NGUỒN TIN:RFA

Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tháng 6 vừa qua, tổ chức phi chính phủ GreenID cung cấp số liệu cho thấy, hàm lượng bụi ở Hà Nội cao gấp nhiều lần theo quy định và tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế. Kết quả này do Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Việt Nam tiến hành, cho thấy: Năm 2016, các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn đều có 20% số ngày trong năm có lượng bụi PM10, PM2.5 vượt quá quy định cho phép. Đến 3 tháng tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM2.5, trung bình trong 24 giờ vượt quá tiêu chuẩn của Việt Nam; và 78 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO. Bản tường trình cũng đã phát hiện ra bụi nano ở trong không khí. Điều này khiến các chuyên gia khoa học và môi trường đặc biệt quan tâm, vì bụi nano có khả năng gây hại đến sức khỏe của con người.

Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nghiêm Trung Dũng, Viện Trưởng Viện Khoa Học Và Công Nghệ Môi Trường, cho truyền thông báo chí biết rằng, mấy năm gần đây, các chuyên gia đã quan trắc được bụi nano ở Việt Nam. Theo ông, điều đáng nói là khi cân loại bụi này, phải cần một khối lượng nhất định mới cân được. Với khối lượng này, Nhật Bản cần từ 3 ngày đến 1 tuần mới gom đủ, thì ở Việt Nam hàm lượng lớn tới mức chỉ cần một ngày. Trong khi đó, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Phùng Chí Sỹ, làm việc tại Trung Tâm Công Nghệ Môi Trường, đã phân tích như sau: Bụi nano là loại bụi rất mịn, kích thước siêu nhỏ tính theo nano mét. Một chuyên gia khác là Giáo Sư Tiến Sĩ Đặng Kim Chi, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Môi Trường, thuộc Đại Học Bách Khoa, Hà Nội, nói rằng: Các hạt bụi mang kích thước nhỏ hơn 10 – 6, cỏ cả hai mặt tích cực và tiêu cực đối với sức khỏe con người.
