Menu Close

Bánh mì Việt Nam ở Oslo

Đi suốt Việt Nam từ Nam ra Bắc, ở bất cứ thành phố cho tới tỉnh lẻ nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những xe/tiệm bán bánh mì, từ ngoài đường lớn cho tới bên trong những con hẻm nhỏ. Bánh mì đối với người Việt là một món ăn hàng ngày, có thể ăn bữa sáng lót dạ, bữa trưa hay bữa tối thay cơm, hay lúc đêm khuya đói bụng. Xuất xứ của món ăn này là do người Pháp mang đến cho người Việt, nên người Việt từ đó cũng có sở thích ăn bánh mì baguette kiểu Pháp, nhưng ở VN thì không có những ổ bánh mì baguette dài cả thước như bên Pháp mà bánh mì VN thường dài nhất chỉ khoảng một gang tay người lớn hoặc nhỏ hơn.

banh-mi-viet-nam2
Một tiệm bánh mì VN ở Oslo.

Nhật Hiên

Nhưng phải nói thật, bánh mì baguette của người Pháp thì rất ngon-thơm, vỏ giòn tan, ruột mềm, nhưng các thứ kẹp bên trong thì thua xa bánh mì của người Việt. Qua bao nhiêu năm, bánh mì dưới sự chế biến của người Việt đã trở thành một món ăn vừa ngon vừa rẻ, có thể ăn hàng ngày mà không ngán. Ðó là một món ăn bình dân, người giàu người nghèo gì cũng thích.

Cách đây chừng vài chục năm, nhân bánh mì chỉ có chừng vài ba loại. Càng ngày bánh mì của người Việt càng được “biến hóa”, có rất nhiều loại nhân kẹp khác nhau. Bánh mì thịt, bánh mì gà xé, bánh mì thịt (heo) nướng, bánh mì thịt bò nướng, bánh mì nem nướng, bánh mì chả lụa, bánh mì chả cá, bánh mì paté xá xíu, bánh mì paté thịt nguội, bánh mì xíu mại, bánh mì trứng ốp-la, bánh mì heo quay, bánh mì bì, bánh mì phá lấu, bánh mì bò khô, bánh mì chà bông, bánh mì cá hộp, bánh mì que (đặc sản Hải Phòng) phomai, bánh mì muối ớt…

Ở Sài Gòn, Hà Nội hay những thành phố lớn khác của VN đều có những tiệm/xe bán bánh mì ngon nổi tiếng. Có những người chỉ chuyên bán bánh mì mà làm giàu, xây nhà cao cửa rộng. Một khi đã ngon và có tiếng thì khách hàng đông nườm nượp, cả ngày bán vài ngàn ổ là chuyện bình thường, một xe như vậy phải hai, ba người làm-người xẻ bánh mì, người bỏ nhân, người chan nước sốt…ào ào mà còn không kịp để phục vụ khách.

Kể từ sau năm 1975 đến nay, đã có hàng triệu người Việt rời nước ra đi định cư ở nhiều quốc gia khác nhau, và rất nhiều người đã chọn mở quán ăn, nhà hàng để giới thiệu ẩm thực VN với thế giới. Sau phở, chả giò, gỏi cuốn thì bánh mì có lẽ là một món ăn Việt được phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia và được dân nhiều nước ưa thích. Thậm chí, những từ như “phở”, “bánh mì” còn được đưa vào từ điển tiếng Anh, ví dụ như từ điển Oxford.

banh-mi-viet-nam1
Phía bên ngoài một tiệm street food của VN ở Oslo. Người nước ngoài đang thưởng thức bánh mì VN.

Tôi chưa từng đến Mỹ nhưng nghe nhiều người nói bánh mì thịt VN bên đó cũng rất ngon. Còn ở Paris, Pháp thì tôi đã ăn thử, bánh mì thịt VN ở đây cũng khá ngon. Có tiệm bánh mì “Saigon sandwich” của ông Nguyễn Tuấn ở khu Belleville khá là nổi tiếng, đã ba thế hệ bán bánh mì. Một ổ bánh mì baguette dài cả thước kẹp đủ thứ, bán khoảng 3.5-4 Euro, chỉ có Tây ăn chứ còn sức người Việt chắc phải hai người một ổ.

Ở Na Uy trước đây chừng mười năm thôi không hề có street food, chỉ có các loại fast food ví dụ như McDonald’s, KFC, Burger King… của Mỹ, các món ăn fast food của người Mexico… Nhưng mười năm trở lại đây đã có nhiều loại street food, được bán trong các xe van vào mùa hè hoặc tại các hội chợ, chẳng hạn như hội chợ Giáng Sinh. Bây giờ ở Oslo đã có khá nhiều loại street food, đến từ các nước khác nhau, ví dụ như Fish&Chip của Anh, bánh crepe ngọt và mặn của Pháp, món tacos, nachos…của Mexico, món kebab của dân Trung Ðông, món sushi roll (sushi cuộn thành từng ống dài, hình như cái này của người Thụy Ðiển sáng chế mặc dù sushi là món ăn của Nhật), còn street food của VN thì có chả giò, bánh mì, bánh bao…

banh-mi-viet-nam
Bên trong tiệm. Khách VN và nước ngoài đang chờ mua.

Gần đây có khá nhiều tiệm bánh mì VN mở ra. Có tiệm chỉ bán mỗi món bánh mì thịt, có tiệm có khá nhiều loại, từ bánh mì thịt gà xé, bánh mì thịt heo xé, bánh mì bò nướng, bánh mì paté xá xíu, bánh mì xíu mại, bánh mì chả lụa… Chưa bằng được bánh mì VN, nhưng ăn cũng tạm được. Tôi để ý thấy khách hàng ngoài người Việt chiếm đa số thì dân Na Uy và dân nước khác cũng ghé thử và có vẻ cũng thích thú. Không chừng mai mốt thấy làm ăn được, người Việt lại đua nhau mở tiệm bán bánh mì, vì so với mở nhà hàng thì vốn nhỏ hơn, đỡ cực công hơn. Người Việt là vậy, cứ thấy cái gì làm ăn được là đua nhau, giống như mở tiệm sushi vậy. Ở Oslo có khoảng trên dưới 200 nhà hàng sushi thì 70% có chủ là người Việt.

Và có thể chẳng bao lâu nữa, người Na Uy cũng sẽ quen và yêu thích món bánh mì Việt Nam như họ đã quen và yêu thích món phở, món chả giò Việt Nam.

NH