm đà nhất chỉ có chuyện… ăn. Bạn đến đây phải ghi nhật ký cho từng buổi sáng, buổi tối, ai mời ăn và ăn món gì, mời ăn ở đâu. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi ở đây có 10 tiệm cơm chay, 20 tiệm ăn Huế, 30 tiệm mì và 100 tiệm phở. Cũng có tiệm chuyên cơm, chuyên gà, chuyên vịt, chuyên cá hay chuyên ốc, lẩu!

Westminster, một thành phố giàu có và nhộn nhịp.
Westminster, một thành phố giàu có và nhộn nhịp.

Lẽ cố nhiên tiệm nào chuyên thì ngon, còn như “thập bát võ nghệ” trong một tiệm ăn, vừa bán bún bò, vừa có món phở, vừa có cơm, thì phở không ngon, mà bún bò cũng dở.

Một cô con gái ở xa về thăm mẹ ở Little Saigon “than phiền” bị mẹ cho ăn nhiều quá, bạn bè về đây thì được thù tiếp cho ăn mệt nghỉ.

Ở Little Saigon hàng quán đông nhưng khách ăn vẫn nườm nượp, nhất là về mùa Hè khách phương xa về thăm gia đình bạn bè, đi ăn cũng phải ghi tên, chầu chực có khi hơn nửa giờ đồng hồ mới được xướng danh, mừng hết biết. Có trải qua cảnh này mới thấy ông hầu bàn cũng quyền lực, mỗi lần ông xuất hiện y như cả chục đôi mắt nhìn chòng chọc vào như nhìn cô ca sĩ mới xuất hiện trên sân khấu. Ông không mời mà ra lệnh, vì tôi nghĩ ông cũng có chút quyền hành là cho phép người này, người kia được phép vào… ăn!

– “Minh, hai người vô đi!”

– “Oanh, năm người!”

Giá như mà nhà hàng tổ chức lấy số như ngày xưa ở Việt Nam chúng ta lấy số ở phòng mạch bác sĩ, hay như ở Mỹ này lấy số ở hàng cá, hàng thịt thì cũng đỡ, đằng này ông hàng phở cứ thẳng thừng mà xướng danh oang oang giữa chốn đông người.

Nếu chúng ta so sánh cách tiếp đãi của một tiệm ăn Mỹ và một nhà hàng ăn Việt trong vùng thì chúng ta thấy ngay sự cách biệt. Người Việt chưa học được sự văn minh, mềm mỏng mỗi khi phải tiếp khách. Thật ra không cần phải mặc cảm khi làm nhiệm vụ “bưng, bê” nhưng phần đông quý vị lớn tuổi, thường có mặc cảm “ta đây ngày trước cũng ra gì, nay vì hoàn cảnh phải đi… bưng” nên thường lên gân, cho rằng lễ phép, nhã nhặn với khách hàng là “yếu cơ!”

Ở tiệm Mỹ, tiếp viên nhiều khi phải quỳ xuống cho ngang với mặt khách để lấy order, nhã nhặn, quan sát nếu thấy khách đưa mắt hay vẫy tay đã biết ý đến bàn. Sau khi ăn xong, đồng tiền “tip” bỏ ra không tiếc.

Không như trong các nhà hàng Mỹ, tiền “tip” là tiền khách hàng để lại để đánh giá sự phục vụ của mỗi tiếp viên, nhưng ở xứ Bolsa này tiền “tip” nếu không vào túi chủ, thì cũng góp lại chia đều cho mọi người, kể cả chị nhặt rau, anh rửa bát hay ông canh nồi phở trên lò, kiểu cá mè một lứa. Do vậy, người tiếp khách không cần thiết phải hết mình, làm tốt làm xấu cũng được chia đều một số tiền như nhau. Tại Nhật Bản, đưa tiền tip cho người phục vụ ở bất cứ hoàn cảnh nào, bị coi là lăng nhục người đó, nhưng ở trong các nhà hàng Việt, quên bỏ tiền tip coi chừng sẽ bị lăng nhục.

Gần đây, nhiều khách hàng than phiền là bị gian lận bằng cách lấy tiền hai lần, hay tính thêm món ăn. Người Việt chúng ta hay sĩ diện, giành nhau trả tiền mà không cho người kia biết. Có lần, tôi là nạn nhân, khi lên gặp cô thu ngân, nói số bàn, đang móc tiền ra và cô thu ngân đang bấm máy leng keng, thì ông bạn chạy lên:

– “Moa trả rồi!”

Có khi nào chúng ta mời bạn đi ăn mà khi nhà hàng mang phiếu tính tiền tới, lại lẩm nhẩm cộng cộng trừ trừ  để mang tiếng là người bủn xỉn không? Nhưng nếu không kiểm soát lại, có khi bạn cũng bị “tính  nhầm”.

 Chuyện sạch – Chuyện dơ

Vào tiệm ăn, có hai điều chúng ta thường chú ý, đó là cái sàn nhà và phòng vệ sinh. Sàn  nhà thì phải đợi cuối ngày mới có người quét dọn, phòng vệ sinh chắc cũng phải đợi cuối ngày. Nhiều chủ nhân xem vệ sinh là chuyện chẳng cần, do đó phần lớn các quán ăn ở vùng tiểu-Saigon này có cái nhà cầu không thơm tho cho lắm.

Nói chuyện sạch dơ thì phải chú ý đến chuyện “bàn tay năm ngón.” Tôi đã trực tiếp chỉ cho chủ nhân một nhà hàng về chuyện đã trông thấy một anh chàng Mễ trong bếp hốt rau giá vào dĩa bưng ra cho khách bằng bàn tay trần của y. Chuyện này chắc chủ nhân đã trông thấy nhiều lần nhưng cho là chuyện nhỏ, nếu nghiêm khắc trong chuyện vệ sinh thì chắc không bao giờ có những người làm công sơ sót như vậy.

tieman-bolsa-03

Bởi vậy mỗi lần trông thấy hàng chữ  “Employees Must Wash Hands Before Returning to Work” dán trong phòng vệ sinh tôi lại ngờ vực vì có thể nhiều nhân viên nhà hàng không biết đọc tiếng Anh. Ở một tiệm phở, có lần tôi dùng phòng vệ sinh một lần với một nhân viên nhà hàng, khi xong việc cần làm, tôi thấy anh ta đi thẳng vào bếp, mà không làm cái việc ghi bằng tiếng Anh ở trên.

Một lần tôi vào một tiệm “điểm sấm to go” trên đường Bolsa để mua một vài món mang về nhà. Cô bán hàng rất lịch sự, mang găng tay cao su, bốc thức ăn để vào hộp cho tôi. Nhưng sau đó khi tôi trả tiền, cũng chính bàn tay mang găng đó, bấm hộc tiền, bốc tiền lẻ ra thối lại cho tôi. Thì ra cô nàng này sợ bẩn tay phải tiếp xúc với thức ăn và cả đồng đô la dơ bẩn, chứ không phải để giữ vệ sinh cho khách hàng.

Tôi nghĩ là chủ nhân nhà hàng ăn nên cho nhân viên mặc đồng phục hay mang apron (tạp dề) có logo nhà hàng. Có một lần, tôi vô ý ngoắc tay, khi thấy một anh chàng nào đó đang đứng lơ ngơ gần đó, để xin một trái ớt. Mặt khác, khi áo quần nhân viên phục vụ không được sạch sẽ tươm tất lắm, thì thức ăn dọn ra cũng mất ngon.

Những điều tôi viết ra đây, có thể không chỉ nói về vùng Little Saigon hay San Jose ở California mà có thể nói chung là những nơi có quán ăn người Việt trên nước Mỹ. Cũng như những cô tính tiền trong những ngôi chợ Việt, người tiếp viên trong nhà hàng chưa  biết chào hỏi, lễ phép khi khách gọi thức ăn, vì mang mặc cảm là người làm công, thua thiệt trong xã hội. Mặt khác, đây là điều có thật, những chủ nhân mới từ Việt Nam sang, chưa học được lối xã giao văn minh của đời sống Mỹ, vả lại nhân viên toàn là người nhà.

Một lần, đi ăn lẩu với gia đình tại một quán ăn mới mở, vì mới đến lần đầu, chúng tôi đang phân vân giữa các món ăn trong thực đơn, thì cậu  bé “bưng bê” nóng ruột giục:

– “Ông order đi, tôi còn đi bàn khác!”

Người Việt Nam mình thường hay dùng người trong gia đình để phụ việc, hoặc là người mới ở Việt Nam sang, hoặc là bà con trong gia đình không có việc làm.

Người viết bài này hay nói thẳng, lại thuộc loại thích “cơm hàng cháo chợ” mỗi khi xuống Bolsa không kịp về nhà buổi trưa, nên thường quen mặt với những ông bà chủ các cửa hàng ăn. Khi tôi góp ý với chủ nhân một tiệm phở là anh chàng bưng phở mặt mày nặng chình chịch như người “mất sổ gạo” thì ông bạn phân bua:

– “Nó là em vợ tôi đó! Trường hợp anh, anh làm sao?”

Nhưng cũng tội, ít lâu sau, đến tiệm, tôi thấy anh này đã bị “biên chế” vào một công việc lặng lẽ, cô đơn hơn là thu bát dĩa và lau bàn, công việc này không có cơ hội trực tiếp gặp gỡ khách hàng!

tieman-bolsa-01

HP